Trang Sau - Vung Dau Tu

Trang trước

Mục lục

Trang sau

A. VỀ NÔNG NGHIỆP

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.017.260 ha, trong đó đất có khả năng nông nghiệp là 260.400 ha; đáng kể nhất là đất đỏ bazan 205.900 ha, đất phù sa sông suối là 54.500 ha. Ngoài diện tích đất đỏ bazan và phù sa sông suối, còn có khoảng 71 ngàn ha đất feralit đỏ vàng và feralit có mùn trên núi, xen vào các quỹ đất nêu trên Lâm Đồng còn trên 220 ngàn ha đất trồng, đồi trọc.

Với những điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt, từ lâu Lâm Đồng đã là địa bàn phân bố khá đa dạng, phong phú các loại động, thực vật, trong đó có những loại quý hiếm .

1. Về trồng trọt:

Trong tổng quỹ đất nông nghiệp và có khả năng nông nghiệp thì đất đỏ bazan và nâu vàng bazan là hai loại đất này có độ phì cao, tầng dày, đồng nhất, thành phần cơ giới thường từ trung bình đến nặng, phân bố phần lớn ở các huyện Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và một phần ở Đơn Dương. Nói chung các loại đất này rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày và các loại cây ăn quả.

Đất phù sa toàn lãnh thổ là 54.500 ha, hình thành chủ yếu do bồi tụ của các sông suối và quá trình kết lắng của các sản phẩm rửa trôi, bào mòn từ các sườn núi, đồi cao mang xuống, đất có tầng khá dày (70-100 m), thường chua (pH 4-4,5), các thành phần N, P, K nhìn chung nghèo, hàm lượng cation trao đổi thấp, đặc biệt ở một số vùng quá trình feralit ở đất phù sa đang xảy ra khá mạnh. Một phần diện tích đất này đã được khai thác canh tác lúa nước hoặc trồng màu, trồng dâu và các loại đậu đỗ, mía...

Do đặc điểm địa hình, đất Lâm Đồng có 591.163 ha ở độ dốc trên 25 độ (chiếm 47 % diện tích tự nhiên). Diện tích đất ở độ dốc dưới 25 độ đã được khai thác sử dụng vào các mục đích kinh tế khác nhau, chủ yếu là trồng trọt. Do thuận tiện giao thông, địa hình tương đối bằng phẳng các vùng đất dọc theo các trục lộ giao thông đều được khai thác đưa vào sử dụng với tỉ lệ tương đối cao, tạo thành những vùng chuyên canh lớn về các loại cây, cà phê, dâu tằm, mía, rau và cây ăn quả ...

Cay che

Cây chè

Tổng diện tích khả năng nông nghiệp toàn tỉnh là 260.000 ha đến cuối năm 1990 đất đã được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp là 81.817 ha, chiếm 40,9% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đó đất trồng cây hàng năm là 42.664 ha, đất trồng cây lâu năm 42.644, đất dùng vào chăn nuôi 561 ha, mặt nước dùng vào nông nghiệp 686 ha. Quỹ đất chưa được khai hoang sử dụng còn rất lớn, đây là một nguồn lực rất quan trọng của Lâm Đồng. Nhìn chung cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu thời tiết, nông hóa, thổ nhưỡng nhất là trên các vùng đất đỏ bazan là cây công nghiệp dài ngày. Đến nay tổng diện tích lên tới 11.067 ha, năng suất bình quân mới đạt 5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 40.000 tấn/năm, sản phẩm chè khô chế biến đạt trên 8.000 tấn/năm. Nghề trồng, chế biến và tiêu thụ chè của tỉnh hàng năm giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người. Sản phẩm chè được tiêu thụ ở các thị trường lớn là các nước thuộc SNG, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan... và thị trường trong nước. Ngành nghề trồng và chế biến chè được tỉnh xác nhận là một thế mạnh kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quỹ đất cùng với lao động tăng lên hàng năm, cho phép Lâm Đồng có thể mở rộng diện tích cây chè gấp 2 lần trong tương lai.

Cây dâu tằm: Đã được trồng ở Lâm Đồng từ những năm trước 1975. Cây trồng phát triển tốt, chất lượng lá dâu bảo đảm, năng suất trung bình từ 6-8 tấn/ha có vùng đạt 10-12 tấn/ha. Do thời tiết khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, phần lớn các huyện ở Lâm Đồng đều có thể nuôi được các giống tằm lưỡng hệ có năng suất kén cao, chất lượng kén tốt. Nhờ có Liên hiệp dâu tằm tơ Việt Nam đứng chân trên địa bàn tỉnh và có sự tham gia đầu tư lớn của nhiều nước qua Liên hiệp dâu tằm tơ Việt Nam hiện nay ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ ở Lâm Đồng phát triển với tốc độ nhanh đạt trình độ công nghệ hiện đại của thế giới cả về tạo giống tằm, giống tơ, ươm tơ tự động, dệt lụa. Nhiều hộ gia đình có nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở các tỉnh đã tập trung về đây hành nghề. Đến nay trên toàn lãnh thổ đã có trên 12.000 ha dâu tằm, gấp hàng chục lần so với năm 1975, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động hàng năm. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng coi ngành trồng dâu nuôi tằm là một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, và dang phấn đấu đến năm 2000 đưa tổng diện tích dâu toàn tỉnh lên 30.000 ha, tăng 2,5 lần so với hiện nay.

Cây cà phê: là cây công nghiệp được trồng ở Lâm Đồng khá sớm. Các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, độ cao... của Lâm Đồng đa dạng nên ở đây có thể trồng được cả 3 giống cà phê Arabica, Robusta và Seri. Chất lượng cà phê Lâm Đồng vào loại ngon, đặc biệt là cà phê Arabica ở Đà Lạt thơm ngon được nhiều người ưa thích. Nhờ xác định đúng tổ chức sản xuất, cơ chế quản lý, phát huy tiềm năng thế mạnh gắn với sản xuất hàng hóa đến nay diện tích cây cà phê của tỉnh đã tăng 12 lần so với năm 1975, hiện nay có 19.415 ha, năng suất mới đạt bình quân 730 kg nhân/ha, phần lớn diện tích cà phê đã đưa vào kinh doanh, mỗi năm có thể cung cấp trên 10.000 tấn cà phê nhân ra thị trường thế giới. Tất cả 9 huyện và TP. Đà Lạt đều trồng được cà phê, trong đó diện tích lớn nhất là Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà và Đức Trọng. Quỹ đất có thể còn phát triển cà phê dồi dào, cùng với lao động hàng năm tăng lên đến năm 2.000, cây cà phê có khả năng đạt diện tích từ 23.000-25.000 ha. Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định cây cà phê là một trong 3 cây công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình. Hướng đầu tư những năm tới là vừa tập trung thâm canh năng suất vừa mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện, trong đó chú trọng mở rộng diện tích cà phê Arabica ở những địa bàn thích hợp để tăng khối lượng và nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu.

Ngoài 3 cây công nghiệp chính là chè, cà phê, dâu tằm đã đang và sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong cơ cấu cây trồng chung của tỉnh thì cây thuốc lá, mía, cây điều là những cây có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển rộng ở nhiều vùng.

Cây thuốc lá: hiện được trồng ở Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh... Diện tích năm 1991 là 260 ha, 1992 là 700 ha, năm nay có thể đạt từ 800-1.000 ha. Hàm lượng nicotin trong thuốc lá ở Lâm Đồng vào loại khá, hiện được đầu tư phát triển để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thuốc lá ở TP. Hồ Chí Minh.

Cay thuoc la

Cây thuốc lá

Cây mía : Được trồng từ nhiều năm nay, ở nhiều huyện trong tỉnh. Diện tích trung bình hàng năm là 2.500 ha. Đây là cây có triển vọng mở rộng gấp rưỡi đến gấp 2 lần diện tích vào năm 2000.

Cây điều: Đã được trồng và cho sản phẩm khá ở một số huyện phía Nam, nhất là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đất để mở mang diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh còn nhiều, tập trung nhất là ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và một số vùng xa của huyện Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà...

Là một tỉnh miền núi, quỹ đất để trồng các loại cây lương thực không lớn. Các cây luơng thực chính được trồng trọt trên địa bàn bao gồm lúa nước, ngô, khoai, sắn, dong riềng... hàng năm cung cấp cho địa phương từ 120-130 ngàn tấn quy thóc, đáp ứng khoảng trên 30% nhu cầu lương thực toàn tỉnh.

Tổng quỹ đất có thể trồng trọt lúa nước hai vụ của tỉnh là 11.500 ha, tập trung ở huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đơn Dương. Phần diện tích lúa nước theo các hệ thống, sông, suối. Hiện nay, hệ thống đã khai thác sử dụng làm lúa nước 2 vụ ổn định gắn với hệ thống thủy nông toàn tỉnh trên 5.000 ha. Để phát huy 6.500 ha đất có thể trồng trọt lúa nước còn lại, đòi hỏi phải đầu tư củng cố, nâng cấp phần lớn các công trình thủy lợi hiện có và xây dựng mới một số công trình. Ngoài diện tích lúa nước hai vụ ổn định, hiện nay tỉnh còn 19.853 ha lúa thổ, lúa nước 1 vụ. Triển vọng những năm tới diện tích lúa nước 1 vụ này sẽ thu hẹp dần nhường chỗ cho những cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn.

Cây ngô là cây lương thực cung cấp sản phẩm hàng hóa để chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Các huyện có diện tích ngô lớn là Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Cây khoai lang và cây sắn là hai cây màu phụ trồng ở nhiều huyện và TP. Đà Lạt. Song do cây lúa những năm qua được mùa liên tục, nhu cầu về sản phẩm màu trên thị trường không tăng nên diện tích và sản lượng khoai, sắn giảm.

Tiềm năng về đất đai, thủy lợi, lao động, giống cây trồng mới... để phát triển sản xuất lương thực trên toàn lãnh thổ còn đáng kể.

Cây rau : Đà Lạt là một vùng có khí hậu á ôn đới thích hợp cho việc trồng trọt các loại rau cao cấp như bắp cải, cà rốt, súp lơ, khoai tây, xà lách, cải thảo, hành tây... đồng thời nông dân Đà Lạt đã có kinh nghiệm phong phú và truyền thống trồng trọt các loại rau cao cấp. Diện tích và sản lượng các loại rau ở Đà Lạt những năm gần đây đã từng bước được khôi phục nhưng so với sản lượng rau trung bình các năm trước 1975, thì sản lượng rau năm 1991 mới chỉ bằng trên 50%, tiềm năng và triển vọng mở rộng diện tích tăng sản lượng rau Đà Lạt lên gấp đôi hoặc gấp ba hiện nay là khả năng hiện thực.

Đậu tương, đậu đen, đậu phụng... đã được trồng và phát triển tốt ở các huyện. Diện tích toàn tỉnh bình quân những năm qua là 3.500ha/năm, năng suất mới đạt từ 6,8-7 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt 2.500 đến 2.700 tấn. Trong các loại đậu, diện tích cây đậu tương thường từ 50% đến 60% tổng diện tích các loại đậu nói chung.

Trên địa bàn Đà Lạt, nghề trồng hoa đã có từ lâu, nhưng quy mô chưa lớn. Các loại hoa được sản xuất và tiêu thụ chính ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang... đáng kể nhất là các loại địa lan, phong lan, hoa lay ơn, hoa lys, hoa hồng, cúc, cẩm chướng, thược dược... nhờ thời tiết khí hậu ôn đới, thổ nhưỡng thích hợp, các loại hoa ở Đà Lạt là có đặc điểm nổi bật là màu sắc sặc sỡ, độ bền lâu, lá xanh và chồi biếc. Nếu có phương tiện giao thông thuận tiện, thị trường quốc tế được mở rộng và đầu tư thỏa đáng ngành trồng hoa ở Đà Lạt nhất định sẽ hức hẹn một tương lai phát triển mới.

Trên địa bàn Đà Lạt và một số huyện các cây thuốc đầu vị, nhất là Atisô đã được phát triển ở một số nơi, mỗi năm diện tích có tới hàng trăm hecta. Cây canhkina trước đây cũng đã được trồng và phát triển tốt ở Đà Lạt, Di Linh. Với cơ chế, chính sách mới, hy vọng có thể thu hút các nguồn lực đầu tư, để mở mang, phục hồi và phát triển chế biến các sản phẩm dược liệu trên địa bàn Đà Lạt và các huyện, tăng thêm các sản phẩm hàng hóa cho địa phương .

Để phát huy các nguồn lực và đất đai, phát triển nông nghiệp toàn diện, các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp đã được xây dựng và từng bước phát triển, trong đó quan trọng và đáng kể nhất là các công trình thủy nông. Trong 18 năm qua, tỉnh đã đầu tư sức người, sức của xây dựng hoàn chỉnh, phục hồi các công trình thủy lợi, phát huy hết năng lực của các công trình, quan trọng như Tuyền Lâm - Quảng Hiệp, Đạ Đờn, Pró, Đạ Tẻh, Liên Khương, Đạ Hàm, Đạ Pool... 171 hồ đập lớn và vừa, 500 hồ đập nhỏ, 50 kênh mương chính, 10 trạm bơm điện gồm 18 tổ máy và gần 100 máy bơm vừa và nhỏ. Giá trị tài sản cố định của toàn bộ các công trình thủy lợi ước 200 tỷ đồng (giá thời điểm 1991), năng lực tưới đảm bảo 113.100 ha, trong đó cho vùng rau Đà Lạt 1200 ha, cho cây công nghiệp dài ngày 3.000 ha, cây lương thực 6700 ha.

Nhờ biện pháp hàng đầu là thủy lợi, đã làm sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích, đi đôi với tăng năng suất và sản lượng các loại cây trồng.

2. Về chăn nuôi:

Với đặc điểm địa hình, độ cao, thời tiết khí hậu, Lâm Đồng còn là vùng đất thích hợp cho việc chăn nuôi trâu, bò đàn, bò sữa, gia cầm và nuôi tằm lưỡng hệ quanh năm...

Chăn nuôi trâu, bò đàn đã thành tập quán của nhân dân Lâm Đồng. Đồng bào thường thả trâu, bò từng bầy vào kiếm ăn trong các khu rừng chồi, rừng thưa, dưới tán rừng thông và nương rẫy sau mùa thu hoạch. Nhờ diện tích chăn thả rộng, thức ăn tự nhiên, đa dạng, phong phú, nên trâu, bò phát triển khá nhanh.

Năm 1975 đàn trâu, bò toàn tỉnh có 7.461 con, đến năm 1990 tổng đàn lên tới 20.385 con, gấp 2,73 lần; đàn bò lúc đó là 11.477 con, năm 1990 tổng đàn lên tới 39.146 con, gấp 3,41 lần; đàn ngựa 1976 là 429 con, hiện nay có 1.026 con, gấp 3,41 lần. Tiềm năng phát triển gia súc còn lớn.

Từ sau 1975, Lâm Đồng đã được chọn là một địa bàn phát triển đàn bò sữa có quy mô lớn của cả nước. Sau nhiều năm xây dựng, phát triển, có thể khẳng định rằng, chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng có hiệu quả cao. Hiện nay đàn bò sữa ở nông trường quốc doanh đạt gần 1.800 con, đàn bò sữa khu vực ngoài quốc doanh có tới hàng trăm con. Diện tích trồng cỏ qui hoạch để phát triển bò hiện nay là 3.090 ha. Để phát triển mạnh đàn bò sữa, xây dựng Lâm Đồng thật sự trở thành địa bàn chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của cả nước, đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ ở tầm vĩ mô và xác định đúng đắn mô hình tổ chức sản xuất dịch vụ, đồng thời thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài.

Nhờ dồi dào thức ăn, chăn nuôi heo hàng hóa ở Lâm Đồng đã được phát triển từ lâu. Đặc biệt từ sau năm 1975, đàn heo phát triển mạnh cả về tổng đàn và tăng trọng lượng xuất chuồng. Năm 1976 tổng đàn heo là 30.317 con đến năm 1990 đạt 100.849 con, gấp 3,32 lần.

Đàn gà, vịt, ngan, ngỗng cũng tăng nhanh, tổng đàn năm 1976 là 90.040 con, đến cuối năm 1990 lên tới 719.946 con, gấp 7,26 lần. Đàn gà công nghiệp khu vực quốc doanh và gia đình những năm gần đây tăng đáng kể.

B. VỀ LÂM NGHIỆP

1. Những nét khái quát về rừng Lâm Đồng

Rung thong

Rừng thông

Do điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của Lâm Đồng nên hiện trạng phân bố thực vật có đặc điểm riêng, khác với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và các vùng khác của cả nước. Biểu hiện là: Thành phần các loại thực vật phong phú, hiện nay ở Lâm Đồng có gần 400 loại gỗ lá rộng và lá kim, trong đó có nhiều loại quý như Pơ mu xanh, thông ba lá, hai lá, cẩm sao... ngoài gỗ ra còn có các loại tre, nứa, lồ ô, le... phân bố ở những vùng đất ẩm, ven sông, tập trung ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, Đức Trọng.

Hiện nay, trữ lượng rừng ở Lâm Đồng vào loại lớn so với các tỉnh cả nước, các cây rừng sinh trưởng nhanh, nhất là cây thông, tái sinh tự nhiên tốt và ít sâu bệnh. Rừng thông trong tỉnh được chia thành hai vành đai rõ rệt; ở độ cao dưới 900m là diện tích thông 2 lá; ở độ cao 900m trở lên là loại thông 3 lá. Căn cứ vào lớp phủ thực vật tự nhiên trên toàn lãnh thổ có thể phân thành các loại rừng chính sau đây:

- Rừng lá rộng: Phân bố hầu khắp các diện tích toàn tỉnh từ cao xuống thấp, nhưng tập trung lớn ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lộc. Đây là loại rừng nhiều tầng, gồm các tầng cây gỗ lớn, sau đó đến tầng cây thấp hơn và cuối cùng là tầng cỏ. Vùng này có 125 họ thực vật, trong đó nhiều họ có giá trị.

Rừng lá kim: phân bố ở vùng khí hậu á ôn đới, hơi khô, ở đây chủ yếu là các loại thông 3 lá, 2 lá phân bố theo 2 vành đai, ở độ cao dưới 900m và trên 900m. Đây là rừng có giá trị kinh tế lớn.

- Rừng tre nứa, lồ ô: Phân bố tập trung ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà và dọc theo các sông suối có nước và độ ẩm lớn.

- Rừng hỗn giao lá rộng, lá kim: phân bố rải rác ở các địa bàn trên toàn lãnh thổ, ở các độ cao khác nhau, kể cả trên các dãy đá Granit... gồm các họ thực vật như dầu, thông, dẻ, mộc lan, tre, nứa, lồ ô...

Trong rừng Lâm Đồng cũng có nhiều loại động vật tự nhiên, bao gồm các loại như: lợn rừng, hươu, nai, chồn, thỏ, khỉ, các loài quý hiếm như tê giác Java (sừng), voi, sơn dương, gấu, hổ, cheo cheo, voọc xám, báo gấm, báo Hawai... Về chim có nhiều loài...

2. Hiện trạng tài nguyên rừng Lâm Đồng

Dưới đây là những số liệu mới nhất về tài nguyên tỉnh Lâm Đồng được điều tra năm 1992 theo Quyết định số 165-CT của chủ tịch HĐBT.

A. Tổng diện tích tự nhiên của Lâm Đồng là 1.017.260 ha. Trong đó:

- Rừng tự nhiên chiếm 57,5% tổng diện tích tự nhiên.

- Đất không có rừng chiếm 22,6% tổng diện tích tự nhiên.

- Đất khác chiếm 19,9% diện tích tự nhiên.

Tổng diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh là 570.592, trữ lượng gỗ là 42.720.999 m 3; trữ lượng tre, nứa, lồ ô là 5.444.209.000 cây, trị giá là 285.574.29333.000 đồng. Rừng tự nhiên phân chia theo mục đích sử dụng có: rừng sản xuất kinh doanh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong tổng quỹ rừng tự nhiên, thì diện tích rừng thông là 133.00 ha chiếm 23% diện tích đất, có rừng và 13% diện tích tự nhiên, là loại rừng có giá trị nhiều mặt ở Lâm Đồng.

a) Rừng sản suất kinh doanh : Đây là loại rừng có ý nghĩa quan trọng nhất đối với kinh tế địa phương về rừng sản xuất kinh doanh 336.689 ha, chiếm 59,2% diện tích rừng tự nhiên và 34,1% tổng diện tích tự nhiên, trữ lượng gỗ là 26.627.356m3 chiếm 52,8% tổng số lượng gỗ của rừng tự nhiên; trữ lượng tre, nứa, lồ ô, giá trị 169.527.000đ, chiếm 59,2% giá trị rừng tự nhiên.

Rừng sản xuất kinh doanh có mấy loại chính sau đây:

+ Rừng giống thông: có diện tích rất nhỏ: 4.004 ha chiếm 1,1% diện tích rừng kinh doanh; trữ lượng gỗ là: 542.760m3 bằng 2% tổng trữ lượng gỗ rừng kinh doanh; giá trị là 3.725.240.000đ bằng 2,2% giá trị rừng kinh doanh.

+ Rừng kinh doanh gỗ và lâm sản khác: Có diện tích 332.685 ha, chiếm 98,8% diện tích rừng sản xuất kinh doanh, và có trữ lượng gỗ là: 26.129.590m3, chiếm 97,9 % trữ lượng gỗ rừng sản suất kinh doanhh, trị giá 83.446.427.500 đồng, chiếm 49,2% giá trị rừng sản xuất kinh doanh.

+ Rừng lá kim: có 45.061 ha chiếm 13,3%, trữ lượng gỗ 4.424.572m3, chiếm 16,5%, giá trị 29.836.043.600đ, chiếm 17,5% giá trị rừng sản suất kinh doanh.

+ Rừng tre nứa: có 63.884 ha trữ lượng 2.561.770.000 cây, chiếm 74,1% với giá trị 7.148.329.800 đồng, chiếm 4,2% giá trị rừng sản xuất kinh doanh.

Rừng hỗn giao lá rộng + lá kim: có 12.825 ha bằng 3,8%, trữ lượng gỗ 1.564.417m 3 chiếm 5,8%, giá trị 12.562.671.700 đồng bằng 7,4% giá trị sản xuất kinh doanh.

+ Rừng hỗn giao + tre nứa: Có 27.483 ha, chiếm 8,1% rừng sản xuất kinh doanh và 4,8% diện tích tự nhiên. Trữ lượng gỗ 1.518.635m3 chiếm 5,6% trữ lượng gỗ rừng sản suất kinh doanh và bằng 3% trữ lượng gỗ rừng tự nhiên toàn tỉnh, giá trị 11.595.117.600 đồng, chiếm 6,8% giá trị rừng sản xuất kinh doanh và bằng 4% giá trị rừng tự nhiên.

Nếu rừng kinh doanh gỗ và lâm sản phân loại theo mức độ giàu, nghèo, trung bình và phục hồi, ta có tư liệu như sau:

+ Rừng giàu: (có trữ lượng gỗ từ 150m3/ha trở lên)

Rừng kinh doanh giàu có: 11.680 ha, chiếm 3,4% diện tích rừng sản suất kinh doanh. Trữ lượng gỗ có 2.792.936m3, bằng 10,4% trữ lượng gỗ rừng sản xuất kinh doanh và bằng 5,5% trữ lượng gỗ tự nhiên toàn tỉnh. Giá trị là 18.167.758.700 đồng bằng 10,7% giá trị rừng sản xuất kinh doanh và bằng 6,5% giá trị toàn bộ rừng tự nhiên của tỉnh.

Rừng trung bình: (có trữ lượng gỗ từ 80-150m3 gỗ)

Rừng kinh doanh loại trữ lượng trung bình có 54.183 ha bằng 14,7% diện tích rừng sản suất kinh doanh, trữ lượng gỗ có 7.999.324 m3, bằng 29,99% trữ lượng gỗ rừng sản suất kinh doanh, bằng 15,8% trữ lượng gỗ rừng tự nhiên toàn tỉnh. Giá trị 39.421.505.300 đồng bằng 233,2% giá trị rừng sản xuất kinh doanh và bằng 13,8% giá trị rừng tự nhiên toàn tỉnh.

Rừng nghèo (có trữ lượng gỗ 80m3/ha)

Tổng diện tích rừng nghèo trong loại rừng sản xuất kinh doanh là 57.518 ha chiếm 17% diện tích rừng sản xuất kinh doanh, trữ lượng gỗ có 5.595.627m3 bằng 20,9% trữ lượng gỗ của rừng kinh doanh và bằng 11,04% trữ lượng gỗ rừng tự nhiên toàn tỉnh.

b. Rừng phòng hộ đầu nguồn:

Tổng diện tích có 147.111 ha chiếm 25,8% tổng diện tích toàn tỉnh, trữ lượng gỗ bằng 30,8% trữ lượng gỗ tự nhiên toàn tỉnh; trữ lượng tre, nứa là 1.131.270.000 cây, bằng 20,7% tổng số tre, nứa lồ ô rừng toàn tỉnh, giá trị 116.047.266.300 đồng, chiếm 40,6% giá trị rừng tự nhiên toàn tỉnh.

c. Rừng đặc dụng :

Tổng diện tích có 84.259 ha, chiếm 14,8% tổng diện tích rừng toàn tỉnh, trữ lượng gỗ 8.212.313m3, bằng 16,3% trữ lượng gỗ rừng tự nhiên toàn tỉnh, tre, nứa, lồ ô 858.717.000 cây, bằng 15% tổng số trữ lượng tre, nứa, lồ ô rừng tự nhiên toàn tỉnh.

d. Rừng trồng : 10 năm (từ 1982 đến 1992) rừng trồng trên toàn tỉnh được 11.300 ha trong đó có 6417 ha được kiểm kê, đánh giá và đưa vào tổng diện tích nói chung.

đ. Đất không có rừng :

Đây là đất Lâm nghiệp có độ dốc từ 25 độ trở lên, có diện tích là 223.172 ha chiếm 22,6% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có đất có khả năng trồng rừng, kinh doanh 100%, là quỹ đất khá lớn cần phải có chính sách thu hút các nguồn vốn để trồng rừng.

Từ khóa » đất được Sử Dụng Chủ Yếu để Trồng Cây Công Nghiệp Là đất Feralit