Tranh Cãi "nảy Lửa" Về Cây Cầu Dài 36 M "ngốn" 38 Tỷ đồng ở Hà Nội

Cây cầu được dư luận "mổ xẻ" nằm tại vị trí cầu Yên Hòa (cũ), bắc qua sông Tô Lịch, nối 2 quận Cầu Giấy và Đống Đa (Hà Nội).

Cầu được thi công từ cuối tháng 2/2021, do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau hơn 9 tháng thi công, hồi cuối tháng 11 vừa qua, cây cầu này đã được đã thông xe.

Tranh cãi nảy lửa về cây cầu dài 36 m ngốn 38 tỷ đồng ở Hà Nội - 1

Nhiều diễn đàn trên mạng xã hội bỗng tỏ ra xôn xao, bàn luận sôi nổi về việc cầu dài 36 m có tổng mức đầu tư là 38 tỷ đồng (Ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý, khi hay tin Hà Nội vừa đưa vào khai thác, sử dụng cây cầu dài 36 m nhưng tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội xôn xao, bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.

Tài khoản có tên X.B. thắc mắc, không rõ như vậy là đắt hay rẻ dù bản thân không rành về xây dựng. Tuy nhiên, người này cảm thấy vô lý vì cây cầu "đi vài bước" là hết mà kinh phí lên tới 38 tỷ đồng.

Tài khoản T.D.A. châm chọc: "Chắc phải xây cầu bằng tre cho rẻ chứ làm bằng bê tông đắt quá, dân không chịu nổi…!!!".

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh thể hiện cây cầu này chỉ là "phần nổi", còn những chi phí khác cho việc khảo sát, thiết kế, quản lý dự án… nên tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng là điều bình thường.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã nắm bắt được thông tin từ dư luận xã hội về cây cầu Yên Hòa. Vị này cho rằng nhiều bình luận bất bình của người dân là do chưa hiểu, chưa nắm hết thông tin về dự án này.

Tranh cãi nảy lửa về cây cầu dài 36 m ngốn 38 tỷ đồng ở Hà Nội - 2

Diện mạo cầu Yên Hòa mới, đối diện với ngõ 381 Nguyễn Khang, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm (Ảnh: Đinh Huy).

Cụ thể, Dự án xây dựng cầu Yên Hòa được thiết kế với chiều dài toàn cầu là 41,4 m (tính đến đuôi tường cánh mố), có mặt cắt ngang (gồm vỉa hè 2 bên và lòng đường cho xe chạy) là hơn 21 m.

Cầu Yên hòa có tổng mức đầu tư được duyệt là 37,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi duyệt giá trị dự toán chỉ là gần 28 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng cầu khoảng 23,6 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là hơn 1,6 tỷ đồng…

Lý giải vì sao dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 38 tỷ đồng, "vênh" hơn rất nhiều so với dự toán công trình được duyệt, vị đại diện này cho hay, điều này là do trước đó chưa khảo sát hết được hạ tầng và có nhiều đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khi thi công thực tế, đơn vị thấy nhiều hạng mục không cần đến nên đã bỏ qua.

Đặc biệt, tổng mức đầu tư xây dựng cầu Yên Hòa bao gồm rất nhiều hạng mục, trong đó có xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước; chiếu sáng đường và chiếu sáng kiến trúc; hoàn trả phần tường chắn, ốp mái taluy bờ sông Tô Lịch do phải đào hố móng…

"Trước đó, cầu Yên Hòa (cũ) rất yếu, được làm từ trước năm 1993. Về cơ bản cầu quá yếu rồi nên phải tiến hành tháo dỡ cầu cũ, thay thế bằng cầu bê tông cốt thép dự ứng lực. Trong khi đó, chi phí xây dựng cầu khoảng 23,6 tỷ đồng còn bao gồm tất cả hạng mục" - vị này cho hay.

Cũng theo vị đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội, dự kiến trong tháng 12 này, công trình xây dựng cầu Yên Hòa mới được nghiệm thu. Đơn vị cũng kỳ vọng cầu Yên Hòa mới khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực và giảm tải ùn tắc giao thông cho người dân đi lại giữa quận Cầu Giấy và Đống Đa.

"Dư luận cứ nghĩ tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng thì chủ đầu tư muốn tiêu thế nào thì tiêu nhưng không phải. Vì người dân không ở "trong nghề" nên đơn vị cũng thông cảm. Tới đây, khi dự án được quyết toán có khi chi phí xây cầu còn giảm hơn mức dự toán đã xây dựng" - vị đại diện này thông tin thêm.

Từ khóa » Cây Cầu 38 Tỷ