Trái Vải Việt Nam: Có Hay Không Lợi Thế Cạnh Tranh?

Vì sao giá vải xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Trung Quốc?

Dù thừa nhận giá bán vải của người nông dân chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với giá bán tại các thị trường xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp cho biết không thể mua giá cao hơn vì các chi phí đi kèm rất cao. Cụ thể là, chi phí vận chuyển bằng đường không chính là rào cản lớn nhất của trái cây Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường cao cấp ở xa.

Trả lời trên báo Tuổi trẻ, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, giá thành xuất khẩu trái vải của Việt Nam sang đến Úc ở mức 177.000 đồng/kg. Trong khi đó, vải Trung Quốc đến Úc chỉ khoảng 105.000 đồng/kg và bán ở siêu thị khoảng 16 đôla Úc/kg) (Hình).

“Sau đó là đến các chi phí của nhà nhập khẩu bên Úc, như: kiểm tra, vận chuyển, lưu kho, bán lẻ... nên mới có giá 21 - 22 đôla Úc/kg ở siêu thị (350.000 - 370.000 đồng)”, vị này cho hay.

Vẫn theo vị này, nhìn vào cơ cấu giá thành trái vải có thể thấy chi phí vận chuyển hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 70% giá thành tới Úc), nhưng đây cũng là chi phí mà Việt Nam rất khó để giảm xuống trong thời gian trước mắt. Nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao và không ngừng tăng lên.

Theo đánh giá của các công ty xuất khẩu và logistics, lượng hàng hóa Việt Nam cần xuất khẩu bằng đường hàng không đã cao gấp 2-3 lần khả năng cung cấp của các công ty vận chuyển. Do cung vượt cầu, các công ty vận chuyển luôn định giá cước vận chuyển bằng đường không từ Việt Nam ở mức cao và cao hơn nhiều so với các đối thủ xuất khẩu trong khu vực.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khiến giá vải thiều xuất khẩu bị đội lên là do…dây chuyền chiếu xạ. Hiện nay, vì thiếu kinh phí xây dựng cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc, nông sản phải chuyển vào Nam khiến chất lượng giảm sút, doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn.

“Biết người biết ta” để xuất khẩu trái vải thắng lợi

Như vậy, hiện nay, các công ty xuất khẩu rất khó tăng giá mua nguyên liệu đầu vào vì các chi phí hậu cần phía sau trái vải chưa thể giảm xuống trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, chi phí chiếu xạ hầu như giữ nguyên kể từ khi Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ từ năm 2008, còn chi phí nhân công, bao bì luôn có xu hướng tăng lên theo thời gian.

Vì vậy, một trong những cách để giảm chi phí vận chuyển mà các công ty xuất khẩu đang tính đến là chuyển từ xuất khẩu đường không sang đường biển. Xuất khẩu bằng tàu biển có lợi thế là đi được lượng hàng rất lớn nên giá thành rẻ, nhưng lại tốn rất nhiều thời gian, có thể mất cả tháng, trong khi xuất theo đường máy bay có thể đến nước nhập khẩu ngay trong ngày.

Tuy nhiên hiện nay, theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Cơ quan kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay Việt Nam mới thành công trong xuất khẩu trái thanh long bằng đường biển sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi đó, các loại trái cây khác, trong đó có trái vải, cách thức bảo quản để có thể giữ nguyên hương vị và màu sắc sau thời gian dài vận chuyển trên biển vẫn còn đang được nghiên cứu.

Mặc dù đứng trước những khó khăn nói trên, nhưng không thể phủ nhận rằng, tuy trái vải Việt Nam dù giá thành xuất khẩu cao hơn các quốc gia khác, nhưng vẫn có thể cạnh tranh được nhờ vào hương vị thơm ngon hơn hẳn. Phải nhận thức được rằng, đây là lợi thế cạnh tranh lớn của trái vải Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, vải Trung Quốc có màu xanh, hình thức kém hấp dẫn hơn vải Việt Nam và người tiêu dùng tại Úc có sự thận trọng nhất định với thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nên trái vải Việt Nam hiện có lợi thế tốt hơn.

Ngoài ra, những vấn đề như: chi phí vận chuyển hay chiếu xạ có thể dần dần được khắc phục. Về lâu dài, khi ngành hàng không Việt Nam ngày càng phát triển, sánh ngang với một số quốc gia, như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia thì giá thành vận chuyển sẽ giảm xuống.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Việt Nam cần học tập chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển của Thái Lan để thúc đẩy xuất khẩu trái cây, từ đó, sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều.

Đối với vấn đề chiếu xạ, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, để khắc phục phải vận chuyển trái vải vào miền Nam chiếu xạ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết sớm nguồn vốn để Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như bà còn nông dân trồng vải, nhãn ở các địa phương miền Bắc.

Được biết, khi vận hành, dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường khó tính, như: Australia, Mỹ...

Nếu khắc phục được những vấn đề như trên, đồng thời, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình, không chỉ trái vải Việt Nam, mà các loại trái cây khác của nước ta cũng sẽ vươn xa tới nhiều thị trường xuất khẩu hơn nữa./.

Từ khóa » Cạnh Tranh Xuất Khẩu Vải Thiều