Tranh Cãi Về Lãi Suất Tiền Gửi Tiết Kiệm 0% - PLO
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bên liên quan, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VN) - VAFI đề xuất đưa dần lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng VN về mức 0%/năm.
Lãi suất tại Việt Nam cao hơn nhiều nước
Để chứng minh cho quan điểm của mình, VAFI đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể. Theo đó, nền kinh tế VN đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực. Mặt khác, hiện nay các nước Âu - Mỹ và các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí có nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi).
Tương tự, các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng 0,2%-0,7%/năm. Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp 2%-5%, qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.
“Trong khi đó, tại nước ta, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5%-6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, gây bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình” - VAFI nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc giảm dần lãi suất tiền gửi về 0%/năm vào thời điểm này là chưa phù hợp. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL
Bình luận về đề xuất trên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, cho rằng việc so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như vậy là khập khiễng, bởi lẽ mức độ rủi ro của VN cao hơn so với đa số các nước trong khu vực.
Ví dụ, theo hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P (Mỹ) thì VN xếp hạng BB, trong khi của Indonesia, Philippines là BBB, Thái Lan (BBB+), Malaysia (A-), Trung Quốc (A+), Hàn Quốc (AA), Singapore (AAA).
Hơn nữa, theo ông Lực, lạm phát tại VN cao hơn so với quốc tế và khu vực. Do đó, người dân kỳ vọng gửi tiền vào NH được hưởng lãi suất ít nhất phải cao hơn tỉ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương. “Giả sử chúng ta đưa được lãi suất tiền gửi VND về 0%, trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, liệu người dân có mặn mà gửi tiền vào NH?” - ông Lực đặt vấn đề.
Lo người dân rút tiền khỏi ngân hàng để chơi chứng khoán
Trong đề xuất gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, VAFI cũng hiến kế một số giải pháp để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm. Cụ thể, cần hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước.
“Giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm” - đại diện VAFI nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, đặt vấn đề: Tại sao đưa lãi suất huy động về 0% lại có thể giúp hạn chế dòng tiền vào bất động sản. Có khi ngược lại, dòng tiền vào kênh này có thể tăng mạnh hơn.
“Chưa kể, hiện NHNN cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản. Đơn cử như hạn chế room tín dụng đổ vào bất động sản, giảm tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn” - ông Minh bày tỏ.
Phó tổng giám đốc một NH lớn cũng khẳng định: Việc giảm dần lãi suất tiền gửi về 0%/năm vào thời điểm này là chưa phù hợp. Bởi khi lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân sẽ không còn ai muốn mang tiền để gửi vào NH nữa, mà sẽ dịch chuyển sang những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số…
“Trong thời gian qua, khi tiền gửi xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm thì dòng tiền đã chảy sang kênh chứng khoán rất mạnh. Bằng chứng là ngay cả khi nhà đầu tư tổ chức nhiều tháng liền bán ròng thì thị trường chứng khoán VN vẫn liên tục tăng điểm, số lượng nhà đầu tư mới tăng cao kỷ lục. Vậy nếu lãi suất về 0% thì rất có khả năng sẽ làm gia tăng độ nóng thị trường chứng khoán, bất động sản cao hơn nữa” - vị phó tổng giám đốc phân tích.
Đột phá nhưng phải cân nhắc kỹ
VAFI cũng đề xuất cơ quan chức năng có giải pháp hướng dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm. Như vậy, hệ thống NH sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.
Tuy vậy, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Khi lãi suất giảm về 0%, dòng tiền chảy vào chứng khoán. Khi đó, doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu nhưng do không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là tín chấp, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất khá cao. Hiện nay lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 10%-12%/năm, thường cao hơn so với đi vay NH khoảng 1%-3%/năm.
“Như vậy, liệu đây có phải là bài toán huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp? Chưa kể nếu doanh nghiệp đó chẳng may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào NH” - TS Cấn Văn Lực phân tích.
Một số chuyên gia kinh tế khác cũng đánh giá đề xuất của VAFI là đột phá, rất đáng trân trọng. Tuy vậy, cần phải hết sức thận trọng, tính toán kỹ với cơ sở vững chắc, sát thực tiễn và khả thi hơn, nếu không sẽ làm xáo trộn thị trường tiền tệ.
Cần hai năm để đưa lãi suất về 0% Sau khi vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, ngày 23-6, VAFI tiếp tục có văn bản phản hồi. Cơ quan này nhấn mạnh muốn tiến hành đưa lãi suất về 0% phải ban hành năm giải pháp, trong đó ban hành luật thuế tài sản để khóa kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết. Sau đó mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0% và thời gian cần khoảng hai năm. Cơ quan này cũng tự tin rằng đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% sẽ thành công, chỉ cần Chính phủ ban hành các sắc thuế về chống đầu cơ nhà, đất nhằm kiểm soát dòng tiền đi vào kênh này thì lượng tiền gửi trong hệ thống NH thương mại đã dư thừa rất nhiều. Đến thời điểm đó, không cần can thiệp của NHNN thì lãi suất huy động đã giảm mạnh rồi. “Gần 11 năm trước, chúng tôi từng đề xuất thành công về giải pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%/năm. Giờ đây chúng tôi khuyến nghị cần tạo lập hệ thống giải pháp để dần dần đưa lãi suất tiền gửi nội tệ về mức 0%/năm và tin tưởng rằng giải pháp này cũng sẽ thành công, tạo bước ngoặt để đưa kinh tế VN sang giai đoạn phát triển mới ở thời kỳ đầu của một quốc gia phát triển” - VAFI nhấn mạnh. |
Từ khóa » Hạ Lãi Suất Về 0
-
Có Nên đưa Lãi Suất Tiền Gửi VND Về 0 Phần Trăm? - UEH Future
-
Hạ Lãi Suất Về 0% Bằng Cách Nào?
-
Hạ Lãi Suất Về 0%: Có Khả Thi? - CAND
-
Nếu Lãi Suất Tiền Gửi 0%, Ngân Hàng Huy động Vốn ở đâu ?
-
Đề Xuất Hạ Dần Lãi Suất Tiền Gửi Về 0% - Zing News
-
Đề Xuất đưa Lãi Suất Tiền Gửi Về 0%: Liệu Có Khả Thi? - VOV
-
Đề Xuất đưa Lãi Suất Tiền Gửi Về 0%: Các Chuyên Gia Nói Gì? | Tài Chính
-
VAFI Bất Ngờ Kiến Nghị Nhà Nước Hạ Lãi Suất Tiền Gửi Về 0%
-
Đề Xuất "sốc": Đưa Lãi Suất Tiền Gửi Về 0%
-
Đưa Lãi Suất Về 0% Liệu Có Khả Thi Với Nền Kinh Tế Việt Nam?
-
Đưa Lãi Suất Tiền Gửi Về 0%: Nhiều Hệ Lụy | DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH
-
Giảm Lãi Suất Tiền Gửi Về 0%: Một Tưởng Tượng đầy Nguy Hiểm
-
Lãi Suất Gửi Tiết Kiệm Về 0% - Tại Sao Có đề Xuất Như Vậy? - Timo
-
Khó Khả Thi đề Xuất Hạ Lãi Suất Tiền Gửi VND Về 0%