Trái Cây Nhập Khẩu: Thật Giả Lẫn Lộn - VietNamNet

Thị trường trong nước đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc được nhập khẩu qua các cửa khẩu tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, nhiều tư thương đã thừa cơ lợi dụng dán mác “ngoại xịn” để đánh lừa người tiêu dùng.

Thuốc làm chín trái cây chưa được phép vẫn bán vô tư Cận cảnh cháy chợ trái cây Thạnh Trị Trả giá nhập khẩu thực phẩm Xem bài khác trên Vef.vn

Quả gì cũng ngâm thuốc

Đến một cửa hàng trái cây quen trên chợ Hàng Da (Hà Nội), hỏi mua nho Mỹ, tôi định lấy luôn chùm nho trên sạp hàng thì bà bán hàng bảo: “Ấy, để u lấy nho trong nhà cho, nho ngoài này vừa ủ thuốc”. Giật mình hỏi lại bà: “Suýt nữa u cho con ăn loại có thuốc à?”. Bà đon đả: “Mày đang bầu, ăn loại này không có thuốc”. Thế rồi bà cân cho tôi hai cân nho không thuốc.

Được coi là một trong những vựa trái cây lớn ở Đông Nam Á, nhiều loại trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lại đang nhập ồ ạt trái cây ngoại, trong đó có cả những loại mà chúng ta vẫn xuất khẩu với sản lượng lớn, như dưa hấu, xoài...

Cùng với đó, các cửa hàng bán quả nhập khẩu mọc lên ngày càng nhiều các loại táo Mỹ, nho Mỹ, lê Úc, dâu tây Pháp... Nếu như vài năm về trước, các loại trái cây nhập ngoại như vậy chỉ dám bày trong siêu thị (với giá rất đắt) thì giờ đây đã tràn ra vỉa hè tới góc chợ kèm lời chào mời, với cam đoan 100% hàng ngoại nhập khẩu, đảm bảo chất lượng.

{keywords}
Hoa quả Trung Quốc tràn lan

Chị Minh, chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: “So với 3-4 năm trước, thời điểm hoa quả nhập khẩu mới rộ và được người tiêu dùng ưa chuộng thì nay các sản phẩm đã giảm rất nhiều. Nhiều năm buôn bán hoa quả, tôi phải bảo quản trái cây trong tủ mát và phải để ý rất kỹ, vì nếu có quả hỏng là phải bỏ ra ngay kẻo nấm mốc làm hỏng các loại hoa quả khác”.

Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị mà hiện nay, các loại hoa quả nhập khẩu còn có mặt tại các chợ cóc, thậm chí đến cả người bán rong cũng kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, chính việc xuất hiện một cách ồ ạt, bất thường với giá rẻ khiến người tiêu dùng luôn nghi ngại về chất lượng các loại trái cây nhập khẩu hiện nay. Đánh vào tâm lý sính hàng ngoại, các tư thương đã sử dụng tem nhập khẩu giả để dán lên trái cây Trung Quốc, rồi bán với giá “trên trời” nhằm móc túi người tiêu dùng. Chẳng hạn táo Mỹ giá 120.000 đồng/kg, nho đen (đỏ) Australia không hạt 200.000 đồng/kg, cam vàng Mỹ 110.000 đồng/kg, lê Australia 250.000 đồng/kg…

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều người bán hàng trên mạng với những lời quảng cáo hoa quả xách tay với giá rất mềm như cherry chỉ hơn 300.000 đồng/kg; nho đen chỉ 195.000 đồng/kg; cam navel Úc chỉ 77.000đồng/kg, trong khi giá các mặt hàng hoa quả này chỉ bằng 1/2, đôi khi 1/3 giá thị trường. Mà hiện nay bán hàng trên mạng vẫn chưa kiểm soát được khi các cá nhân đưa lên trang bán hàng trực tuyến với những chi phí rất rẻ, đôi khi là không mất đồng nào. Chính vì thế, nhiều người đã bị lừa khi nhận hàng không đúng với những lời quảng cáo.

Chị Vũ Tú Quỳnh (phố Chả Cá, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Giờ không thể phân biệt được hoa quả nhập khẩu thế nào là tốt. Vì ra chợ là mua được táo envy, hay nho Mỹ, nho đen New Zeland. Giá mua ở chợ “mềm” hơn rất nhiều so với mua tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu. Chính vì thế tôi không biết phân biệt đâu là hoa quả không ngâm thuốc, thôi thì cứ mua”.

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Tây Hồ) vừa chọn mua hoa quả nhập ngoại trên phố Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: “Thấy cửa hàng có dán nhãn mác hoa quả nhập khẩu nên mua thôi chứ cũng không nắm được quy trình nhập thế nào”.

Theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thực tế vẫn có một lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây, nhưng không đáng kể. Tình trạng trái cây gắn nhãn mác giả nhập ngoại hiện nay bán nhan nhản trên thị trường càng làm cho người tiêu dùng lo ngại vì không thể phân biệt được thật, giả.

Qua tham khảo, các loại hoa quả nhập khẩu có nguồn gốc chủ yếu từ Autralia, New Zealand, Mỹ, Nam Phi, Chile... và điều đáng nói là giá không quá đắt. Hiện tại một cân nho không hạt Mỹ chỉ 279.000 đồng/kg; táo envy New Zealand 249.000 đồng/kg, kiwi 249.000 đồng/kg... đây là giá được niêm yết tại những cửa hàng nhập khẩu. Giá của các mặt hàng hoa quả tại đây cao hơn nên nhiều người tiêu dùng không vào đây mua mấy. Họ thiên về những nơi nào có giá tốt.

Hô biến “Tàu” thành “Tây”

Chỉ cần đến chợ Long Biên Hà Nội vào lúc nửa đêm sẽ thấy hàng trăm chiếc xe chở hoa quả nhập khẩu. Khi vào trong chợ thì thấy la liệt các mặt hàng hoa quả bán với giá bán buôn. Trong vai một người đi buôn chanh, hỏi lân la một số “nhà” xe thì một thùng táo envy loại 5kg tại đây cũng chỉ 600.000 đồng/thùng; cam đỏ Úc thùng 14kg chỉ 800.000 đồng/thùng... hay nho hàng đẹp “y chang” nho Mỹ 1.500.000 đồng/thùng 10kg; và hầu hết số hoa quả này sẽ được chuyển đi khắp thành phố. Với thùng, tem và mác nhập khẩu không thể “phân biệt được”.

Những bàn tay thoăn thoắt chọn chọn, nhặt nhặt. Các loại hoa quả chỉ một lúc sau được đóng thùng đẹp tinh tươm và được mang đi phân phối. Theo cô Huyền, một người buôn hoa quả lâu năm tại chợ Long Biên: "Nếu lên chợ để mua hoa quả về ăn thì đừng có mua, còn nếu để mua buôn thì cũng phải xem từng nhà. Nhiều nhà cũng cân điêu, trộn hàng, phải tạo cho mình một mối hàng thân thiết. Mà “thân thiết” để được hàng ngon thì cũng dăm phen mất cả chì lẫn chài mới có thể có mối tốt được. Hầu hết bên chợ Phan Phù Tiên, các chợ trên địa bàn Hà Nội đều về đây để nhập hoa quả, chả có hoa quả nhập khẩu các nước đâu, đều là Trung Quốc, Lạng Sơn về đấy".

Theo chủ một đại lý hoa quả ở chợ Long Biên, trừ một số loại trái cây đặc trưng như: kiwi của New Zealand, lê “thiên đường” của Australia... thì còn lại, các loại hoa quả như nho, táo, mận... hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng, người bán hàng rong thường mua loại này về bán với giá là hàng “xịn” để kiếm lời.

Cách phân biệt một số loại hoa quả nhập khẩu

- Nho Trung Quốc to, tròn, ăn có vị chua và khá mềm. Trong khi đó nho Mỹ dài, thuôn, ăn ngọt và giòn. Khi bổ ra, nho Mỹ rất chắc thịt và không có hạt. Trong khi nho Trung Quốc nhiều hạt và ruột rỗng, bóp vào thấy nhão.

- Táo Trung Quốc thường quả tròn, được bọc lưới xốp (lưu ý khi bóc lưới xốp ra thấy nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi) còn táo New Zealand, Mỹ thì hình dáng hơi vuông (có góc cạnh), cao thành.

Một số loại táo đang được ưa chuộng trên thị trường như táo Ambrosia Mỹ (quả to, dài, có màu đỏ xen lẫn vàng kem, ngọt, giòn và rất thơm); Táo Fuji Mỹ (quả màu đỏ với các chấm đỏ hồng tới đỏ đậm); Táo xanh Mỹ (quả màu xanh lá, vị chua đậm, rất giòn, nhiều nước); Táo Gala (sọc hồng cam trên nền vàng, khá giòn và ngọt).

- Quýt Trung Quốc vào Việt Nam được quảng cáo là quýt nội. Quýt Trung Quốc vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô, chai. Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám.

- Nước vắt từ quả cam Úc so với nước vắt từ cam Trung Quốc thường chỉ bằng một nửa. Nước vắt từ cam Úc cũng có màu vàng đậm hơn, mùi nước thơm vừa phải, vị ngọt, còn nước vắt từ cam Trung Quốc vàng nhạt, mùi hăng hắc.

(Theo Petrotimes)

Từ khóa » Trái Cây đánh Lộn