Tranh Thêu Chữ Thập: Hại đơn, Hại Kép!

Dù được cảnh báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe nhưng tranh thêu chữ thập vẫn hấp dẫn nhiều chị em bởi giá thành rẻ, nhiều lựa chọn, cho ra thành phẩm nhanh và khá đẹp.

Tranh thêu chữ thập xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc vẫn hấp dẫn nhiều chị em, trong khi những bức tranh thêu truyền thống của người Việt lại khá kén người mua.  Trong ảnh: Bức tranh sen trên nền vải đen (góc trái) - bức tranh thêu truyền thống của người Việt - được đặt khiêm tốn.
Tranh thêu chữ thập xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc vẫn hấp dẫn nhiều chị em, trong khi những bức tranh thêu truyền thống của người Việt lại khá kén người mua. Trong ảnh: Bức tranh sen trên nền vải đen (góc trái) - bức tranh thêu truyền thống của người Việt - được đặt khiêm tốn.

Mặt hàng tranh thêu chữ thập hiện được bán tràn lan tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Đà Nẵng. Thời gian gần đây, với sự bùng nổ của loại hình mua bán online, tranh thêu chữ thập còn được mang đến tận nhà của những “tín đồ” sau những thao tác kích chuột đơn giản.

Biết hại sức khỏe nhưng vẫn... thêu!

Chị Hà Cẩm Vân (trú đường Núi Thành, quận Hải Châu) cho biết, chị mê tranh thêu chữ thập gần 3 năm nay. Dù loại tranh thêu này hiện được rao bán nhiều trên mạng, được giao tận nhà nhưng chị Vân vẫn thích đến cửa hàng tự tay chọn những mẫu mã, từng màu chỉ mà chị yêu thích. Mỗi năm, cứ vào dịp Tết, chị Vân thường dành thời gian thêu những bức tranh chữ thập mới để trang trí nhà cửa.

“Tranh với nhiều chủ đề về thiên nhiên, non nước hữu tình, gia đình hòa thuận, tri ân công đức cha mẹ… cũng rất ý nghĩa khi làm quà tặng trong các dịp mừng nhà mới, tất niên…”, chị Vân nói. Thời gian gần đây, nghe mọi người truyền tai nhau rằng, tranh thêu chữ thập tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe từ phẩm màu, hóa chất chỉ thêu cũng như vải nền; ngồi thêu hàng giờ liền có thể dẫn đến những bệnh về mắt, cột sống… nhưng chị Vân nghĩ, cả năm thêu mấy bức chắc không sao. Hơn nữa, “nhiều người thêu như thế, nếu có hại thật thì họ đã bỏ hết rồi”, chị Vân suy luận.

Theo những người sành về thêu tranh chữ thập, tùy bức tranh lớn hay nhỏ, họa tiết trang trí, mật độ phối màu mà thời gian thêu một bức tranh chữ thập có thể mất từ vài giờ đến vài ngày. Điểm hấp dẫn của loại tranh này là bất kỳ ai cũng có thể thêu chỉ sau 5-10 phút xem hướng dẫn, bởi tranh thêu chữ thập là thêu trên loại vải aida có dập lỗ sẵn, lô thêu đã được lập trình thiết kế theo các mẫu cố định, màu chỉ cũng được đánh số, in màu sẵn lên vải.

Người thêu chỉ cần dò tìm chỉ màu theo bảng hướng dẫn, rồi đưa mũi kim theo hình chữ X. Sau khi thêu xong chỉ cần giặt sạch, phơi khô, đưa ra tiệm, đóng khung, phun nhũ màu, người không biết gì về nghề thêu cũng có thể sở hữu những thành phẩm khá “lung linh” là những bức tranh đủ nội dung, màu sắc.

Hiện tranh thêu chữ thập được bày bán tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng, có nơi loại tranh thêu này được bày bán thành cụm, thành dãy hàng. Qua tìm hiểu, cả bộ tranh thêu có giá từ 70.000 - 80.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng, tùy nhu cầu của người mua. Theo nhiều chủ các cửa hàng tranh, tranh chữ thập giá nào cũng có, phần lớn người mua còn được giảm %, tùy số lượng nhiều hay ít.

Gõ trên Google cụm từ “tranh thêu chữ thập”, chưa đầy 1 giây đã tìm được hơn 500.000 kết quả với những lời chào mời hấp dẫn như: tranh thêu chữ thập mới nhất, đẹp nhất, rẻ nhất, giảm giá bất ngờ, giảm đến 60%, giao hàng tận nơi, miễn phí... Điều này cho thấy, ngay trong “thế giới ảo”, thị trường tranh thêu chữ thập cũng khá nhộn nhịp.

Lấn lướt tranh thêu truyền thống

Bà N.T.K.Xuân, chủ tiệm tranh thêu tại 181 Nguyễn Chí Thanh cho biết, bà kinh doanh tranh thêu chữ thập gần 5 năm nay. Trong khi chủ nhiều tiệm tranh nhập hàng qua các đầu mối trung gian, hàng của bà Xuân được nhập thẳng từ Trung Quốc nên giá thành rẻ.

Vì vậy, tranh chữ thập tại quầy của bà luôn có mức giá cạnh tranh nhất. Ngoài tranh thêu chữ thập, khoảng một năm nay, nhiều người bắt đầu chuyển sang mua tranh đá. Tranh đá về cơ bản không khác quá nhiều so với tranh thêu chữ thập, thay vì dùng chỉ thêu để tạo màu sắc, hình khối, tranh đá được tạo thành từ những hạt đá li ti, đủ màu. Loại tranh mới cũng được bà Xuân nhập từ Trung Quốc.

Tham quan quầy hàng của bà Xuân, chú ý lắm chúng tôi mới nhìn thấy một bức tranh thêu Việt với họa tiết sen hồng trên nền vải đen thẫm, được đặt chìm khuất trong hàng trăm bức tranh thêu chữ thập và tranh đá. Bà Xuân nói, bức sen này bà bày bán đã gần năm nay nhưng không có ai ngó ngàng đến, dù giá thành khá rẻ, không đắt hơn mấy so với các bức tranh thêu chữ thập đã hoàn chỉnh đang được bày bán. “Vì còn tồn 1 bức nên tôi hạ giá, bán rẻ, chứ thường thì tranh thêu Việt, đặc biệt là những bức thêu tay, có giá thành rất cao, nên kén người mua lắm”, bà Xuân cho biết.

Khác với thêu tranh chữ thập, tranh thêu tay đòi hỏi người thợ phải bỏ nhiều công sức và tâm huyết vào từng đường kim, mũi chỉ. Có những bức tranh thêu tay có khi phải mất mấy năm mới hoàn thành. Vì vậy, không phải ai cũng có thể theo nghề và không phải ai cũng có điều kiện để thưởng thức tranh, nhất là khi người ta có những lựa chọn dễ dàng hơn nhiều đối với các loại tranh kiểu “mì ăn liền” như tranh thêu chữ thập, tranh đá.

“Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn luôn tin rằng, tranh thêu truyền thống của người Việt luôn chứa đựng những giá trị văn hóa riêng, những giá trị không thể thay thế và không dễ bị chìm khuất, mai một. Tranh chữ thập, tranh đá… hay những loại tranh gì xuất hiện tiếp theo đi nữa cũng chỉ là sự hấp dẫn tạm thời, theo kiểu phong trào và chỉ hấp dẫn được một bộ phận người dân mà thôi”, bà Phạm Thị Thanh (53 tuổi), một người luôn tâm huyết với tranh thêu tay truyền thống nhìn nhận.

Theo Trung tâm thí nghiệm Dệt-may (Viện Dệt-may Việt Nam), hiện trên cả nước chưa có đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt chuẩn an toàn. Trong khi đó, chỉ thêu (nói chung) thuộc nhóm vật liệu dệt phải qua kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công thương vì có khả năng chứa phẩm màu azo (chất thuộc danh mục cấm) và formandehyt (chất có nguy cơ gây dị ứng, ung thư nếu tiếp xúc nhiều). Mẫu vải tranh chữ thập được làm cứng hơn so với vải bình thường, do được tẩm bằng hóa chất và chưa ai kiểm tra đó là loại hóa chất gì.

Theo các chuyên gia, thói quen cắn chỉ, mút chỉ khi thêu sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các chất có hại có trong chỉ thêu. Ngoài ra, người thêu tranh chữ thập còn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt khi thêu tranh nhiều giờ liền, đau cột sống vì ngồi nhiều một chỗ…

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Từ khóa » Tranh Thêu Chữ Thập Nghĩa Là Gì