Trăn Trở Sản Xuất Giống Tôm Hùm

Cơ hội phát triển

Trên thế giới, tôm hùm (tên gọi chung của một nhóm giáp xác có kích thước lớn thuộc họ Palinuridae) phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới đến bán nhiệt đới như: Australia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Ở Việt Nam, có 3 loài chiếm sản lượng đáng kể là tôm hùm bông, tôm hùm đá (hùm xanh) và tôm hùm đỏ; trong đó tôm hùm bông là loài có kích thước và số lượng tương đối lớn.

Phát triển nghề nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận – nơi có nhiều vũng, vịnh, đầm, phá như đầm Cù Mông (Bình Định – Phú Yên), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy, Phan Rang (Ninh Thuận)…; những nơi ít bị ảnh hưởng của gió bão, có dòng chảy do thủy triều, có độ sâu, chất đáy và các yếu tố thủy lý hóa rất thuận lợi cho nghề nuôi tôm hùm.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về tự nhiên; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng nghìn lao động; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Chưa sản xuất được con giống

Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đưa lại giá trị cao song việc phát triển nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung hiện cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức.

Từ năm 2014 đến nay, tình hình thiệt hại trên tôm hùm nuôi có chiều hướng gia tăng. Khảo sát cho thấy, số lượng lồng nuôi quá nhiều so quy hoạch, mật độ nuôi dày, lượng thức ăn cho tôm tồn đọng ngày một nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu tôm hùm giống mỗi năm hiện là 3 – 10 triệu con. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống mà chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên bằng nhiều nghề như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn… và nhập khẩu từ nước ngoài. Tôm hùm giống đánh bắt thường có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; thậm chí còn được đánh bắt bằng thuốc gây mê hoặc thuốc nổ, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, con nào sống cũng èo uột, chậm lớn. Giá đắt đỏ cộng với nguồn khai thác tự nhiên ngày càng giảm nên cung không đủ cầu; chất lượng con giống kém là những nguyên nhân khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro.

Mặt khác, tuy Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã có những đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm nhưng mức độ đầu tư thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật và chưa có cán bộ được đào tạo có trình độ nghiên cứu chuyên sâu về tôm hùm nên chưa thực hiện thành công.

Thúc đẩy cách nào?

Tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên tổ chức tháng 8/2017, PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho rằng, hướng đi phát triển bền vững cho tôm hùm là tất yếu; trong đó khâu giống cần được chú trọng. Vì vậy, cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc bởi tự nhiên và nhập khẩu từ bên ngoài.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, sản xuất giống nhân tạo là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm; do đó nên tiến hành công nhận nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép khai thác cho các hộ dân làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, các địa phương sẽ phải phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học… tiến hành điều tra nguồn lợi tôm hùm giống để xây dựng cơ chế giám sát, quản lý nhằm khai thác bền vững nguồn giống. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng để sớm ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn, định mức về quy trình công nghệ cho các hình thức nuôi, tiêu chuẩn con giống và khu nuôi tập trung. Trong khi chờ đợi sản xuất giống nhân tạo thì phải nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống.

Trong Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cũng chỉ rõ những định hướng đối với quy hoạch sản xuất, cung ứng giống tôm hùm. Cụ thể, khoanh vùng bảo vệ bãi giống tôm hùm trên vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), ổn định khai thác tôm hùm giống tự nhiên 600.000 – 700.000 con/năm. Hình thành Trạm nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm tại Khánh Hòa thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung để nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, sản xuất giống cho nuôi thương phẩm và tái tạo nguồn lợi.

>> Theo TS Lê Văn Chí, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III: “Việc nghiên cứu quy trình sản xuất tôm hùm giống rất phức tạp và thời gian ương ấu trùng tôm hùm khá dài (khoảng 9 – 10 tháng); tôm bố mẹ chưa ổn định, không đảm bảo cả về chất lượng và số lượng; cùng đó, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về loại và liều lượng thức ăn phù hợp cho ấu trùng, đặc biệt là thức ăn tươi sống (động vật phù du)…

Từ khóa » Tôm Hùm Sinh Sản Như Thế Nào