Trạm ISS Bay Qua Tên Lửa Cao 98 M - VnExpress

Tên lửa đẩy SLS trên Bệ phóng 39B của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bay qua phía trên (vệt sáng phía trên bên trái) hôm 8/4. Ảnh: NASA/Joel Kowsky

Tên lửa đẩy SLS trên Bệ phóng 39B của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, khi Trạm Vũ trụ Quốc tế bay qua phía trên (vệt sáng phía trên bên trái) hôm 8/4. Ảnh: NASA/Joel Kowsky

Nhiếp ảnh gia Joel Kowsky chụp ảnh tên lửa đẩy trong nhiệm vụ mặt trăng Artemis 1 của NASA - Hệ thống Phóng Không gian (SLS) - trên Bệ phóng 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, Florida, hôm 8/4. Trên trời, vệt sáng mờ lao vụt qua chính là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trạm ISS di chuyển với vận tốc khoảng 28.000 km/h ở độ cao hơn 400 km. Trạm hoàn thành một vòng bay quanh Trái Đất cứ mỗi 90 phút.

Trong ảnh, tên lửa SLS hơi khó nhận biết do bị che mờ bởi đèn chiếu sáng chói của bệ phóng. Tuy nhiên, màu sắc bầu trời rực rỡ từ hồng cam đậm đến xanh đen vẫn khiến bức ảnh trở nên ngoạn mục. Tên lửa SLS cao 98 m, nặng khoảng 2,5 triệu kg. Khi phóng, tên lửa sẽ tạo ra lực đẩy 39 triệu newton.

NASA đưa tên lửa SLS lên bệ phóng vào tháng 3 để thực hiện một cuộc thử nghiệm đếm ngược và đổ nhiên liệu quan trọng trước khi tiến hành nhiệm vụ Artemis 1, dự kiến vào cuối năm nay. Thử nghiệm bắt đầu từ ngày 1/4 nhưng chưa diễn ra thuận lợi. NASA đã thử đổ nhiên liệu cho tên lửa ba lần, nhưng lần nào cũng phải hủy do các vấn đề kỹ thuật, lần gần nhất là do một van bị lỗi trên tháp phóng.

Artemis 1 là nhiệm vụ thử nghiệm không chở người, trong đó, tàu vũ trụ Orion chứa các bộ thí nghiệm và hình nộm sẽ phóng lên không gian rồi bay quanh Mặt Trăng. Nếu chuyến bay diễn ra suôn sẻ, NASA sẽ phóng phi hành đoàn đầu tiên bằng tên lửa SLS vào năm 2024 trong nhiệm vụ Artemis 2, dự kiến cũng bay quanh Mặt Trăng. Nhiệm vụ tiếp theo, Artemis 3, sẽ đưa các phi hành gia hạ cánh gần cực nam của Mặt Trăng vào năm 2025 hoặc 2026.

Thu Thảo (Theo Space)

  • Sét đánh trúng bệ phóng tên lửa NASA
  • Nghi vấn mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ

Từ khóa » Tốc độ Di Chuyển Iss