Trang Bích Liễu: 'Chồng Thương Tôi Cả đời Vất Vả' - VnExpress

Tối 23/2, trong căn nhà ở ngõ hẻm quận Bình Tân, TP HCM, Trang Bích Liễu cùng người thân nén nỗi đau tiếp khách viếng nghệ sĩ Thanh Tú. Bà cho biết dịp Tết vừa qua, chồng bà vẫn còn trò chuyện cùng vợ và các con. Khoảng nửa tháng nay, ông mất khả năng giao tiếp, sức khỏe kém dần. Đến sáng 23/2, bà nhận ra cơ thể ông lạnh dần. Khi bác sĩ đến nhà, thì nghệ sĩ đã qua đời. "Anh ra đi mà không kịp để lại di nguyện hay lời trăng trối nào", người vợ khóc.

Cách đây 10 hôm, thấy ông chỉ nằm mãi trên giường, không gọi vợ như mọi khi, Trang Bích Liễu lo lắng, chạy đến sờ người ông còn ấm mới yên tâm. Bà ghé sát tai chồng: "Anh cố gắng khỏe hơn để cùng em đi dạo như xưa. Mấy chục năm nay, vợ chồng mình đi đâu, làm gì vẫn có nhau". Nghe bà tâm sự, dù không nói được, hai dòng nước mắt ông chảy dài.

Trang Bích Liễu hồi tưởng những ngày cuối đời của chồng - nghệ sĩ Thanh Tú. Ảnh: Trung Trung

Trang Bích Liễu hồi tưởng những ngày cuối đời của chồng - nghệ sĩ Thanh Tú - tại tang lễ hôm 23/2. Ảnh: Trung Trung

Theo Trang Bích Liễu, Thanh Tú thương vợ 14 năm qua vất vả chăm chồng bạo bệnh. Năm 2008, ông bị tai biến sau thời gian lao tâm khổ tứ trong chuyện kinh doanh. Từ đó, ông di chuyển chật vật, mỗi lần đi lại phải có người dìu. Bệnh ảnh hưởng khả năng giao tiếp, ông chỉ có thể ê a, làm dấu. Trang Bích Liễu trở thành "phát ngôn viên" thay chồng bởi thường chỉ có bà mới hiểu ý ông. Đến bữa cơm, bà đút ông từng muỗng. Mỗi khi trái gió trở trời, người ông đau nhức, phải có vợ kề bên để xoa dầu, đấm bóp. Hàng tối, bà vỗ về cho ông an giấc rồi mới ngủ.

Trang Bích Liễu - Thanh Tú thời còn đi diễn chung. Ảnh: Thanh Hiệp

Trang Bích Liễu - Thanh Tú thời còn đi diễn chung. Ảnh: Thanh Hiệp

Hồi Thanh Tú mới đột quỵ, nhiều "bầu" show vẫn mời bà đi hát. Thỉnh thoảng, bà nhận lời để đỡ nhớ nghề và kiếm thêm tiền thuốc cho ông. Về sau, bà chỉ quanh quẩn ở nhà cùng chồng. Thỉnh thoảng, bà ở tầng trệt đón khách nhưng chỉ cần nghe tiếng ông "đòi vợ", bà lại lật đật lên lầu, chạy tới nắm tay chồng: "Em đây, em đây...". Khi tivi mở các tuồng xưa, nhất là Bên cầu dệt lụa (Thế Châu), nghe ông ê a hát theo, bà bắt nhịp để ca cùng ông, miệng cười mà nước mắt rơi.

Trang Bích Liễu ca vọng cổ "Bên cầu dệt lụa" ở tang lễ chồng 23/2 Trang Bích Liễu ca vọng cổ "Bên cầu dệt lụa" ở tang lễ chồng 23/2

Trang Bích Liễu ca vọng cổ tuồng "Bên cầu dệt lụa" ở tang lễ chồng 23/2. Video: Trung Trung

Cả hai gặp nhau lúc ông đã qua ba lần đổ vỡ. Trước đó, ông là ngôi sao của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thập niên 1960. Sau vở Khói sóng Tiêu Tương, ông được các đoàn làm phim để mắt đến, rồi được bầu Xuân mời về đoàn Dạ Lý Hương khi đôi Hùng Cường - Bạch Tuyết rời đi. Tại đây, ông gặp Trang Bích Liễu - khi ấy vừa tốt nghiệp trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM).

Ngày ấy, Trang Bích Liễu được giới ký giả ví như "cô đào trẻ của đợt sóng mới" trong làng cải lương. Đôi mắt to tròn gợi nét u hoài, nụ cười khả ái, bà gây sốt với những tuồng xã hội mang màu sắc tươi trẻ, sôi động - khác xu hướng tuồng bi thời đó. Trang Bích Liễu còn tạo nên làn sóng thời trang mới, nhiều trang phục bà mặc diễn khi đó được các thiếu nữ săn lùng. Sánh đôi trên sân khấu, Trang Bích Liễu, Thanh Tú trở thành đôi ăn khách nhất nhì của Dạ Lý Hương.

Trang Bích Liễu thuở đôi mươi. Ảnh: Đinh Tiến Mậu

Trang Bích Liễu thuở đôi mươi. Ảnh: Đinh Tiến Mậu

Chuyện tình của họ bị gia đình bà phản đối từ lúc đầu. Mẹ Trang Bích Liễu thương bà khi đó mới đôi mươi, còn ông đã ba đời vợ với ba người con riêng. Mỗi lần bà đi diễn, mẹ nghệ sĩ đều sai em bà chở đi hòng ngăn họ gặp gỡ. Có lần, bà lén đi xem phim cùng ông tại rạp Công Nhân. Về nhà, mẹ Trang Bích Liễu biết được, rút roi đánh cả chị lẫn em. Dù vậy, mối tình vẫn diễn ra trong bí mật. Năm 1981, bà lấy hết can đảm, về nhà thưa chuyện với mẹ thêm lần nữa. Thấy cả hai thật lòng thương nhau, mẹ bà đồng ý. Đám cưới nhỏ diễn ra một tháng sau đó trong sự chúc phúc của bạn hữu làng sân khấu.

Trang Bích Liễu - Thanh Tú bao lần đồng cam cộng khổ trước những lần suy - thịnh của cải lương. Mê nghề làm bầu, họ lập gánh hát, rong ruổi miền Tây. Đầu thập niên 1990, nhiều gánh cải lương bế tắc khi xu hướng xem băng đĩa nhạc dần lên ngôi, đoàn hát của họ cũng rơi vào thảm cảnh. Vỡ nợ, họ trở về Sài Gòn khi trong túi còn không một đồng. Mẹ Trang Bích Liễu cho vợ chồng bà một khoảnh sân thượng, cắm túp lều ở nhờ. Vợ chồng bà lại vun vén, mở quán bia vọng cổ, lấy tên Bên cầu dệt lụa gần bến xe miền Tây. Được một thời gian, cả hai lao lực vì thức đêm trông coi. Quán dần mất khách, họ phải bán căn nhà mẹ bà để lại. Cũng lúc đó, ông lên huyết áp, lâm bệnh rồi nằm liệt giường.

Trong đêm viếng 23/2, nhiều đồng nghiệp đến nhìn mặt Thanh Tú lần cuối. Nghệ sĩ Minh Hơn - em trai Minh Phụng - quen ông từ thuở còn chung đoàn cải lương ở Đồng Tháp từ đầu thập niên 1980. Sau này, cải lương thất thế, Minh Hơn trải qua nhiều đoàn, Thanh Tú giải nghệ nhưng vẫn giữ mối thân tình. Khi Thanh Tú đột quỵ, Minh Hơn mời bác sĩ về tận nhà giúp ông tập vật lý trị liệu, đi lại được một thời gian. Thỉnh thoảng, thấy Thanh Tú khỏe hơn, ông nói đàn anh ca vài câu của Nhuận Điền trong Bên cầu dệt lụa "nghe chơi". Nghệ sĩ vẫn thuộc thoại, nhưng đến đoạn xuống vọng cổ, ông hết hơi, đành cười trừ. Minh Hơn nói: "Anh Tú sống chân thành lắm. Có lúc, tôi bận không đến thăm được. Sau này, nghe chị Liễu kể lại lúc đó anh khóc, nói với vợ: Chắc Hơn nó bỏ anh rồi".

Nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga trong vở 'Bên cầu dệt lụa' Nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga trong vở 'Bên cầu dệt lụa'

Cố nghệ sĩ Thanh Sang, Thanh Nga, Thanh Tú trong trích đoạn "Bên cầu dệt lụa" (năm 1976). Video: YouTube Dũng Nguyễn

Nghệ sĩ Thanh Tú tên thật là Mai Văn Tú, sinh năm 1939, học trò của nhạc sĩ Út Trong. Ông gia nhập đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga năm 1961, trở thành ngôi sao nhờ giọng ca truyền cảm, dáng vóc điển trai, vạm vỡ. Ông từng đóng cặp với Thanh Nga trong các vở tuồng Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Phấn bụi phù hoa... Năm 1963, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm qua vai Lưu Kiến Xuân trong tuồng Khói sóng Tiêu Tương. Vai diễn được nhớ đến nhiều nhất của ông là Nhuận Điền, nghĩa huynh hào hiệp của Trần Minh trong tuồng Bên cầu dệt lụa (soạn giả Thế Châu), đóng cùng cố nghệ sĩ Thanh Sang.

Mai Nhật

  • Thanh Tú 'Bên cầu dệt lụa' qua đời
  • Diệu Hiền, Trang Bích Liễu xúc động gặp gỡ Kim Cương

Từ khóa » Trang Bích Liễu Bao Nhiêu Tuổi