Trao đổi Kết Quả Nghiên Cứu Khoa Học Lĩnh Vực Khí Tượng Thủy Văn ...

Hội thảo nhằm chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và BĐKH, một số kết quả nghiên cứu nổi bật giai đoạn 2011– 2021 và định hướng trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH nhận định, BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp, làm thay đổi nhiều quy luật của tự nhiên, trầm trọng hơn là các biểu hiện cực đoan của thời tiết trên phạm vi toàn cầu, trong đó có nước ta. Việt Nam ngày càng ghi nhận thêm nhiều kỷ lục cực đoan mới của thời tiết như: Hạn hán gay gắt, kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại ở phía Bắc; bão mạnh đến siêu bão, mưa cường độ lớn ở nhiều nơi... Các biểu hiện thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của nhân dân. Nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Trong giai đoạn 2011-2021 vừa qua, lĩnh vực KTTV và BĐKH đã có nhiều chương trình KHCN, các nhiệm vụ, đề tài KHCN các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, cảnh báo, dự báo KTTV và BĐKH, tập trung ở 3 khía cạnh chủ yếu.

Thứ nhất, góp phần cung cấp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KTTV và BĐKH, cụ thể là góp phần xây dựng luật KTTV, Dự thảo Khung dịch vụ khí hậu tại Việt Nam, thuyết minh kèm theo và Hướng dẫn triển khai Khung Dịch vụ khí hậu trình Bộ phê duyệt là cơ sở cho các cơ quan quản lý thực hiện và giám sát theo đúng chuẩn Khí hậu Quốc tế; trình Chính phủ ban Chiến lược quốc gia về BĐKH, Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam, xây dựng Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia…

Thứ hai, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu KHCN; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khí tượng, thủy văn và BĐKH. Thứ ba, góp phần từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ KHCN trong dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Theo GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, vai trò của các nhà khoa học trái đất sẽ ngày càng được nâng cao. Các hoạt động KHCN lĩnh vực KTTV và BĐKH của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, sự phối hợp trong tác nghiệp, trong công tác đào tạo... còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu còn manh mún, ít tham gia nghiên cứu kế thừa các thành tựu KHCN về lĩnh vực KTTV và BĐKH của thế giới. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác trên; tiếp thu công nghệ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hạn chế rủi ro trong thực hiện quan trắc, giám sát bão...

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Tổng cục KTTV, Cục Biến đổi khí hậu, hai Trường Đại học TN&MT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã cùng chia sẻ những thành quả nghiên cứu KHCN nổi bật giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở này, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều cơ quan, đơn vị, các đài KTTV địa phương đã cùng tham gia góp ý và trao đổi thảo luận, nhìn nhận lại khó khăn, vướng mắc hiện nay. Trong đó, nhấn mạnh một số vấn đề như thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học; các đề tài về giải pháp, mô hình dự báo và cảnh báo thiên tai chưa được triển khai phổ biến, áp dụng rộng rãi; thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính…

Các đại biểu chung nhận định, định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực KTTV và BĐKH trong thời gian tới cần góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai KTTV, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ về dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV phục vụ công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030…

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Thủy, Viện Khoa học KTTV và BĐKH, trong những năm tới, Viện sẽ xây dựng chùm đề tài liên hoàn cấp quốc gia, cấp bộ; nghiên cứu nhu cầu của xã hội để đa dạng hoá sản phẩm dự báo, phát triển dịch vụ với tư nhân hoặc doanh nghiệp; tập trung củng cố nguồn nhân lực như: Thu hút nguồn nhân lực trẻ (thạc sĩ, tiến sĩ), tận dụng trợ giúp của các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài (hợp tác nghiên cứu và đào tạo), hợp tác quốc tế với các nước Nhật, Australia, Anh...

Chia sẻ về định hướng phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ của Tổng cục KTTV đến năm 2030 Tiến sĩ Đỗ Tiến Anh cho biết, Tổng cục sẽ bám sát Chỉ thị 10-CT/TW và Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là góp phần tăng cường quản lý nhà nước về KTTV; Nghiên cứu, phát triển hệ thống giám sát, quản lý và đánh giá hoạt động quan trắc KTTV hiện đại, theo hướng tự động; nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác; Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; triển khai các sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn truyền tải đa dạng trên nền tảng công nghệ số; Ứng dụng CN hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Đại diện Cục BĐKH, Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh nhận định, định hướng trong thời gian tới đối với lĩnh vực BĐKH cần tập trung vào những vấn đề ưu tiên về nghiên cứu bao trùm, mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, các nghiên cứu hướng đến đối tượng sử dụng, kết nối các hiểu biết khoa học về BĐKH và các phương án ứng phó, các nghiên cứu hỗ trợ một cách hiệu quả các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, cũng như cung cấp các dự báo chính xác hơn trong tương lai.

Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ nhằm chung tay với thế giới cắt giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí mê tan và chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch… Để đạt được mục tiêu này, ciệc nghiên cứu phát triển các công nghệ giảm phát thải phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng cần được xác định ưu tiên.

Từ khóa » Tổng Cục Thống Kê Biến đổi Khí Hậu