Tranh Chấp Về Kê Biên Tài Sản Là Quyền Sử Dụng đất

Tranh chấp về kê biên tài sản là quyền sử dụng đất Bài viết tư vấn về trường hợp muốn yêu cầu kê biên tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Nội dung cụ thể như sau:

E có vay ngân hàng 200000000 đồng cho một đứa em dòng họ để mua đất và thời hạn là 4 năm và Tiền đáo hạn và lãi ngân hàng hàng tháng là bên em họ em đóng và bây giờ Tiền lãi ngân hàng đã 3 tháng rồi không đóng và năm 2019 này là hết hạn trả nợ mà bây giờ em lên kêu đóng tiền lãi thì nó nói là không có Tiền trả chứ không phải là không trả mà bây giờ vợ chồng nó đã li dị mà chồng nó đã ra đi và nó ở lại trả nợ mà giờ nó không có khả năng chi trả . cho em hỏi khi hết hạn trả nợ em có thể khởi kiện để đòi Tiền không ạ (mà bây giờ kêu nó bán đất trả nợ thì nó nói đất nó bán 1000000000 không ai mua hết). Cho em hỏi khi khởi kiện toà có thể giải quyết bằng cách kêu nó bán đất với giá cả hợp lý để trả nợ cho em không?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn có đứng ra vay ngân hàng 200 triệu với thời hạn 4 năm cho em họ để người này mua đất. Tuy nhiên bạn chưa nói rõ lúc bạn đứng ra vay tiền ngân hàng cho người này và lúc giao tiền cho em họ bạn thì hai bên có ký kết với nhau bất cứ hợp đồng vay nào hay không? Hoặc lúc bạn đưa tiền cho vay có bất cứ người làm chứng, giấy tờ ghi nhận người này vay bạn 200 triệu đó không?

Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

...

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu các bên có thỏa thuận với nhau về thời gian phía bên em họ bạn có nghĩa vụ trả lại số tiền trên cho bạn thì khi đến hạn người này phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Ngược lại, quá thời hạn trên mà người ày không trả 2 tỷ cho bạn thì bạn hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về việc kê biên tài sản

Sau khi Tòa án có bản án ghi nhận rõ thời gian mà phía em họ bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả lại số tiền 2 tỷ trên cho bạn. Khi hết thời hạn ghi trong bản án của Tòa mà người này vẫn không thực hiện thì bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành giúp bạn.

Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.

Do đó, nếu hết thời hạn 10 ngày trên mà em họ bạn không tự nguyện thi hành án theo quyết định thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án.

Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Như vậy, theo quy định trên thì cơ quan thi hành án có thể tiến hành kê biên mảnh đất trên của người em họ bạn theo điều 110 và 111 Luật Thi hành án dân sự 2013.

Điều 110. Quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án

1. Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó.

Điều 111. Kê biên quyền sử dụng đất

1. Khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự.

2. Khi kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đất của người phải thi hành án có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất.

3. Việc kê biên quyền sử dụng đất phải lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, có chữ ký của những người tham gia kê biên.

Như vậy, thì bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên mảnh đất trên rồi bán đấu giá để lấy tiền trả cho bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng. CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Từ khóa » Kê Biên Tài Sản đang Tranh Chấp Là Gì