Trần Tung, Gương Mặt Lạ Trong Làng Thơ Thiền Lý - Giác Ngộ Online

Thiên Đô Chiếu
Bài Nam Quốc Sơn Hà nổi tiếng thời Lý

Trần Tung đã đem cái gì mới đến cho văn học Lý - Trần? Cần thống nhất với nhau là cái mới được xét ở đây chủ yếu chưa phải trên tư cách một kho “Thiền luận”, mặc dầu ở mấy phần trên ta đã cố sức chứng minh rằng, từ cuộc kháng chiến chống Nguyên thắng lợi cho đến tận cuối đời, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học chuyên nhất và trọn vẹn.

Dĩ nhiên, ai cũng biết xưa nay cảm hứng Thiền thường vẫn gắn chặt với cảm hứng thơ và xem xét thơ thiền mà loại bỏ Thiền ra khỏi thơ là điều vô nghĩa, nhưng cái phần Trần Tung thi nhân mà chúng tôi muốn lưu ý là ở chỗ, ngoài nguồn cảm hứng Thiền ra nó còn bắt mạch một phần ở cảm hứng thế tục, có thế mới khiến cho thơ Trần Tung tuy đậm chất Thiền đấy mà lôgic của tư duy thế tục vẫn có thể tiếp cận được, chứ chưa phải hoàn toàn là những “bí ngữ” của làng Thiền.

Vả chăng, Trần Tung lại là nhà Thiền học vào hàng đặc biệt, người không chịu rời bỏ cuộc sống thế tục lấy một ngày nào. Vì thế, việc trộn lẫn giữa thiền và tục và thiền trong tục trong thơ ông biết đâu lại chẳng là điều kiện của sự thăng hoa, giúp ông đạt đến những sáng tạo đặc sắc, đánh dấu một cấp độ thẩm mỹ mới của thơ ca thời đại này.

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là thơ Trần Tung thể hiện khá đậm nét bản sắc con người nhà thi sĩ. Đối với một nhà thơ, hiện tượng đó có lẽ không có gì lạ, nhưng đối với một nhà Thiền học thì kể cũng khá lạ.

Bởi vì, nói đến Phật là nói đến vô tâm, là bình đẳng, là không sai biệt. Tu hành theo đạo Phật tức là nhằm xóa bỏ “ngã kiến” để đi tìm cái tâm chung nhất, cái mà Lục tổ Huệ Năng (638-713), người mở đầu dòng Thiền Nam phương của Trung Quốc gọi là “chân tâm” hay “tự tính” - cái đó đưa ta đến một trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối không sinh không tử, tức là Niết Bàn. Ấy vậy mà một nhà tu hành người Việt trong quá trình cầu đạo lại dám thả lỏng cho bản ngã của mình tự do bộc lộ. Nội một điều đó thôi đã có ý nghĩa biết bao!

Tằng vi vật dục dịch lao khu,Bài lạc trần hiêu, thế ngoại du.Tát thủ na biên, siêu Phật tổ,Nhất hồi đẩu tẩu, nhất hồi hưu.

(Xuất trần-Thoát trần)

Vật dục hành cho xác mệt nhoài,Ruổi rong thoát quách chốn trần ai.Buông tay sang đấy, ta “siêu” Phật,Mỗi lúc vươn mình, một lúc ngơi.

Đã đành, không thể nào so sánh cái gọi bằng sự thể hiện “bản ngã” trong thơ văn Trần Tung với việc phơi bày cái “tôi” trong thơ văn từ sau thế kỷ XVIII, nhất là trong thơ văn hiện đại. Dù có bản lĩnh đến đâu thì họ Trần cũng vẫn chỉ là một vị Thượng sĩ, một người luôn luôn phải đè nén tình cảm để đối thoại với những nguyên lý “sắc không”.

Thêm vào đấy, ông lại là một người cầm bút vào thời kỳ đầu của văn học thành văn Việt Nam, khi mà sự đặc tả tâm trạng cá nhân dường như chưa một cây bút nào cả gan thể nghiệm. Cho nên, đòi hỏi sáng tác của ông cũng phải có sự hiện diện đầy đủ của con người chủ thể, với những góc cạnh tinh tế, đa dạng e chỉ là không tưởng.

Có điều, dẫu chưa phơi bày thật rõ những đường nét tình cảm cá nhân như ta mong muốn thì đọc thơ văn Trần Tung vẫn thấy hiển lộ một cái gì đấy mà các nhà thơ Thiền khác không có hay có chưa đầy đủ, nó toát ra từ cách sử dụng từ ngữ, cách kết cấu ngôn bản làm nổi bật ngữ khí của người viết, hoặc phơi bày những ý tưởng có khi rất táo bạo:

Lõa quốc hân nhiên tiện thoát yLễ phi vong đã, tục tùy nghi.

(Vật bất năng dung-Vật không thể tùy theo người)

Đến nước cởi truồng, bỏ áo thôi,Phải đâu quên lễ, sống theo người.

ặt chữ “lễ” vào hoàn cảnh oái oăm là một “lõa quốc” /nước cởi truồng - nghĩa là một nước chưa có khái niệm lễ nghĩa hay cũng có thể hiểu ngược lại, một nước không chấp nhận cái lễ nghĩa thông thường của thế tục mà coi cởi truồng mới là lễ nghĩa - để nhấn mạnh đòi hỏi phải cởi bỏ cách nhìn cứng nhắc, nhất phiến trong mọi hoạt động tư tưởng, thì dù có dùng lại một môtip trong thơ cũ, cốt cách ngang tàng của giọng điệu câu thơ dễ cũng chỉ có một Tuệ Trung Thượng sĩ mà thôi. Là người dùng chữ rất bạo, Trần Tung đã làm cho những điều mình nghĩ trở thành độc đáo, đột xuất bằng cách sử dụng đúng chỗ cách nói thậm xưng:

Tinh tinh trước,Trước tinh tinh.Tứ lăng tạp địa vật khi khuynh.A thùy ư thử tín đắc cập,Cao bộ Tỳ lư đính thượng hành.Hát !

(Phật tâm ca-Bài ca tâm và Phật)

Tỉnh tỉnh thức,Thức tỉnh tỉnh.Bàn chân dẫm đất đừng chống chếnh.Ai người tin tưởng ở nơi đây,Bước trên đầu Phật trèo lên đỉnh.Hét!

Hãy để ý, trước khi làm cái chuyện táo gan bước trên đầu Phật, chủ thể nhận thức đã phải trải qua những bước chân không thật tự tin mà người đọc chỉ có thể hình dung qua âm hưởng trúc trắc của câu thơ bằng sự đối lập ngôn từ điệu nghệ - tiểu đối trong tiểu đối cả về thanh và về ý: Tỉnh tỉnh thức/ Thức tỉnh tỉnh, và bằng một lời cảnh báo đột ngột với hai âm lặp độc đáo mang hàm nghĩa “hãy tỉnh ngay lại”: vật khi khuynh! (đừng chống chếnh).

Có khi cốt cách ngang tàng ấy có bị kìm nén chút ít, được người viết cố ý phủ lên một tấm màn triết lý bàng bạc, siêu hình, nhưng nó vẫn cứ lộ ra, không che giấu được:

Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào,Ngũ thất niên gian thị xưởng tào.Túng dã siêu quần kiêm bạt tụy, Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.

(Chiếu thân-Soi mình)

Cháy đầu bỏng trán mặc kim bào,Xay giã bao năm ai biết nào.Nếu thực siêu quần và xuất chúng,Mỗi lần hạ xuống, một lần cao(*)V.v và v.v...

Và bấy nhiêu biểu hiện cá tính khác nhau, nếu một mặt giúp chúng ta gần gũi hơn với con người Tuệ Trung Thượng sĩ, không thấy đó là một mẫu người quá xa cách nữa, thì mặt khác cũng giúp cho suy nghĩ của Tuệ Trung bớt phần thần bí, cao siêu mà trở nên cụ thể, rõ ràng.

Là một người quyết tâm đi tìm lối thoát bằng đạo Phật, song Trần Tung vẫn thường xuyên có ý thức về sự tự do tự tại của mình. Vì sao vậy? Chẳng phải là chính cái “bản ngã” mạnh mẽ của con người này đã đóng một vai trò quyết định, nó khiến cho ông không thật sự chịu ràng buộc vào một tín điều nào cả, kể cả cái tín điều thiêng liêng nhất là tu hành để thành Phật, như kiểu Phật Thích Ca.

Trần Tung từng tuyên bố với em gái là Hoàng hậu Nguyên Thánh: “Phật là Phật, anh là anh! Anh không hề muốn làm Phật, mà Phật cũng chẳng hề muốn làm anh!”. Một lời tuyên bố thật giản dị nhưng bên trong nó là cả một quan niệm bị đảo lộn: tu Phật không có nghĩa là lúc nào cũng phải gắng sức đồng nhất mình với Phật. Mà đã không tìm mọi cách để đồng nhất mình với Phật thì theo cách hiểu xưa nay của thế tục, còn đâu là kết quả của tu hành?

Cho đến cả việc “tọa Thiền”, một công việc không thể khinh suất chút nào với người khác - đến nỗi Trần Thái Tông đã từng phải tổng kết thành Lục thì sám hối khoa nghi, tức là nghi lễ của sáu khoảng thời gian sám hối trong một ngày - thì đối với Trần Tung, đấy lại cũng chỉ là một chút khổ công ngừng suy nghĩ lan man để tập trung đầu óc vào một điểm nào đấy. Một động tác kỹ thuật không hơn không kém.

Chịu ảnh hưởng của Huệ Năng, ông chống lại việc “chấp trước” vào mọi hành vi khuôn sáo như ngồi Thiền, tụng niệm... nhưng ông còn dám nói toạc ra cái điều ít ai dám nói: tọa Thiền thực chất chỉ là làm cho dòng ý nghĩ ngổn ngang tuôn chảy trong đầu tắt lặng, chứ chẳng liên quan gì đến việc hướng tới Phật hay Thiền:

Đường trung đoan tọa tịch vô nghiên,Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên.Tự thị quyện thời tâm tự tức,Bất quan nhiếp niệm, bất quan Thiền.

(Ngẫu tác-Chợt nẩy hứng thơ)

Giữa nhà không nói, chỉ ngồi yên,Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên.Lúc mệt mỏi rồi tâm tự tắt,Cần chi niệm Phật với cầu Thiền.

Không nghi ngờ gì nữa, bản sắc độc đáo của ngòi bút Trần Tung chủ yếu bắt nguồn từ thái độ tỉnh táo của nhà thơ, ngay trong cái thế giới huyền bí mà mình tự nguyện dấn thân, vẫn cố gắng làm chủ sự suy nghĩ, gắng đem đầu óc độc lập mà soi rọi, kiểm tra lại từng tín điều, từng thói quen, từng hành động, của người cũng như của mình.

Trần Tung là người cực lực phê phán việc mù quáng tin theo những giáo lý có sẵn mà ông giễu cợt bằng mấy chữ dí dỏm: “nương dựa cửa người”. Một khi phải nương dựa cửa người thì mình đâu có còn là mình, mình sẽ chỉ còn máy móc làm theo người khác, y như người mài gạch mài ngói, tốn rất nhiều công mà chẳng ích lợi gì cả. Nhưng chừng nào bỏ được thói quen ỷ lại vào các thứ “khuôn vàng thước ngọc” nó biến mình thành con rối thì chừng đó, ánh sáng trí tuệ trong mình sẽ tự nhiên bừng dậy, và cả một thế giới vốn lâu nay mờ mịt bỗng trở thành một vườn hoa tươi thắm, được chiếu rọi dưới ánh sáng xuân:

Học giả phân phân bất nại hà?Đồ tương linh tích khổ tương ma,Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,Nhất điểm xuân quang, xứ xứ hoa.

(Thị học-Gợi bảo cho người học đạo)

Học đạo mênh mang ai có hay,Gạch đem mài gạch nhọc nhằn thay.Cửa người anh hãy thôi nương dựa,Một ánh xuân về hoa đó đây(*).

Chống lại sự rập khuôn, sự mù quáng trước tín điều kinh viện, lẽ tự nhiên phải có một chỗ dựa mới cho niềm tin của mình. Hầu hết thơ văn Trần Tung đều cho thấy: niềm tin sâu xa nhất mà ông dựa vào chính là sự sắc bén của tư tưởng, là cái khả năng của trí tuệ con người có thể tự mình kiểm nghiệm chân lý.

Và nếu đem so sánh với phương pháp Thiền tông thì người ta phải lấy làm lạ! Xưa nay, nói đến Thiền, ai cũng nghĩ trước tiên đến con đường giác ngộ đặc biệt của nó, con đường không dựa trên sự thức tỉnh lý trí mà chủ yếu bằng vào “đốn ngộ”, tức là bừng tỉnh đột ngột của tâm linh. Người học đạo chỉ cần bị buộc phải đặt vào một trạng thái tâm lý căng thẳng, rồi thông qua việc tiếp xử với một vật cụ thể nào đó như là cây, lá, bông, hoa... là lập tức có thể lóe bừng ánh sáng mà trở thành đắc đạo.

Con đường giác ngộ này của Thiền bắt nguồn từ Thiền tông phương Nam, có mặt tích cực là giảm bớt nhiều điều kiện phiền toái cho người tu Phật, thậm chí rút ngắn cả thời gian tu hành. Nhưng mặt khác, nó lại có một hạn chế căn bản là không khỏi rơi vào bí hiểm. Nó không thức tỉnh dần lý trí của người ta để đi đến tận cội nguồn của nhận thức, mà cứ bắt người ta phải chờ đợi trạng thái “xuất thần”.

Là một nhà Thiền học, Trần Tung trước sau cũng chủ trương con đường “đốn ngộ” nói trên. Trong phần “công án” của bộ Thượng sĩ ngữ lục, ta thấy ông đã thường khai phóng cho học trò bằng tiếng quát, bằng cách nói khó hiểu của Thiền, để hối thúc học trò tự tìm ra chân lý.

Tuy vậy, ngoài phần này ra, vẫn còn những phần khác mà mạch lạc tư duy không kém sáng rõ. Với những phần đó, sự nhận thức chủ yếu lại là do suy nghiệm thấu đáo chứ không do trực cảm hay một giác quan nào khác thường.

Có thể nói, ở Tuệ Trung Thượng sĩ vẫn luôn luôn có một nhà duy lý ẩn náu trong một con người Thiền. Trong khi con người Thiền bác bỏ hiểu biết và đòi hỏi sự bừng chiếu của tuệ giác tức những tri thức “tiên nghiệm” thì nhà duy lý lại lớn tiếng yêu cầu sự kiểm chứng bằng lý trí. Và sự xung đột đã nổ ra. Nhà duy lý đã nhiều phen chiến thắng.

Đó là những lúc Trần Tung vô tình đi đến bác bỏ xuất sắc nhiều mệnh đề kinh điển của Phật giáo, kể cả những mệnh đề mà các vị Thiền sư đời Lý “nói ngang nói dọc như lửa tóe trong đá” cũng chỉ dám thừa nhận hay phát triển tý chút chứ không làm được gì. Nhưng Trần Tung đã thẳng tay gạt bỏ trước mắt học trò, gạt bỏ mà chẳng ai thấy là phi lý, vì ông bắt lý trí của người nghe phải kiểm nghiệm ngay sự gạt bỏ ấy. Chẳng hạn mệnh đề “sắc không” trước nay vẫn là một định đề nổi tiếng của kinh Phật, và đã được nhiều nhà tu hành nhắc lại:

Sắc thị không, không tức sắc,Không thị sắc, sắc tức không

(Lê Thị Ỷ Lan : Sắc không)

Để bác bỏ định đề đó, Trần Tung hỏi học trò: “Sắc” là cái hiện hữu, thân anh có phải là “sắc thân” không? Học trò đáp: “phải”. Thầy Tuệ Trung hỏi thêm: “Vậy anh có thể nói quyết rằng “sắc thân” ấy là không có gì cả hay không?” Lý trí cố nhiên không cho phép học trò khẳng định điều này.

Trần Tung lại tiếp tục hỏi: “Anh có thấy cái “không” có hình thù như thế nào không?”. Câu hỏi thực là nan giải. Ông liền dồn luôn: “Vậy anh có thể nói cái “không” ấy là hiện hữu - sắc - được ư?”. Một lần nữa lý trí cũng lại buộc học trò phải phủ nhận. Thế là cả hai lần, sự bác bỏ của Trần Tung đã có hiệu lực. Ông đi đến một định đề mới: “Sắc bản vô không, không bản vô sắc” - Sắc không phải là không, không không phải là sắc! Có thể gọi đây là định đề của một nhà Phật học thời Trần tên tuổi mà nhìn trên câu chữ lại là sự đối lập hai năm rõ mười với kinh điển Phật giáo!

Thực ra không phải Trần Tung chủ tâm xa lìa nguyên lý của nhà Phật. Ông chỉ muốn thức tỉnh những ai theo Thiền mà chưa thấm nhuần đến chỗ cốt tủy của Thiền học, nhắc nhở cho họ biết rằng một tông phái đã lấy việc “bất lập văn tự” làm nguyên tắc thì ý nghĩa cao sâu của nó là không bao giờ để cho tư tưởng sống động của mình bị mô thức hóa, xơ cứng hóa trong một phương án cố định nào đó của văn bản dù đó là lời Phật dạy; nói cách khác trong từng trường hợp cụ thể phải biết tùy cơ ứng biến chứ không được phép vận dụng những công thức giáo điều.

Bên cạnh đầu óc duy lý, thơ văn Trần Tung còn đưa lại cho ta một điều thú vị khác. Ấy là sự gặp gỡ, ảnh hưởng giữa nhiều học phái khác nhau. Đây cũng là một biểu hiện không cố chấp của con người nhà thơ, nó tạo nên trong nhận thức và cảm xúc của ông một hệ quy chiếu phức tạp, đan dệt, biến thái bởi vô số “gam màu” ý thức hệ không cùng nguồn gốc. Tuy là một nhân vật trong làng Thiền, Trần Tung thường khi vẫn có cái thoải mái tự nhiên của một kẻ sĩ ngao du phóng lãng; con người thơ thoát ly không gian trần tục, nhập vào một không gian “đạo” bàng bạc chất thơ:

Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,Lục thủy thanh sơn hoạt kế đa.Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,Vãn hoành đoản địch lộng yên ba.

(Giang hồ tự thích-Vui thích giang hồ)

Gió mát trăng thanh, sinh kế đủ,Non xanh nước biếc thú vui đầy.Giương buồm, sáng sớm băng mù thẳm,Nâng sáo chiều hôm giỡn khói mây.

Lại có khi ông coi mình là một xử sĩ không phải chỉ biết quan tâm đến cái “vô” cái “hữu” mà vẫn dành một chút tâm sự sâu kín cho cuộc đời thanh trọc quanh mình:

Đa tàm thân trọc phùng thời trọc,Tiểu tại tâm thanh ngộ quốc thanh.

(Thoái cư-Ẩn cư)

Thân đục thẹn sinh thời buổi đục,Lòng trong may gặp nước nhà trong.

Có lúc hào hứng lên, ông còn tự ví mình như một “gốc thông xanh” có khả năng làm rường cột cho đất nước - một sĩ đại phu sùng Nho vào hàng khả kính; nhưng vì trót yêu cái đẹp của tạo vật nên còn nhẩn nha ở lại bên triền núi, chưa tiện về triều:

Tối ái thanh tùng chủng kỷ niênHu ta địa thế sở cư thiên.Đống lương vị dụng nhân hưu quái,Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.

(Giản để tùng-Cây tùng đáy khe)

Mấy năm yêu dấu gốc tùng xanh,Đừng thở than rằng đất vắng tanh.Rường cột chưa dùng, người chớ lạ,Hoa nhàn cỏ nội khắp chung quanh(*).

Rồi còn hơn thế nữa, tiếng nói của Trần Tung trong thơ đột nhiên mang tư thế một nhân vật phi phàm, vượt quá tầm cỡ cuộc đời chật hẹp mà vươn mình ra giữa khoảng trời đất. Đó là kiểu người trong Tiêu dao du của Trang Tử; không gian ở đây mới đích thực là không gian “ảo” - không gian vũ trụ, và con người ở đây cũng không còn chút gì là chất “phàm” nữa:

Thiên địa diếu vọng hề hà mang mang,Trượng sách du du hề phương ngoại phương.Hoặc cao cao hề vân chi sơn,Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.Cơ tắc xan hề hòa la phạn,Khốn tắc miên hề hà hữu hương...

(Phóng cuồng ngâm-Thơ phóng cuồng)

Trời đất liếc trông chừ, sao mênh mang,Chống gậy nhởn nhơ chừ phương ngoài phương.Hoặc cao cao chừ, mây đỉnh núi,Hoặc sâu sâu chừ, nước trùng dương.Đói thì ăn chừ, cơm tùy ý,Mệt thì ngủ chừ, làng không làng... (**)

Ta để ý đến phong cách trữ tình của nhà thơ. Trần Tung đã dựng lên những chủ thể trữ tình khác hẳn nhau, song ở bất kỳ kiểu người nào, ông cũng sống hết mình mà không gượng ép. Nghệ thuật ngôn từ đã được vận dụng đến tuyệt đỉnh để biểu hiện rõ tính cách.

Với con người giang hồ tiêu sái thì dáng dấp thật ngang tàng qua những động từ cực đắt: băng mù thẳm/ lăng mãn hạn; giỡn khói mây/ lộng yên ba. Còn với con người xử sĩ, nhà thơ lại dùng hai chữ thanh/ trọc lặp đi lặp lại trong câu thơ theo thủ pháp điệp tự để làm nổi rõ tâm tư và cung cách xử thế của con người ấy.

Riêng với tầm thước con người “phóng cuồng”, con người vũ trụ, thì tác giả dụng ý mở rộng dung lượng câu thơ, dùng thể thơ trường thiên tự do chủ yếu là 8 chữ, sắp đặt thành một chuỗi câu vần bằng liên tiếp nhau, mỗi câu đều có chữ hề và chữ chi hoặc một chữ thanh bằng lặp lại (mang/ mang, phương/ phương, cao/ cao, thâm/ thâm...), khiến cho âm hưởng dội vào tình cảm người nghe gợi lên được một cảm giác mênh mông, lan tỏa, như chính mình đang đứng giữa khoảng không trung không bờ bến mà nhìn xuống trần gian (Thiên địa diếu vọng hề hà mang mang/ Trượng sách du du hề phương ngoại phương...)

Tuy nhiên, con người vừa Nho, vừa Phật lại vừa Lão Trang kia trong thơ Trần Tung rốt cuộc lại là kiểu người gì? Kể cũng khó nói một cách chính xác. Vì đúng ra, chưa bao giờ Trần Tung chịu cột chặt tư tưởng mình vào một khuôn sáo cứng đọng nào cả. Đó chính là điểm làm cho ông có sức hấp dẫn, làm cho hình ảnh của ông sinh sắc và biến hóa khôn lường. Hơn ai hết ông là người hiểu thấu vai trò quyết định luận của Bản thể và luôn luôn đi tìm “diện mục” bản thể vũ trụ.

Tưởng cũng cần nói rõ, trong thơ văn Lý-Trần, thuật ngữ bản thể được Trần Tung dùng đầu tiên và cũng là duy nhất, trong bài thơ Họa Hưng Trí Thượng vị hầu: “Bản thể như như chỉ tự nhiên” - Bản thể tròn đầy bất biến cứ tự nó tồn tại như nó có. Bản thể là vĩnh cửu. Và ở bất kỳ đâu, kết quả tìm kiếm cũng cho ông một đáp số thống nhất: cái không. Bản thể của vũ trụ này hoàn toàn là không.

Tuy nhiên, KHÔNG không có nghĩa là tuyệt đối không có gì cả. KHÔNG không phải là hư vô, đó mới là cốt lõi của chân lý do Trần Tung kiếm tìm: “Từ không mà hiện có, có với không là một liên hoàn thông suốt” (Tòng vô hiện hữu, hữu vô thông).

Mặt khác, đã quy vạn vật về KHÔNG thì về phương pháp tư tưởng, rất cần gạt bỏ cách nhìn tuyệt đối hóa đối với các hình thức tồn tại của hiện hữu, bởi vì các “pháp hữu vi” xét cho cùng cũng chỉ là một “thằng người gỗ” đang múa may quay cuồng trong khoảnh khắc chuyển mình của không-thời gian của Đại thiên thế giới mà bản chất tối hậu của mọi sự “múa may” nhất thời rốt cuộc vẫn là thống nhất - là “không”.

Đành rằng xét trong hạn hữu của đời người, sự khu biệt giữa các hình thức của tồn tại là có thực và nhiều khi là hết sức cần thiết, chẳng hạn phải thừa nhận “không” không phải là “sắc” thì mới giải quyết nổi những nan đề mà con người thường vấp trong khi trải nghiệm thực tế, song nếu từ đấy mà nhất thiết dẫn tới chia cắt “sắc” và “không” một cách tuyệt đối, cũng như chia cắt “hữu” và “vô” một cách tuyệt đối, thì lại là sai lầm:

Tòng “vô” hiện “hữu”, “hữu” “vô” thông,“Hữu” “hữu” “vô” “vô” tất cánh đồng.Phiền não, Bồ đề nguyên bất nhị,Chân như Vọng niệm tổng giai không.Thân như huyễn kính, nghiệp như ảnh,Tâm nhược thanh phong, tính nhược bồng.Hưu vấn tử sinh, Ma dữ Phật,Chúng tinh củng Bắc, thủy triều Ðông.

(Vạn sự quy như-Muôn việc đều về cõi Chân như)

Từ “không” hiện “có”, “có” “không” thông,“Có” “có” “không” “không”, rốt cuộc chung.Phiền não, Bồ đề nguyên chẳng khác,Chân như, Vọng niệm thảy đều không.“Thân” như gương ảo, “nghiệp” như bóng,“Tâm” tựa gió lành, “tính” tựa bồng.Đừng hỏi tử sinh, Ma với Phật,Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông(*).

“Đừng hỏi tử sinh, Ma với Phật / Muôn sao hướng Bắc nước về Đông”! Chân lý tối hậu mà Trần Tung muốn đề cập sau khi đã mất công biện giải chỗ không sai biệt giữa “không” và “sắc”, giữa “hữu” và “vô” thì ra chính là ở đây. Ông nhắc người ta phải thuận theo quy luật chung nhất của tự nhiên trong tư duy cũng như hành động chứ không nên bám vào cái thấy cái biết cảm tính vốn là những hiện tượng bề nổi làm mình rối trí. Một chân lý có thể nói là muôn đời vẫn đúng.

Có lẽ cũng nhờ đã đạt đến chỗ thâm hậu của công lực Thiền, lại biết tiếp thu nhiều trường phái tư tưởng khác và không chịu biến mình thành tên "hề đồng" của một hệ giáo lý cứng nhắc nào, hơn nữa nhờ trực tiếp dấn thân vào mọi biến cố thăng trầm của lịch sử trong thời đại mình sống, Trần Tung đã có được quan điểm rộng rãi và tinh thần nhuần nhị như vậy. Yếu tố biện chứng là điều dễ thấy ở ngòi bút của ông. Nếu vào thời Cổ đại Hy Lạp, Héraclite từng có một mệnh đề lừng danh: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, thì vào thế kỷ XIII ở Việt Nam, trên mảnh đất phương Đông ít truyền thống tư duy triết học nhưng lại rất giàu khả năng cảm nhận thực tiễn, Trần Tung cũng đã nói được một câu tương tự:

Tây nguyệt trầm không nan phục ảnh,Đông lưu phó hải khởi hồi ba.

(Thế thái hư huyễn-Thói đời hư ảo)

Trăng lặn, bóng trăng khôn trở lại,Sông trôi, sóng nước mãi trôi qua.

Nhìn một bông hoa nở, một mảnh trăng soi, một dòng nước chảy, Trần Tung chợt nghĩ đến sự vận động không ngừng của cái thế giới của muôn nghìn “sắc tướng”, bề ngoài có vẻ đứng im mà bên trong luôn luôn thay đổi, bề ngoài có vẻ khác nhau như nước với lửa mà bên trong thì lại có khuynh hướng tiến sát lại và đổi vị trí cho nhau. Trần Tung để tâm suy nghĩ về tất cả những hiện tượng kể trên rồi quy nạp chúng thành hình ảnh trừu tượng. Ông hiểu một cách thâm thúy tất cả những cái đó là thuộc về tự nhiên, là sự “an định của thời tiết” (an bài của thiên nhiên), con người không làm sao chống được. Cũng giống như một ánh trăng, một ngọn gió không phải là những cái thuộc con người chi phối, cũng không phải là những hoạt động có ý thức của một đấng “chủ tể” nào cả:

Cổ nguyệt chiếu phi quan viễn cận,Thiên phong xuy bất giản cao đê.

(Thị chúng-Gợi bảo mọi người)

Há quản gần xa trăng cứ dọi,Lo gì cao thấp, gió đều xao.

Ở chỗ này vị Thượng sĩ họ Trần chắc có tiếp thu ít nhiều tinh hoa của Lão Tử. Chính ông đã sử dụng một mệnh đề biện chứng của Lão tử: “Dụy chi dữ a tương khứ kỷ hà” (Vâng - khẳng định - và hứ - phủ định - khác nhau là mấy) để làm cho học trò thông suốt về sự cần thiết phải xóa bỏ những mặt đối lập cực đoan và giả tạo trong tư tưởng mà ta vẫn gặp hàng ngày(1). Nhưng rồi ông không dừng lại ở Lão Tử mà còn đi xa hơn nhiều. Ông đi tới cái mà Thiền học gọi bằng “tiêu trừ nhị kiến”, một phương thức na ná tương đối luận không coi cái gì là thực sự khác biệt về chất nữa: phàm và thánh chẳng hơn gì nhau, chúng sinh với Phật là một, chân lý và sai lầm cũng đều thế cả... Và:

Vị giác ngộ trung chân giác ngộ,Nan thương lương để diệu thương lương.

(Họa Huyện lệnh-Hoạ thơ quan huyện)

Chưa giác ngộ là chân giác ngộ,Khó suy lường ấy diệu suy lường.

Cái cảm quan tương đối này với hạt nhân hợp lý không thể chối cãi thấp thoáng ẩn hiện trong nhiều tác phẩm của Trần Tung, có lúc trở thành một thứ ám ảnh có khả năng đưa ông đến tận những bến bờ vi tế của tư duy, mở ra cho ông một chân trời vô hạn để sử dụng công cụ Thiền học như một nhà hùng biện bậc thầy, nói thế nào cũng có ma lực của nó (mà quả thật cuộc đời cũng còn ẩn chứa bao nhiêu dấu hỏi bất khả tri là nơi mà những chiêm nghiệm siêu nghiệm có thể tung hoành):

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,Tân niên hoa phát cố niên hoa.Tam sinh thúc hốt chân phong chúcCửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.Hoặc vấn như hà vi cứu cánh?Ma-ha bát-nhã tát-bà-ha.

(Đốn tỉnh-Chợt tỉnh)

Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,Hoa cười năm mới: hoa năm qua.Ba sinh gió thổi: đuốc lòe tắt,Chín cõi cối vần: kiến nhẩn nha.Muốn hỏi thế nào là cứu cánh?Ma-ha bát-nhã tát-bà-ha.

Trong nghệ thuật thơ cổ Việt Nam, thủ pháp tượng trưng phi thời gian và trung hòa “hữu/ vô”, “động/ tĩnh” được thể hiện như trên đây tưởng cũng là tuyệt bút. Dù sao, một cái nhìn bất phân “ta” và “nó” nếu đã trở thành phương pháp luận của mọi suy nghĩ, trước sau thế nào cũng chứa đựng một ẩn số bất khả giải nó sẽ là sự thách thức đối với thiên bẩm trí tuệ sắc bén của vị Thượng sĩ họ Trần. Và từ cách nhìn “phi chân phi vọng” đến cái thái độ có chút hơi hướng hư vô trước thực tại tưởng cũng không còn xa cách bao nhiêu:

Ngã nhân tự lộ diệc tự sương,Phàm thánh như lôi diệc như điện.Công danh phú quý đẳng phù vân,Thân thế quang âm nhược phi tiễn

(Phàm thánh bất dị-Phàm thánh không khácgì nhau)

Ta, người tựa móc cũng tựa sương,Phàm, thánh như sấm cũng như điện.Công danh phú quý: mây bồng bềnh,Tia nắng đời người: tên bay biến...

May thay, nếu như một mặt, những quan điểm “bất nhị” muốn kéo Trần Tung ngày càng bước sâu vào thế giới không cùng của sự suy nguyên chưa biết đâu là điểm mút, thì hiện thực cuộc sống “vô thường” song muôn màu muôn vẻ mà ông từng trải và gắn bó vẫn có một sức mạnh nâng đỡ bước chân ông. Và cuộc đấu tranh giằng co giữa hai mặt đối lập trong tâm hồn nhà thi sĩ cứ diễn ra âm thầm mà dai dẳng. Bài thơ sau đây, theo chúng tôi, phản ánh cuộc vật lộn dài lâu thầm lặng đó. Tinh thần kiên định của tác giả lộ ra ở hai câu kết cho phép ta dự đoán cái khả năng chấm dứt mọi ảo tưởng còn rơi rớt của họ Trần. Bài thơ mang phong cách của một lời tuyên ngôn, trong đó hình ảnh cây gậy - có người đoán là cây gậy Thiền - được mô tả như một sức mạnh, một người dẫn đường trung thành, giúp Trần Tung bước những bước vững vàng và đúng hướng, nhằm trở lại tắm mình vào thực tiễn:

Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung,Hốt nhiên như hổ hựu như long.Niêm lai khước khủng sơn hà toái?Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung.Tam xích Song Lâm hà xứ hữu?Lục hoàn Địa Tạng khoái nan phùng.Túng nhiêu thế đạo kỳ khu thậm,Bất nại tòng tiền bột tốt ông!

(Trụ trượng tử-Chiếc gậy)

Ngày lại ngày qua tay vững gậyThoắt nhanh như cọp, dẻo như rồng.Vung lên, sông núi e tan nát,Dựng dậy trời trăng sợ mịt mùng.Ba thước Song Lâm tìm chẳng thấy,Sáu vòng Ðịa Tạng kiếm hoài công.Dẫu cho đường tục chông gai mấy,Lão chẳng như xưa bước ngại ngùng!** *Suốt cả cuộc đời tu hành, không phải không có những lúc, khi chưa đại ngộ, Trần Tung đã mải miết đi tìm những hình ảnh vốn chỉ là ảo ảnh: một vị thần Địa Tạng hay một mảnh đất Song Lâm, nơi từ đó Phật đi về cõi Niết Bàn. Và ông đã không bao giờ tìm thấy.

Điều đáng nói là tuy không tìm thấy, Tuệ Trung Thượng sĩ vẫn không thất vọng. Trong tình cảm của ông không hiểu có gì đổ vỡ hay không nhưng biểu hiện ra ở thơ văn thì lại là những nét khỏe nhất: một thái độ tỉnh táo, một ý thức về bản ngã, một sự lựa chọn dứt khoát chỗ đứng ở giữa cõi trần. Quả như Trần Nhân Tông ca ngợi, Trần Tung là con người biết hòa cái siêu phàm với cái thế tục, là người “hòa quang đồng trần” (dùng chữ Lão Tử).

Phải chăng, đó chính là tư tưởng thâm thúy nhất mà cũng sắc sảo nhất của ông, là kết quả của một đầu óc chưa bao giờ thôi hoài nghi một cách bén nhạy? Và người đọc Trần Tung, phải chăng sau khi đã nghiền ngẫm tất cả những mệnh đề thâm diệu của Phật giáo, những lối nói, lối nghĩ mang hàm lượng triết lý sâu xa trong thơ ông, cũng cần tinh ý mà nhận cho ra cái kết luận âm thầm mà thiết thực ấy?

Từ khóa » Cuộc đời Sắc Sắc Không Không Nói Sao Cho Hiểu Mênh Mông Thói đời