Trận đánh Mậu Tuất 938: Bản Hùng Ca Bạch Ðằng Giang
Có thể bạn quan tâm
- Vang mãi bản hùng ca chiến thắng Mậu Thân
- Nửa thế kỷ vang mãi bản hùng ca
- Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946
Bối cảnh
Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán – một trong 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc nằm liền kề nước Việt - giành lại quyền tự chủ cho người Việt, tự xưng là Tiết độ sứ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ.
Khi đó, con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền rất căm phẫn, quyết tập hợp lực lượng để báo thù cho cha vợ. Nói về Ngô Quyền, đó là một người tinh thông võ nghệ, có chí lớn. Ông tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc ở Đại La rồi theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất, giải phóng thành Đại La năm 931, nhờ đó đã được Dương Đình Nghệ gả cho con gái là Dương Thị Như Ngọc và giao coi giữ Ái châu.
Theo gia phả họ Ngô, Ngô Quyền sinh ngày 12-3 năm Đinh Tỵ (897), mất năm 944, một số tài liệu khác ghi ông sinh năm Mậu Ngọ 898. Ông còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, người ấp Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội). Ngô Quyền sinh ra trong dòng họ hào trưởng có thế lực. Cha ông là Ngô Mân, từng làm chức Châu mục Đường Lâm, rất được người dân mến phục.
Sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư” (ngoại kỷ, quyển 5) mô tả: "Ngô Quyền có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, rằng có thể làm chủ được một phương. Bởi thế, Ngô Mân mới đặt tên con là Quyền. Khi lớn lên, Ngô Quyền có tướng mạo khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc”.
Khi nghe tin Ngô Quyền tập hợp lực lượng chuẩn bị trừng phạt mình, Kiều Công Tiễn rất sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh Tĩnh Hải quân (cách gọi quân dân Việt Nam khi đó) lần thứ hai. Lưu Nghiễm cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì Tĩnh Hải quân không còn tướng giỏi, bèn phong con trai thứ chín là Lưu Hoằng Tháo làm "Bình Hải tướng quân" và "Giao Chỉ vương", thống lĩnh thủy quân.
Vua Nam Hán cho Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào Đại La. Lưu Nghiễm tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Tuy nhiên, năm 938, khi quân Nam Hán chưa kịp vào tới biên giới, Ngô Quyền đã mang quân từ Ái châu ra Bắc đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn không đủ sức chống lại nên thành nhanh chóng bị giết chết.
Trận thắng lừng danh
Sau khi trừ khử Kiều Công Tiễn, nghe tin đại quân của Hoằng Tháo sắp tấn công bằng đường thủy, Ngô Quyền bèn họp bàn các tướng lĩnh để bày mưu phá giặc. Là người thông minh lại nắm rõ quy luật lên xuống của thủy triều trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền nhận định: “Hoằng Tháo là đứa trẻ từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng nên mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được".
Sông Bạch Đằng là cửa ngõ giao thông quan trọng phía đông bắc từ biển Đông vào đất Việt. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông. Trong khi đó, thủy triều lên từ nửa đêm về sáng, cửa biển rộng mênh mông, nước trải rộng ra hai bên bờ đến hơn 2 km. Đến gần trưa, triều rút mạnh, chảy ra rất nhanh. Như vậy, kế hoạch và việc lựa chọn chiến trường cho trận huyết chiến đã được quyết định là sông Bạch Đằng. Trận đánh chính sẽ diễn ra ở phía trong bãi cọc.
"Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu". - Nhà sử học Ngô Thì Sĩ đánh giá- |
Bấy giờ vào cuối năm 938, trời rét, mưa dầm dề nhiều ngày. Quân và dân ta lặn lội mưa rét ngày đêm vận chuyển gỗ, dựng cọc. Hàng nghìn cây gỗ lim, sến, đầu được vạt nhọn và bịt sắt được đem về đây cắm xuống thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn. Trong khoảng hơn một tháng thì mọi việc hoàn thành.
Theo dự kiến, Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ) chỉ huy đội quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân bộ bên hữu ngạn, mai phục sẵn, phối hợp thủy quân đánh tạt sườn đội hình quân địch, sẵn sàng diệt nếu địch chạy lên bờ. Từ cửa biển ngược lên phía trên không xa, một đạo thủy quân mạnh phục sẵn do chính Ngô Quyền chỉ huy chặn ngay đường tiến lên của địch, chờ khi nước xuống sẽ đánh lại.
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cả một đoàn binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó, Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ.
Trận đánh chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, không chỉ phá tan trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo mà còn chôn vùi vĩnh viễn tham vọng xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán. Sách sử chép: “Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui".
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tự xưng Vương, chọn kinh đô là Cổ Loa, mở ra thời kỳ độc lập và chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc. Ông trị vì được 6 năm thì mất.
Vua của các vua
Ca ngợi chiến công của Ngô Quyền, sử gia Lê Văn Hưu viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới hợp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói, một cơn giận mà yên dân được, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".
Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN - 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó.
Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 - trở thành vị vua có "công tái tạo, vua của các vua" theo như nhận định của “Đại Việt Sử ký Toàn thư”. Ông xứng đáng với danh hiệu là "vị tổ trung hưng" của dân tộc như nhà yêu nước Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trong “Việt Nam quốc sử khảo”.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê.
Từ khóa » Ngô Quyên 938
-
Trận Bạch Đằng (938) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ngô Quyền Và Chiến Thắng Bạch Đằng ... - Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia
-
Ngô Quyền đánh Bại Quân Nam Hán | Tóm Tắt Lịch Sử - EZ Sử
-
Ngô Quyền Và Chiến Thắng Bạch Đằng Năm 938
-
Ngô Quyền đánh Tan Quân Nam Hán Năm 938 - Bạch Đằng Giang
-
Trận Bạch Đằng Năm 938: Danh Tướng Nào Lập Trận địa Cọc Gỗ?
-
3 Trận Thủy Chiến Làm Nên Những Trang Sử Hào Hùng Trên Bạch Đằng ...
-
Chiến Thắng Bạch Đằng Năm 938 Có ý Nghĩa Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Ngô Quyền Và Chiến Thắng Bạch Đằng Năm 938 - Thông Báo Bảo Trì.
-
Trận Chiến Bạch Đằng Năm 938 Của Ngô Quyền
-
Bài 27 : Ngô Quyền Và Chiến Thắng Bạch Đằng Năm 938 - Hoc24
-
Thời Ngô Quyền (938 - 968) - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ...
-
Tiểu Sử Ngô Quyền