“Trai Nuôi Vợ Bệnh Gầy Mòn”? - Tư Vấn Tâm Sinh Lý

Sau khi sinh con đầu lòng, vợ tôi ngã bệnh và đau ốm liên miên. Tôi một mình “gà trống nuôi con” và chăm vợ bệnh. “Mình là đàn ông sức dài vai rộng phải là chỗ dựa cho vợ con”, tôi vẫn nghĩ thế. Có điều, áp lực của gia đình và dư luận cứ bủa vây lấy mình. Bên nội thì xót con trai phải “hầu vợ” nên bực lây sang con dâu, hàng xóm láng giềng thì chép miệng thương hại nói ra nói vào...

Thực ra chuyện nuôi người bệnh không phải hiếm, vài chị mà tôi quen biết cũng đang nuôi chồng nằm liệt giường là thương binh hoặc sau tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Nhưng họ lại được động viên giúp đỡ. Tại sao có sự “phân biệt đối xử” như vậy?

(Một bạn đọc giấu tên)

nam tay

Bệnh tật là điều không ai mong muốn nhưng vẫn xảy ra. Khi một trong hai người bị bệnh dài ngày, áp lực đè nặng lên cả hai. Người khỏe đã không được chăm sóc chiều chuộng lại còn phải thức khuya dậy sớm chạy vạy lo cho người kia, vừa gánh vác việc mưu sinh vừa phải làm nội tướng – điều mà nhiều chàng trai cô gái trước khi kết hôn chưa từng kinh qua. Rồi lại phải chịu đựng sự phàn nàn, khó tính khó nết của người ốm. Không còn thì giờ nghỉ ngơi giải trí mà chỉ còn gánh nặng lo âu, nợ nần. Người bệnh ngoài nỗi khổ về bệnh tật, đau đớn, mặc cảm, tiền bạc thiếu thốn, còn tâm trạng tự dằn vặt mình đã trút gánh nặng lên người bạn đời, lo sợ bị chán, bị bỏ rơi...

Cùng một hoàn cảnh nhưng cách ứng xử có khác nhau ở hai phái, ở chỗ cả hai đều có tính “nhạy cảm”, đàn ông nhạy cảm với sự việc, nếu có việc gì không vừa ý, càng nghĩ lại càng nóng. Phụ nữ nhạy cảm với lời nói, một câu nói ra tuy thoáng qua nhưng càng nghĩ lại càng cảm thấy tủi hờn, tức giận. Theo một điều tra xã hội học thì 35% vụ ly hôn là do người vợ bệnh, trong khi tỷ lệ phụ nữ ly hôn vì chồng mất sức lao động thì ít hơn nhiều. Có sự “khác giống tuy chung một giàn” này là do sự khác biệt về giới giữa hai phái: Trai thích hợp với những công to việc lớn, gái làm việc tỉ mỉ. Trai sức bật tốt, gái sức bền tốt. Trai có ý chí tranh đua vượt khó, gái nhiều nghị lực kiên nhẫn. Thêm vào đó, tình mẫu tử dường như có sẵn trong mỗi bé gái. Phụ nữ sinh ra để quan tâm, chăm sóc yêu thương người khác như một nhu cầu, niềm vui, ý nghĩa của đời mình hơn là một trách nhiệm và nghĩa vụ phải cắn răng hoàn thành. Từ đời này đến đời kia, cái nhìn của xã hội cho rằng, trai “hầu” vợ là của hiếm còn vợ nuôi chồng là lẽ đương nhiên.

Tôi ủng hộ cách nghĩ của bạn. Vợ chồng, ngoài “tình” còn “nghĩa”. Bạn bè còn không bỏ mặc nhau lúc khó khăn, huống hồ vợ chồng? Kinh nghiệm cho thấy, cặp vợ chồng nào “càng cay đắng lắm càng ân huệ nhiều”, càng cùng nhau vượt qua những nỗi khó khăn vất vả, đau khổ thì càng gắn bó son sắt. Thử nghĩ xem: khi vợ còn sống cùng cha mẹ, từ nhỏ đến lớn chưa từng phải lo lắng những công to việc lớn, việc gì đã có bố mẹ đứng ra gánh vác, nay chỉ vì một chữ “tình” mà rời xa bố mẹ đã một đời nuôi mình khôn lớn, đem nửa đời sau phó thác cho mình, gọi bố mẹ mình là bố mẹ, coi anh chị em của mình như anh chị em của cô ấy. Nếu không được đối xử tốt, đặc biệt khi lâm bệnh hoặc ốm đau dai dẳng, bệnh nan y... thì cô ấy khó mà vượt qua được. Vợ mình thì mình phải biết xót, nếu trên đời này có ai đó xót vợ bạn hơn bạn thì chắc chắn bạn đang “có vấn đề” rồi đấy.

THẠC SĨ- BÁC SĨLAN HẢI

Từ khóa » Trai Chăm Vợ đẻ Gầy Mòn