Tránh Và Trốn Trạm Thu Phí - Tuổi Trẻ Online

 

Đồng bằng sông Cửu Long có một tỉnh gọi là tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Tiền Giang có huyện phía nam gọi là huyện Cai Lậy. Huyện Cai Lậy nằm trên quốc lộ, là một vùng lúa gạo tốt tươi, cây trái bát ngát. Đoạn quốc lộ qua đây tương đối rộng, nói theo bà con là “Vừa đủ xài”.

Vốn giàu tình yêu văn nghệ và thích... thi phú, đơn vị đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao vận và tỉnh thống nhất dựng lên một công trình hoành tráng gọi là trạm... thu phí. Thì thôi cũng được, xe nào đi qua đường tránh nên đóng phí để đơn vị đầu tư và địa phương lấy lại vốn, kiếm cục lời...

Thế nhưng, cái trạm thu phí ấy không làm ngay trên đường tránh mới mà lại làm ngay trên quốc lộ, điều mà hơn trăm năm nay, xe hơi chạy ngang qua chưa hề bị đóng đồng nào. Nay thì xe hơi nào chạy ngang qua đó cũng phải đóng phí dù không đi vào đường tránh.

Một ông lớn giải thích: Đã đầu tư trên 1.000 tỉ làm đường tránh, lại bỏ ra 300 tỉ đồng duy tu đoạn quốc lộ qua Cai Lậy nên việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ là hợp lý! Nói cách khác, cái đầu heo “đường tránh Cai Lậy” đã được mượn để “nấu cháo yến” thu tiền quốc lộ.

Kinh hoàng thay những cái đầu tư duy bậc nhất đã nghĩ ra cách moi tiền từ trong túi của những người lái xe. Mà hình như đại đa số anh em lái xe không giàu có lắm thì phải? Đa số anh em chở hàng hóa thuê, làm công ăn thù lao, kiếm tiền bữa sáng chạy gạo bữa chiều. Vậy cho nên họ đau! 

Một ngày hai chuyến từ Vĩnh Long, Sa Đéc, Đồng Tháp, Cần Thơ... lên Tiền Giang, họ vướng hai lần thu phí; mỗi lần ít nhất 35.000 đồng, nhiều nhất 180.000 đồng.

Của đau, lòng xót - anh em lái xe phía Nam học theo “bài bản” của anh em lái xe phía Bắc khi qua trạm Bến Thủy (Nghệ An). Họ cũng trả tiền thu phí đầy đủ vậy, có điều khác là trả toàn tiền lẻ mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng; lại thận trọng bỏ trong cái chai nhựa. Tội nghiệp, anh chị em ngồi thu phí thỉnh thoảng đếm tiền mệt nghỉ...

Chúng ta có thể tự hào vì trên đất nước mình có nhiều trạm thu phí đường bộ - một “đặc sản” để lấy tiền của dân mà hình như không nước nào có. Mạng lưới thu phí đường bộ đó chằng chịt và lộn xộn suốt dọc quốc lộ, cao tốc và đường xương cá đi về tỉnh, thành phố, thị xã, huyện.

Đồng tiền từ túi anh lái xe nghèo chui vào két nhà đầu tư  rồi được chia chác... Trước khi được đưa vào két sắt, nó đã được đổi thành tiền chẵn có mệnh giá cao, thơm lựng mùi mực in.

Chúng ta có quyền hãnh diện vì “nghệ thuật” trốn tránh trạm thu phí ở ta đã tới mức xuất thần nhập hóa.

Nhà đầu tư thì xin địa phương, xin ngành giao thông, ngành tài chính cho phép móc tiền thật nhanh từ túi lái xe để hoàn vốn, thu lời và chia chác.

Anh lái xe thì xót tiền, thi thoảng gian lận, tìm những con đường “sạn đạo” rồng rắn để bớt được đồng nào hay đồng đó. Sự nghiệp vì yêu “thi phú” mà lập trạm “thu phí” ra đời biến cả đôi bên thành những người gian lận đời.

Điều tuyệt vời nhất là ai cũng thực hiện hành vi gian lận đó, nhưng không ai muốn bỏ và không thể bỏ!

Tôi đi công tác về Kiên Giang. Anh lái xe hình như đang có chút việc lo âu về con cái sao đó, chị ở nhà cứ điện hỏi hoài. Tuy vậy ngang qua trạm thu phí Cai Lậy, anh nói: “Xin lỗi chú, con phải đi chui để đỡ tốn 35.000 đồng”. Tôi đành yên lặng gật đầu chứ biết sao bây giờ? Tôi đâu biết lái xe? Vả chăng, con đường... trốn khỏi đường tránh ấy cũng rất thơ mộng!

Từ khóa » đường Tránh Trạm Thu Phí