Trang Thơ T.T.Kh. (4 Bài Thơ) - Thi Viện

Thi Viện ×
  • Tên tác giả/dịch giả
  • Tên bài thơ @Tên tác giả
  • Nội dung bài thơ @Tên tác giả
  • Tên nhóm bài thơ @Tên tác giả
  • Tên chủ đề diễn đàn
  • Tìm với Google
Toggle navigation
  • Tác giả
    • Danh sách tác giả
    • Tác giả Việt Nam
    • Tác giả Trung Quốc
    • Tác giả Nga
    • Danh sách nước
    • Danh sách nhóm bài thơ
    • Thêm tác giả...
  • Thơ
    • Các chuyên mục
    • Tìm thơ...
    • Thơ Việt Nam
    • Cổ thi Việt Nam
    • Thơ Việt Nam hiện đại
    • Thơ Trung Quốc
    • Đường thi
    • Thơ Đường luật
    • Tống từ
    • Thêm bài thơ...
  • Tham gia
    • Diễn đàn
    • Các chủ đề mới
    • Các chủ đề có bài mới
    • Tìm bài viết...
    • Thơ thành viên
    • Danh sách nhóm
    • Danh sách thơ
  • Khác
    • Chính sách bảo mật thông tin
    • Thống kê
    • Danh sách thành viên
    • Từ điển Hán Việt trực tuyến
    • Đổi mã font tiếng Việt
Đăng nhập ×

Đăng nhập

Tên đăng nhập: Mật khẩu: Nhớ đăng nhập Đăng nhập Quên mật khẩu? Đăng nhập bằng Facebook Đăng ký 234.13Nước: Việt Nam (Hiện đại)4 bài thơ19 bình luận19 người thích
  • Chia sẻ trên Facebook
  • Bình luận

Tác giả cùng thời kỳ

- Xuân Diệu (357 bài)- Tố Hữu (251 bài)- Nguyễn Bính (284 bài)- Hàn Mặc Tử (216 bài)- Trần Đăng Khoa (151 bài)Tạo ngày 14/03/2005 17:50 bởi Vanachi, đã sửa 5 lần, lần cuối ngày 10/04/2008 05:54 bởi Cammy T.T.Kh. là một tác giả ẩn danh trong phong trào Thơ mới (1930–1945), tác giả bài Hai sắc hoa ti-gôn nổi tiếng. Nhiều người đã suy đoán lai lịch thật của T.T.Kh. nhưng chưa có giả thuyết nào thuyết phục được công chúng.Sau khi truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu đăng năm 1937 trên Tiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội), toà soạn nhận được hai bài thơ, do một thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn, mang đến gửi cho chủ bút, ký tên T.T.Kh., xin đăng báo. Báo này đăng hai bài thơ đó và xin tác giả cho địa chỉ nhưng tác giả từ chối. Sự việc rắc rối là trong khi tác giả T.T.Kh. im lặng thì một vài nhà thơ đương thời như Nguyễn Bính, Thâm Tâm đã sáng tác các bài thơ hưởng ứng trong đó dường như có biết, thậm chí có dính líu với đời tư người này từ trước (Cô gái vườn Thanh của Nguyễn Bính, Màu máu ti-gôn của Thâm Tâm). Từ đó, những lời đồn đại về T.T.Kh. càng có thêm nhiều dị bản.T.T.Kh. chỉ đăng 4 tác phẩm rồi bặt danh:- Hai sắc hoa ti-gôn (1937)- Bài thơ thứ nhất (1937)- Đan áo cho chồng (1937)- Bài thơ cuối cùng (1938) T.T.Kh. là một tác giả ẩn danh trong phong trào Thơ mới (1930–1945), tác giả bài Hai sắc hoa ti-gôn nổi tiếng. Nhiều người đã suy đoán lai lịch thật của T.T.Kh. nhưng chưa có giả thuyết nào thuyết phục được công chúng.Sau khi truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu đăng năm 1937 trên Tiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội), toà soạn nhận được hai bài thơ, do một thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn, mang đến gửi cho chủ bút, ký tên T.T.Kh., xin đăng báo. Báo này đăng hai bài thơ đó và xin tác giả cho địa chỉ nhưng tác giả từ chối. Sự việc rắc rối là trong khi tác giả T.T.Kh. im lặng thì một vài nhà thơ đương thời như Nguyễn Bính, Thâm Tâm đã sáng tác các bài thơ hưởng ứng trong đó dường như có biết, thậm chí có dính líu với đời tư người này từ trước (Cô gái…
  1. Bài thơ cuối cùng 2
  2. Bài thơ thứ nhất 5
  3. Đan áo cho chồng
  4. Hai sắc hoa tigôn 27

Tuyển tập chung

100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX (2007)

  1. Hai sắc hoa tigôn 27

Thi nhân Việt Nam hiện đại - quyển thượng (1959)

  1. Bài thơ cuối cùng 2
  2. Bài thơ thứ nhất 5
  3. Đan áo cho chồng
  4. Hai sắc hoa tigôn 27

Trang 12 trong tổng số 2 trang (19 bình luận)[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Giả thuyết về T.T.Kh. (Thi nhân Việt Nam hiện đại)

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:03Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:08

T. T. Kh. là tên tắt của một nữ sĩ xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản tại Hà Nội vào khoảng tháng 9 năm 1937, sau bài Hoa ti gôn chuyện ngắn của ký giả Thanh Châu.Nữ sĩ gởi đến cho nhà báo trên một bài thơ nhan đề là Bài thơ thứ nhất, kế một bài nữa là bài Hai sắc hoa ti gôn. Cả hai, đều ký bút hiệu là T. T. Kh.Lời thơ rất nhẹ nhàng, rất lâm ly cảm động, khiến có người đã không ngần ngại phê bình cho là những thi phẩm kiệt tác. Và cũng vì T. T. Kh. là ai, không có nhà thơ văn nào biết được, nên có người đã tự nhận là người yêu của mình, nhất là tác giả chuyện ngắn Hoa ti gôn.Thế rồi, từ đó trở đi, người ta không còn được đọc bài nào của T. T. Kh. Nữ sĩ chỉ có hai bài đã đăng trên báo, nhưng hai bài ấy cũng như tên tác giả, mỗi lần nhắc đến không mấy ai không biết.Nhưng thật T. T. Kh. chẳng phải là người yêu của ông nào trong Tiểu thuyết thứ bảy. Nữ sĩ chính là Trần Thị Khánh, một nữ sinh nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội, có tâm hồn thơ lắm. Nữ sĩ có yêu một thanh niên, hai người đã cùng đi lại, hứa sẽ thành hôn, nhưng nửa chừng vì sự ép buộc của gia đình, nữ sĩ đành phải hát khúc chia ly, về làm vợ một người khác tên Nghiêm, làm công cho một hãng buôn nọ.Nữ sĩ không phải chỉ có hai bài ấy thôi mà còn hai bài nữa là Bài thơ đan áoBài thơ cuối cùng, với một bài của người yêu trả lời chưa hề công bố mà tôi sẽ trích dưới đây.Một điều nữa, chúng ta cũng nên biết là sau khi đem hết tâm hồn và nước mắt trút cả vào mấy bài ấy để khóc mối tình ngang trái kia, T. T. Kh. không còn trở lại thi đàn nữa, và nay cũng như người đã thuộc về dĩ vãng.

Phạm Thanh(Trích Thi nhân Việt Nam hiện đại - Quyển Thượng của Phạm Thanh)Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 33.33Chia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Giả thuyết về T.T.Kh. (Thi nhân Việt Nam)

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:06Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:09Có 1 người thích

Hồi septembre 1937, Tiểu thuyết thứ bảy đăng một chuyện ngắn của ông Thanh Châu: Hoa ti gôn. Ít ngày sau toà báo nhận được một bài thơ nhan đề Bài thơ thứ nhất, rồi lại nhận được bài nữa: Hai sắc hoa ti gôn. Hai bài đều ký T. T. Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T. T. Kh. ở đâu.Nhưng sau khi hai bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T. T. Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác.Nói thế đã đành quá lời, nhưng trong hai bài ấy cũng có những câu thơ xứng với vẻ lâm ly của câu chuyện. Cô bé T. T. Kh. yêu. Người yêu của cô có nét mặt rầu rầu và có lẽ đã đọc nhiều văn Từ Trẩm Á. Cô kể: những buổi chiều thu, đứng dưới dàn hoa ti gôn,

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,Thở dài trong lúc thấy tôi vui;Bảo rằng: “Hoa giống như tim vỡ,Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!“
Cô bé ngây thơ không tin. Ai ngờ lời nói văn hoa kia bỗng thành sự thực. Chàng đi...
Ở lại vườn Thanh có một mình,Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh,Yêu trăng lạnh lẽo rơi trên áo,Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành.Và một ngày kia tôi phải yêuCả chồng tôi nữa, lúc đi theoNhững tà áo đỏ sang nhà khác!- Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều?
Ngày ấy buồn nhất trong đời nàng:
Người xa xăm quá - Tôi buồn lắmTrong một ngày vui pháo nhuộm đường.
Từ đó mùa thu qua, rồi mùa thu qua, nàng vẫn luôn luôn tưởng nhớ, nhưng tin buồn chàng nào có hay; cho nên nàng tự hỏi:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,Trời ơi! người ấy có buồn không?
Một nỗi đau đớn trần truồng, không ẩn sau liễu Chương Đài như nỗi đau đớn của nàng Kiều ngày trước.Cho đến hôm nay, xem chuyện, tình cờ lại thấy cánh hoa xưa. Nàng không sao cầm lòng được:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệNhỏ xuống thành thơ, khóc chút duyên!
Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết “con người vườn Thanh” bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?

Hoài Thanh, Hoài ChânNovembre 1941(Trích Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân)Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 25.00Chia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Nghi án T.T.Kh và Thâm Tâm (Thi nhân Việt Nam tiền chiến)

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:07

Để bạn đọc rộng đường suy luận, chúng tôi xin mạn phép trình bày “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm” như sau:1) Nam: Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình2) Nữ: T.T.Kh.Ngày 27 tháng 9 năm 1937, Tiểu thuyết thứ bảy nhân đăng truyện ngắn Hoa ty-gôn của ông Thanh Châu, chẳng bao lâu, toà soạn nhận được bài thơ Hai sắc hoa ty-gôn dưới bút hiệu T.T.Kh. Rồi sau này tiếp thêm hai bài thơ: Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng đều ký bút hiệu T.T.Kh.Rồi người ta tiếp nhận được những bài thơ của thi sĩ Thâm Tâm: Màu máu ty-gôn (gửi T.T.Kh.tác giả bài thơ Haisắc hoa ty-gôn); Dang dở (tặng T.T.Kh.), Gửi T.T.Kh.Điều làm sôi nổi dư luận là:1) Thi phẩm của T.T.Kh. cũng như của Thâm Tâm đều là những bài thơ gợi cảm.2) Sự ẩn tích của T.T.Kh.Một dấu hỏi to tướng được nêu ra: - T.T.Kh. là ai?- T.T.Kh. là Thâm-Tâm?- T.T.Kh. là Thâm-Tâm-Khánh?- T.T.Kh. là Tuấn-Trình-Khánh?- T.T.Kh. là Trần Thị Khánh, người tình của Thâm-Tâm?- T.T.Kh là nhân vật do Thâm-Tâm dựng lên nhân đọc truyện Hoa ty-gôn của ông Thanh Châu?- T.T.Kh là một đệ tam nhân nào đó, không phải Trần Thị Khánh, nhân tình của Thâm Tâm?Nhân chứng:1) Ông Giang Tử thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông với thi sĩ Tế Hanh vào tháng 11 năm 1944 trong chuyến xe đi Quảng Ngãi: “Tế-Hanh cho biết T.T.Kh. chính là Trần Thị Khánh, người em gái đồng tông với mình ở Thanh Hoá, và kể rõ thiên tình hận giữa nàng và thi sĩ Thâm Tâm.”2) Ông Thạch Hồ cho biết: “T.T.Kh. là một nhân vật có thật, đã đôi ba lần đến thăm thi sĩ Thâm Tâm ở phố Khâm Thiên lúc ông này cùng ở chung với Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân.”3) Trong Thi tuyển 1 của nhà xuất bản Ly Tao, ông Y Châu nói: “Có dư luận cho rằng T.T.Kh. là một người thật, đã có đôi ba lần đến thăm thi sĩ Thâm Tâm tại ngôi nhà của Thâm Tâm tại phố Khâm Thiên.”4) Ông Nguyễn Bá Thế tức là nhà văn Thế Nguyên cho biết: “T.T.Kh. không ai xa lạ, chính là Thẩm Thệ Hà, nhà văn kiêm thi sĩ Thẩm Thệ Hà tên thật là Tạ Thành Kinh. T.T chính là Tạ Thành, còn Kh là do chữ K ở đầu và chữ h ở cuối chữ Kinh ghép lại.”Về việc này, ông Thạch Hồ (trong Triều sóng xanh tập 1) như muốn giải toả sự thắc mắc vội kêu: “Chúng tôi thiển nghĩ đã đến lúc ông Thẩm Thệ Hà nên lên tiếng.” Rồi ông nói thêm: “Chúng tôi cũng như các bạn, những người yêu T.T.Kh., đau xót ngỡ ngàng, khi biết T.T.Kh. chính là một người đàn ông!”5) Một dư luận cho rằng: “T.T.Kh. đi lấy chồng, một người giàu có mà nàng bằng lòng, rồi không thương Thâm Tâm nữa.”6) Trong bài Thâm Tâm muốn đi theo con đường lãng mạn của Arvers? đăng trên tạp chí Giáo dục phổ thông số 49 ngày 1-11-1959, ông Lê công Tâm cho biết T.T.Kh. chính là thi sĩ Thâm Tâm, người đã dàn cảnh một thiếu phụ bị ép duyên, khóc tình dang dở bằng Hai sắc ty-gônBài thơ thứ nhất.7) Trong mục “Bạn đọc viết”, Phổ thông số 28 ngày 15-2-1960, – để trả lời ông Phạm trọng Tuy ở Cao Lãnh –, đã phủ nhận điều trên, cho biết lúc còn ở Hà Nội, quen rất nhiều với Thâm Tâm khi ông này ở Chợ Hôm, nhưng chưa bao giờ được nghe Thâm Tâm nhắc đến T.T.Kh. Có lẽ Thâm Tâm rất ngạc nhiên khi người ta gán cho mình cái tên T.T.Kh.8) Vân vân (còn nhiều tài liệu tương tự, rất tiếc bị thất lạc trong thời khói lửa) và bao nhiêu người yêu thơ hằng lưu tâm đến “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm” đều cho rằng T.T.Kh. là Trần Thị Khánh, tình nhân của thi sĩ Thâm Tâm.Thời gian 30 năm trôi qua, vụ án nay được đem ra “xử” lại vì có thêm một nhân chứng quan trọng, chúng tôi xin trình bày như sau: *Phá vỡ “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm”???Khi vừa viết xong phần thi sĩ T.T.Kh. và Thâm Tâm, chúng tôi bắt được thêm tài liệu, một thiên ký sự của ông Nguyễn Tố đăng trong báo Sống ra ngày 15-4-67 dưới nhan đề: “Những ngày sống với thi-sĩ T.T.Kh., Hai sắc hoa ty-gôn”.Tác giả viết:

Năm 1936! Bọn chúng tôi gồm năm thanh niên, chưa tên nào quá 25 tuổi. Cả năm gã đều có máu nghệ sỹ giang hồ. Vì mang trong huyết quản dòng máu nghệ sĩ ưa tự do, nên đều bỏ cả thầy, xa bạn khi đang học chưa hết chương trình Đại học. Gã thứ nhất, người tầm thước, da ngăm ngăm, răng vẩu, ngoài các tài viết văn, làm thơ, gã ca sáu câu vọng cổ rất mùi, thêm vào đó cái tài đánh đàn nguyệt. Gã tên thực là Trần Kim, sau này gã lấy bút hiệu là Trần Huyền Trân thường ký dưới những bài thơ tình cảm đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy và nguyệt san Ích hữu thời đó. Gã thứ hai là Vũ Trọng Can, người mảnh khảnh, cao hơn Trần Kim cái đầu, vì anh có mớ tóc bồng bềnh như tổ quạ, hai mắt to, tròng trắng to hơn tròng đen. Vũ Trọng Can có tài viết truyện dài xã hội. Lời văn sắc bén, châm biếm như văn Vũ Trọng Phụng. Gã thứ ba là Nguyến Tuấn Trình, người bé nhỏ, loắt choắt, chuyên viết chuyện ngắn tâm tình, lấy bút hiệu là Thâm Tâm, ngoài tài viết kịch, làm thơ, gã còn là một hoạ sĩ trình bày báo rất cừ.Thâm Tâm còn mấy bài thơ dưới ký T.T.Kh. như Hai sắc hoa ty-gôn. Tại sao T.T.Kh. là Thâm Tâm hay Tuấn Trình và Kh. là Khánh! Lúc đó Khánh là người mà Thâm Tâm yêu đến say đắm. Bởi vậy tới khi Khánh đi lấy chồng thì Thâm Tâm đau khổ gần phát điên. Lũ chúng tôi vừa riễu cợt vừa khuyên lơn, an ủi tới nửa năm trời, sau Thâm Tâm mới khuây khoả nỗi buồn. Chính trong thời gian thất tình Thâm Tâm đã viết được mấy bài thơ giá trị lấy bút hiệu T.T.Kh.Có lẽ sự nghiệp văn chương của Thâm Tâm đáng kể nhất ở mấy bài thơ này? Rồi thời gian trôi nhanh, mấy bài thơ ký T.T.Kh. được các nhà phê bình chú ý, các độc giả yêu thơ tán thưởng nhưng không mấy ai biết rõ xuất xứ. Mấy bài thơ tha thiết vì “trái tim vỡ với hoa ty-gôn” thật lâm ly, tác giả nó là ai? Phụ nữ hay nam nhi? Trên buổi phát thanh thi phẩm Tao Đàn, bạn Đinh Hùng, cô Hồ Điệp đã ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Song, cũng chỉ biết tác giả là T.T.Kh. thôi. Với thiên hồi ký ngắn này, tôi xin nói lên một sự thật, ngõ hầu làm sáng tỏ một vấn đề đã ngót hai chục năm trời với cái xuất xứ tờ mờ. Hơn nữa để đáp lại tấm thạnh tình tri kỷ giữa tôi và Nguyễn Tuấn Trình tức Thâm Tâm từ thuở thiếu thời.Khi tôi hồi cư về Hà Nội, sau 18 tháng trời tản cư khắp miền Việt Bắc, tôi nghe tin Thâm Tâm cùng Trần Huyền Trân chạy vào khu Văn hoá của V.C. ở Phú Thọ. Sức Thâm Tâm quá yếu, lại mắc chứng đau tim nên anh đã từ trần sau mấy ngày cơn bệnh tái phát. Năm đó là năm 1948, Thâm Tâm vừa đúng 35 tuổi.
Thiên ký sự này còn cho biết gã thứ tư trong bọn năm người – họ cho là “ngũ hổ” – này là Nguyễn Tố (tác giả đoản thiên này), gã thứ năm là Bùi Huy Phồn, một cây bút chuyên viết về thi ca trào phúng.Và “con người vườn Thanh” mà trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân đã đề cập, tác giả thiên ký sự đã tả miếng vườn ấy như sau:
Cho nên, những lúc nhàn rỗi hay cần suy nghĩ, chúng tôi thường tản bộ vào vườn Thanh Giám. Nơi đây, quanh năm um tùm có bóng mát của hàng ngàn cây cổ thụ… Trong vườn Thanh Giám có chừng hai trăm tấm bia lớn, mỗi tấm đều đặt ngay ngắn trên lưng một con rùa đất. Trên tấm bia ghi tiểu sử và công nghiệp của các vị tiền bối trong giới Văn học. Lâu ngày quá, rêu đã phủ kín, trông các tấm bia đã phẳng lì. Nhưng nếu lấy một nắm lá cây tươi lau kỹ thì các dòng chữ Hán sẽ hiện rõ. Đại khái đầu mỗi tấm bia đều có khắc Trần triều đệ ngũ niên, đệ tam nguyệt, thập lục nhật Tấn Sĩ Nguyễn v.v... Giữa vườn Thanh Giám là nhà Thái miếu lập ra từ đời nhà Lý. Thái miếu thờ Đức Khổng Phu Tử và dưới là các vị Đại thần khoa bảng của nước nhà từ khi lập quốc tới thời nhà Nguyễn… Và từ khi bỏ thi cử về Hán-học thì Thái miếu mới không nhận thêm một tấm bia nào nữa. Bắt đầu Pháp thuộc thì vườn Thanh Giám bị đẩy lui vào “cổ tích.“
Nhưng theo tài liệu của ông Anh Đào đăng trong Nhân loại bộ mới số 108 tháng 7 năm 1958 (Sài Gòn) dưới tiêu đề: Hai sắc hoa ty-gôn như sau:
Năm 1941... Một đêm cuối thu lạnh lẽo về trên miền Bắc Việt, Nguyễn Bính và Thâm Tâm nằm đối diện với nhau trong một căn lầu nhỏ, phố Mã Mây, Hà Nội.Tôi ngồi giữa hai chàng.Sự cố nhiên là nàng tiên nâu đón tiếp chúng tôi. Lát sau hương nâu thơm ngát cả căn phòng có vẻ ấm cúng mà hai chân tôi thì lạnh lẽo vô cùng…Thâm Tâm, con người bé nhỏ với đôi mắt mơ màng mà bây giờ đã hoá ra người thiên cổ, nhân một chuyện thơ nói về T.T.Kh: (lời Thâm-Tâm) “T.T.Kh. là tên một thiếu phụ mà trước kia tôi yêu.”T.T tức là Thâm Tâm hay Tuấn Trình cũng thế (Thâm Tâm có một tên nữa là Tuấn Trình) và Kh. là Khánh, T.T.Kh. muốn đặt tên T.T. để nhớ con người cũ: Thâm Tâm.Thật tôi không ngờ đêm ấy tôi lại ngồi đối diện với con “người ấy” của T.T.Kh. Sau đó một “bài thơ thứ ba” của T.T.Kh. nhan đề là Bài thơ cuối cùng đã được in ra, mà lời thơ lại chua chát hơn hai bài trước.Thâm Tâm bỗng cất tiếng cười, hỏi tôi:- Anh có hiểu vì sao lại có Bài thơ cuối cùng không?Tôi lắc đầu, Thâm Tâm nói tiếp:- Có một hôm Khánh (T.T.Kh.) làm xong bài thơ Đan áo cho chồng đưa cho người bạn gái thân nhất đời của nàng xem. Cô bạn gái đó tên là Tuyết. Bài thơ ấy cố nhiên là chứa một niềm cay đắng của tâm hồn nàng! Có riêng Tuyết là hiểu cuộc đời đau đớn của chúng tôi, nên Tuyết được “hân hạnh” đọc nỗi lòng thầm kín của chúng tôi. Đọc xong bài thơ Đan áo cho chồng, Tuyết trao tôi xem. Tôi thấy bài thơ đó hay, liền đăng vào báo Phụ nữ thời đàm (hồi ấy xuất bản tại Hà Nội)... Đột nhiên Khánh (Kh.) thấy bài thơ không định đăng báo của mình lại in trên tờ Phụ nữ thì lấy làm bất mãn và đau khổ vì lâu nay chồng Khánh đã hành hạ Khánh vì ghen tuông với “người ấy” của Khánh. Vì vậy Bài thơ cuối cùng được in ra.Tôi nghe Thâm Tâm nói cũng có lý, mà kể về phương diện tinh thần thì Thâm Tâm quả là con người mơ mộng, có biệt tài làm thơ, vẽ nữa, thực là xứng đáng là “người ấy” T.T.Kh.
Thêm vào nữa, tài liệu trên báo Chuông mai, ông Tân Đạt Dân còn cho biết T.T.Kh. lại có bài thơ Trả lại cho đời cánh hoa tim làm sau khi hay tin thi sĩ Thâm Tâm qua đời:
T… hỡi, người yêu của tôi ơi!Hồn thiêng anh ở tận phương trờiBiết chăng muôn thuở tình câm hậnTình chết em mang lại cõi đời.
Tài liệu thế này, thế kia, lắm lúc đối chọi nhau, khiến chúng ta không còn biết đâu là lai lịch của người thiếu phụ bí mật T.T.Kh. nữa. Ba mươi năm trôi qua, với thời gian dài đằng đẵng ấy nghi án chẳng những đã không giải phá nổi mà còn đi đến chỗ chằng chịt, rối bòng.Người ta đã không bảo: “Cứ ôm mãi lấy mummy (Anh ngữ: xác ướp) rồi cũng có ngày hoá thành mummy”. Vậy chúng ta hãy thoát khỏi cái không khí ngột ngạt đó.Với mục đích thu lượm tài liệu để bổ túc vào hồ sơ “Nghi án T.T.Kh. và Thâm Tâm” chúng tôi xin nhường quyền nhận định cho các bạn. *Riêng chúng tôi nghĩ:Đối với dư luận: “T.T.Kh. là chiết tự tên Tạ thành Kỉnh tức Thẩm Thệ Hà” của nhà văn Nguyễn Bá Thế.Sau 30 mươi năm người ta đã tốn nhiều giấy mực, lặn lội kiếm tìm người thiếu phụ T.T.Kh., rốt cuộc chỉ là công dã tràng trên bãi cát. Người ta đâm ra hoang mang vì thất vọng. Moi móc lại trong đầu óc, cho dù xa xôi ở tận miền Nam này, cố nhớ xem có người làm văn thơ nào mang cái tên hội tụ được những chữ T.T.Kh., và người ta vớ được tấm ván Tạ Thành Kỉnh như hy vọng cuối cùng của một kẻ đang chới với giữa dòng sông. Thế mà ông Thạch Hồ vội than thở là đã “đau xót, ngỡ ngàng khi biết T.T.Kh. chính là một đàn ông” chứng tỏ ông là một tâm hồn yêu chuộng vẻ đẹp huyền mơ mà hay sợ sệt một sự thật chua chát.Rồi như muốn giải phá nỗi sầu bi vương vấn trong lòng, ông còn muốn “ông Thẩm Thệ Hà nên lên tiếng”. Thấy lời kêu gọi tha thiết của ông Thạch Hồ, chúng tôi đã chịu khó đi hỏi ông Thẩm Thệ Hà và được ông này trả lời “không thừa nhận chuyện đó” (Nhà văn kiêm thi sĩ Thẩm Thệ Hà hiện nay dạy học tại quận lỵ Trảng Bàng, Hậu Nghĩa và hàng tuần có về Sài Gòn).Cho nên dù chưa một ai đủ tài liệu chứng minh hay đủ thẩm quyền xác nhận T.T.Kh. là Y, X, Z, chúng tôi nghĩ thi phẩm mang tên T.T.Kh. là do một người đàn bà làm ra, vì nó là tiếng than nức nở độc đáo và tế nhị của nữ tính xuất phát tự đáy lòng khi ta có sự nhận xét sau đây, tiếng than của nam giới thì trầm buồn, còn của nữ giới thì bi thiết. *Đối với dư luận “T.T.Kh.,đi lấy chồng giàu có mà nàng bằng lòng, rồi không thương Thâm Tâm nữa”.Không uống rượu, không thể say; không đắm đuối trong yêu đương, không thể dệt nên nên những vần thơ lâm ly về tình ái. Thi phẩm của T.T.Kh. là tiếng lòng của một linh hồn đau khổ, héo hắt khi mộng tình tan vỡ, nàng kêu lên để thở than duyên phận với người đời. T.T.Kh. đâu phải là thợ thơ mà phải dối trá lòng mình (nói rằng nàng đang có người chồng vừa ý) để cấu tạo những vần thơ bi thiết. – Mà như thế để làm gì? – Khoe danh à? – Vô lý? vì T.T.Kh. đâu cho ai biết hình dạng ra sao. Cả bút hiệu (hay tên viết tắt cũng thế) nàng vẫn giấu người.Thi sĩ là phát ngôn viên tiếng nói của lòng, hay ít ra cũng phải cảm thông lòng qua lòng, nhiên hậu mới dệt thành vần thơ chân thật và rung cảm. Nó là yếu tố bắt buộc để nâng cao giá trị sáng tác phẩm. Bằng không, bài thơ “sản xuất” chỉ là cái xác không hồn.Bốn bài thơ của T.T.Kh là bốn dòng nước mắt trào tuôn trong những phút giây xúc động vì tan vỡ mộng tình. Trút ra được bốn dòng lệ, T.T.Kh. như đã vơi được ngọn trào lòng; rồi nàng im bặt. Mà còn biết nói gì nữa đây khi đã nói tất cả rồi. Bài thơ cuối cùng là một báo hiệu sự ráo lệ, một vết thương đã hãm được máu loang. *Đối với dư luận khá mạnh mẽ cho rằng: “T.T.Kh. là Thâm Tâm”.Chúng tôi nghĩ, nếu xét về yếu tố tình cảm, ta nhận thấy không một tình cảm nào phát sinh mà không có đối tượng. Hỉ, nộ, ái, cụ, ố, dục, đều phải qua một giao cảm rồi phản ứng mới nẩy sinh. Nếu bản năng thi sĩ Thâm Tâm tự tạo cho mình một mẫu người yêu để tưởng tượng thì thật mơ hồ vì đã gạt bỏ qui luật giao cảm với đối tượng. Làm sao Thâm Tâm tạo cho mình một tình cảm say sưa, tha thiết, một tuyệt đỉnh yêu đương mà không bị đối tượng bên ngoài kích thích? Thâm Tâm không thể sống cùng một lúc hai trạng thái tâm hồn đối chọi của hai giống khác biệt: nam và nữ.Như vậy T.T.Kh. không phải là sản phẩm tưởng tượng của Thâm Tâm, cũng không phải Thâm Tâm, mà chính là đối tượng của Thâm Tâm, hay nói đúng hơn, một thần tượng yêu đương của Thâm Tâm đã đưa Thâm Tâm vào biển mộng.Cho nên bảo rằng T.T.Kh. là Thâm Tâm, tức là chúng ta thừa nhận một giả tạo kỳ quái của tâm linh mà những nhà thần học không sao cắt nghĩa được.Bởi lẽ đó, chúng tôi cho rằng dù T.T.Kh. là Trần Thị Khánh, T.T.Kh. là Thâm Tâm, v.v… sự quyết định tách bạch ai là tác giả những bài thơ gợi cảm; tình sử tuy có đau thương, nhưng nó mang lại cho người đọc một cảm giác lâng lâng thích thú như phủ bạn bằng một lớp sương mù mát lạnh làm dễ chịu tâm hồn; cứ để được ngấm mình trong cái không khí chơi vơi, huyền ảo mà không bao giờ muốn tỉnh mộng đẹp để biết trên thực tế T.T.Kh. là ai??!!Dù muốn dù không, văn học sử cũng đã ghi:1) Hai sắc hoa ty gôn,2) Bài thơ thứ nhất,3) Bài thơ đan áo,4) Bài thơ cuối cùng,là của T.T.Kh., và1) Màu máu ty-gôn,2) Dang dở,3) Gửi T.T.Kh.là của Thâm-Tâm.Thâm Tâm và T.T.Kh. đều là thi nhân nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Thơ của Thâm Tâm và T.T.Kh. có vẻ đẹp bổ túc cho nhau và cảm thông như đôi tri kỷ. Cố gắng chứng minh T.T.Kh. là Thâm Tâm, thơ của T.T.Kh là thi phẩm của Thâm Tâm, chúng ta vô tình xoá mất trên thi đàn Việt Nam một thi tài có những vần thơ rung cảm, dễ mến; điều ấy là thiệt thòi cho nền văn học đất nước vốn đã hiếm kém thi nhân.Phương chi, bạn yêu thơ đâu chỉ ái mộ Thâm Tâm qua những bài tình cảm lâm ly, kho tàng của Thâm Tâm còn những viên ngọc quý khác.Cứ để những thiên tình sử còn giữ mãi tính chất đẹp đẽ, huyền ảo của nó mà đừng bao giờ phá vỡ mộng. *Ý nghĩ sau cùng của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi những người làm văn nghệ, đã trên 30 năm thử thách tài sức đã gần tàn một thế hệ, chẳng những chưa phát giác được tung tích hay điều gì chính xác về con người T.T.Kh. mà còn đưa ra lắm giả thuyết xa dần mục tiêu; giấy mực đã tốn nhiều, và bao công lao tầm kiếm người thiếu phụ với mục đích duy nhất là tìm một tác giả cụ thể cho một tác phẩm diễm tình.Thế thôi!Cái hình bóng người con gái vườn Thanh độ nọ dù là có mang theo vẻ đẹp sầu bi của nàng Bao Tự, hoặc đôi nét nhăn đau đắm đuối của nàng Tây Thi, một phần ba thế kỷ qua, đến giờ này hình thể có còn chăng nữa, những người thích mơ mộng bóng sắc, cũng chỉ bắt gặp một thực tế não nề như trên con người của chàng Trương Chi xấu xí trong giấc mộng tình mà người ta cố thực hiện trước mặt nàng Mỵ Nương.Trong văn học sử nước nhà còn nhan nhản những sai lầm trọng đại đang mong mỏi ở công phu sưu tầm để kiểu chính hầu đóng góp lợi ích vào nền giáo dục hiện tại.Chúng tôi đã mỏi mệt với những tài liệu tràng giang đại hải về T.T.Kh.; người ta đã nói nhiều, nhai đi nhá lại, lẩn quẩn cũng ngần ấy chuyện, không thoát khỏi lối bí như lạc vào mê cung khiến kẻ săn tìm đờ đẫn và người đang ngóng nghe tin tức bỗng trở thành những tín đồ của đa thần giáo.Chúng tôi xin dừng ở đây và khép hồ sơ nghi án nói trên.

(Ấn bản kỳ nhì, 20-7-1968)[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 24.00Chia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Giả thuyết về T.T.Kh. (Nhân dân Chủ nhật)

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:07Có 1 người thích

T.T.Kh. với những câu thơ xót xa cảm động:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đờiái ân lạt lẽo của chồng tôiVà từng thu chết, từng thu chếtVẫn giấu trong tim một bóng người...
Vậy T.T.Kh. là ai? Nam hay nữ? Bút danh này chỉ thấy ghi ở ba bài thơ đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy và một bài trên báo Phụ nữ, rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa.Ông Hoài Thanh, năm 1941, có soạn cuốn Thi nhân Việt Nam cũng trích dẫn T.T.Kh. với lời ghi chú: “Sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao, đến mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho những bài thơ ấy là những áng thơ kiệt tác...”.Hôm nay xin công bố với bạn đọc, một thông tin chúng tôi được biết về T.T.Kh. Người kể còn sống, mà T.T.Kh. cách đây bốn năm vẫn còn gặp. Chúng tôi thấy cần phải công bố ngay vì nó có lợi cho việc là văn học sử sau này.Số là vào dịp hội đền Bà Tấm năm nay (Kỷ Tỵ, 1989), chúng tôi rủ nhau sang Phú Thuỵ dự hội. Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc thuộc lớp thơ trước Cách mạng tháng Tám, năm nay đã 74 tuổi (tên thật là Phạm Quang Hoà), bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Chính bài Tống biệt hành Thâm Tâm viết tặng Phạm Quang Hoà khi đi hoạt động cách mạng. Nguyễn Bính cũng có bài thơ tặng Phạm Quang Hoà mở đầu bằng hai câu:
Tôi và anh: Bính và HoàỞ đây xa chị, xa nhà, xa em...
Và đây kết thúc bằng hai câu:
Đây là giọt lệ phân lyNgày mai tôi ở, anh đi, bao giờ...?
Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu, và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót.T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy.Bài thơ in ra gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết tặng riêng Thâm Tâm bài thơ Đan áo.Lại càng xôn xao, nhiều người cho là nam giới giả danh, nhiều người nhận là người yêu của mình, trong số này có nhà thơ Nguyễn Bính.Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ Đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của T.T.Kh.Và thế là T.T.Kh. giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề Bài thơ cuối cùng gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy T.T.Kh. “tắt lịm” trên thi đàn.Sau này, Thâm Tâm có viết một bài thơ dài để trả lời T.T.Kh. bài Các anh, (tập Thơ mới của Thâm Tâm, nhà xuất bản Văn học 1987, có in bài Các anh nhưng đây chỉ mới trích một phần).Lời bàn: Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được mộ vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ. T.T.Kh. viết bốn bài, có bài đã gây được vang hưởng.Thơ hay đâu cần nhiều.Phê-lích ác-ve (Félix Arvers, 1806-1850) chỉ nhờ bài Tình tuyệt vọng mà tên tuổi được ghi trong văn học sử Pháp. Mới hay trong “lãnh địa” nghệ thuật, số lượng chỉ là cái không đáng kể. T.T.Kh. cần phải được xem xét và đáng giá như một tác giả của dòng thơ lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám. Điều đó không có gì là quá đáng.Được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hoá đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất, nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên vì nghĩ rằng: Thời gian đi đã dài, nhà thơ Thâm Tâm đã mất, ông nhà cũng quy tiên. Vả lại, cũng vì công việc của văn sử học, nếu đã tìm ra tác giả của một tác phẩm nổi tiếng thì dù đắn đo đến đâu rồi cũng phải công bố.

Hoàng Tiến(Nhân dân Chủ nhật số 23 tháng 7-1989)Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. Chưa có đánh giá nàoChia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Hai sắc hoa Tigôn và các bài thơ khác

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 14:12

Vào khoảng 6/1937, báo Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản tại Hà Nội đăng truyện ngắn Hoa ti gôn của ký giả Thanh Châu. Theo đó câu chuyện kể lại một mối tình giữa một chàng nghệ sĩ và một thiếu nữ.Sau đó không lâu, toà soạn nhận được của một người thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn, mang đến một bì thơ dán kín gửi cho chủ bút, trong đó chỉ gọn một bài thơ Hai sắc hoa ty-gôn, dưới ký tên T.T.Kh. Khi thiếu phụ đi rồi, toà soạn xem thơ nhận thấy thi phẩm ghi lại cảnh tình đáng thương tâm, nhưng người ta chỉ nhớ lờ mờ hình ảnh thiếu phụ kia. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ nầy xuất hiện.Câu chuyện Hoa ti-gôn đã khơi lại mối tình xưa mà người thiếu phụ (T.T.Kh.) đã từng yêu một người và từng trao lời gắn bó dưới dàn hoa ti-gôn. Rồi chàng ra đi; nàng ở lại và nhận một mối tình gượng ép. Nàng đã làm bài thơ để giải toả niềm tâm sự.Trong Hai sắc hoa ti-gôn, tác giả thuật lại câu chuyện tình giữa nàng và chàng nghệ sĩ trót đã yêu nhau, song hoàn cảnh trái ngang, nàng phải gạt nước mắt nên duyên cùng người khác - một ông chồng luống tuổi - để rồi tan nát tâm tư mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời quá khứ.Sau bài thơ nầy, toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy lại nhận được bằng đường bưu cục 3 tác phẩm khác cũng mang tên T.T.Kh. Đó là các bài Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo (riêng đăng ở Phụ nữ thời đàm) và Bài thơ cuối cùng.Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa và không hiểu tại sao bài Hai sắc hoa ti-gôn lại xuất hiện trước Bài thơ thứ nhất.Từ lúc T.T. Kh góp mặt vào làng thi ca tiền chiến, người ta đã tốn biết bao công phu đi tìm hiểu về T.T.Kh.. Không ai biết được tên thật cũng như quê quán của nàng. Có người cho nàng là Trần Thị Khánh, một nữ sinh phố Sinh Từ, Hà Nội. Có kẻ cho cô là người yêu của thi sĩ Thâm Tâm, hay đây chỉ là một nhân vật trong tưởng tượng của ông nhằm lâm ly hoá hay thi vị hoá một mối tình tưởng tượng. Rồi, ký giả Thanh Châu, các thi sĩ Nguyễn Bính và J. Leiba cũng nhận T.T.Kh. là người yêu của mình! Kể từ đó, dù cho các nhà văn tốn không biết bao giấy mực nhưng họ vẫn không biết gì hơn về nàng.Về hoa ty-gôn (antigone in French): loại hoa dây đẹp, không thơm, có hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu trắng và hồng; ở miền Nam VN gọi là hoa nho vì lá giống lá nho. Tác giả mượn ý màu trắng là màu trinh bạch, ngây thơ khi nàng còn nhỏ dại, và hồng là màu mà nàng phải trải qua những sự đau khổ trong tình trường khi con tim nàng tan vỡ...Như ta đã thấy Bài thơ cuối cùng, xuất hiện vào giữa năm 1938, trong đó T.T.Kh. giận trách người tình cũ đã đem thơ của nàng lên mặt báo làm lộ chuyện thầm kín “cho khắp người đời thóc mách xem”, thì không còn thấy xuất hiện bài thơ nào khác của nàng nữa.Mãi tới 2 năm sau, vào giữa 1940, mới thấy xuất hiện bài thơ Gửi T.T.Kh với bút hiệu Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình,1917-1948), có lẽ là ông ở xa vừa mới về. Ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh, gọi nàng bằng tên “Khánh” và nhắc tên nầy tổng cộng 4 lần. Bài thơ nầy là để trả lời cho 4 bài thơ của nàng, nhưng với giọng điệu cay đắng, mỉa mai!Ngoài ra Thâm Tâm còn 2 bài thơ khác viết cho T.T.Kh như sau: Màu máu ty-gôn, Dang dở.Đây là những bài thơ tình hay nhất của Thâm Tâm gởi cho T.T.Kh xuất hiện trong năm 1940. Bài thơ Dang dở trên đã chấm dứt “mối tình bí mật” đó. Nhưng...Sau đó, người ta lại được “biết chút ít” về T.T.Kh. qua bài thơ Dòng dư lệ của Nguyễn Bính. Lúc bấy giờ ai chẳng nghỉ T.T.Kh chính là người tình vườn Thanh của Nguyễn Bính. Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận của một kẻ si thơ T.T.Kh mà thôi.Thi sĩ Nguyễn Bính lúc còn trẻ có máu giang hồ, vào Nam ra Bắc mấy lần. Một lần dong ruổi, gặp đêm mưa lớn, ông ghé vào trọ tại một nhà ở vùng Thanh Hoá, được người lão bộc tiếp đãi. Nhà có khu vuờn đẹp, trong nhà có cô gái trẻ ngồi quay tơ - mà ông gọi là “Người Vườn Thanh” - đã khiến ông run động, thao thức bâng quơ, nhưng nghĩ mình còn nặng kiếp giang hồ nên chưa dám tính đến chuyện tình duyên.Rồi mấy năm sau, ông lại có dịp qua vùng Thanh Hoá, bèn tìm đến chốn cũ, thì được người lão bộc năm xưa kể cho nghe “một thiên hận tình”. Thời gian lại qua đi, ông gần như đã quên câu chuyện đó, thì đọc được những bài thơ của T.T.Kh xuất hiện trên báo. Ông thấy những bài thơ đó giống hệt thiên hận tình của “Người vườn Thanh” năm nào, ông nghĩ rằng “Người vườn Thanh” chính là T.T.Kh., và viết bài thơ Dòng dư lệ để tặng nàng.Mặc dầu xôn xao bàn tán và tranh dành lấy mình và lấy thơ của mình, T.T.KH đã biến mất. Cho đến mùa xuân năm 1938 ngày 30 tháng 10 thì trên Tiểu thuyết thứ bảy lại xuất hiện T.T.KH với Bài thơ cuối cùng. Đó là ba bài thơ mà T.T.KH đã để lại trong lòng tất cả người yêu thơ của bà. Cho đến thập kỷ 80, vẫn có người nói rằng bà còn sống và đã gặp bà, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một lời nói mà thôi.Vậy T.T.KH nàng là ai??? và vì ai mà làm thơ??? Cái nghi vấn đã kéo dài hơn 50 năm cho đến năm 1994. Bà Đ.T.L (tạm dấu tên) đã tiết lộ cái mà thiện hạ cho là “Thiên cơ bất khả tiết lộ” cho nhà văn Thế Nhật, và đó cũng là cái chìa khoá để mở cái cửa nghi vấn cho làng văn học Việt nam.T.T.KH là gì?T chữ thứ nhất là TRẦNT chữ thứ hai là THANHKH chữ thứ ba là KHÓCKHÓC ở đây là khóc cho mối tình có duyên không nợ, khóc cho cái éo le cuộc đời. Tạo hoá chớ trêu kiến cho họ gặp nhau rồi đem cho họ bao nhiêu là nước mắc ngậm ngùi khi xa nhau.THANH là Thanh Tâm, là tác giả của bài Hoa ti-gôn mà tôi đã nhắc ở trên, ông hiện cư ngụ tại Hà nội, là người đã tạo cho T.T.KH những cảm xúc để viết lên những giận hờn, thương xót, và khóc thương. Người đã mang nặng chữ chung, thuỷ với chữ tình, đã gắn bó với thơ T.T.KH, với cái hồn của nàng suốt hơn 50 năm trời đằng đẵng. Một người mà hôm nay thân đã tàn sức đã tận, nhưng tâm hồn vẫn lâng lâng cái trẻ trung, cái nhớ thương ray rứt về cố nhân. Một người có tâm hồn cao thương và sắc đá, trước những thử thách chơ trêu của tạo hoá, nhưng lại mềm mại, đắng cay trong từng ngòi bút ông buông lơi.TRẦN là Trần Thị Chung (Tên thường goị là Trần Thị Vân Chung), sinh ngày 25-8-1919 tại thị xã Thanh Hoá, Hà Nộị Sinh trưởng trong một gia đình quan lại thời bấy giờ, Vân Chung có một người anh cả, hai người em gái và một người em trai út. Năm 1934, qua mối mai, gia đình nàng đã hứa gả nàng cho mọt luật sư (Lê Ngọc Chấn, ông đã chết sau khi mãn tù cải tạo học tập). Hiện nay bà cùng các con sinh sống ở miền nam nước Pháp trong một thị xã nhỏ và bà vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu khác khau như Vân Nương, Tơ Sương v.v...Tôi xin gửi đến bà Vân Chung lời cảm khích vô cùng về những cống hiến của bà cho nền văn học Việt Nam, cảm ơn nhà văn Thế Nhật, bà Đ.T.L cùng những người yêu T.T.KH. Ruốt cuộc cái nghi án văn hoc. nay đã được công bố.

Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. Chưa có đánh giá nàoChia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 1: Câu chuyện tình buồn 70 năm trước

Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:35Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 17/04/2006 16:31

T.T.Kh là một câu chuyện chưa từng có trong lịch sử văn chương. Đó là câu chuyện về một thi sĩ bí ẩn bỗng nhiên tung lên thi đàn mấy bài thơ tình tuyệt tác làm ngẩn ngơ độc giả rồi lặng lẽ biến mất trong cái bàng hoàng sửng sốt của người yêu thơ.Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra câu chuyện kỳ lạ ấy. Rất nhiều người đã tìm cách vén lên bức màn bí ẩn của câu chuyện nhưng hầu như chưa ai làm thoả mãn độc giả. Còn người yêu thơ vẫn luôn khát khao được biết sự thật: T.T.Kh là ai và đã vì ai mà sáng tác nên những áng thơ tình đặc sắc đó?Có một số nhân vật được các nhà sưu tầm đưa ra để giả định rằng đó là T.T.Kh. Nam giới có, phụ nữ có. Trong số những “nghi can” có hai nhà thơ nổi tiếng là Thâm Tâm và Nguyễn Bính. Độc giả tưởng như đã lần ra được tung tích của con người kỳ lạ này nhưng sự thực không phải như vậy. Bởi tất cả những thông tin đưa ra đều do lời người khác kể lại. Còn bản thân những người như Thâm Tâm, Nguyễn Bính chưa bao giờ có phát biểu chính thức nhận mình là T.T.Kh. Vì thế, tuy người kể cũng là người có uy tín trong làng văn làng báo nhưng độc giả vẫn thấy mơ hồ khó tin. Việc tìm kiếm con người thật của T.T.Kh thành ra vẫn rơi vào vòng lẩn quẩn trong bao nhiêu năm qua, khiến câu chuyện thêm nhuốm màu huyền thoại.Bằng cách phân tích các hình ảnh, biểu tượng, tình tiết văn học, thói quen sử dụng ngôn ngữ trong thơ, trong truyện ngắn..., tác giả Trần Đình Thu đưa ra một cách làm mới: so sánh đối chiếu với những người được cho là T.T.Kh lâu nay để nhận xét xem ai là người phù hợp nhất. Đó là cách làm khá đặc biệt so với những nhà sưu tầm khác trước đây chỉ hoàn toàn dựa vào lời kể của nhân chứng. Vì thế, Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài viết trích từ bản thảo cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh chưa xuất bản của tác giả để bạn đọc tham khảo.Kỳ 1: Câu chuyện tình buồn 70 năm trướcCó thể nhiều bạn đọc đã biết, đã thuộc làu thơ T.T.Kh nhưng vẫn có một số người khác chưa nắm rõ câu chuyện như thế nào. Vì thế, trước khi bước vào phân tích lý giải, chúng tôi xin dẫn lại toàn bộ câu chuyện này một cách có hệ thống. Câu chuyện T.T.Kh bắt đầu vào tháng 7/1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn mang tên Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu. Nội dung truyện ngắn được tóm tắt như sau:Có một hoạ sĩ nghèo mới ra trường. Trong một lần đi tìm cảnh vẽ, chàng đã gặp một thiếu nữ đang hái hoa ti gôn trong vườn. Từ đó, chàng đâm ra mê người đẹp, luôn đạp xe vào làng để ngắm trộm nàng hái hoa.Năm tháng qua đi, chàng hoạ sĩ trở nên nổi tiếng. Tranh vẽ của chàng bán được giá rất cao. Hoạ sĩ trở nên giàu có. Một mùa đông, chàng đi vẽ ở một vùng nọ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi, hoạ sĩ trông thấy một thiếu phụ. Chàng ngờ ngợ như đã từng gặp người này ở đâu. Cuối cùng nhớ ra, nàng chính là cô gái hái hoa ngày ấy. Trong khi khiêu vũ với nàng, chàng nhắc lại chuyện cũ. Nàng vô cùng ngạc nhiên.Nàng kể chuyện cuộc đời mình cho chàng nghe. Nàng lấy một người chồng môn đăng hộ đối nhưng cuộc hôn nhân quá tẻ nhạt. Từ đó, nàng hay lui tới chỗ hoạ sĩ trọ để chơi và để chàng vẽ cho một bức chân dung. Chuyện gì đến đã đến. Một buổi sáng, hai người đi chơi ở một ngôi chùa trên đỉnh núi, chàng đã tỏ nỗi lòng mình. Nàng đáp lại tình yêu của chàng.Chàng bàn với nàng trốn đi Nhật để chung sống với nhau. Nàng nhận lời. Chàng về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc thì nhận được thư nàng vào giờ chót. Nàng từ chối chuyến đi vì không đủ can đảm vượt qua. Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Chàng nhìn những nụ hoa hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu, lặng lẽ hôn lên những cánh hoa và khóc.Bốn năm sau, một hôm chàng nhìn thấy trên bàn mình một phong thư viền đen. Mở ra xem thì đó là của người chồng nàng báo tin nàng đã chết. Chàng đáp xe lửa đến nơi để đặt lên mộ nàng dây hoa quen thuộc. Từ đó, chàng luôn mua hoa ti gôn về đặt trong phòng mình.Hoa ti gôn là một truyện ngắn không có gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng. Truyện ký thác một tâm sự khắc khoải, nhớ nhung hoài niệm. Hình ảnh dây hoa ti gôn được lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn khơi gợi một điều gì đó không tiện nói ra. Tác giả của nó - nhà văn Thanh Châu, khi đó là một chàng trai trẻ 25 tuổi, vừa quyết định bước vào nghiệp văn chương. Chàng cũng vừa trải qua một chuyện tình buồn.Hai tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Vào tháng 9/1937, toà soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ của một tác giả ký tên là T.T.Kh. Đó là bài Hai sắc hoa ti gôn, được đăng vào ngày 23/9/1937.Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết. Giới văn nghệ xôn xao. Gần hai tháng sau, toà soạn lại nhận được một bài thơ nữa. Bài thơ này có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến. Bài này được đăng trên số báo ngày 20/11/1937. Và một năm sau nữa, toà soạn nhận thêm bài Bài thơ cuối cùng. Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30/10/1938.Từ đó, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại, có một bài thơ cũng ký tên T.T.Kh gửi đến một tờ báo khác. Đó là Bài thơ đan áo.Những bài thơ mang tên T.T.Kh đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao giờ xuất hiện ở đâu nữa. Không ai biết một chút gì về con người bí ẩn này. Nghi án văn học T.T.Kh từ đó bắt đầu...Năm 1942, Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản Thi nhân Việt Nam lần đầu tiên, T.T.Kh đã được đưa vào tập sách quan trọng này. Song song đó, nhiều người lại liên tục công bố những thông tin về T.T.Kh. Nào Thâm Tâm, nào Nguyễn Bính, nào em gái nhà thơ Tế Hanh, nào là Trần Thị Khánh... Rất nhiều “ứng viên”.Câu chuyện về Thâm Tâm có khá nhiều người kể. Chẳng hạn Nguyễn Vỹ, một người có mặt trong Thi nhân Việt Nam đã viết một bài dài trên Tạp chí Phổ Thông vào những năm 1960. Ông Vỹ cho biết, một buổi tối trên đường về nhà, ông gặp Thâm Tâm đang lang thang. Ông mời Thâm Tâm về nhà mình uống rượu. Ngà ngà say, Thâm Tâm cao hứng kể chuyện tình của mình. Thâm Tâm cho biết, người yêu của mình là một nữ sinh tên là Trần Thị Khánh. Nàng đã có lần gợi ý Thâm Tâm đến nhà hỏi cưới nhưng chàng bảo sự nghiệp chưa có gì. Bẵng đi một thời gian, một hôm chàng nhận được phong thư báo tin nàng sắp lấy chồng. Đã bị người yêu bỏ đi lấy chồng, lại còn bị đám bạn chế nhạo, Thâm Tâm đâm ra bị quê. Vì thế đã phải thức một đêm để làm một bài thơ tựa đề là Hai sắc hoa ti gôn, ký tên T.T.Kh. Thâm Tâm làm như vậy với dụng ý để các bạn của mình tin là của Khánh làm, cho khỏi mang tiếng bị tình phụ. Sau đó, Thâm Tâm gửi bài thơ tới toà soạn. Về phần cô gái đó, sau khi đọc được bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, liền viết thư phản đối Thâm Tâm kịch liệt. Thâm Tâm bèn lấy những câu chữ trong bức thư này để viết tiếp các bài thơ sau này, vẫn ký là T.T.Kh...Ngược với Nguyễn Vỹ thì một số tác giả, chẳng hạn như Hoàng Tiến, lại cho rằng chính cô Trần Thị Khánh, cô người yêu của Thâm Tâm đã sáng tác ra những bài thơ ký tên T.T.Kh. Một số tác giả khác còn tiến thêm một bước cụ thể hơn nữa khi cho rằng Trần Thị Khánh chính là em gái họ của nhà thơ Tế Hanh...Với Nguyễn Bính, không thấy có những câu chuyện cụ thể như trường hợp của Thâm Tâm. Người ta chỉ dựa vào bài thơ Cô gái vườn Thanh đề tên tác giả Nguyễn Bính để cho rằng Nguyễn Bính chính là T.T.Kh.

Trần Đình Thu[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 15.00Chia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 2: T.T.Kh. có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính?

Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:38

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu xem liệu có thể tin rằng T.T.Kh là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính như một số tác giả đã khẳng định hay không.Tác giả Hoài Việt, một người cầm bút trước năm 1945, từng quen biết với hai thi sĩ này cho biết: Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân hồi đó là ba thi sĩ chủ chốt trong một nhóm thơ được các văn hữu mệnh danh là các nhà thơ xóm áo bào gốc liễu. Ba người tuổi tác xấp xỉ nhau, đều xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, không được học hành nhiều ở các trường lớp chính quy, vì thế ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với họ hầu như không có gì. Ngược lại họ là những người được học nhiều chữ Hán, chữ Nôm. Cả ba người có lúc cùng ở trọ một nhà với nhau để viết văn, làm báo. Những hoàn cảnh như trên đã ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của nhau, hình thành nên một nhóm thơ có tên gọi như trên.Ngoài những nét riêng biệt trong các tác phẩm của từng người thì nhóm thơ này có một đặc điểm chung. Đó là các thành viên rất thích cái giọng văn chương hiệp sĩ, ưa dùng hình ảnh những tráng sĩ lên đường thời Xuân Thu Chiến Quốc. Những tráng sĩ mặc áo bào từ trên lưng ngựa nhảy xuống đất, buộc ngựa vào gốc liễu, nghênh ngang bước vào tửu quán. Vì thế mà thơ của họ chứa đựng cái chất tráng ca, cái khí phách ngang tàng của những trang hảo hớn: “Chí lớn chưa về bàn tay không/Thì không bao giờ nói trở lại/Ba năm mẹ già cũng đừng mong” (thơ Thâm Tâm), “Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén/Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?/Mơ gì áp Tiết thiên văn tự/Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây” (thơ Nguyễn Bính).Nhận định của Hoài Việt như thế rất đúng với trường hợp của Thâm Tâm. Chất giọng văn chương hiệp sĩ của ông tạo nên nét riêng biệt không ai có được. Thơ ông là thứ thơ hùng tráng. Nếu có bi thì cũng là hùng bi: “Ngươi chẳng thấy/Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy/Nước mạnh như thác, một con thuyền/Ta lênh đênh hoài sầu biết mấy!” (Can trường hành), “Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch/Ta ghét hoài câu ‘nhất khứ hề’” (Vọng nhân hành). Chất rắn rỏi này không chỉ thể hiện trong những bài thơ thuộc thể hành mà cả khi Thâm Tâm làm những loại thơ khác.Với Nguyễn Bính, ngoài cái phần chung với nhóm thơ trên mà ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của bạn bè, thể hiện trong vài trường hợp (chẳng hạn bài Hành phương Nam) thì thơ Nguyễn Bính được bao trùm bởi cái chất quê, như Hoài Thanh nhận định trong Thi nhân Việt Nam: “Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm”. Thơ Nguyễn Bính phần lớn gần gũi với đời sống lam lũ quê mùa dù ông đang ở thành thị hay thôn quê. Từ ngữ nhiều khi quá dân dã đến nỗi một số nhà thơ thời ấy chê là ông làm hò vè: “Nuôi hai con lợn từ ngày xưa/Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”/Trữ gạo nếp thơm mo gói bó/Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ” (Tết của mẹ tôi). Ngay cả khi làm thơ tình thì Nguyễn Bính cũng quê mùa chất phác như thế: “Lòng em như quán bán hàng/Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi/Lòng anh như mảng bè trôi/Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều” (Em với anh). Cái chất dân dã quê mùa, pha lẫn với một ít chất tráng ca, có lẽ ảnh hưởng từ Thâm Tâm, đã tạo nên một Nguyễn Bính khó có thể lẫn vào ai.Đó là những nét đặc thù trong thơ Thâm Tâm và Nguyễn Bính, hai tác giả được nhiều người coi là T.T.Kh. Vậy còn thơ T.T.Kh thì sao? Ta hãy đọc lại vài khổ thơ của tác giả này: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui/Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ/Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi” (Hai sắc hoa ti gôn), “Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ/Một mùa thu cũ một lòng đau/Ba năm ví biết anh còn nhớ/Em đã câm lời có nói đâu” (Bài thơ cuối cùng).Bạn đọc thấy gì trong những câu thơ này? Rõ ràng đây là những câu thơ nỗi lòng của một người con gái khuê các, từ nhỏ tới lớn có lẽ quen sống trong cảnh mơ màng, không vướng bận chuyện đời thường. Nàng thích nhìn gió ngắm trăng mỗi khi cô đơn trong lòng. Nàng lại đọc tiểu thuyết mỗi khi buồn: “Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết/Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa”. Gia cảnh của nàng rõ ràng là khá giả. Không phải thuộc loại “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều” như Nguyễn Bính hay “Sinh ta, cha ném bút rồi/Rừng nho tàn rụng cho đời sang xuân” như Thâm Tâm.Ta lướt qua những bài thơ của T.T.Kh và thấy, tác giả là người có thói quen sử dụng từ ngữ hiện đại. Có lẽ tác giả được đi học trường Tây chứ không phải đi học trường làng. Ta không tìm thấy những từ ngữ làng quê hay từ ngữ có nguồn gốc Hán-Việt nhiều ở đây. Vả lại những câu thơ như câu “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui” quá là hiện đại. Tình yêu trong thơ Thâm Tâm hoặc thơ Nguyễn Bính đâu có như thế.Ta cần nhớ rằng vào khoảng thời kỳ 1932-1938, văn xuôi cũng như thơ Việt Nam còn đang cố gắng tìm một sự thay đổi căn bản. Về thơ, đó là sự thay thế thể thơ Đường luật gò bó bằng thể thơ tự do, tức thơ mới. Đến năm 1936, cuộc cách mạng này coi như thành công mỹ mãn. Tuy nhiên có sự phân hoá. Một số tác giả muốn cách tân một cách mạnh mẽ cả nội dung lẫn hình thức trong khi số khác lại không muốn bị “Tây hoá” quá nhiều về mặt nội dung mà chỉ muốn đổi mới chỉ hình thức thôi. Xuất hiện một lớp nhà thơ “tân” bên cạnh những nhà thơ “cựu” vốn ít học chữ Tây. Văn chương của hai tầng lớp này có một sự khác biệt rất dễ nhận ra. Nếu như Xuân Diệu đạt đến đỉnh cao của sự ảnh hưởng thơ Pháp thì Thâm Tâm lại quay về với hồn thơ Đường còn Nguyễn Bính thì chìm đắm trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam để góp phần tạo nên dòng thơ Việt.Còn thơ T.T.Kh? Ngay cả Hoài Thanh vào năm 1942 cũng đã rất ngập ngừng không dám xếp hẳn thơ T.T.Kh vào dòng thơ Việt. Cho nên, giữa thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và T.T.Kh không thể nào chung trong một dòng thơ được. Thâm Tâm và Nguyễn Bính “cựu” quá trong khi T.T.Kh thì lại rất “tân”.

Trần Đình Thu[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 14.00Chia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 3: T.T.Kh. là “nàng” hay “chàng”?

Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:41

Ta đã tìm hiểu qua về thơ T.T.Kh trong kỳ trước. Thật ra, ta thấy thơ T.T.Kh nghiêng về dòng thơ ảnh hưởng thơ Pháp mà Thế Lữ đã khơi nguồn và Xuân Diệu đẩy lên đến tận cùng hơn: “Hơn một loài hoa đã rụng cành/Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh/Những luồng run rẩy rung rinh lá.../Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh” (Thơ Xuân Diệu); “Ở lại vườn Thanh có một mình/Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh/Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo/Yêu bóng chim xa nắng lướt mành” (Thơ T.T.Kh).Cũng là những câu thơ tả cảnh như thế, nhưng nó quá khác biệt khi đặt bên cạnh thơ Thâm Tâm hay Nguyễn Bính: “Thu sang trên những cành bàng/Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi/Hôm qua đã rụng một rồi/Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn” (Thơ Nguyễn Bính), “Bừng sáng, xuân bay tang tảng sương/Canh gà heo hút nẻo giang thôn/Chài ai gấp gấp giăng giăng bạc/Tiếng mác qua giời, dịp sáo non” (Thơ Thâm Tâm).Thơ T.T.Kh hiện đại từ ngôn ngữ cho đến hình ảnh. Nhà văn Thanh Châu đã bỏ công tìm hiểu cách sử dụng từ ngữ của những đối tượng liên quan và đi đến nhận xét: thơ T.T.Kh không có những chữ như ly khách, cửa ải xa, xóm thanh bình, trường thành, quan san, trường đình, thét roi, cô phụ, đoạn trường như Thâm Tâm, không có những chữ như vương tơ, lão bộc, vật đổi sao dời, quay tơ, guồng tơ, hận tình, buồng the như Nguyễn Bính. Nhận xét này của Thanh Châu khá tỉ mỉ và chính xác, cho ta thấy sự khác biệt về cách sử dụng từ ngữ giữa T.T.Kh và Thâm Tâm, Nguyễn Bính. Chúng ta thấy thêm, ở Nguyễn Bính thường có xu hướng sử dụng từ ngữ địa phương mỗi khi có điều kiện, chẳng hạn “giời” thay cho “trời”, “giầu” thay cho “trầu”... Như trong bài Cô gái vườn Thanh, Nguyễn Bính viết: “Vườn Thanh qua đấy năm xưa/Trọ nhờ đêm ấy giời mưa tối giời”. Đây là một thói quen mà T.T.Kh không hề có.Chúng ta thấy một điều rất quan trọng nữa về mặt ngôn ngữ trong thơ T.T.Kh là tác giả hầu như chỉ sử dụng từ thuần Việt. Đây là một đặc điểm cho thấy tác giả không hề hoặc rất ít được tiếp xúc với Hán học mà chủ yếu được đào tạo theo quốc học. Về mặt sử dụng hình ảnh, cũng có những điểm cho ta thấy sự khác biệt. Một ví dụ đơn giản: hình ảnh bông hoa ti gôn. Ti gôn là một thứ hoa của phương Tây du nhập vào Việt Nam trước đó không lâu. Vào thời ấy, nó là loài hoa của những gia đình trưởng giả. Nó có thể quen thuộc với những thi sĩ hiện đại như Xuân Diệu, Huy Cận, nhưng nó sẽ xa lạ với một nhà thơ chân quê như Nguyễn Bính hoặc một nhà thơ áo bào gốc liễu như Thâm Tâm. Nếu cần dùng hình ảnh một loài hoa nào đó để làm thơ thay cho người khác thì với Thâm Tâm, có lẽ ông sẽ dùng hoa gạo, hoa lý, hoa xoan... còn với Nguyễn Bính thì ông sẽ dùng hoa cải, hoa cà, hoa chanh, hoa mướp... để gợi cảm hứng. Thâm Tâm và Nguyễn Bính quyết không bao giờ dùng thứ hoa ti gôn xa lạ ấy: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê” (Thơ Nguyễn Bính), “Trăm giàn lý đỏ đã lên hoa/Tâm sự in như cảnh ác tà” (Thơ Thâm Tâm).Thế nhưng hình ảnh trong thơ T.T.Kh thì lại khác. Nhiều hình ảnh trong thơ T.T.Kh không thể có được trong thơ của Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính: nhặt cánh hoa rơi, buồn quá xem tiểu thuyết, tiếng lá thu khô... Những hình ảnh này rất “Tây”, tiêu biểu cho một tầng lớp thị dân “chính cống” chứ không phải “từ quê lên tỉnh” như Nguyễn Bính.Đến đây, chúng tôi muốn đi vào điều cốt lõi hơn nữa. Một điều rất rõ là khi đọc các bài thơ của T.T.Kh, người ta có cảm giác ngay lập tức tác giả phải là một người phụ nữ. Thế nhưng như đã thấy, nhiều người vẫn cho rằng T.T.Kh là đàn ông. Bởi vậy chúng ta cần tìm hiểu xem liệu có thể xảy ra điều giả định ấy được không? Điều này cũng góp phần loại bỏ bớt những “ứng viên” là nam giới.Thật ra, nhiều câu thơ của T.T.Kh thể hiện rất rõ tính nữ trong đó. Đọc kỹ những câu thơ của T.T.Kh, có những câu dường như chỉ là tác giả nữ thì mới viết như thế: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/Trời ơi người ấy có buồn không” (Hai sắc hoa ti gôn). Chúng ta phải thừa nhận điều này, đàn ông và phụ nữ có cách nói, cách nghĩ khác nhau. Có những điều, đàn ông nghĩ thế này nhưng phụ nữ sẽ nghĩ thế khác. Chẳng hạn người đàn ông thường lo người mình yêu bị khổ còn phụ nữ sẽ lo người mình yêu bị buồn. Cho nên là phụ nữ thì T.T.Kh mới viết câu: “Trời ơi người ấy có buồn không”. Ta tin rằng Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính sẽ không bao giờ viết câu này nếu họ là tác giả của bài thơ. Trong ba bài thơ có khá nhiều câu thể hiện cách nghĩ cách nói của người phụ nữ mà đàn ông không thể nghĩ và nói: “Từ đấy, thu rồi, thu, lại thu/Lòng tôi còn giá đến bao giờ?/Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ.../Người ấy cho nên vẫn hững hờ”. Đây là những cảm nhận hết sức tinh tế của một người phụ nữ, hơn nữa là người phụ nữ đã có chồng. Đàn ông không thể làm được những câu thơ này.Chúng tôi muốn nói với bạn đọc điều này: thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự thể hiện ra bằng ngôn ngữ những tâm tư tình cảm của con người. Nếu là một người hoá thân thành người khác để làm thơ thì rất khó, ngoại trừ đấy là thể loại truyện thơ. Đọc những vần thơ của T.T.Kh, ta thấy tràn ngập trong đó những nỗi niềm tâm sự, những xót xa ngậm ngùi, những buồn thương uất hận: “Tôi oán hờn anh mỗi phút giây/Tôi run sợ viết bởi rồi đây/Nếu không yên được thì tôi chết/Đêm hỡi, làm sao tối thế này” (Bài thơ cuối cùng), “Là giết đời nhau đấy phải không/Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung/Giận anh em viết dòng dư lệ/Là chút dư hương điệu cuối cùng” (Bài thơ cuối cùng), “Đâu biết lần đi một lỡ làng/Dưới trời gian khổ chết yêu đương/Người xa xăm quá tôi buồn lắm/Trong một ngày vui pháo nhuộm đường” (Hai sắc hoa ti gôn)...Với những câu thơ này, làm sao có thể tin rằng do một người khác phái “đóng vai” để tạo ra? Làm sao từ một câu chuyện tình phụ tầm thường nhạt nhẽo giữa Thâm Tâm với một cô gái mang tên Trần Thị Khánh nào đó mà thi sĩ viết nên được những câu thơ đớn đau thế này? Thật là ngây thơ khi chúng ta tin rằng Thâm Tâm hay Nguyễn Bính có thể là tác giả của những bài thơ mang tên T.T.Kh. T.T.Kh dứt khoát phải là một tác giả nữ.

Trần Đình Thu[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 14.00Chia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 4: Mối quan hệ giữa T.T.Kh. và tác giả truyện ngắn

Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:43

T.T.Kh đã sáng tác nên những bài thơ tình bất hủ vì chuyện ngang trái tình duyên. Điều này thì đã quá rõ. Nhưng ta cần biết ai là người đã làm cho thi sĩ đớn đau đến tột cùng khiến phải thốt ra những lời thơ thấm đẫm đầy nước mắt ấy? Đây là một câu hỏi quan trọng. Giải đáp được câu hỏi này là ta có trong tay chiếc chìa khoá để có thể mở cánh cửa đi sâu vào những ngóc ngách bí ẩn bên trong câu chuyện kỳ lạ này.Hãy đọc lại bài thơ đầu tiên của T.T.Kh. Hai sắc hoa ti gôn là bài thơ hay nhất trong ba bài thơ và là bài thơ mà tác giả viết ngay sau khi đọc được truyện ngắn Hoa ti gôn. Điều dễ nhận thấy đầu tiên là bài thơ như “hoạ” lại truyện ngắn, từ hình thức cho đến nội dung. Khởi đầu là cái tựa: Hoa ti gôn - Hai sắc hoa ti gôn. Truyện ngắn mở đầu bằng hình ảnh một ông hoạ sĩ già ngày nào cũng tỉ mẩn bên những cánh hoa: “Sáng nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, hoạ sư Lê cũng không quên mua một bó hoa ti gôn”. Chuyện tình thơ cũng bắt đầu từ những kỷ niệm êm đềm với loài hoa có cái tên Tây ấy: “Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn/Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn/Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc/Tôi chờ người đến với yêu đương”.T.T.Kh và Thanh Châu đã lấy cùng một loài hoa để khơi dòng tâm sự. Thứ hoa dây leo có những cành nhỏ nhắn dễ thương trổ ra vô số nụ, năm cánh chụm lại thành “hình quả tim”, trong một hai ngày sẽ nở bung ra. Thế là “quả tim vỡ”. “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui/Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ/Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.Hoa dáng như tim vỡ là một chi tiết quan trọng. Thật ra bây giờ khi loài hoa này đã quá nổi tiếng thì nhìn nó, người ta có thể nghĩ đến hình dáng quả tim vỡ làm nhiều mảnh nhưng vào thời điểm câu chuyện này chưa xảy ra, khó có ai nghĩ đến điều này. Quan sát kỹ nụ hoa ti gôn ta thấy rằng, thật khéo tưởng tượng thì mới nghĩ ra được như thế. Thế mà câu chuyện của Thanh Châu và câu chuyện của T.T.Kh đều xoay quanh cái chi tiết “quả tim vỡ” ấy. Không hiểu vì sao những nhân vật trong thơ và trong truyện có cách nhìn giống nhau đến vậy? T.T.Kh nói rằng đó chẳng qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên: “Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết/Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa”.Như vậy là ta đoán nhầm? Vì T.T.Kh đã nói rõ rằng hai người không quen biết gì nhau. Chẳng qua chỉ là sự tình cờ. Nhưng ta vẫn thấy có quá nhiều băn khoăn. Vì lẽ gì cánh hoa ti gôn ấy lại ám ảnh cả hai người như vậy?Trong truyện ngắn, cánh hoa ti gôn từ chỗ là nguồn cảm hứng bao la của chàng hoạ sĩ trẻ khi gặp người con gái cho đến chỗ là thông điệp của bi kịch khi chàng nhận phong thư báo tang viền đen có ép một dây hoa ti gôn nhỏ rơi ra. Trong bài thơ, cánh hoa ti gôn từ chỗ là niềm vui, niềm mong đợi của người con gái: “Tôi chờ người đến với yêu đương” cho đến chỗ kết thúc một mối tình: “Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ/Tựa trái tim phai, tựa máu hồng”.Bài thơ thứ nhất nối tiếp những điều mà Hai sắc hoa ti gôn chưa nói hết: “Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên/Bỗng ai mang lại cánh hoa tim/Cho tôi ép nốt dòng dư lệ/Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên”.Bạn đọc hãy lưu ý đến những cánh hoa ti gôn. Không chỉ trong bài thơ trước mới có mặt chúng, loài hoa này hầu như luôn hiện diện trong câu chuyện tình buồn này. Lẽ ra ta nên gọi nghi án văn học này là nghi án văn học hoa ti gôn. Hoa ti gôn - chính thứ hoa “sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở” như lời tả trong tiểu thuyết Gánh hàng hoa của nhà văn Khái Hưng mà Thanh Châu lấy làm đề tựa cho truyện ngắn Hoa ti gôn mới là đầu dây mối nhợ của mọi chuyện. Nếu không có hoa ti gôn, ta sẽ không bao giờ có những bài thơ tuyệt tác của T.T.Kh, không bao giờ có được câu chuyện tình văn chương kỳ lạ này.Nhưng ta hãy chú ý điều này: trong bài thơ thứ hai, T.T.Kh không còn nhìn những cánh hoa ti gôn với vẻ lãng mạn u buồn của nó nữa. Nàng có vẻ như giận người nhắc đến cánh hoa ti gôn: “Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên/Bỗng ai mang lại cánh hoa tim/Cho tôi ép nốt dòng dư lệ/Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên”.Chúng ta thấy hé lộ ra một điều không bình thường. Lúc trước nàng bảo, ngồi buồn đọc báo Tiểu thuyết thứ bảy, bắt gặp truyện ngắn Hoa ti gôn, thấy ai cũng có tâm trạng giống mình nên cảm xúc viết ra bài thơ gửi đăng báo cho vơi bớt nỗi lòng, thế mà bây giờ lại có ý trách người viết truyện.Bạn đọc hỏi, có thấy nàng giận hờn trách móc chỗ nào đâu? Có đấy! Nàng trách nhưng mà trách khéo lắm. Trách mà không có lời trách. Ta hãy đọc tiếp: “Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ/Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ”. Ý nàng muốn nói rằng, còn gì đâu nữa, giờ mọi chuyện đã lỡ làng hết cả rồi, tình tan nát như loài hoa tim vỡ rồi, người nhắc đến chuyện xưa làm gì nữa.Dường như nàng đang đối thoại với người viết truyện qua bài thơ. Nhưng nàng đối thoại một cách rất khéo, khiến không ai nghi ngờ điều gì. Nhờ tài hoa, nàng đã làm được điều đó mà không ai nhận thấy trong gần cả thế kỷ qua. Đây là lời dặn của nàng: “Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá/Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:/“Cố quên đi nhé câm mà nín/Đừng thở than bằng những giọng thơ”.Nhưng thật không may. Bài thơ cuối cùng đã làm nàng lộ tẩy. Nàng không thể giữ kín cuộc đối thoại: “Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly/Càng khơi càng thấy luỵ từng khi/Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy/Mà viết tình em được ích gì?”Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy! Bạn đọc đã thấy chưa! Thật là giấu đầu hở đuôi. Nàng đã quên cả giữ ý tứ, đi trách một người mà nàng bảo là không quen biết. Cái bọc đã không giấu nổi cây kim. Ấy là vì chuyện Bài thơ đan áo mà chúng tôi sẽ nói ở sau làm cho nàng bực bội. Đến đây, chúng ta thấy được một điều quan trọng: Hoá ra tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn không phải là người dưng. Bởi có mối quan hệ gì thì mới đi trách người chứ!...

Trần Đình Thu[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. Chưa có đánh giá nàoChia sẻ trên Facebook Ảnh đại diện

Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 5: Ai là người yêu của T.T.Kh.?

Đăng bởi Vanachi vào 17/04/2006 15:45

Thưa bạn đọc, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với nhà văn Thanh Châu và chỉ ra với ông việc T.T.Kh đã trách ông. Nhà văn cũng đồng ý với chúng tôi rằng quả thật câu thơ của T.T.Kh có hàm ý như thế.Đến đây, chúng tôi muốn tạm gác câu chuyện hoa ti gôn lại trong chốc lát để chuyển qua chuyện Bài thơ đan áo. Bài thơ này nhiều người không chịu thừa nhận là của T.T.Kh. Quả thật sự xuất hiện của nó cũng tương đối bất thường. Thứ nhất là nó không đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy mà lại đăng ở báo khác. Thứ hai là về hình thức, nó cũng khác ba bài thơ kia. So sánh với ba bài kia, Bài thơ đan áo có vẻ thô vụng hơn nhiều. Đặc biệt trong khi ba bài thơ của T.T.Kh đều là thơ bảy chữ thì Bài thơ đan áo lại theo thể thơ lục bát. Thật là vô lý khi T.T.Kh đang rất điêu luyện trong thể thơ bảy chữ lại nhảy qua thơ lục bát để rồi lúng túng trong lối thơ này đến nỗi đôi chỗ vần không được nhuyễn. Chính những vướng mắc trên đã khiến người ta nghi ngờ bài thơ này là của người khác giả mạo T.T.Kh.Thế nhưng T.T.Kh lại không hề lên tiếng cải chính mà ngược lại trong Bài thơ cuối cùng nàng lại nhắc đến nó: “Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem”. Hiểu thế nào cho đúng về vấn đề này? Ai là người đã viết Bài thơ đan áo? Chúng ta nhớ một điều, Bài thơ đan áo ngoài những bất thường như nói trên còn có điểm khác biệt rất lớn với ba bài thơ kia. Đó là tác giả không viết cho người ấy mà viết cho một người chị nào đó: “Chị ơi, nếu chị đã yêu/Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương”.Chi tiết này lại khá khớp với Bài thơ cuối cùng. Trong bài thơ đó, T.T.Kh đã nhắc đến một người nào đó ngoài người ấy: “Chỉ có ba người đã đọc riêng/Bài thơ đan áo của chồng em”. Ba người ấy là ai? Phải chăng là có mặt cả người chị trong Bài thơ đan áo?Ở trên, chúng ta có nói đến mối quan hệ giữa tác giả truyện ngắn và tác giả thơ. Qua phân tích cuộc “đối thoại”, chúng ta đã thấy được phần nào mối quan hệ “không phải người dưng” giữa họ. Tác giả truyện ngắn, tức nhà văn Thanh Châu chính là nhân vật ai mà nàng đã trách “Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy/Mà viết tình em được ích gì”. Chúng ta tiếp tục phân tích thêm. Trước hết khẳng định Thanh Châu chính là nhân vật ai trong các câu thơ. Nhưng trong thơ T.T.Kh, ngoài ai ra còn có thêm nhân vật anh: “Giận anh em viết dòng dư lệ/Là chút dư hương điệu cuối cùng”. Vậy nhân vật ai này và nhân vật anh trong câu thơ trên là hai người hay một người?Có thể có hai trường hợp: Ai là một người bạn của nàng, hoặc ai chính là người yêu của nàng, tức ai chính là anh. Nếu xảy ra trường hợp đầu thì Thanh Châu chỉ là người bạn của T.T.Kh, được biết đến chuyện tình duyên ngang trái của nàng nên cảm hứng viết nên truyện Hoa ti gôn. Nếu xảy ra trường hợp sau thì Thanh Châu chính là người yêu của T.T.Kh.Chúng ta chú ý, trong ba bài thơ, chỉ có Bài thơ cuối cùng là nàng đối thoại trực tiếp với người yêu mình: “Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ?”. Tại sao như vậy? Là vì lúc này nàng đang giận chàng. Nàng muốn nói chuyện “đâu ra đấy” với chàng một lần cho xong. Chúng ta đọc thêm khổ thơ thứ năm: “Từ đây anh hãy bán thơ anh/Còn để yên tôi với một mình”. Ta thấy lúc này nàng cự cãi với chàng một cách khá căng thẳng. Có lẽ chàng vừa gây ra một lỗi lầm gì đó làm cho nàng giận. Liên hệ đến khổ thơ thứ ba có câu “Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem” thì ta sẽ hiểu ngay chuyện gì. Đó là chuyện Bài thơ đan áo, chàng đã lấy nó đem “rao bán” làm cho nàng bực tức. “Rao bán” là từ mà nàng ví von cho hả tức chứ thực sự là chàng đã để lọt bài thơ đó ra ngoài. Bài thơ này vì một lẽ gì đó mà nàng không muốn cho ai đọc. Việc đăng báo bài thơ này có lẽ gây nên điều gì hệ trọng lắm nên nàng đã hết sức tức giận: “Là giết đời nhau đấy biết không”.Hãy để ý thêm chút nữa. Sau khi nói xong chuyện Bài thơ đan áo, nàng liền quay sang chuyện những cánh hoa ti gôn: “Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét/Thì đem mà đổi lấy hư vinh”. Chúng ta thấy rất rõ: người gây ra chuyện Bài thơ đan áo cũng chính là người nhắc đến những cánh hoa ti gôn. Trước thì nàng cố giấu nhưng bây giờ vì đang tức giận nên nhân nói chuyện này nàng nói qua chuyện kia một thể luôn.Như vậy thì nhân vật ai, người liên quan đến những cánh hoa ti gôn (Trách ai mang cánh ti gôn ấy) và nhân vật anh, người yêu của nàng (Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ) chính là một.Như vậy mối quan hệ là đã rõ. Thanh Châu chính là người yêu của T.T.Kh. Điều này cũng phù hợp với lời kể của nàng ở khổ thơ đầu trong Bài thơ thứ nhất rằng người yêu nàng là một chàng văn nghệ sĩ: “Thuở trước hồn tôi phơi phới quá/Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương/Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại/ Êm ái trao tôi một vết thương”.Thật sự ta đã giải mã được vấn đề quan trọng là tìm ra người ấy của T.T.Kh. Đến đây, chúng tôi muốn trở lại vấn đề ai đã viết Bài thơ đan áo. Như trên đã phân tích, bài thơ này có một số điểm khác biệt so với ba bài thơ kia về thể loại, về giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, có một đặc điểm quan trọng nhất thì nó lại không khác, đó là phong cách sáng tác. Bài thơ đan áo cũng được viết bởi một ngôn ngữ dung dị rất “T.T.Kh”: “Chị ơi nếu chị đã yêu/Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương”. Chúng tôi cho rằng, bài thơ này cũng là của T.T.Kh nhưng được viết trước ba bài thơ kia rất lâu. Bạn đọc có thể thắc mắc: vì sao Bài thơ đan áo không hay như mấy bài thơ kia. Đó là do hoàn cảnh sáng tác. Trước đây, T.T.Kh chỉ sáng tác để gửi cho người chị nào đó của mình đọc nên có thể cảm xúc không trào dâng bằng viết cho người mình yêu.

Trần Đình Thu[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]Lộ tòng kim dạ bạch,Nguyệt thị cố hương minh. 15.00Chia sẻ trên Facebook

Trang 12 trong tổng số 2 trang (19 bình luận)[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

© 2004-2024 VanachiRSS

Từ khóa » Bài Thơ Của Ttkh