Trang Phục Của Dân Tộc Sán Chỉ - Tỉnh Bắc Kạn

Không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, trang phục của người Sán Chỉ đơn giản nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt.

Ngày thường, trang phục của người Sán Chỉ cũng giống như trang phục của người Kinh và người Tày, chỉ đến khi có dịp đặc biệt như: Lễ, tết hay xuống chợ phiên thì người Sán Chỉ mới mặc những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Chị Đặng Thị Trinh - Thôn Nà Lẩy, xã Bộc Bố huyện Pác Nặm cho biết: Điều quan trọng nhất của người Sán Chí là lễ trưởng thành, đánh dấu bước ngoặt của mỗi người từ đây đã có thể sống tự lập. Trong lễ trưởng thành, bắt buộc người Sán Chỉ phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Đây là dịp nhắc nhở mỗi người Sán Chí phải biết phát huy, gìn giữ các truyền thống của dân tộc mình.

 

Phụ nữ Sán Chỉ với trang phục dân tộc tại chợ phiên

Trang phục Sán Chỉ của cả nam và nữ đều do đôi bàn tray khéo léo của người phụ nữ làm ra. Không có những đường nét thêu thùa sặc sỡ, người phụ nữ  Sán Chỉ luôn mặc váy chàm dài ngang bọng cổ chân; áo đi theo cặp: Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc nhưng thường là áo sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ, chiều dài áo ngang cùng với váy. Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, người phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các phụ kiện như: Đeo thêm vòng cổ, vòng tay bằng bạc; vào những ngày lễ, tết mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 - 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình.

Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi.

Điều đáng chú ý là bộ trang phục của người Sán Chỉ do chính những đôi bàn tay phụ nữ Sán Chỉ nhuộm màu cho vải để có màu sắc ưng ý. Để nhuộm được một mảnh vải may trang phục phụ nữ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Cây chàm được lấy về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào vại. Qua một đêm, thứ nước đó được hoà với nước tro bếp và một bát nước vôi, sau đó khuấy đều và để lắng trong khoảng 30 phút. Vải sẽ được đem ngâm hỗn hợp nước này cùng với một số loại lá cây rừng. Khi nhuộm lần đầu, vải có màu xanh nhạt, dễ phai. Qua nhiều lần nhuộm rồi đem phơi nắng, vải sẽ sẫm lại giống như màu của núi rừng. Đối với vải để may trang phục cho nam giới, công đoạn nhuộm vải đơn giản hơn và không mất nhiều thời gian. Vải đó được người phụ nữ nhuộm bằng củ nâu cho đến khi có màu chàm sẫm. Vải có được màu sắc đẹp hay không là do kinh nghiệm của mỗi người nhuộm.

Chia sẻ về kinh nghiệm nhuộm vải của dân tộc mình, bà Đặng Thị Thiếp - Thôn Nà Lẩy xã Bộc Bố cho biết: Để có được màu vải đẹp thì khâu quan trọng nhất là chọn nguyên liệu nhuộm và xử lý nước nhuộm. Cây chàm để nhuộm vải phải được trồng vào đúng tháng 2, thu hoạch vào tháng 7 và cách pha chế nước nhuộm vải người phụ nữ Sán Chỉ biết được do được truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Trang phục của người Sán Chỉ được hình thành theo tháng ngày nhọc nhằn của người phụ nữ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật mà người Sán Chỉ đã làm ra với sự cần cù, khéo léo, góp phần làm nên sự đa dạng của bản sắc dân tộc./.

Từ khóa » Có Dân Tộc Sán Chí Không