Trại Rắn Hổ Trâu Cho Thu Nhập Hàng Trăm Triệu đồng ở Sóc Sơn (Hà Nội)
Có thể bạn quan tâm
Về thôn Góc Thông, xóm Phú Hữu, xã Minh Phú (Sóc Sơn), tận mắt chứng kiến cơ ngơi khang trang của ông chủ trại rắn lớn nhất huyện, ai cũng thầm khâm phục chí làm giàu của chàng trai Nguyễn Ngọc Quyết. Học hết cấp 2, anh Quyết được gia đình hướng cho học nghề vận hành máy thi công nền. Đi làm được 2 năm, anh bị tai nạn gãy chân, phải nghỉ việc, ở nhà trợ giúp bố mẹ làm ruộng.
Trong một dịp về quê ngoại ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vốn nổi tiếng với nghề rắn, Quyết ngỡ ngàng với cơ ngơi khá giả được gây dựng từ mô hình nuôi rắn của nhiều hộ gia đình nơi đây. Được họ hàng khuyến khích, truyền kinh nghiệm và trợ giá con giống ban đầu, anh quyết tâm mua 30 con rắn giống để khởi nghiệp. Sau thời gian ngắn chăm sóc, số rắn ban đầu bán được giá “hời”, mỗi con rắn thương phẩm cũng được khoảng 1- 2 triệu, anh tiếp tục đầu tư nuôi rắn với quy mô lớn.
Anh Nguyễn Ngọc Quyết hướng dẫn cách phân biệt rắn đực - rắn cái. (Ảnh: P.L)
Để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, anh Quyết đã chủ động liên hệ với Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi rắn và bắt tay vào xây dựng chuồng trại.Ban đầu, anh Quyết chỉ định nhập rắn về nuôi lấy thịt bán. Nhưng sau thấy chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém, thu nhập cao, nên anh đã tìm hiểu và xây dựng mô hình nhân giống, cung cấp trứng rắn và rắn giống ra thị trường.
Thời gian đầu mở rộng mô hình, anh Quyết gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Anh nhớ lại: Năm 2009, rắn thương phẩm được giá, đặc biệt trứng rắn “đội giá” lên 290.00 – 300.000/quả, anh quyết định nhập 200 con rắn cái về đẻ trứng và nhân giống. Vì còn “non nghề”, chưa phân biệt rắn đực – cái nên lứa rắn nhập đợt này có đến 3/4 là rắn đực, nuôi mãi chỉ thấy rắn to ra chứ không đẻ được trứng. Không nản chí, anh học hỏi thêm kinh nghiệm từ anh em, bạn bè, đọc sách báo và mày mò lên mạng tìm hiểu cách lựa chọn con giống, nhân giống, kỹ thuật ấp trứng… và đã thành công.
Về kỹ thuật gây giống rắn hổ trâu, anh Quyết cho biết: Để có rắn con giống khoẻ mạnh, khâu lựa chọn rắn bố mẹ phải kỹ lưỡng. Chọn rắn đực, rắn cái làm giống phải dựa trên ngoại hình: thân rắn phải tròn trịa, cân đối, da mượt, không đốm mục, các viền đen bên dưới bụng kết dính liền nhau…
Rắn nuôi được 10 tháng là đẻ. Để chuẩn bị cho rắn đẻ, anh nhốt chung mỗi ngăn 1 con rắn đực với 4 - 6 con rắn cái nhằm đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao và hoạt động giao phối của rắn thuận lợi. Mỗi năm, rắn hổ trâu đẻ 3 lứa trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Rắn hổ trâu con mới nở ra được tách khỏi ổ ấp, cho uống nước và để lột xác hai lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày mới bắt đầu chăm rắn bằng các loại mồi thông thường.
Theo anh Quyết, nuôi rắn hổ trâu không tốn diện tích, vốn đầu tư, công chăm sóc. Mỗi ô nuôi rắn có diện tích: 2m x 1m x 1,2m (dài x rộng x cao), thoáng mát, sạch sẽ. Chuồng lưới khi xây phải tránh ánh nắng trực tiếp, mỗi chuồng có gài vỉ tre để rắn nằm và chuồng bán tự nhiên tốt nhất xây ở khu vực độ ẩm không quá cao và tạo nhánh cây để rắn bò, như sống ngoài tự nhiên. "Rắn hổ trâu rất ít bị bệnh nhưng phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ vì nếu để bẩn rất dễ sinh bệnh. Nuôi rắn hổ trâu, cần để ý bệnh về hô hấp và lở loét nhiễm trùng đường niệu cấp. Vào mùa hè nên cho rắn ra nắng để bổ sung nguồn vitamin D giúp tăng cường khả năng miễn dịch, làm xương chắc khoẻ phòng chống các bệnh. Mùa lạnh, sức đề kháng của rắn giảm rõ rệt nên người nuôi phải tích cực biện pháp sưởi ấm cho rắn: sưởi ấm bằng bóng đèn tròn, trùm bạt che kín toàn bộ mặt chuồng", anh Quyết chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện tạị, trại rắn của anh Quyết có trên 300 rắn đẻ, lượng rắn con và trứng rắn liên tục được các thương lái mua đặt mua hết. 6 tháng đầu năm 2016, trại rắn của anh cung cấp ra thị trường trên 500 con rắn thịt, 1.000 con rắn giống, 600 trứng. Đầu mối tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… và một số tỉnh phía Nam. Giá bán rắn giống dao động khoảng 150.000 – 170.000 đồng/con. Trứng rắn bán ra thị trường khoảng 98.000 - 102.000/quả. Với rắn thịt, giá loại 1 với cân nặng 1,5/con trở lên là 520.000 đồng/kg, giá loại 2 với cân nặng 1kg – 1,4 kg/con giá 380.000 đồng/kg.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ một hộ nghèo của xã, giờ đây thu nhập bình quân của gia đình anh Quyết đạt 500 - 700 triệu/ năm.
Bà Nguyễn Thị Tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có một số hộ gia đình nuôi rắn nhưng mô hình nuôi rắn của Nguyễn Ngọc Quyết ở xã được đánh giá là lớn nhất, hiệu quả nhất và được nhiều người ở các tỉnh lân cận tìm về học hỏi kinh nghiệm. Năm 2015, huyện đã tuyên dương và trao tặng anh Danh hiệu lao động tiên tiến và Gương mặt trẻ tiêu biểu của huyện Sóc Sơn. “Anh Quyết là một trong những tấm gương sáng dám nghĩ, dám làm trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân chúng tôi sẽ luôn ở đồng hành để hỗ trợ những thanh niên trẻ trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương” – bà Tỉnh nói./.
Từ khóa » Giá Bán Rắn Ráo
-
Giá Rắn Ráo Trâu Giống Và Thịt. địa Chỉ Bán Rắn Ráo Trâu Giống Uy Tín
-
Giá Rắn Ráo Trâu Giống Và Thịt. Trang Trại Bán Rắn Ráo Trâu Giống Uy Tín
-
Nuôi Rắn Ráo Trâu, Anh Nông Dân Tỉnh Đồng Nai Thu Nửa Tỷ đồng Năm
-
Bán Rắn Ráo Trâu Giống Toàn Miền Bắc GIÁ RẺ
-
Rắn Hổ Trâu Có độc Không? Giá Bao Nhiêu 1 Kg? Nuôi Thế Nào?
-
Rắn Ráo đen Hỗ Trợ Thịt - 600k/kg
-
Nuôi Rắn Ráo Trâu Lãi Nửa Tỷ Mỗi Năm - Hội Nông Dân
-
Rắn Ráo ăn Gì? Có độc Hay Không? Rắn Lãi Giá Bao Nhiêu 1Kg?
-
Rắn Hổ Trâu Có độc Không? Giá Bao Nhiêu Tiền? Mua Rắn Hổ Hèo ở ...
-
Bán Trứng Rắn Và Rắn Hổ Trâu Giống Tại Đồng Nai
-
Thu Nhập Trên 3 Tỷ đồng/năm Từ Nuôi Rắn Ráo Trâu
-
Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Rắn Ráo Trâu
-
Rắn Ráo Còn Gọi Là Rắn Lãi Có độc Không? Giá Bao Nhiêu? Có Những ...
-
Địa Chỉ Bán Rắn Ráo Trâu Giống Tại Miền Bắc ?