Trắm đen, Tác Dụng Chữa Bệnh Của Trắm đen

Trám đen

Tên khác

Trám đen, Trám chim

Tên khoa học Canarium tramdenanum Dai et Yakovl. (C. nigrum (Lour.) Engl., C. pimela Koenig), thuộc họ Trám - Burseraceae.

Cây Trám đen

( Mô tả, hình ảnh cây Trám đen, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)

Mô tả:

Cây gỗ cao 10m hay hơn. Cành nằm ngang. Lá kép lông chim lẻ, dài 15cm, có 4 đôi lá chét, cuống dai, mặt trên sáng, mặt dưới sẫm không lông; 8-10 cặp gân phụ. Hoa màu trắng vàng, mọc thành chuỳ, trục cuống có những lá bắc con hình vẩy dài hơn đài nhiều. 3 cánh hoa dài 4mm. 6 nhị có chỉ nhị đính ở gốc. Quả hạch màu tím, thuôn, cao 3-4cm, chia 3 ô. Quả trám đen có hình trứng, màu tím đen sẫm, dài 3-4cm, rộng 2cm, hạt cứng có 3 ngăn. Cây này được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để lấy quả ăn và lấy nhựa trám. Mùa quả vào tháng 10-12. Quả trám đen thường luộc ăn. Khi luộc trám nấu nước sôi quả trám sẽ cứng, nhưng nếu non quá trám sẽ nát. Thường người ta cho muối vào nước (để cho đậm quả trám). Đun cho sôi, cho quả trám vào rồi bắc ra ngay để nguội dần là trám vừa chín và bùi, béo. Ngoài tác dụng dùng làm thực phẩm, quả trám (bao gồm cả hạt trám và nhân trám) và các bộ phận khác của cây trám, đều có thể sử dụng làm thuốc. Tác dụng làm thuốc của quả trám được ghi chép đầu tiên trong sách "Thực liệu bản thảo" và "Nhật hoa tử bản thảo".

Ra hoa tháng 5, có quả tháng 9-12.

Bộ phận dùng:

Quả, rễ, lá - Fructus, Radix et Folium Canarii Tramdenani.

Nơi sống và thu hái:

Loài của Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang trong rừng nửa rụng lá dưới 500m ở Bắc và Trung bộ trên đất ẩm hoặc hơi khô; cũng được trồng quanh các làng ở vùng trung du.

Thành phần hoá học:

Cây chứa nhựa dầu là những khối mềm màu trắng vàng, về hình dạng và cấu trúc hơi giống sáp ong, mùi mạnh, vị cay và thơm; nhựa dầu chứa tinh dầu và nhựa.

Vị thuốc Trám đen

( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )

Tính vị và Công dụng

Quả có vị chua ngọt, bùi, béo, tính ấm. Sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc rượu, cá.

Rễ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thư cân hoạt lạc, khư phong khu thấp.

Lá có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống.

Quy kinh: 2 kinh Phế và Vị.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Trám đen

Nứt nẻ da do khô lạnh:

Hạt Trám đốt, tán nhỏ, hoà dầu vừng bôi.

Sâu răng:

Quả Trám đốt cháy tán nhỏ, trộn với một ít Xạ hương, bôi, xỉa răng (Nam dược thần hiệu).

Chữa môi chụm lại, không hé ra được hoặc bị lở đau không ăn được.

Dùng quả Trám đốt thành tro, tán nhỏ, trộn với mỡ lợn bôi. (Nam dược thần hiệu).

Chữa viêm họng mạn tính, khản giọng, sưng rát

Trám 6g, trà xanh 6g, mật ong 1 thìa. Cho trám vào đun sôi 5 phút, kế đó cho trà xanh vào sắc tiếp trong 15 phút, sau đó chắt lấy nước hòa mật ong rồi uống dần từng ngụm.

Trị đau đầu, đau họng, trướng bụng đau quặn, phong hàn cảm mạo

Trám tươi 60g bỏ hạt, hành 15g, gừng tươi 10g, tử tô 10g. Tất cả đem sắc với 1.2l nước, cô còn 0.5l thì chế thêm một chút muối ăn, chắt lấy nước uống. Giã rượu 12 quả trám, 1.5g phèn chua, trước tiên dùng nước lạnh rửa sạch trám, lấy dao khía trên mỗi quả bốn năm đường rồi nhét phèn vào những vết khía ấy, nhai nhỏ nuốt dần để giã rượu. Hoặc trám tươi 10 quả sắc lấy nước uống có tác dụng giải rượu. Nôn mửa khi có thai Trám 12g, vỏ quýt 9g, dùng lửa to hấp cách thủy cho chín rồi uống, mỗi ngày 1 lần, dùng để chữa chứng nôn mửa khi có thai.

Đau răng, sâu răng

Quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với một ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ răng đau. Hoặc lấy vỏ thân cây trám trắng cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng phơi khô, sắc lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ chanh, rễ cây trẩu hoặc rễ cà dại.

Nứt nẻ kẽ ngón và gót chân khi trời rét

Hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.

Viêm tắc mạch máu

Dùng quả trám trắng luộc ăn cái, uống nước hàng ngày, mỗi ngày 200 g. Liệu trình 1-2 tháng.

Hóc xương cá

Cách 1: Quả trám trắng hoặc trám đen, nhai giập nuốt dần lấy nước.

Cách 2: Lấy 5 quả trám, sắc lấy nước, ngậm và nuốt dần.

Cách 3: Chỉ lấy phần thịt quả trám, giã nát, ép lấy nước, uống dần.

Cách 4: Lấy hạt quả trám, đốt tồn tính, rễ cây đậu ván trắng thái nhỏ. Cả hai tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 4 - 6g. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với trường hợp bị hóc các xương cá nhỏ.

Giải độc cá nóc

Trám tươi 50g, rửa sạch bỏ hạt sao chín, sắc uống.

Động kinh

Trám tươi 480g, uất kim 24g, phèn chua 24g. Trước tiên, đập nát trám rồi cho nước vào sắc kỹ, lấy bỏ hạt rồi lại cho uất kim vào sắc cùng, cuối cùng cho phèn chua sắc tiếp, cô còn chừng 500ml là được, uống mỗi ngày 20ml vào buổi sáng sớm với nước ấm, có tác dụng chữa bệnh động kinh.

Viêm da

Trám tươi 1kg sắc với 1l nước bằng lửa nhỏ, sau đó lọc bỏ bã lấy nước ngâm để chữa các bệnh lý ngoài da như viêm loét, viêm phần phụ...

Kiết lỵ

Quả trám tươi khoảng 90g, để nguyên hạt sắc với nước (2 - 3 lần), gộp dịch chiết, cô lại lấy cao, theo tỷ lệ 1:1, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Khi uống cần kiêng ăn các thứ tanh như cua, cá, lòng trắng trứng... Có thể uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.

Chữa đại tiện ra máu:

Hạt trám đốt thiêu tồn tính, nghiền mịm, mỗi lần uống 10g, thang bằng nước cơm.

Chữa say rượu:

Trám 10 quả, sắc nước uống.

Tag: cay Tram den, vi thuoc Tram den, cong dung Tram den, Hinh anh cay Tram den, Tac dung Tram den, Thuoc nam

Thaythuoccuaban.com Tổng hợp

*************************

Từ khóa » Cây Trám đen Có Tác Dụng Gì