Trại Bò Kobe đầu Tiên ở Việt Nam - Tiền Phong

Giá mỗi con bò khi xuất chuồng lên tới gần cả tỷ đồng bởi mỗi ký thịt không dưới 100 USD.

Giám đốc Công ty Cổ phần (Cty CP) bò Kobe Việt Nam Nguyễn Trí Đức Vũ (40 tuổi) cho biết sau hơn bốn năm triển khai dự án, doanh nghiệp định hình được mô hình chăn nuôi bò Kobe tại thôn 9, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm. Khởi nguồn từ năm 2009, khi ông Đặng Văn Thành (lúc đó là Chủ tịch HĐQT Sacombank) và ông Nguyễn Minh Tuấn (Tổng giám đốc Cty CP Kềm Nghĩa) sang Nhật Bản, được bạn bè thân thiết người Nhật chiêu đãi thịt bò Kobe chính hiệu rồi đưa đi tham quan trang trại chăn nuôi bò.

Thấy giá thịt bò Kobe quá cao (trên dưới 170 USD/kg) mà vẫn đắt hàng; thời tiết, khí hậu ở trang trại bò Kobe Nhật Bản có nét tương đồng với một số vùng ở Lâm Đồng, ông Thành và ông Tuấn đã quay lại Nhật Bản để tìm hiểu cách thức nuôi bò cao cấp. Sau đó, hai ông thuyết phục một người Nhật Bản vốn sinh trưởng trong gia đình ba đời nuôi bò Kobe cùng hợp tác nuôi bò ở Việt Nam, mỗi bên góp 50% vốn đầu tư.

Đối tác Nhật Bản đã đến Lâm Đồng khảo sát nhiều nơi để chọn khu đất có vị trí, môi trường, khí hậu phù hợp, đáp ứng tiêu chí nuôi bò Kobe như bên Nhật để đặt trang trại. Họ còn lấy một số mẫu đất, mẫu nước mang đi kiểm nghiệm xem có hội đủ các tiêu chuẩn để chiết xuất, lọc tinh khiết cho bò uống và phù hợp để trồng cỏ cho bò ăn hay không.

Gian nan quá trình nhân giống

Để bảo tồn nguồn gene quý hiếm, người Nhật không xuất khẩu con bò Kobe ra nước ngoài, do đó việc lựa chọn nguồn giống bò chất lượng cũng rất gian nan. Cty CP bò Kobe Việt Nam phải nhập tinh bò Kobe từ Mỹ; đồng thời mua bò sữa của Hà Lan về phối tinh để tạo ra bò Kobe F1; sau đó lại sử dụng tinh bò Kobe lai tạo với những con bò cái F1 đã được tuyển chọn tạo ra bò Kobe F2; lặp lại quy trình này với bò cái F2 sẽ tạo ra bò Kobe F3 thuần chủng. Dù mẹ là bò sữa nhưng bò Kobe toàn thân đen tuyền. Sức đề kháng của con non bò Kobe yếu hơn nhiều so với bò trong nước, do đó trong giai đoạn đầu, tỉ lệ chết trên đàn bò con lên đến 20%.

Sau thời gian dài nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục, tỉ lệ này đã giảm nhiều. Dẫu quy trình kỹ thuật này tốn khá nhiều thời gian nhưng công ty vẫn quyết tâm làm đến cùng bởi chỉ có bò thuần chủng mới cho sản phẩm thịt bò Kobe thượng hạng.

Có con giống tốt chưa hẳn có thể nuôi và cho ra loại thịt bò thượng hạng như ở Nhật bởi công nghệ và bí quyết nuôi dưỡng, chăm sóc đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ngày nay tinh bò Kobe được bán ở không ít quốc gia, nhất là Mỹ. Các nhà chăn nuôi đều biết massage cho bò và cho chúng uống bia, nghe nhạc nhưng không đâu cho chất lượng thịt bò Kobe ngon như ở Nhật Bản. “Các nhà sáng lập Cty CP bò Kobe Việt Nam quyết mời bằng được đối tác Nhật hợp tác là vì vậy”, anh Vũ nói.

Kỹ nghệ nuôi bò Kobe

Quy trình kỹ thuật nuôi bò Kobe rất nghiêm ngặt. Thức ăn là những thực phẩm thô (cỏ, ngô, gạo tấm, khoai lang, ngô ủ chua, bã đậu nành, khô dầu đậu phộng…) để tạo ra những thớ thịt săn chắc chứ không phải thức ăn công nghiệp. Mỗi loại đều được phân tích các chỉ tiêu về canxi, phốt pho, vitamin, độ khô, độ đạm, độ béo, chất xơ… Từ những số liệu phân tích này, chuyên gia Nhật Bản lựa chọn, tổng hợp để lên các khẩu phần dinh dưỡng riêng, phù hợp với từng độ tuổi, giới tính của bò. Mỗi năm chuyên gia tiến hành 3 - 4 đợt kiểm tra về thức ăn, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi để đánh giá tốc độ phát triển đàn và đưa ra chuẩn mới.

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định đây là một trong những mô hình chăn nuôi tiên tiến, có triển vọng. Địa phương ủng hộ công ty mở rộng quy mô trang trại và phát triển đàn bò Kobe.

Đến giờ ăn, trang trại vang lên những bản nhạc giao hưởng êm dịu để bò thư giãn, việc ăn uống không trở nên nhàm chán. Mặt khác, mở nhạc cho bò nghe khi ăn nhằm tạo phản xạ có điều kiện cho chúng. Thông thường khi bò được 28 tháng tuổi và đạt đến trọng lượng khoảng 700 kg sẽ trở nên biếng ăn mà nếu ăn ít đi thì lớp mỡ sẽ tiêu hao, nguy cơ không tạo vân mỡ trong thịt bò. Do đó phải tạo phản xạ cho bò để dù có lười biếng nhưng nghe nhạc là chúng tự động đến máng ăn.

Bò Kobe nuôi khoảng 32 tháng, trọng lượng chừng 800 - 1.000 kg sẽ xuất chuồng. Giai đoạn cuối trước khi xuất chuồng (khoảng từ 28 đến 32 tháng) là giai đoạn quan trọng quyết định phẩm cấp thịt bò Kobe, việc chăm sóc càng trở nên quan trọng. Người ta cho bò ăn thêm cả vào ban đêm để tăng trọng nhanh, cho uống bia để kích thích vị giác khiến chúng ăn uống nhiều hơn và cũng để thức ăn dễ tiêu hóa hơn.

Khi lớp mỡ tích tụ dưới da dày lên, người ta massage để đánh tan mỡ, chuyển chúng thấm sâu vào giữa các thớ thịt vì chỉ cần vân mỡ không thấm đều, nhuyễn ra giữa các thớ thịt mà bị vón cục là thịt bò không đạt chuẩn hạng cao. Những vân mỡ trắng phân bố xen kẽ các thớ thịt đỏ với tỷ lệ tương đồng mới đẹp mắt, làm cho thịt mềm mại và có hương vị thơm ngon.

Theo Giám đốc Vũ, trong vài tháng tới lứa đầu tiên sẽ xuất chuồng cho ra những sản phẩm bò Kobe “Made in Vietnam” đầu tiên. Hiện trang trại có gần 100 con bò Kobe và trong thời gian tới sẽ xây thêm chuồng trại phát triển đàn lên 400 con.

Kim Anh

Từ khóa » Bò Kobe Có ở Việt Nam Không