Trận Sóng Thần Năm 2004: Mười Năm Nhìn Lại

(ĐCSVN) – Cách đây vừa tròn 10 năm, ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter ở Ấn Độ Dương tạo ra trận sóng thần khủng khiếp đánh vào bờ biển của 14 nước, cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người và được coi là thảm họa lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại.

Hai ngày sau khi trận sóng thần, thành phố Meulaboh ở tỉnh Aceh, Indonesia vẫn chìm trong nước. (Ảnh: ABC)

Cường độ của trận động đất vốn được xem là mạnh nhất trên thế giới kể từ năm 1960 đã làm rung động mặt đất, tạo ra một cơn sóng thần cao tới 17,4m tàn phá tỉnh Aceh ở phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia chỉ 30 phút sau đó. Đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì gần tâm chấn. Hàng chục ngôi làng bị xóa sổ, không còn gì trên bờ biển phía Tây của đảo Sumatra, 131.000 người thiệt mạng.

Sau đó, trận sóng thần càn quét toàn bộ bờ biển của Vịnh Bengal, tàn phá bờ biển của Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ. Khoảng 6 giờ sau khi bắt đầu xảy ra thiên tai, vùng bờ biển Đông Phi (Somalia, Tanzania, Kenya) cũng bị ảnh hưởng bởi sóng thần.

Theo các đánh giá được công bố chính thức, chỉ trong vòng vài giờ, ít nhất 220.000 người đã thiệt mạng. Trong số các quốc gia châu Á khác bị tác động, Maldives cũng có tới 100 người thiệt mạng, Malaysia và Myanmar khoảng 60 người và Bangladesh có 2 người thiệt mạng. Tại khu vực Đông Phi, hơn 300 trường hợp tử vong được ghi nhận, chủ yếu ở Somalia, ngoài ra còn có 10 người ở Tanzania và 1 ở Kenya.

Toàn bộ cộng đồng quốc tế đã bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. Trong số 5.400 nạn nhân ở Thái Lan, gần một nửa là người nước ngoài đến từ 37 quốc gia khác nhau. Các nước châu Âu cũng phải ghi nhận hơn 1.700 người thiệt mạng do thảm họa, chủ yếu là khách du lịch đi nghỉ nhân dịp Giáng sinh. Thụy Điển với 543 ca tử vong, và Đức với 537 người thiệt mạng là những quốc gia phương Tây chịu tác động nặng nề nhất. Gần 180 người Phần Lan, 150 người Anh, 110 người Thụy Sỹ, 95 người Pháp, hơn 80 người Na Uy và gần 50 người Đan Mạch đã bị thiệt mạng trong thảm họa. Tại nhiều nơi, hàng nghìn “đứa con của sóng thần" phải chịu cảnh mồ côi, hàng chục nghìn người bị chấn thương tâm lý.

Thêm vào đó, các thiệt hại vật chất cũng không thể đếm xuể và hơn một triệu người bị mất nhà cửa. Trận sóng thần khủng khiếp cũng tàn phá toàn bộ hệ sinh thái trên bờ biển Ấn Độ Dương, đặc biệt như rừng ngập mặn hoặc các rạn san hô ở Thái Lan, và gây nhiều ô nhiễm hóa chất.

Cho đến nay, trận sóng thần này là một trong những thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Các phương tiện truyền thông quốc tế và người dân châu Á gọi nó là Sóng thần châu Á.

Quá trình tái thiết tại tỉnh Aceh 10 năm sau thảm họa. (Ảnh: AFP)

Để tưởng nhớ 10 năm sau khi xảy ra thảm họa khủng khiếp này, ngày 26/12/2014, Indonesia đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương tại tỉnh miền Bắc Aceh với sự tham dự của tân Tổng thống Joko Widodo, Đại sứ nhiều nước tại Indonesia, các đại diện đến từ 35 quốc gia cũng như nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Trước đó, ngày 25/12, hàng trăm người Hồi giáo cũng đã tập trung tại một nhà thờ ở Indonesia để cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong trận sóng thần tàn phá này.

Tại Sri Lanka, những buổi lễ tôn giáo cũng được tổ chức trên khắp hòn đảo để tưởng niệm những người thiệt mạng trong thảm họa 10 năm về trước.

Tại Ấn Độ, các nhà chức trách nước này cũng tổ chức diễn tập nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng sơ tán, ứng cứu với thảm họa sóng thần cho một khu dân cư làm nghề đánh cá ở bang Tamil Nadu./.

Từ khóa » Hình ảnh Sóng Thần 2004