Trăm Năm Làng Chiếu Định Yên - Báo Phụ Nữ

Làng chiếu hơn 100 năm

Chẳng ai biết chính xác người ta dệt chiếu bắt đầu từ lúc nào, chỉ biết cây lát mọc dại đầy đồng, cắt về đan thành tấm chiếu rồi nghề dệt chiếu cũng từ ấy mà ra. Cây lát như bao cây cỏ khác của miền Tây sông nước, tuy hoang dại nhưng sức sống mạnh mẽ, qua bàn tay cần mẫn của con người, giống loài nhỏ bé, hoang dại trở mình trao truyền văn hóa.

Nằm nép mình bên bờ sông Hậu hiền hòa, làng chiếu Định Yên đã nổi tiếng hơn 100 năm nay. Chiếu Định Yên vang danh khắp vùng Đồng Tháp vì tấm chiếu nhỏ không chỉ để dùng mà còn để gìn giữ hồn người, hồn đất.

Về thăm Định Yên, ta sẽ bắt gặp những chiếc quạt sắc màu trên các nẻo đường.
Về thăm làng chiếu Định Yên, ta sẽ bắt gặp những sắc màu trên các nẻo đường.

Bà Sáu Lệ sống bằng nghề dệt chiếu hơn 60 năm nay. Bà học lỏm cách đan chiếu từ cha mẹ, rồi nhờ sáng dạ, yêu thích mà nghề đan chiếu trở thành máu thịt, lẽ sống của bà.

Ngày trước, đồng bãi bao la, cây lát mọc dại, cắt vài ôm mang về, rửa rồi đan thành tấm chiếu. Sau này, lát làm chiếu ở Định Yên cũng dần dần cạn kiệt nên người làm chiếu phải mua cói từ các vùng khác, chủ yếu là ở Vũng Liêm.

Bà Sáu Lệ (71 tuổi, áo đỏ) cùng em gái là cô Ba Kim đang dệt chiếu bằng khung dệt truyền thống
Bà Sáu Lệ (71 tuổi, áo đỏ) cùng em gái là cô Ba Kim đang dệt chiếu bằng khung dệt truyền thống

Tấm chiếu ngày nay cũng chẳng khác ngày trước là bao. Cũng một cái khung dệt ấy, cách dệt ấy mà bao nhiêu năm qua, chiếu Định Yên lúc nào cũng đắt hàng.

Một chiếc chiếu nặng khoảng 1,8-2kg. Hai người làm siêng thì một ngày có thể dệt được 2 cặp chiếu. Tuy nhiên, nếu dệt bằng máy, sản lượng có thể đạt gấp 8-10 lần. Chiếu Định Yên có nhiều loại như chiếu trắng, chiếu in hình hoa văn, chiếu con cò…

Làng dệt chiếu Định Yên có chợ cùng tên từng nổi tiếng với tên gọi “chợ ma” vì chỉ họp chợ vào ban đêm.

Chiếu sau khi dệt sẽ được đem phơi khô.
Chiếu sau khi dệt sẽ được đem phơi khô.

Trong trí nhớ của bà Sáu Lệ, chiếc chiếu Định Yên còn sống cùng với ký ức của những mùa nước nổi. Chiếu dệt tay thường thưa, không chắc như dệt máy nên khi ướt thường mau khô. Những năm lũ về, dù ướt át, tấm chiếu Định Yên ngồi lúc nào cũng khô ráo. Rồi chỉ tay về phía bên kia bờ sông, bà Sáu Lệ lại nhớ về những năm con lũ tràn bờ, ghe xuồng tấp nập, chiếc chiếu từ ấy cũng được mang đi khắp nơi.

Năm 2013, làng chiếu Định Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tên tuổi của làng nghề dệt chiếu nhỏ bên dòng sông Hậu từ đó được nhiều người biết đến, như cách nói của bà Sáu Lệ, rằng tấm chiếu đơn sơ nhưng mang trong mình sứ mệnh trao truyền văn hóa.

Chẳng sợ mai một

Nghĩ về thế hệ kế cận, bà Sáu Lệ cho rằng, nghề dệt chiếu thấy vậy mà dễ nên chẳng sợ mai một hay mất nghề. Chỉ cần học vài ngày, người ta có thể quen tay với cọng chùi, bàn dập.

“Nghề này không khó, khó là vài năm nữa, không biết có ai còn dệt chiếu bằng tay hay không”, bà Sáu Lệ chia sẻ.

Ngày trước, đa số người dệt chiếu Định Yên dệt bằng tay nên sản lượng thấp, chỉ đủ cung cấp cho vài vùng lân cận. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, các máy dệt chiếu tự chế xuất hiện, sản lượng vì thế ngày càng tăng.

Từng dệt chiếu bằng tay nhưng hiện nay, với máy dệt chiếu tự chế, chị Võ Thị Tư (49 tuổi) cho biết mỗi ngày có thể dệt được 20 cặp chiếu. Chỉ với 20-30 triệu, người dệt chiếu đã có thể tự sắm cho mình một chiếc máy dệt.

Tiếng dệt chiếu lạch bạch dần thay thế cho tiếng khung dệt lẹt xẹt. Tấm chiếu nhỏ năm nào nay lại nhờ máy móc để vang danh.

Chị Võ Thị Tư (42 tuổi) đang dệt chiếu bằng máy dệt.
Chị Võ Thị Tư (42 tuổi) đang dệt chiếu bằng máy.

Một chiếc chiếu trắng trơn thì có giá từ 70.000-80.000 đồng, chiếu màu hay có in hoa thì cao hơn. Còn một người làm công dệt chiếu thì thù lao khoảng 150.000-170.000 đồng/ngày.

Một chiếc chiếu sau khi trừ tiền vốn, tiền công thì lời lãi chẳng còn bao nhiêu. Bà Sáu Lệ cười và cho rằng cái truyền thống văn hóa mà rẻ ề vậy đó.

Từng bó lát trắng sau khi nhuộm màu sẽ phơi khô cho ngấm màu.
Từng bó lát trắng sau khi nhuộm sẽ phơi khô cho ngấm màu.
Trên các nẻo đường ở Định Yên, hình ảnh từng chiếc quạt sắc màu xòe ra khiến nhiều người thích thú.
Trên các nẻo đường ở Định Yên, hình ảnh từng chiếc quạt sắc màu xòe ra khiến nhiều người thích thú.
Ngày nay, đa số người dân Định Yên đã dệt chiếu bằng máy.
Ngày nay, đa số người dân Định Yên đã dệt chiếu bằng máy.
Sau khi dệt, chiếu sẽ được cắt tỉa, bọc vải rồi chà nhám rồi mới giao hàng.
Sau khi dệt, chiếu sẽ được cắt tỉa, bọc vải, chà nhám rồi mới giao hàng.

Cùng với bà Sáu Lệ, bà Ba Nghiệp là một trong những người làm chiếu lâu năm ở Định Yên, lớp sau thì có Thanh Bình, Thành Đạt.

Lớp già, lớp trẻ, chẳng ai bỏ nghề, mà có bỏ nghề thì cũng chẳng thể quên nghề. Vì ở xứ sông nước ruộng vườn này, tấm chiếu nhỏ, thấy đơn sơ nhưng vô cùng quan trọng. Đâu ai bỏ được thói quen nằm chiếu, đâu ai bỏ được gốc gác, truyền thống của ông bà.

Dệt chiếu thủ công ở làng chiếu Định Yên, Đồng Tháp

Tấn Đồng

Từ khóa » Cây Lát Dệt Chiếu