Trang Trại Dúi Vùng Sâu - Tạp Chí Chăn Nuôi Việt Nam

Nuôi động vật hoang dã xưa nay thường là tự phát, người nuôi mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ở vùng sâu Ninh Loan, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), có một nông hộ đã gầy dựng được trang trại dúi theo đúng quy định của Nhà nước. Và bầy dúi cũng cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể từ khoản chi phí đầu tư không cao.

Ông Phạm Minh Đức kiểm tra dúi thương phẩm

 

Ông Phạm Minh Đức, thôn Châu Phú, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng vừa dẫn khách đi tham quan chuồng dúi, vừa chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc nuôi con vật hoang dã này: “Xưa thấy bà con hay mua dúi bố mẹ ở nguồn không rõ nên mình cũng hơi ngại. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, tôi xuống trại dúi ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bắt 2 cặp dúi giống có giấy tờ đàng hoàng lên để gầy trại. Trại nuôi dúi của tôi xin phép Nhà nước đúng luật, được kiểm tra mỗi năm. Mình chăn nuôi phải đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước”.

 

Chỉ với 2 cặp dúi bố mẹ ban đầu, từng có lúc ông Phạm Minh Đức đã gầy dựng trang trại nuôi dúi lên tới 400 – 500 con. Ông bảo, dúi là con rất dễ nuôi, chi phí rất thấp. Thức ăn cho dúi vô cùng đa dạng, từ thân tre, bắp, cơm thừa, xương xẩu thừa các loại cho tới mía, lá cây. Chính vì dúi ăn đa dạng, dễ nuôi nên ông mới chọn dúi bởi nguồn thức ăn tự nhiên của dúi quanh thôn Châu Phú rất nhiều. Ông Đức cho biết, gần như ông không tốn một đồng nào để nuôi dúi. Tre, nứa kiếm xung quanh, bắp nhà trồng được. Ông còn trồng thêm một vườn mía xanh để cho dúi ăn thêm. Vậy là bầy dúi cứ lớn lên mà không cần ông tốn nhiều chi phí cho chăn nuôi. Chỉ cần giữ chuồng dúi sạch là dúi ít bệnh tật, không cần thuốc men hay phương pháp chăm sóc đặc biệt nào.

 

Ông Phạm Minh Đức cho biết, chuồng dúi được xây thành từng khoang, chiều cao 60 cm, mỗi khoang rộng khoảng 7 m2, nuôi tầm 20 – 25 con. Dúi từ khi ra đời đến khi có thể lên giống sinh sản là 8 tháng – 1 năm. Tuy nhiên, khi đã trưởng thành có thể sinh sản được thì dúi đẻ rất mau. Dúi cái bình thường đẻ 4 lứa/năm, mỗi lứa 3 – 4 con. Một dúi mẹ có thể đẻ 12 – 15 dúi con/năm. Khi dúi mẹ lên giống sắp sinh, ông Đức sẽ bắt dúi cái nuôi trong một ô nhỏ riêng để việc sinh sản được thuận lợi. Sinh dúi con xong, dúi mẹ sẽ cho bú, sau 1 tháng là dúi con tách mẹ sống riêng. Sinh sản nhanh, ưa sạch là hai đặc tính của loài dúi.

 

Chỉ với khu nuôi dúi đơn giản, chi phí chăn nuôi không đáng kể, ông Phạm Minh Đức có thu nhập rất tốt từ dúi. Ông Đức cho biết, dúi trưởng thành có trọng lượng 1,2 – 1,5 kg, có con gần 2 kg, một cặp có thể bán được 2,5 triệu đồng. Dúi giống giá 800 – 900 ngàn/kg, sau khi sinh tầm 4 – 6 tháng là có thể bán dúi giống, 8 tháng bán dúi thịt. Những thời gian cao điểm, ông Đức có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ chuồng dúi. Tuy nhiên, dịch COVID-19 là thời điểm khó khăn với ông Đức cũng như hầu hết các trang trại chăn nuôi động vật hoang dã do đầu ra gần như không có. Ông đã phải bán rẻ đàn dúi nhưng với niềm hy vọng vào tương lai, ông vẫn duy trì chăn nuôi 20 cặp dúi giống. Hiện tại, sau khi đại dịch giảm, nhu cầu dúi giống, dúi thịt lại tăng cao, ông Đức đang gầy lại bầy dúi giống và ông hy vọng tới cuối năm 2022, trại dúi của ông sẽ đạt con số 100 cặp.

 

Ông Trần Ngọc Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Loan đánh giá, hộ ông Phạm Minh Đức là nông dân giỏi, nhiều ý tưởng mới lạ. Đặc biệt, ông Phạm Minh Đức luôn tuân thủ rất tốt quy định của Nhà nước về sản xuất chăn nuôi. Ông Đức mua động vật hoang dã có nguồn gốc, trại nuôi có xin phép, có cơ quan chức năng kiểm tra giám sát định kì. Dúi giống do trại của ông xuất bán cũng cấp giấy chứng nhận cho người nuôi, là một điển hình nông dân trong thời kì mới. Trại dúi của ông cũng cung cấp giống cho nhiều nông hộ trong vùng, giúp bà con có thêm thu nhập từ vật nuôi đơn giản như con dúi.

 

DIỆP QUỲNH

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Từ khóa
  • kỹ thuật nuôi dúi
  • nuôi dúi

Để lại comment của bạn

Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.

Họ tên:

Email:

Bình luận

Δ

Từ khóa » Dúi Vinh