Trải Nghiệm Người Dùng (UX) Là Gì Và Tầm Quan Trọng Của UX

Các sản phẩm, ứng dụng và trang web ngày càng trở nên phức tạp hơn khi công nghệ vẫn luôn phát triển. Tuy nhiên, dù có bất kỳ thay đổi gì thì trong quá trình sản xuất và thiết kế, thành công của sản phẩm vẫn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng đó chính là cách người dùng cảm nhận. Đó sẽ là những câu hỏi về giá trị mà họ nhận được, sự dễ dàng, thoải mái trong cách sử dụng,.... Đây đều là những điều lướt qua trong tâm trí người dùng về hành trình trải nghiệm của mình. Đồng thời cũng là yếu tố để quyết định họ có tiếp tục quay trở lại để thực hiện hành trình đó hay không. Chính vì vậy, bạn cần hiểu được trải nghiệm người dùng (UX) là gìtầm quan trọng của thiết kế UX để đưa ra những phương án tốt nhất nhằm tạo ra một sản phẩm, ứng dụng hay trang web thành công.

Trải nghiệm người dùng (UX) là gì? Tầm quan trọng của thiết kế UX

Mục lục

  • Trải nghiệm người dùng (UX) là gì?
    • 1. Khái niệm về trải nghiệm người dùng
    • 2. Trải nghiệm người dùng: tốt, xấu và tồi tệ
    • 3. Trải nghiệm người dùng trong ngành CNTT
  • Tại sao doanh nghiệp cần tối ưu trải nghiệm người dùng?
  • Các yếu tố đánh giá trải nghiệm người dùng
    • 1. Hữu ích (useful)
    • 2. Có thể sử dụng (usable)
    • 3. Có thể tìm thấy (findable)
    • 4. Đáng tin cậy (credible)
    • 5. Khơi gợi mong muốn (desirable)
    • 6. Có thể truy cập (accessible)
    • 7. Có giá trị (valuable)
  • Quy trình thiết kế trải nghiệm người dùng
    • 1. Định hình sản phẩm
    • 2. Nghiên cứu
    • 3. Phân tích
    • 4. Thiết kế
    • 5. Đánh giá
  • Những nguyên tắc khi thiết kế trải nghiệm người dùng
    • 1. Tập trung vào người dùng
    • 2. Tính nhất quán
    • 3. Hệ thống phân cấp
    • 4. Bối cảnh sử dụng sản phẩm
    • 5. Đưa người dùng vào quyền kiểm soát
    • 6. Khả năng tiếp cận
    • 7. Kiểm tra khả năng sử dụng

Trải nghiệm người dùng (UX) là gì?

1. Khái niệm về trải nghiệm người dùng

Trải nghiệm người dùng (user experience - UX) là hành trình toàn diện mà người dùng trải qua khi họ sử dụng một sản phẩm. Điều này không chỉ bao gồm các tương tác trực tiếp của người dùng với sản phẩm mà còn cả cách để sản phẩm phù hợp với quy trình hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đối với nhiều người, UX sẽ gắn với các thiết bị kỹ thuật thông minh như: điện thoại, máy tính, laptop, phần mềm, trang web,.... Tuy nhiên, trên thực tế thì trải nghiệm người dùng còn rộng hơn thế, điều này được thể hiện qua cả các hoạt động hàng ngày như khi chúng ta lái xe, đi siêu thị, nấu ăn, mua sắm,....

2. Trải nghiệm người dùng: tốt, xấu và tồi tệ

Mỗi ngày, chắc chắn bạn đều sẽ thực hiện rất nhiều hoạt động cũng như các tương tác khác nhau. Tất nhiên là mỗi khi điều này diễn ra sẽ mang đến cho bạn một cảm giác cũng như trải nghiệm riêng. Vậy lần gần đây nhất bạn có được trải nghiệm tuyệt vời là khi nào? Có thể là đến một quán ăn và thưởng thức các món ngon hay bạn tìm thấy những thông tin hữu ích từ một trang web. Tất cả điều này chắc hẳn đều đã làm cho bạn cảm thấy thích thú và vui vẻ.

Tuy nhiên, có một sự thật rằng trải nghiệm người dùng xấu thường được chú ý nhiều hơn là trải nghiệm người dùng tốt. Khi truy cập vào một trang web có giao diện sắp xếp hợp lý, dễ điều hướng, thông tin hữu ích thì thường mọi người sẽ xem đây là hiển nhiên và trở nên quen thuộc với điều đó. Tuy nhiên, khi người dùng sử dụng một ứng dụng để chuyển tiền, nhưng việc phải thực hiện qua rất nhiều bước, cách xác minh phức tạp thường sẽ làm cho họ cảm thấy mất kiên nhẫn, tức giận. Đặc biệt, mỗi khi có ai nhắc về ứng dụng này, ngay lập tức họ sẽ nhớ lại trải nghiệm không tốt đã gặp phải.

3. Trải nghiệm người dùng trong ngành CNTT

Trải nghiệm người dùng trong marketing được sử dụng khá phổ biến. Nhưng bên cạnh đó, trong ngành CNTT, những lập trình viên web cũng thường nói về điều này bằng các thuật ngữ chuyên ngành như: User Centered Design, User Interface (UI), Graphic User Interface (GUI), Usability, Human Factors & Ergonomic và Human Computer Interaction.

Nhiều người nghĩ rằng trải nghiệm người dùng chỉ biểu thị cho một trong các thuật ngữ trên. Tuy nhiên trên thực tế, user experience còn có liên quan đến các khía cạnh khác khi người dùng tương tác hay sử dụng một sản phẩm, dịch vụ, môi trường hoặc phương tiện. Vậy nên, có thể nói trải nghiệm người dùng chính là sự kết hợp của tất cả các yếu tố này.

Đặc biệt, trong thời kỳ công nghệ hiện đại như ngày nay, trải nghiệm người dùng càng trở nên quan trọng hơn khi có nhiều sản phẩm, dịch vụ hướng đến giải pháp tự động hóa dựa trên các phần mềm. Chính vì vậy, những người làm trong ngành IT cần phải quan tâm nhiều hơn đến điều này để đảm bảo các sản phẩm, phần mềm mà họ tạo ra có khả năng đáp ứng được nhu cầu, mong muốn, thói quen và mong đợi của người dùng.

Trải nghiệm người dùng trong IT

Tại sao doanh nghiệp cần tối ưu trải nghiệm người dùng?

Khi doanh nghiệp tối ưu trải nghiệm người dùng website hoặc ứng dụng dành cho thiết bị di động, người dùng sẽ cảm thấy thoải mái và điều này giúp tương tác giữa họ với thương hiệu ngày một tăng lên. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng được đánh giá cao về độ chuyên nghiệp, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi sẽ được cải thiện đáng kể. Không những vậy, trải nghiệm người dùng tốt còn mang đến một số lợi ích sau:

- Dễ sử dụng: Nếu thiết kế website hoặc ứng dụng khó điều hướng và gây nhầm lẫn, người dùng có thể từ bỏ tương tác và chuyển sang đối thủ cạnh tranh của bạn. Có thể nói, điều hướng được thiết kế tốt, dễ sử dụng là điều quan trọng trong việc tạo sự tin tưởng với những khách hàng tiềm năng.

- Tăng doanh thu: Khi bạn cung cấp trải nghiệm người dùng đơn giản và dễ dàng tiếp cận, doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều khách truy cập hơn. Điều này có nghĩa là họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để sử dụng trang web hoặc ứng dụng của bạn và đây cũng chính là yêu cầu cơ bản để tạo ra chuyển đổi tốt, giúp tăng doanh thu, đặc biệt là với website bán hàng và web thương mại điện tử.

- Tiết kiệm chi phí: Nếu trải nghiệm người dùng được thiết kế tốt, UX designer và developers sẽ không cần mất nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi lại sản phẩm. Điều này cũng đồng thời giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.

- Tối ưu các bước sử dụng: Người dùng càng phải thực hiện nhiều bước để truy cập vào thông tin mà họ đang tìm kiếm thì khả năng từ bỏ quy trình càng cao. Bằng cách tối ưu trải nghiệm người dùng trên website hoặc ứng dụng, bạn có thể giảm số bước người dùng phải trải qua để không làm mất đi những khách hàng tiềm năng.

- Tăng tương tác: Khi bạn tạo ra UX phù hợp, người dùng sẽ cảm thấy thích thú và có đánh giá cao trong quá trình điều hướng sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web. Nếu họ cảm thấy trải nghiệm được thực hiện dễ dàng, trực quan hoặc có giá trị cao, nhiều khả năng sẽ có thêm các tương tác khác với doanh nghiệp.

- Giữ chân khách hàng: Những doanh nghiệp cung cấp trải nghiệm có giá trị cao, tương tác tích cực sẽ giữ chân khách hàng nhiều hơn đơn giản bởi vì họ thích hoạt động kinh doanh của bạn.

- Cải thiện lòng trung thành của khách hàng: Những khách hàng hài lòng với sản phẩm, dịch vụ cũng như trải nghiệm của doanh nghiệp có khả năng họ sẽ tiếp tục trung thành hoặc thậm chí là đưa ra những đề xuất, bài đánh giá quan trọng dành cho bạn.

- Tạo mẫu chính xác hơn: Mục tiêu của việc tạo mẫu là kiểm tra các khái niệm thiết kế và khả năng sử dụng, đồng thời hạn chế chi phí phát triển sản phẩm. Người làm UX khi được suy nghĩ kỹ lưỡng có thể tạo ra các thiết kế và mô hình chính xác hơn, giúp tiết kiệm thời gian thực hiện kế hoạch.

Trải nghiệm người dùng

Các yếu tố đánh giá trải nghiệm người dùng

1. Hữu ích (useful)

Useful hay còn được gọi là tính hữu ích của sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá trải nghiệm người dùng. Một sản phẩm được xem là hữu ích khi mang đến những giá trị thực tế, đó có thể là sự thú vị, hấp dẫn, nhanh chóng. Nhờ đó, sản phẩm của doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường kinh doanh.

2. Có thể sử dụng (usable)

Để tạo điều kiện thuận lợi và không gây cản trở trong hành trình trải nghiệm người dùng thì chắc chắn sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web đó bắt buộc phải sử dụng được. Đây là yếu tố cơ bản nhưng vô cùng quan trọng, liên quan đến việc người dùng có đạt được mục tiêu của họ hay không. Đồng thời, yếu tố này cũng ảnh hưởng đến sự kiên nhẫn mà người dùng bỏ ra để trải nghiệm sản phẩm. Có thể nói, qua từng phiên bản của sản phẩm thì những UX designer đều rất đề cao đến yếu tố này, cụ thể ở đây chính là tính năng rõ ràng, dễ điều khiển.

3. Có thể tìm thấy (findable)

Người dùng cần phải dễ dàng tìm kiếm được thông tin và nội dung bên trong sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm kỹ thuật số. Điều đó có nghĩa là bạn phải cung cấp cho họ một môi trường để có thể tìm hiểu rõ hơn về những gì mà doanh nghiệp đang cung cấp.

Thiết kế trải nghiệm người dùng

4. Đáng tin cậy (credible)

Uy tín và sự tin cậy là yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định có nên sử dụng một sản phẩm nào đó hay không. Tất nhiên, sự tín nhiệm này cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, phát triển và mở rộng thị trường kinh doanh. Chính vì vậy, để nâng cao trải nghiệm người dùng, doanh nghiệp cần cung cấp những thông tin cũng như trải nghiệm thực tế nhất nhằm gia tăng độ tin cậy của mình. Bởi vì nếu khách hàng mất đi sự tin tưởng với doanh nghiệp, họ sẽ tìm một đơn vị khác thay thế bạn.

5. Khơi gợi mong muốn (desirable)

Một sản phẩm có nhiều người mong ước là khi đạt được nhiều yếu tố khác nhau như: thương hiệu nổi tiếng, thiết kế đẹp, chất lượng tuyệt vời, mang đến cảm xúc mới lạ cho người dùng,.... Khi sản phẩm của bạn có thể khơi gợi được sự mong muốn trong khách hàng thì đây chính là một thành công lớn bởi vì hiện nay yếu tố cảm xúc có khả năng chi phối khá nhiều trong quyết định mua hàng. Vậy nên, bằng cách cải thiện trải nghiệm người dùng, bạn có thể từng bước biến sản phẩm của mình trở thành mong muốn của nhiều khách hàng.

6. Có thể truy cập (accessible)

Khả năng truy cập liên quan đến việc mọi người có thể tiếp cận và sử dụng các tính năng có trong sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web. Điều này không chỉ bao gồm những người bình thường mà bạn nên quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm của cả những người khiếm khuyết. Một số doanh nghiệp thường bỏ qua nhóm người dùng này vì nghĩa rằng tỷ lệ không cao và đó cũng không phải là tệp khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, đôi khi điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của nhiều khách hàng khác về sản phẩm của bạn.

7. Có giá trị (valuable)

Người dùng sẽ không bỏ tiền ra nếu sản phẩm không mang lại bất kỳ giá trị gì cho họ. Chính vì vậy, bạn cần tạo ra sản phẩm cung cấp được lợi ích cho cả người mua và người sử dụng bởi vì đây chính là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Ngoài ra, cả doanh nghiệp cũng phải nhận được giá trị tạo ra từ sản phẩm.

Tối ưu hành trình trải nghiệm người dùng

Quy trình thiết kế trải nghiệm người dùng

1. Định hình sản phẩm

Một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong thiết kế trải nghiệm người dùng được thực hiện đó chính là định hình cho sản phẩm. Điều đó có nghĩa là trước khi xây dựng một ứng dụng hoặc bất kỳ loại website nào, bạn cần phải hiểu và xác định bối cảnh để tồn tại. Có thể nói, đây chính là giai đoạn đặt nền tảng cho sản phẩm cuối cùng. Trong giai đoạn này thường sẽ bao gồm các hoạt động như:

- Phỏng vấn các bên liên quan để thu thập những thông tin về mục tiêu kinh doanh.

- Suy nghĩ về các khía cạnh chính và đề xuất giá trị của sản phẩm. Cụ thể sản phẩm này là gì? Ai sẽ là người sử dụng sản phẩm? Tại sao họ lại sử dụng sản phẩm? Các đề xuất này cần có sự đồng thuận và thống nhất đối với nhóm thiết kế và các bên liên quan đến sản phẩm cũng như đưa ra quyết định làm thế nào để phù hợp với nhu cầu người dùng và doanh nghiệp.

- Phác thảo ý tưởng bằng bản mô phỏng ban đầu của sản phẩm trong tương lai.

Giai đoạn này thường kết thúc bằng một cuộc họp để khởi động dự án. Tại đây sẽ tập hợp tất cả những người đóng vai trò chủ chốt để đặt ra các tiêu chí. Điều này bao gồm các phác thảo cao cấp về mục đích sản phẩm, thành viên thực hiện dự án, cách mọi người làm việc với nhau và kỳ vọng về KPI cũng như cách đo lường thành công của sản phẩm.

2. Nghiên cứu

Khi đã xác định được ý tưởng của mình, team UX designer sẽ chuyển sang giai đoạn tiến hành nghiên cứu. Thông thường, giai đoạn này sẽ bao gồm cả nghiên cứu người dùng và nghiên cứu thị trường. Lúc này, những nhà thiết kế với kinh nghiệm của mình sẽ tiến hành thu thập và nghiên cứu thông tin để đưa ra hướng thiết kế sớm nhất nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Đây cũng được xem là giai đoạn có sự thay đổi nhiều nhất của dự án. Bởi vì điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình nghiên cứu như: độ phức tạp của sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web, thời gian, nguồn lực có sẵn,.... Trong giai đoạn này, UX designer sẽ thực hiện các công việc như:

- Phỏng vấn sâu cá nhân để hiểu hơn về người dùng. Cuộc phỏng vấn này sẽ cung cấp dữ liệu định tính về đối tượng mục tiêu, nhu cầu, mong muốn, nỗi sợ hãi, động cơ và hành vi của họ.

- Nghiên cứu cạnh tranh để những nhà thiết kế UX hiểu được các tiêu chuẩn trong ngành và xác định cơ hội cho sản phẩm trong thị trường ngách.

Tăng trải nghiệm người dùng trên website

3. Phân tích

Mục đích của giai đoạn phân tích là đưa ra kết luận từ những dữ liệu đã thu thập được trong giai đoạn nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là chuyển đổi thông tin từ những gì người dùng muốn / nghĩ / cần sang tại sao họ lại muốn / nghĩ / cần. Trong giai đoạn này, các nhà thiết kế sẽ đưa ra kết luận về nhận định đúng đắn dựa vào những phân tích đã thực hiện. Cụ thể, UX designer sẽ thực hiện các công việc sau:

- Xây dựng nhân vật đại diện cho những kiểu người dùng khác nhau khi sử dụng sản phẩm. Khi thiết kế, UX designer sẽ tham khảo những nhân vật này giống như mô tả thực tế về đối tượng người dùng mục tiêu.

- Nắm bắt câu chuyện của người dùng để UX designer hiểu được họ sẽ thực hiện các tương tác như thế nào với sản phẩm.

- Phân cảnh (storyboarding) giúp các nhà thiết kế UX· kết nối cá tính người dùng với câu chuyện của họ. Hay hiểu một cách đơn giản thì đây sẽ là cách người dùng tương tác với sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web.

4. Thiết kế

Khi mong muốn, nhu cầu và mong đợi của người dùng đã được làm rõ, những UX designer sẽ chuyển sang giai đoạn thiết kế. Ở giai đoạn này, mỗi thành viên trong nhóm sẽ đảm nhận các công việc khác nhau, từ tạo kiến trúc thông tin (AI) cho đến thiết kế giao diện người dùng thực tế. Một giai đoạn thiết kế hiệu quả đòi hỏi cần có sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhóm và được thực hiện một cách lặp đi lặp lại, có nghĩa là sau khi thực hiện xong sẽ quay lại với ý tưởng ban đầu để xác thực. Trong giai đoạn thiết kế, UX designer sẽ thực hiện các công việc bao gồm:

- Phác thảo để hình dung ý tưởng bằng cách vẽ tay trên một tờ giấy trắng hoặc sử dụng công cụ kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp cho nhóm hình dung ra một loạt các giải pháp thiết kế trước khi đưa ra quyết định nên thực hiện theo hướng nào.

- Tạo khung (wireframes) giúp cho những UX designer hình dung cấu trúc cơ bản của sản phẩm trong tương lai, bao gồm các yếu tố chính và cách chúng liên kết với nhau. Wireframes đóng vai trò là xương sống của sản phẩm và những nhà thiết kế thường sử dụng để làm nền tảng cho các mô hình cũng như nguyên mẫu.

- Tạo nguyên mẫu về trải nghiệm tương tác thực tế, đây là một mô phỏng có khả năng giống với sản phẩm cuối cùng theo mức độ từ thấp đến cao và có thể được thực hiện bởi các phần mềm thiết kế web hoặc các công cụ hỗ trợ khác.

- Tạo thông số kỹ thuật cho thiết kế để những nhà phát triển biến nguyên mẫu thành một sản phẩm thực tế có thể hoạt động được.

- Tạo hệ thống thiết kế bao gồm các thành phần, mẫu và phong cách cho sản phẩm.

Tăng trải nghiệm người dùng

5. Đánh giá

Đánh giá là một trong những bước quan trọng đối với UI UX design, giúp cho các thành viên trong nhóm UX designer hiểu được liệu thiết kế của họ có phù hợp với người dùng hay không. Thông thường, giai đoạn này được thực hiện khi đã tạo ra sản phẩm thiết kế gần như hoàn chỉnh vì điều này sẽ cung cấp nhiều phản hồi có giá trị hơn. Trong một loạt các phiên thử nghiệm, nhóm UX design sẽ xác thực sản phẩm của mình với các bên liên quan và người dùng cuối cùng. Giai đoạn này sẽ bao gồm các bước:

- Các thành viên trong nhóm thiết kế sẽ thử sử dụng sản phẩm thường xuyên, hoàn thành các thao tác định kỳ để sớm phát hiện ra sai sót.

- Tiến hành các phiên kiểm tra với người dùng, họ thường là những người đại diện cho đối tượng mục tiêu trong thiết kế.

- Thực hiện các cuộc khảo sát để thu thập thông tin định lượng và định tính từ người dùng trong thực tế.

- Phân tích dữ liệu định lượng (số lần nhấp chuột, thời gian điều hướng, truy vấn tìm kiếm,...) từ công cụ phân tích để khám phá cách người dùng tương tác với ứng dụng, trang web.

Những nguyên tắc khi thiết kế trải nghiệm người dùng

1. Tập trung vào người dùng

Tập trung vào người dùng là nguyên tắc quan trọng nhất khi thiết kế UX và là nền tảng cho tất cả các nguyên tắc khác. Đây được xem là điều cốt lõi để tránh những vấn đề khi UX designer tiến hành thiết kế. Một thiết kế tuyệt vời là sự kết hợp giữa hình thức và chức năng bằng cách tích hợp trải nghiệm người dùng vào trong thiết kế sản phẩm, app hoặc trang web ở giai đoạn sớm nhất có thể. Lúc này, bạn sẽ có được một sản phẩm lấy người dùng làm trung tâm. Để có thể áp dụng tốt nguyên tắc này, bạn cần suy nghĩ cẩn thận về cách thức mà người dùng sẽ tương tác cũng như những tác vụ phổ biến mà họ sẽ sử dụng. Đồng thời, hãy ghi nhớ về những điều này trong suốt quá trình thiết kế.

Tăng trải nghiệm người dùng trong marketing

2. Tính nhất quán

Một nguyên tắc quan trọng nhất để mang đến thiết kế trải nghiệm người dùng thành công đó chính là về tính nhất quán. Điều này được thể hiện ở sự đồng nhất giữa thiết kế và chức năng. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng rất nhiều ứng dụng và trang web thành công đã sử dụng các mẫu tương tự nhau cho giao diện người dùng. Bởi vì khi người dùng thực hiện thao tác trên ứng dụng hoặc trang web, họ đã có ý tưởng sẵn về cách thức hoạt động và bạn buộc phải tôn trọng điều này. Mặc dù bạn không nên sao chép ứng dụng hoặc trang web của đối thủ cạnh tranh nhưng việc tạo ra bản giao diện giống với những người dẫn đầu thị trường là cách hiệu quả để người dùng có thể dễ dàng điều hướng trên sản phẩm của bạn.

3. Hệ thống phân cấp

Hệ thống phân cấp là một nguyên tắc cốt lõi khác của thiết kế trải nghiệm người dùng website, app hoặc một sản phẩm nào đó nhưng lại thường bị lãng quên. Ở cấp độ đơn giản nhất, tiếp cận phân cấp trong thiết kế đó chính là thông qua tất cả các chức năng và thông tin mà ứng dụng, trang web của bạn sẽ chứa. Sau đó, tổng hợp những điều này thành một sơ đồ cấu trúc dạng cây, trong đó mọi khía cạnh của trang web đều phải thật tự nhiên.

Việc áp dụng cách này ở giai đoạn thiết kế sẽ mang đến nhiều lợi thế. Thứ nhất là cho phép người dùng điều hướng dễ dàng hơn và tìm thấy những gì họ đang quan tâm. Thứ hai đó chính là đơn giản hóa nhiệm vụ của một UX designer, có nghĩa là bạn sẽ không bị “cám dỗ” khi liên tục thêm các plugin và chủ đề mới cho trang web. Giống như Dieter Rams - một nhà thiết kế người Đức đã đưa ra mười nguyên tắc thiết kế tốt nhất cho mình, trong đó có một nguyên tắc chính là “thiết kế càng ít càng tốt”.

4. Bối cảnh sử dụng sản phẩm

Ngữ cảnh hay còn được gọi là bối cảnh để người dùng tương tác với thiết kế chính là một nguyên tắc quan trọng trong UX design. Điều này có nghĩa là bạn cần chú ý đến thiết bị nào sẽ được dùng để truy cập trang web, đặc biệt là đối với thiết bị di động. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải chú ý đến các yếu tố khác, ví dụ thiết kế có thể hoạt động khi người dùng ngồi trong văn phòng yên tĩnh, mát mẻ nhưng cũng có những người sử dụng tại một nơi ồn ào.

Nguyên tắc tối ưu trải nghiệm người dùng

5. Đưa người dùng vào quyền kiểm soát

Đưa người dùng vào quyền kiểm soát là một phần quan trọng trong quá trình thiết kế UX để mang lại cho họ trải nghiệm tốt hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên cung cấp cho họ toàn quyền kiểm soát sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web. Việc có quá nhiều thông tin đôi khi cũng làm cho những người dùng thiếu kinh nghiệm cảm thấy choáng ngợp. Vậy nên, cần đảm bảo sản phẩm của bạn vẫn phải dễ dàng sử dụng dù có thêm các tính năng nâng cao. Bạn có thể ẩn các tùy chọn nâng cao này trong một phần khác của trang web nhưng phải đảm bảo chúng luôn sẵn sàng khi người dùng muốn sử dụng.

6. Khả năng tiếp cận

Khả năng tiếp cận có nghĩa là làm cho thiết kế của bạn dễ dàng sử dụng với tất cả mọi người, kể cả những người khuyết tật. Hãy đặt nguyên tắc này vào trung tâm của quá trình thiết kế vì điều đó sẽ cho phép người dùng của bạn có trải nghiệm tuyệt vời và đồng thời cũng mang đến quyền truy cập bình đẳng.

7. Kiểm tra khả năng sử dụng

Nguyên tắc cuối cùng của thiết kế UX có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc đầu tiên đã được đề cập đến. Việc thiết kế bằng cách lấy người dùng làm trung tâm có nghĩa là tham khảo ý kiến của họ trước khi bắt đầu thiết kế. Điều này sẽ đảm bảo sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web của bạn đang hoạt động cho người dùng. Chính vì vậy, bạn cần đưa ra một hệ thống kiểm tra khả năng sử dụng nghiêm ngặt.

Ý tưởng cốt lõi cần được ghi nhớ ở đây là quá trình thiết kế của bạn không dừng lại khi sản phẩm được hình thành. Thay vào đó, thiết kế UX là một quá trình lặp đi lặp lại, trong đó bạn phải luôn đi tìm hiểu cách người dùng thực sự sử dụng sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web để tiến hàng cải thiện sao cho phù hợp.

Nguyên tắc tăng trải nghiệm người dùng

Ngày nay, thiết kế trải nghiệm người dùng đã đóng vai trò thiết yếu và những sản phẩm, ứng dụng hoặc trang web đều được tạo ra bằng cách lấy user experience làm trung tâm. Để có được sản phẩm hoàn hảo đòi hỏi UX designer phải trải qua một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, lên ý tưởng cũng như trao đổi với các bên liên quan. Đây là một quá trình đòi hỏi phải thực hiện theo từng bước, bởi vì chỉ với một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm cũng như trải nghiệm người dùng. Hi vọng rằng từ những chia sẻ của đội ngũ biên tập viên Phương Nam 24h bạn đã hiểu hơn về trải nghiệm người dùng, từ đó biết cách để tối ưu thiết kế nhằm mang đến kết quả tốt hơn.

Từ khóa » Thiết Kế Trải Nghiệm Người Dùng