Trao đổi Về Pha Mầu Vẽ - Nguyễn Đình Đăng

Sau khi bài “Màu trắng của sơn dầu” của tôi xuất hiện tại SOI, một cuộc trao đổi thú vị đã diễn ra và được tách riêng thành bài “Pha màu: trao đổi giữa Quỳnh Mây và Nguyễn Đình Đăng“. Tôi đăng lại các comments liên quan tới đề tài này dưới đây để độc giả tiện theo dõi. Hình minh hoạ do tôi thêm vào.

add-subtract-color

QUỲNH MÂY

Nhân đọc bài “Màu trắng của sơn dầu” cùng với xem cái ảnh “luật hòa sắc” (cộng màu, trừ màu) của  tác giả Nguyễn Đình Đăng, tôi mạn phép viết mở rộng thêm một chút về một vấn đề rất vớ vẩn đối với các họa sĩ nhưng lại không nhỏ đối với những bạn bắt đầu học pha màu: “Các màu cơ bản là những màu nào? Từ những màu này pha được tất cả các màu khác phải không?” (không tính các loại màu sử dụng hóa chất đặc biệt không thể pha được như màu phát quang, nhũ,.v.v.).

Đọc đến đây, các bạn có thể đang cười tôi vì quả thật pha màu là bản năng quá thông thường của người họa sĩ, thông thường đến nỗi như hít thở hàng ngày. Cũng như các bạn, tôi 3 tuổi vẽ tranh, cần màu nào thì cứ pha ra thôi, cảm giác như chẳng bao giờ phải động não cả.

Bây giờ ở khắp nơi bán nhan nhản các bản in dạy về màu cơ bản, về phối màu. Phải chăng vấn đề của tôi lại càng thừa thãi. Không hẳn thế.

Tôi khi dạy các cháu bé pha màu đã phải phân tích thêm về ánh sáng và hóa chất. Các bản in dạy về màu cơ bản là đỏ cờ, vàng và lam. Nếu dùng 3 màu này và đen trắng, không thể pha ra được tất cả các màu sắc khác. Ví dụ đỏ cờ pha lam sẽ ra nâu hoặc tím xỉn chứ không thể pha ra được màu tím tinh khiết vì trong đỏ cờ có vàng.

Vậy là cầm trên tay những bản in về màu cơ bản và cách phối màu do học sinh mua mang đến, tôi đã phải làm 1 đường vòng sơ qua các loại kiến thức vật lí. Với các bé lớn thì ok, với các bé 5, 6 tuổi thì tôi đành chỉ đưa cho các bé 3 màu đỏ điều (hồng đậm – magenta), vàng, lam cùng 2 màu đen, trắng và dạy cách pha thôi. Cuối cùng các học trò của tôi đều có thể pha được tất cả các màu mà tôi thách đố từ 5 màu tôi đưa. Chỉ có điều khác với bản in là: trên dải màu pha giữa vàng và “đỏ” của tôi có: vàng, vàng thư, vàng nghệ, cam tươi, cam, cam đậm, đỏ cờ, đỏ điều (đỏ cờ là do đỏ điều pha thêm vàng). Các bé cũng đã pha được màu tím trong trẻo trong dải màu do màu đỏ điều kết hợp với màu lam. Cuối cùng học trò của tôi bỏ bản in dạy cách pha màu đi và tự tin pha các màu mà các bé muốn bằng những màu tôi đưa.

Tuy nhiên tôi chỉ là một họa sĩ, chứ không phải một chuyên gia hay một nhà khoa học nên tôi cảm mừng khi có những bài phân tích kĩ lưỡng như các bài viết của tác giả Nguyễn Đình Đăng. Rất rõ ràng, khúc triết và hữu ích cho nhiều người trong giới và ngoài giới. Rất cảm ơn anh.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

@ Quỳnh Mây, Quy luật cộng màu:

Ba màu sơ cấp (hay cơ bản) trong ánh sáng là đỏ (red, R), lục (green, G), và lam (blue, B) (3 hình tròn bên trái – Cộng màu – trong hình minh họa Luật hòa sắc của bài chủ).

Ánh sáng đỏ hòa với ánh sáng lục cho ánh sáng vàng (yellow, Y).

Ánh sáng lục hòa với ánh sáng lam cho ánh sáng màu da trời (cyan, C).

Ánh sáng lam hòa với đỏ cho ánh sáng tím hồng (magenta, M).

Tím hồng là màu khá gần với màu tím (violet). Tím hồng (magenta) là màu không có trong phổ ánh sáng tự nhiên.

Các màu tím hồng (M), vàng (Y), và da trời (C) được gọi lả các màu thứ cấp (secondary) của ánh sáng, vì chúng được tạo bởi hòa hai chùm ánh sáng màu sơ cấp (primary). Nếu hòa cả 3 chùm ánh sáng sơ cấp R, G, B với nhau ta được ánh sáng trắng. Đó là quy luật cộng màu.

Quy luật trừ màu:

Trong màu hóa chất như mực in, phẩm nhuộm, sơn thì ngược lại: Ba màu sơ cấp là tím hồng (magenta, M), da trời (cyan, C), và vàng (yellow, Y) (3 hình tròn bên phải – Trừ màu – trong hình minh họa Luật hòa sắc của bài chủ).

Tím hồng (M) hòa da trời (C) cho lam (blue, B),

C hòa với Y cho lục (green, G),

Y hòa với M cho đỏ (red, R).

Như vậy, trong màu hóa chất thì đỏ, lục, và lam lại là 3 màu thứ cấp. Hòa 3 màu sơ cấp hóa chất M, C, Y với nhau vể mặt nguyên tắc ta được màu đen. Nhưng vì các màu hóa chất không tuyệt đối tinh khiết, nên vẫn cần có màu đen riêng. Vì thế, trong in ấn, chỉ cần 4 mầu CMYK, trong đó K = key, tức màu đen, là in ra được tất cả các màu, trừ màu trắng (là màu của giấy).

Tại sao màu hóa chất lại tuân theo quy luật trừ màu? Đó là bởi vì vật chất bản thân nó không có màu sắc (trừ những vật tự phát sáng) mà chỉ tán xạ và hấp thụ các bước sóng ánh sáng đơn sắc trong ánh sáng chiếu vào nó. Một vật có màu đỏ là vì khi ánh sáng trắng chiếu vào nó, nó hấp thụ các ánh sáng lục và lam, chỉ phản chiếu ánh sáng đỏ vào mắt ta. Một vật có màu đen khi hấp thụ tất cả ánh sáng chiếu vào nó. Một vật có màu trắng vì nó phản xạ tất cả các bước sóng ánh sáng.

Các họa sĩ Tân Ấn tượng là Georges Seurat (1859-1891) và Paul Signac (1863 – 1935) đã chủ trương áp dụng quy luật cộng màu của ánh sáng vào hội họa. Thay vì trừ màu như khi pha màu trên palette, họ đã vẽ theo kiểu chấm chấm (pointilism) và lý luận rằng khi đặt một chấm đỏ cạnh chấm lục chẳng hạn, thì hai chùm ánh sáng đỏ và lục phản chiếu tới mắt ta sẽ hòa với nhau theo quy luật cộng màu và ta sẽ nhìn thấy màu vàng. Tuy nhiên, trên thực tế để đạt hiệu quả, các chấm phải rất nhỏ, và cường độ phải rất mạnh (Đó chính là nguyên tắc nhờ đó ta nhìn thấy màu trên màn hình TV màu dùng ống hình điện tử sau này). Trong khi đó các chấm của các họa sĩ Tân Ấn tượng thì có khi to như ngón tay, nên hiệu quả không được như đã tưởng tượng.

A_Sunday_on_La_Grande_Jatte,_Georges_Seurat,_1884

Georges Seurat (1859 – 1991)Chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jattesơn dầu, 207.5 x 308.1 cm, 1884 – 1886, Art Institute of Chicago

Trên thực tế các hạt màu trong màu vẽ không phải là các màu sơ cấp lý tưởng. Vì thế bảng pha màu (hay vòng màu sắc) chỉ có tác dụng định hướng. Họa sĩ chỉ thực sự hiểu màu pha trộn với nhau như thế nào dựa trên kinh nghiệm của mình.

Bảng pha màu của họa sĩ

color-wheel-main2

Bảng pha màu (hay vòng màu sắc) của họa sĩ cũng tuân theo quy luật trừ màu nhưng hơi khác bảng pha màu của màu hóa học, phẩm nhuộm và sơn một chút.

Họa sĩ coi 3 màu đỏ (red, R), vàng (yellow, Y) và lam (blue, B) là 3 màu sơ cấp (cơ bản), còn pha trộn hai màu bất kỳ trong 3 màu sơ cấp đó thì được một màu thứ cấp. Như vậy 3 màu thứ cấp là:

Đỏ + Vàng -> Da cam (Orange)

Vàng + Lam -> Lục (Green)

Lam + Đỏ -> Tím (Violet)

Thông thường vòng màu sắc được xếp theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ:

Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, tím, trong đó màu đỏ đối đầu (><) với màu lục, da cam >< lam, vàng >< tím. Những màu đối đầu nhau được gọi là các màu bù nhau (complementary). Trộn hai màu bù nhau theo ti lệ bằng nhau thì được màu đen hoặc gần đen (xám, nâu).

Trộn màu sơ cấp với màu thứ cấp cạnh nó thì được màu tam cấp (tertiary).

Đó là bảng pha màu thường được dạy cho các học sinh học vẽ.

Màu đẹp hay xấu trước hết phụ thuộc vào chất lượng màu vẽ. Muốn có các hoà sắc đẹp thì trước hết phải dùng màu chất lượng cao, cũng như muốn có tiếng đàn hay thì đàn phải tốt. Có giỏi đến mấy mà vớ phải họa phẩm tồi hay nhạc cụ dở thì cũng bó tay. Vì thế họa sĩ nên cố dùng những họa phẩm tốt nhất mà mình có thể mua được.

PHÓ ĐỨC TÙNG hỏi: “Lý do gì mà bảng màu của họa sỹ lại khác với nguyên lý trừ màu một chút nhỉ ?” (sic)

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Lý do lịch sử.

Le_Blon_three-color_printing

Trang trong cuốn Coloritto (1725) của J.C. Le Blond mô tả quá trình in ấn theo mô hình RYB.

Bảng màu của họa sĩ, được gọi là mô hình RYB (Red – Yellow – Blue) là bảng được thiết lập dựa trên kinh nghiệm của họa sĩ và được coi là nền tảng của lý thuyết hòa sắc từ thế kỷ XVIII, kể cả trong kỹ nghệ in ấn. Bảng màu RYB được Jacob Christoph Le Blon đề xuất vào năm 1725, khi cho rằng “hội họa có thể mô phỏng tất cả các vật nhìn thấy được bằng 3 màu đỏ, vàng và lam.” Mô hình RYB của Le Blon sau này được nhiều hoạ sĩ phát triển thêm, trong đó có Philippe Otto Runge (1777 – 1810) – người đã đề xuất quả cầu màu sắc (color sphere) thay vì bánh xe màu sắc (color wheel). Mô hình của Johannes Itten (1888 – 1967) sau này không khác mô hình của Runge mấy.

Farbkreis_Itten_1961

Mô hình pha mầu của Johannes Itten

Còn bảng màu CMYK (Cyan – Magenta – Yellow – Black), ra đời vào thế kỷ XX dựa trên lý thuyết trừ màu đã nói trong bài chủ. Nó được áp dụng trong in offset màu halftone.

RYB hay CMYK, bảng pha màu nào tốt hơn?

Sự pha trộn màu của họa sĩ cho phổ màu rộng hơn phổ màu của mô hình CMYK nhiều. Trên thực tế, khi vẽ sơn dầu, họa sĩ không chỉ dùng 3 màu sơ cấp RYB để pha ra các màu thứ cấp và tam cấp, mà pha trộn từ những màu có sẵn đã được nghiền từ các pigment được tổng hợp hay lấy từ tự nhiên như da cam, lục, tím và hàng loạt màu tam cấp với các chuyển sắc của chúng. Số màu sơn dầu được sản xuất bán cho các hoạ sĩ có trên 100 sắc. Chỉ cần trộn tất cả các cặp 2 màu trong số 100 màu đó là đã được 4950 sắc. Trộn tất cả các cặp 3 màu trong số 100 màu đó ta được 161.700 sắc. Đấy là chưa kể các sắc đậm nhạt do tỉ lệ các màu khác nhau và thêm màu sáng (như trắng) hoặc màu tối (như đen) gây ra. Các tổ hợp của 4 màu (CMYK) trong công nghệ in ấn không thể nào mô phỏng lại chính xác được phổ màu của hoạ sĩ.

Tuy nhiên mô hình CMYK cho phép việc tách màu trong công nghệ in ấn trở nên đơn giản, có thể làm được nhanh nhiều và rẻ. Trong quá trình tách màu khi in ấn người ta thay những sắc không có trong bảng pha màu CMYK bằng những sắc gần giống như vậy. Vì thế mà các phiên bản tranh không tài nào tạo được màu giống với tranh gốc.

Nhưng phổ màu mà mắt người có thể nhìn thấy còn rộng hơn phổ màu của hoạ sĩ cũng như phổ được tạo bởi bảng CMYK nhiều. Công nghệ ngày nay còn chưa cho phép sản xuất ra bất cứ thiết bị như màn hình, hay in quá trình ấn nào cho phép mô phỏng tất cả các màu mà mắt người cảm nhận được. Tương tự như vậy không có một nhạc cụ hay thiết bị điện tử nào có thể mô phỏng được tất cả các âm thanh tai người có thể cảm nhận.

QUỲNH MÂY

Cảm ơn anh Nguyễn Đình Đăng đã phân tích rất kĩ lưỡng và tận tình. Tôi cũng có giới thiệu với các họa sĩ tương lai về một số màu có sẵn mà chúng ta không thể tự pha được từ những màu cơ bản vì chúng được sản xuất từ những chất đặc biệt và một số vấn đề pha màu không theo lí thuyết do phản ứng hóa học của hóa chất.

Tôi cũng thường đố các em “Hai màu pha với nhau ra được bao nhiêu màu?”. Câu trả lời ban đầu của các em thường là : “Được 1 màu”. Sau khi làm dải sắc độ, các em mới hiểu rằng tùy tỉ lệ màu trộn vào nhau mà các em có được các màu khác nhau. Ví dụ pha đỏ với lam ra xanh tím, tím xanh, tím, tím đỏ,… hay pha màu vàng với lam ra lá mạ, nõn chuối, lá cây, xanh cổ vịt,…

Tôi xin đề nghị chúng ta tạm bàn riêng về màu hóa chất vì đa số các họa sĩ đang dùng màu hóa chất. Các bạn thử pha các nhóm màu: Hồng đậm (magenta) + lam Hồng đậm + vàng + lam Đỏ cờ + lam Nhóm màu đầu tiên pha ra được những màu mà 2 nhóm màu bên dưới không pha được. Hai nhóm màu bên dưới sẽ pha ra màu xỉn hơn vì đỏ cờ chính là hồng đậm pha với vàng. Xét về mặt lí thuyết, màu gốc là màu không do 2 màu khác tạo nên. Đỏ cờ là do hồng đậm cùng vàng tạo thành, nên về mặt hóa học (không tính ánh sáng) đỏ cờ không thể được tính là màu gốc.

Ngoài ra tôi xin mạo muội góp ý thêm một chút xíu xiu về đoạn văn sau của anh : “Màu đẹp hay xấu trước hết phụ thuộc vào chất lượng màu vẽ. Muốn có các hoà sắc đẹp thì trước hết phải dùng màu chất lượng cao, cũng như muốn có tiếng đàn hay thì đàn phải tốt. Có giỏi đến mấy mà vớ phải họa phẩm tồi hay nhạc cụ dở thì cũng bó tay. Vì thế họa sĩ nên cố dùng những họa phẩm tốt nhất mà mình có thể mua được”.

Tôi nghĩ chất lượng màu vẽ cao giúp bảo toàn bức tranh lâu dài chứ không quyết định màu đẹp hay hòa sắc đẹp. Tôi có dạy học sinh là không có màu nào xấu. Màu đẹp hay không đẹp phụ thuộc vào việc các em phối màu với nhau như thế nào.

Thời sinh viên tôi từng dùng màu Trung Quốc để vẽ. Sau một vài năm, cái xuống màu, cái mốc rất đau lòng. Bao nhiêu công sức vẽ đổ xuống sông.

Tuy nhiên nhìn lại những ngày xa xưa, thời chưa có màu tốt như bây giờ, ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn còn lưu giữ được nhiều tranh đẹp, màu đẹp, hòa sắc đẹp. Âm nhạc cũng vậy, đôi khi không cần đàn xịn, có những nhạc sĩ chỉ cần phối hợp tiếng cưa thô lậu với những âm thanh thô sơ mà tạo được những bản nhạc hay.

Tôi nghĩ lúc viết đoạn này anh Đăng tập chung vào vấn đề chất lượng màu chứ không định nói rộng như tôi. Mong anh thông cảm vì tôi hơi đi quá sâu 🙂

Cảm ơn anh Đăng, anh Tùng và Soi.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

lapis l(1)

Đá lapis lazuli

@ Quỳnh Mây:

1) Màu ngày xưa không được mịn và tinh khiết như bây giờ vì hoạ sĩ nghiền bằng tay, và có thể có những tạp chất. Tuy thế không thể gọi chất lượng màu của họ thấp. Ví dụ màu ultramarine thời đó được làm từ đá lapiz lazuli rất đẹp và đắt tiền vì phải khai thác tận Afghanistan rồi đưa sang châu Âu. Ngày nay ultramarine được tổng hợp nhưng không thể nào sánh với lapiz lazuli được.

1367447232728

Biểu đồ phụ thuộc của hệ số phản xạ vào bước sóng ánh sáng trong màu ultramarine làm từ lapis lazuli (trái) và màu ultramarine tổng hợp (phải).

2) Các hãng hoạ phẩm ngày nay thường sản xuất hai hạng màu: hạng cho nghệ sĩ và hạng cho sinh viên. Ví dụ hãng Winsor & Newton có hạng Artsits’ Oil Colors được làm từ các pigments hảo hạng, dành cho hoạ sĩ chuyên nghiệp, có 120 màu, và Winton Oil Colors dành cho sinh viên, được làm từ các pigment rẻ tiền hơn, và chỉ có 47 màu. Màu cho sinh viên còn được độn thêm các chất trơ khác để giảm giá nhưng đồng thời cũng làm giảm luôn phẩm chất màu. Ví dụ như trắng titanium mà tôi đã nói trong bài chủ: Trong màu bán cho sinh viên, trắng titanium được pha với bột màu trơ như baryte, tuy giá rẻ, song chất lượng thấp vì thiếu cả độ rực rỡ lẫn độ phủ.[1]

student

So sánh màu cho sinh viên (trên) với màu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp (dưới).Cadmium thật chỉ có trong màu cho hoạ sĩ (dưới). Màu đỏ sinh viên là màu mô phỏng cadmium đỏ, thiếu cả độ đục lẫn độ nhuộm (trên).Lam cobalt mô phỏng (trên, giữa) có sắc vôi so với cobalt thật (dưới, giữa).Ngay cả với những chất màu rẻ, màu vàng cho hoạ sĩ (dưới, phải) cũng đậm đặc hơn màu sinh viên (trên, phải).

3) Màu sơ cấp là khái niệm do con người tự đặt ra, liên quan tới sự cảm nhận ánh sáng về mặt sinh lý học của con người. Con người cảm nhận màu sắc bằng ghi nhận các sóng ánh sáng qua 3 loại tế bào thụ quan (receptors) trên võng mạc, gọi là cone cells. Mỗi loại cone cell cảm nhận được một phần của giải phổ màu liên tục, gồm phần sóng dài (gọi là L cone, hay red cone), sóng trung (M cone hay green cone) và sóng ngắn (S cone hay blue cone). Nhưng 3 loại tế bào thụ quan đó không tương ứng với bất kỳ màu sơ cấp nào (đỏ, lục, hay lam).

Mô hình RYB (đỏ – vàng – lam) của hoạ sĩ và CMYK (da trời – tím hồng – vàng – đen) của mực in không tương đương. Màu đỏ sơ cấp của bảng RYB khác màu đỏ thứ cấp pha ra từ bảng CMYK vì cả hai mô hình này dựa trên các hạt màu hoá chất chứ không phải ánh sáng. Các hạt màu hoá chất không bao giờ tuyệt đối tinh khiết [2]. Bản thân màu đỏ là một khoảng rộng gồm các bước sóng ánh sáng từ 620 – 740 nm. Mô hình CMYK cũng không thể nào tạo được màu đỏ sơ cấp của mô hình RGB (đỏ-lục-lam) trong quy luật cộng màu ánh sáng.

4) Hội hoạ hiện thực không phải là sao chép (copy) tự nhiên, vì không thể nào copy được tự nhiên. Cố gắng pha cho giống màu lục của lá cây hay màu đỏ của quả cà chua là một cố gắng vô vọng như đã nói ở trên. Ảo giác (illusion) mới là cái mà hội hoạ hiện thực cần tạo ra.

5) Khi so sánh các pha màu đẹp bằng màu chất lượng cao với cái đẹp trong hội hoạ hay đem việc tiếng đàn của nhạc cụ tốt hay hơn tiếng của nhạc cụ tồi so với việc sáng tác ra nhạc với cưa và đục, Quỳnh Mây đã hiểu nhầm ý tôi.

Ý của tôi là cái đàn piano tốt, ví dụ Steinway grand thì dĩ nhiên có tiếng hay hơn cái đàn piano, ví dụ của Hàn Quốc rất nhiều lần, và cũng đắt hơn hàng trăm lần. Chính vì thế mà các nghệ sĩ biểu diễn ai cũng thích chơi Steinway vì ngoài tiếng hay nó còn cho phép nghệ sĩ thể hiện hết những cái mình muốn. Một nhạc cụ tồi sẽ kìm hãm khả năng thể hiện của nghệ sĩ (gõ mà tiếng như tịt mũi thì thôi rồi!).

Dĩ nhiên một họa sĩ giỏi có thể vẽ bằng bút chì HB Hồng Hà trên giấy báo mà bức họa có thể vẫn đẹp, nhưng nếu họa sĩ ấy được vẽ bằng bút chì 6B Conté trên giấy vẽ Ingres thì chắc chắn bức ký họa sẽ đẹp hơn. Đó là chân lý vô cùng giản dị.

Nhiều năm về trước, có lần tôi đi dự khai mạc một triển lãm tại BTMT Hà Nội. Trong số tranh ra mắt có bức vẽ mấy cái thuyền trên bãi cát của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bác Phái vừa ngắm tranh của chính mình vừa than thở với tôi: “Mấy tube màu chất lượng kém quá.” Ý của bác Phái là nếu bác có màu chất lượng tốt hơn thì bức tranh đó đã đẹp hơn rồi.

QUỲNH MÂY

Rất cảm ơn anh Đăng. Được đối thoại với anh là một điều thú vị.

Tôi rất đồng ý và thích đoạn viết này của anh: “Hội hoạ hiện thực không phải là sao chép (copy) tự nhiên, vì không thể nào copy được tự nhiên. Cố gắng pha cho giống màu lục của lá cây hay màu đỏ của quả cà chua là một cố gắng vô vọng như đã nói ở trên. Ảo giác (illusion) mới là cái mà hội hoạ hiện thực cần tạo ra.”

Nhưng quan điểm của tôi về một nghệ sĩ giỏi và thông minh là một nghệ sĩ: Nếu chỉ có “bút chì HB Hồng Hà và giấy báo” mà không có “bút chì 6B Conté và giấy vẽ Ingres”, anh ta sẽ tìm ra một phương pháp mới, một style mới vừa hay vừa sáng tạo bằng “bút chì HB Hồng Hà và giấy báo” mà “bút chì 6B Conté và giấy vẽ Ingres” không thể thể hiện tốt như vậy được. Chẳng hạn như vò, xé, bồi giấy báo sẽ có thể dễ dàng hơn với giấy vẽ Ingres 🙂

Đùa anh một chút cho vui thôi.

Cảm ơn anh và chúc anh có thêm nhiều bài viết mới.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Chào chị Quỳnh Mây, Theo tôi, một nghệ sĩ giỏi và thông minh là một nghệ sĩ vẽ được cái mình muốn.

LÊ PHƯƠNG

Một nghệ sĩ giỏi và thông minh là một nghệ sĩ là một nghệ sĩ có khả năng thiên bẩm về kinh doanh hơn là nghệ sĩ có tài năng, đùa với chị Mây và anh Đăng chút, tôi cho rằng tài năng nghe vẫn ổn hơn giỏi và thông minh thấy sao sao.

PHÓ ĐỨC TÙNG

Theo tôi, vẽ được cái mình muốn là giỏi, thông minh, nhưng chưa chắc phải là cốt lõi của nghệ sỹ, mà là kỹ năng của nghệ nhân. điều cốt lõi hơn là phải “muốn” một cách rõ ràng, và muốn cái được cho là hấp dẫn. Vấn đề của đa số người không phải là không vẽ được cái họ muốn, mà vì chẳng biết mình thực sự muốn gì, hoặc cái họ muốn đó bị thiên hạ cho rằng tầm thường, chẳng đáng quan tâm.

Ngoài ra, còn có loại nghệ sỹ thượng thặng không muốn gì, không thể hiện một ý tưởng cụ thể nào trong đầu, cứ để quá trình tự tiếp diễn như cái cây tự mọc mà lại vẫn ra được thứ xuất chúng. họ đơn giản hít vào những không khí thời đại và thở ra tác phẩm nghệ thuật đương đại, chẳng cần biết muốn gì.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Hi các bạn,

Nghệ sĩ có nhiều hạng. Vì Quỳnh Mây nói đến nghệ sĩ giỏi và thông minh nên tôi phát biểu quan điểm của tôi về nghệ sĩ giỏi và thông minh. Nhưng nghệ sĩ giỏi và thông minh mới chỉ là hạng thấp nhất.

Theo tôi, thể hiện (vẽ) được cái mình muốn là yêu cầu tối thiểu của một nghệ sĩ. Nếu họa sĩ mà còn chưa vẽ được cái chân hay cái tay người cho ra hồn thì đối với tôi đó chưa phải là hoạ sĩ vì chưa thành thục kỹ năng trên phương diện nghề nghiệp. Điều đó cũng tương tự như một pianist mà chạy scale còn chưa sạch thì không đáng gọi là nghệ sĩ piano.

Lê Phương nói đúng, điều đầu tiên cần cho một nghệ sĩ là tài năng trời sinh. Không có cái tài năng trời sinh đó thì có học mấy vẽ hay biểu diễn mấy thì giỏi lắm cũng chỉ là anh thợ vẽ hay thợ đàn mà thôi. Ở đây lượng không biến thành chất. Còn khi như có thần nhập vào người thì đó là thiên tài. Tôi có viết về đề tài này trong bài “Tài năng và thiên tài“.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, khi được hỏi: “Thưa ngài, ai là hoạ sĩ còn sống vĩ đại nhất thế giới?“, Salvador Dalí đã trả lời: “Hiện nay là Dalí.” Nhưng ông đã giải thích ngay vì sao ông nói thế: “Nhưng nếu Dalí đem tranh của tôi, tức của Dalí, ra so với các kiệt tác lớn thời Phục Hưng, hoặc của Velasquez, và Raphael hay của Vermeer, thì lúc đó Dalí tuyệt đối không là cái đinh gì cả! Dalí chỉ giỏi vì các hoạ sĩ khác quá kém!” Ông còn nói rõ lý do vì sao ông coi các hoạ sĩ khác là quá kém: “Tôi là người duy nhất vẽ được cái mình muốn.”

QUỲNH MÂY

Cảm ơn anh Đăng, anh Tùng và bạn Phương,

Có lẽ do mải nghĩ nhại lại mấy từ bút HB Hồng Hà với bút 6B Conté để trêu anh Đăng nên em viết không rõ ràng. Ý của em chính là nếu họa sĩ là người thật sự tài năng thì với bất cứ cái gì sẵn có xung quanh, anh ta có thể tạo nên những tác phẩm thành công và độc đáo đấy ạ 🙂

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

“Ý của em chính là nếu họa sĩ là người thật sự tài năng thì với bất cứ cái gì sẵn có xung quanh, anh ta có thể tạo nên những tác phẩm thành công và độc đáo đấy ạ 🙂 ” (Quỳnh Mây)

Hay!

Trong “Sổ tay về nguyên vật liệu và kỹ thuật của hoạ sĩ” (The Artist’s Handbook of Materials and Techniques), Ralph Mayer viết:

Không có bằng chứng cho thấy các nghệ sĩ trong quá khứ sống sung túc hơn các hoạ sĩ ngày nay, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy họ không bao giờ cố gắng gây hiệu quả kinh tế với giá của hy sinh chất lượng. Việc sử dụng các vật liệu hạng hai và phương pháp tồi tệ trong sáng tạo hội họa là một hiện tượng xuất hiện từ giữa thế kỷ XX.

Bây giờ thì Ralph Mayer đã có câu lý giải cho hiện tượng này rồi: Có lẽ vì đa số hoạ sĩ từ giữa thế kỷ XX có cùng quan điểm với Quỳnh Mây.

QUỲNH MÂY

Ui, anh Đăng sao lại hiểu “bất cứ cái gì sẵn có xung quanh” thành “các vật liệu hạng hai và phương pháp tồi tệ trong sáng tạo” nhỉ?

Ví dụ: Một nghệ sĩ nghèo, lớn lên ở xứ dừa, chẳng thể chờ cả đời đến khi đủ giàu để mua họa phẩm bên Nhật. Anh ta tài năng thì anh ta có thể tìm cách dùng dừa (chẳng hạn) để sáng tạo. Tác phẩm của anh ta không thể tính là vật liệu hạng hai nếu anh ta tìm cách làm cho nó bền vững. Và nếu anh ta thích vẽ màu nước trên giấy thay vì vẽ sơn dầu trên toan hoặc anh ta không có tiền mua sơn dầu và toan – Tranh vẽ trên giấy dễ rách hỏng hơn tranh vẽ trên toan thì tranh giấy là vật liệu hạng 2 sao?

Còn “phương pháp tồi tệ” hay không là tùy từng góc nhìn và từng thời đại 🙂

Ví dụ: Monet vẽ bức “Ấn tượng mặt trời mọc” năm 1872. Ngày nay bức tranh này treo tại bảo tàng Marmottan, Paris. Năm 1874, bức tranh này được giới thiệu với công chúng tại cuộc triển lãm ấn tượng đầu tiên. Cuộc triển lãm không thành công mà gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhà phê bình. Louis Leroy của báo Charivari đã mỉa mai và dùng tên bức tranh của Monet để chỉ phong cách cuộc triển lãm: Ấn tượng.

Claude_Monet,_Impression,_soleil_levant,_1872

Claude Monet (1840 – 1926)Ấn tượng – Mặt trời mọc (1872)sơn dầu, 48 x 63 cm, Musée Marmottan Monet

PS: Đợt này tôi sẽ không vào Soi thường xuyên được vì đang bận làm sách và chuẩn bị triển lãm cho các bé họa sĩ tương lai. Mong sau này còn được đọc những bài viết hay và hữu ích của anh Đăng cũng như còn được đối thoại với anh. Khi nào có sách và gần đến triển lãm tôi sẽ gửi thông tin đến Soi, mong mọi người ủng hộ cho các em bé. Cảm ơn anh Đăng về thông tin sơn dầu của Nhật nhé. Em cũng muốn biết.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

@ Quỳnh Mây:

1) Nội dung tôi bàn tới là màu sắc và kỹ thuật hội hoạ sơn dầu chứ không phải thế nào là hoạ sĩ tài năng.

Điều tôi muốn nói là hoạ sĩ nên cố dùng hoạ phẩm tốt nhất (mà mình có thể mua được) để sáng tác, vì màu chất lượng thấp thì không cho các hoà sắc đẹp. Tôi đã chứng minh bằng ví dụ về màu trắng titanium sơn dầu dùng cho hoạ sĩ và dùng cho sinh viên khác nhau về phẩm chất như thế nào. Còn nhiều ví dụ tương tự như vậy.

Cũng vậy, nếu dùng màu nước vẽ trên giấy, thì hoạ sĩ cũng vẫn nên dùng màu nước chất lượng tốt trên giấy vẽ màu nước chất lượng tốt, hơn là dùng màu tồi trên giấy tồi, vì sẽ xấu.

Nếu có một nghệ sĩ làm tác phẩm từ sọ dừa thì chắc chắn anh/chị ta cũng sẽ lựa chọn sọ dừa nào tốt nhất trong khả năng của mình để làm tác phẩm, chứ không bạ cái sọ dừa nào có xung quanh cũng dùng, hay lý luận là sọ dừa nào cũng đẹp.

2) Thế nào là một hoạ sĩ tài năng là đề tài hoàn toàn khác và không phải nội dung bàn tới ở đây. Lạc đề là một trong những điều người tham gia đối thoại nên tránh để khỏi vô tình mắc phải cái gọi là “ngụy biện cá trích đỏ” (Red herring fallacy), hay là “đánh lạc hướng tranh luận“.

3) Khi so sánh cần so sánh các đại lượng tương đương. Ví dụ khi bàn về vẽ sơn dầu thì những điều như sơn dầu của Talens tốt và đẹp hơn sơn của Trung Quốc, vẽ sơn dầu lên canvas thì tốt và đẹp hơn vẽ lên giấy v.v. là những điều cần thảo luận. Nhưng không thể so sánh tranh sơn dầu với một sản phẩm nghệ thuật làm bằng sọ dừa hay lá dừa được, vì như vậy có khác gì so sánh meter vởi kilogram? Hoạ sĩ vẽ sơn dầu và nghệ sĩ làm tranh sọ dừa (nếu có), nói một cách lịch sự, là hai hạng không tương đương.

4) Ralph Mayer viết: Việc sử dụng các vật liệu hạng hai và phương pháp tồi tệ trong sáng tạo hội họa là một hiện tượng xuất hiện từ giữa thế kỷ XX.

Claude Monet (1840 – 1926) vẽ bức “Impression – Soleil levant” năm 1872, thuộc t.k. XIX. Chủ nghĩa Ấn tượng trong hội hoạ là trào lưu cuối t.k. XIX, chứ không phải “từ giữa t.k. XX”. Vì vậy các hoạ sĩ Ấn tượng Pháp không thuộc phạm vi nhận xét của Ralph Mayer. Nếu Quỳnh Mây muốn phản bác Ralph Mayer thì nên tìm phản ví dụ từ những hoạ sĩ từ giữa t.k. XX.

Quỳnh Mây có biết sơn dầu mà các hoạ sĩ ấn tượng Pháp cuối t.k. XIX, trong đó có Claude Monet, từng dùng là sơn dầu của hãng Lefranc & Bourgeois – một trong những hãng sản xuất sơn dầu nổi tiếng nhất thế giới?

Song, đối với một số nghệ sĩ, hội hoạ Ấn tượng cũng là khởi điểm của sự suy đồi trong nghệ thuật hội hoạ. Salvador Dalí từng nói: “Kể từ chủ nghĩa Ấn tượng tới nay, nghệ thuật hội hoạ đã suy tàn thật ấn tượng.”

GIANGGIANG

Hihi,

Tranh luận giữa Quỳnh Mây và anh Đăng là sự tranh luận giữa thực tế và lý thuyết, giữa phóng khoáng và cứng nhắc, mà anh Đăng thì đang dùng sự thông minh, dùng một đống lý thuyết, những trích dẫn và câu chữ để bẻ queo và che đậy sự thật.

1. Quỳnh Mây đã ghi rõ ràng là màu gốc là màu không phải do hai màu khác tạo nên.

Trong thực tế tôi cũng thấy rõ ràng đỏ cờ là do đỏ hồng (hồng đậm) pha với vàng. 3 màu đỏ hồng, vàng, lam cộng với đen và trắng trên thực tế pha ra được hết các màu khác (trừ màu trong tự nhiên hoặc màu do những hóa chất đặc biệt) Đố các bạn pha được màu hồng đậm từ đỏ cờ, lam, vàng đấy. Đỏ cờ pha trắng đi chăng nữa thì chỉ ra được hồng nhạt hơi ánh vàng, không thể pha được ra hồng đậm. Mọi màu mà hồng đậm pha ra, đỏ cờ không pha ra được, nhưng mọi màu đỏ cờ pha với màu khác ra, hồng đậm pha y như thế cộng thêm với vàng sẽ ra được màu giống hệt. Đó là thực tế. Cái màu RYB là lịch sử. Hiện tại nếu thực tế khác chút thì nên chỉnh sửa nó.

Tôi rất khoái comment của anh Phó Đức Tùng: “anh Đăng, lý do gì mà bảng màu của họa sỹ lại khác với nguyên lý trừ màu một chút nhỉ? phải chăng Itten chưa biết chính xác 3 màu cơ bản phải là M, Y, C? và bảng màu bây giờ dạy trẻ con chẳng qua do chưa ai đổi giáo trình của ông?”

Cái vụ tranh luận giữa “thực tế” với  “lịch sử và lí thuyết” này làm tôi nhớ đến vụ án Galileo: Giáo Hội La Mã bảo rằng, theo Thánh Kinh thì “Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt Trời là một hành tinh di chuyển xoay chung quanh Trái Đất.” Trái lại, nhà Thiên Văn Galileo dùng loại viễn vọng kính do chính ông khuyếch đại để quan sát trong không gian và tìm ra sự thực của khoa học là ”Mặt Trời là một định tinh của Thái Dương hệ và có nhiều hành tinh quay chung quanh Mặt Trời. Trái Đất là một trong những hành tinh quay chung Mặt Trời”. Đứng trước bạo lực của Giáo Hội La Mã, nhà khoa học Galileo vẫn phải cúi đầu chiều theo ý muốn của Giáo Hội mà bảo rằng ”mặt trời quay chung quanh trái đất”. Nếu không nói như vậy thì ông sẽ bị đưa lên giàn hỏa thiêu và bị thiêu sống như hai ông John Huss và Giordano Bruno trước ông không bao lâu.

2. Từ vấn đề bên trên, tôi nghĩ người dùng ngôn ngữ, trích dẫn ngụy biện là anh Đăng chứ không phải Mây. Cái Quỳnh Mây dùng là thực tế và những logic thực tế.

3. Theo như tôi đọc và hiểu: Mây nói về các chất liệu là vì anh Đăng suy diễn câu “bất cứ cái gì sẵn có xung quanh” thành “các vật liệu hạng hai và phương pháp tồi tệ trong sáng tạo”. Chính bởi cái kiểu bẻ quẹo này của anh mà tôi nghĩ anh là người cứng nhắc. Tôi hiểu ý của Mây là nghệ sĩ tài năng luôn có thể sáng tạo trong mọi điều kiện mà mình có.

4. Quỳnh Mây trích dẫn : Monet vẽ bức “Ấn tượng mặt trời mọc” năm 1872. Ngày nay bức tranh này treo tại bảo tàng Marmottan, Paris. Năm 1874, bức tranh này được giới thiệu với công chúng tại cuộc triển lãm ấn tượng đầu tiên. Cuộc triển lãm không thành công mà gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhà phê bình. Louis Leroy của báo Charivari đã mỉa mai và dùng tên bức tranh của Monet để chỉ phong cách cuộc triển lãm: Ấn tượng. Theo tôi hiểu Mây muốn nói rằng trong nghệ thuật, vào bất cứ thời nào cũng có quan điểm khác biệt. Thậm chí nghệ thuật được ngày nay công nhận như “Ấn tượng” thì vào thế kỉ XIX cũng bị chê bai nên Mây không quan tâm đến trích dẫn của anh về ông Ralph Mayer chê bai thế kỉ XX.

5. Nếu tôi là Mây, tôi sẽ không rỗi hơi đi tranh luận với người cứng nhắc như anh Đăng bởi sẽ không để làm gì mà chỉ mất thời gian quý báu của mình.

Thực tế luôn luôn mạnh hơn lí thuyết dù lí thuyết có lịch sử lâu dài đến đâu (lấy vụ Mặt Trời quanh quanh Trái Đất trong Kinh Thánh làm ví dụ). Sau comment này chắc tôi cũng không có và không giành thời gian đối thoại anh Đăng đâu vì tôi rất bận và tôi chưa bao giờ thích comment. Chẳng qua tôi thấy Quỳnh Mây hiền quá và vụ này làm tôi nhớ đến Galileo (dùng lý thuyết, trích dẫn,… đàn áp thực tế) 🙂

Hihi, làm anh hùng giúp nữ nhân 1 lần.

PHÓ ĐỨC TÙNG

Bạn gianggiang nói thế là hơi oan cho anh đăng rồi. Bất kỳ một hệ màu nào cũng đều có lý thuyết và thực tiễn. Cả hệ  CMYK hay hệ RYB đều có lý thyết và đều được áp dụng rộng rãi trên thực tế. Và việc hai hệ này cùng tồn tại song song tới ngày nay chắc chắn có lý do thực tế nào đó. Khi Johannes Itten viết lý thuyết màu sắc, chắc hẳn ông đã phải biết đến hệ màu CMYK. Trường Bauhaus của ông lại rất chú trọng công nghệ, trong đó có cả nhuộm, in. vì thế việc ông vẫn dạy hệ RYB hẳn phải có lý do. Tôi hỏi câu hỏi đó không phải hỏi kháy, mà thực sự muốn biết lý do của việc tồn tại song song hai hệ thống này tới ngày nay. Nhưng câu trả lời của anh đăng thực ra cũng chưa thỏa mãn lắm. Một mặt anh nói lý do lịch sử (không thuyết phục lắm, vì nếu là lịch sử thì nay người ta đã thay bằng cái mới đúng hơn, mặt khác anh lại nói là từ hệ RYB pha được nhiều màu hơn CMYK, tôi cũng không hiểu vì lý do gì. Và nếu quả thật như vậy thì tại sao công nghệ in, nhuộm lại không dùng RYB để có được nhiều tự do hơn.

Việc hệ CMYK ngày nay được sử dụng rộng rãi trên máy tính khiến tôi nghi ngờ nó là một thứ giữa cộng và trừ màu thế nào đó. vì một mặt những hình ảnh trên máy tính được nhìn thấy dưới dạng ánh sáng, tức là theo nguyên tắc cộng màu, nhưng khi in ra lại theo nguyên tắc trừ màu. vì vậy cần một hệ nào đó để có sai số ít nhất giữa sản phẩm thiết kế và sản phẩm vật chất. Tất nhiên đó là đoán mò, không biết anh Đăng có giải thích được rõ hơn không. Cám ơn anh.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

@gianggiang:

gianggiang chê tôi lý thuyết cứng nhắc cũng phải vì tôi là người làm vật lý lý thuyết mà. Nếu có ai vẽ sơn dầu bị nứt do vẽ lớp dưới nhiều dầu chưa khô hẳn đã vẽ lớp trên ít dầu đè lên để lớp trên khô trước kéo mặt sơn nứt thì đối với tôi đó là người dốt nát trong kỹ thuật sơn dầu, trừ phi người đó cố tình làm như vậy để tạo một hiệu quả chủ định nào đó. Tôi viết các bài về kỹ thuật sơn dầu và đăng tại đây không ngoài mục đích giúp các hoạ sĩ tránh những lỗi sơ đẳng đó.

Trong các cmt trước của tôi, tôi chỉ đơn giản giải thích rằng pha màu trong hội hoạ là dựa trên thực hành của hoạ sĩ và bảng pha màu RYB với 3 màu cơ bản là đỏ, vàng và lam do Le Blon đề xuất là bảng pha màu được rút ra từ kinh nghiệm thực tế cuả các hoạ sĩ. Bảng pha màu CMYK là bảng ra đời sau này dựa trên lý thuyết về luật trừ màu, theo đó các màu sơ cấp trong luật trừ màu (cyan, magenta, yellow) là các màu thứ cấp trong luật cộng màu của ánh sáng, còn các màu thứ cấp trong luật trừ màu (red, green, blue) là các màu sơ cấp trong luật cộng màu ánh sáng.

Vì vậy, nếu giangiang định chê người lý thuyết cứng nhắc thì gianggiang đã chọn nhầm đối tượng bởi người đáng bị chê ở đây không phải là tôi mà là Quỳnh Mây, người khẳng định chỉ có bảng CMYK mới chuẩn. gianggiang phải tìm khuyết điểm khác của tôi để chê thì mới đích đáng.

Cá nhân tôi không hề có ý kiến gì về việc có người thích chọn bảng CMYK hơn bảng RYB hay ngược lại. Trên thực tế vẽ sơn dầu theo kỹ thuật nhiều lớp, hoạ sĩ rất ít khi sử dụng một trong hai mô hình RYB hay CMYK nói trên. Leonardo Da Vinci coi 6 màu sau đây là màu cơ bản: trắng, vàng, lục, lam, đỏ và đen, trong đó, ngoài 3 màu cơ bản đỏ, vàng, và lam cùa bảng RYB ông còn thêm màu lục nữa, không kể màu trắng và đen. Điều này không ngăn cản ông vẽ nên Mona Lisa.

gianggiang có hiểu rằng màu hoá chất được làm từ pigments cho nên không có màu tinh khiết tuyệt đối, kể cả mực in? Vì thế càng pha trộn nhiều, màu càng bẩn. Do đó các hàng sản sản xuất đã làm phổ màu rất rộng. Trong phổ màu hoá chất được sản xuất ra từ các khoáng chất trong tự nhiên hoặc bằng tổng hợp đó không có màu nào là màu sơ cấp hay thứ cấp cả. Thực tế khi vẽ người ta dùng màu đỏ từ tube chứ không dùng đỏ pha từ magenta và yellow vì xỉn hơn. Sơ cấp hay thứ cấp bây giờ phụ thuộc vào việc hoạ sĩ theo bảng pha màu nào.

Nếu theo bảng RYB thì 3 màu sơ cấp là đỏ, vàng, và lam, 3 màu thứ cấp là da cam, lục, và tím, vì không có tài nào pha được màu đỏ từ màu da cam và màu tím, hay màu vàng từ màu da cam và màu lục, hay màu lam từ màu tím và màu lục cả.

Nếu theo CMYK thì 3 màu sơ cấp là da trời (cyan), hồng tím (magenta) và vàng (yellow) 3 màu sơ cấp là đỏ, lục và lam vì không tài nào pha được magenta từ đỏ và lam, da trời từ lam và lục, và vàng từ đỏ và lục cả.

gianggiang không tin cứ thử xem và thông báo kết quả trên SOI cho mọi người học tập.

Trên thực tế, bảng RYB là bảng pha màu các hoạ sĩ đã và đang dùng từ nhiều thế kỷ nay. Bảng CMYK là bảng dùng trong công nghệ in ấn từ t.k. XX thay cho bảng RYB trước đây. Bây giờ gianggiang hiểu đâu là lý thuyết đâu là thực tế rồi chứ?

Do đó cách dạy trẻ con để chúng pha màu dễ đẹp nhất đó là nhân đôi số màu cơ bản của bảng RYB lên, cụ thể là:

– 2 đỏ: đỏ hồng ngọc và đỏ cadmium – 2 vàng: vàng chanh và vàng cadmium trung – 2 lam: lam cobalt và ultramarine hay lam Hoggar – 1 trắng – 1 đen

Sử dụng 8 màu đó, muốn có màu trung gian đẹp thì trộn hai màu cơ bản gần với nó. Ví dụ muốn được màu lục rực rỡ thì pha vàng chanh với lam Hoggar. Màu trắng và màu đen để dùng gia giảm độ sáng tối.

redtest

Vỡ lòng về pha màu:Từ màu đỏ sơ cấp (primary red, thứ tư từ trái) có thể thêm vàng cadmium để được màu đỏ sắc vàng và màu da cam (phải) hoặc trắng để được màu hồng (thứ 2 và 3 từ trái), hay đen để được màu nâu đỏ tối (đầu tiên từ trái).

Khẳng định thực tế luôn mạnh hơn lý thuyết là một trong những khẳng định nực cười mà tôi từng được nghe. Leonardo Da Vinci từng nói: “Người chỉ thích thực hành không có lý thuyết cũng giống như thủy thủ trên một con tàu không bánh lái, không la bàn, không bao giờ biết mình sẽ bơi đi đâu.”

Ví dụ về Galileo Galilei mà giangiang trích dẫn để biện hộ cho khẳng định trên cũng sai nốt. giangiang có biết Galilei đi đến kết luận về trái đất quay là dựa trên lý thuyết về hệ quy chiếu rất nổi tiếng của ông không? Trong khi đó khẳng định trái đất là trung tâm vũ trụ của Nhà thờ không dựa trên một lý thuyết khoa học nào cả mà dựa vào Kinh Thánh: “Mặt đất được thiết lập chắc chắn và không thể chuyển dịch“. Lý thuyết của Galilei là nền tảng quan trọng trong của cơ học Newton và thuyết tương đối của Einstein sau này.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

“Khi Johannes Itten viết lý thuyết màu sắc, chắc hẳn ông đã phải biết đến hệ màu CMYK.” (Phó Đức Tùng)

Johannes Itten xuất bản cuốn “The Art of Color” năm 1922.

12 năm sau, năn 1934, Alexander Murray mới đề xuất mô hình CMYK và ứng dụng trong kỹ nghệ in. Trước đó magenta không được coi là màu sơ cấp (hay cơ bản) trong luật trừ màu.

Mô hình CMYK cũng có nhiều nhược điểm. Ví dụ nó không mô phỏng được nhiều màu rực rỡ như các màu da cam, tím, lam và lá mạ (yellow green). Cho nên ngày nay các hệ thống in chất lượng cao như Hexachrome dùng 6 màu sơ cấp, CMYKOG (cyan, magenta, yellow, black, orange, green), hay Heptatone dùng 7 màu sơ cấp, CMYKBGP (cyan, magenta, yellow, black, blue, green, purple), chứ không phải 4. Heptatone hiện nay được coi là mô hình in màu tân tiến nhất, gần với màu trên màn huỳnh quang CRT (Cathode Ray Tube). Người ta còn in với 9 màu sơ cấp. Dĩ nhiên càng nhiều màu sơ cấp thì quy trình in ấn càng phức tạp và giá thành càng cao lên.

CMYK cũng không phải là mô hình hòa sắc hiện đại duy nhất. Nó được dùng nhiều vì tiện lợi và rẻ tiền vì chỉ cần 4 màu, và tương ứng ngược với hệ thống cộng màu ánh sáng RGB (red – green- blue), nhờ đó digital printing ngày nay dễ kết hợp cả 2 mô hình CMYK và RGB trong việc tách màu, matching color trong in ấn. Nhưng nó không hoàn toàn chính xác như đã nói ở trên.

Hiện nay có nhiều mô hình hòa sắc hiện đại như CIE, CIELAB, CIECAM02, NSC, MSC, HSV, HSL v.v. mà tôi không nêu chi tiết ở đây vì sẽ quá dài và cũng không cần thiết.

Chừng ấy cũng đủ để các bạn thấy huyền thoại về các màu cơ bản (màu sơ cấp) “chuẩn” trong màu hóa chất đã tan thành mây khói.

Trong thực hành vẽ tranh của hoạ sĩ màu “cơ bản” là các màu được làm từ color pigments (tức chất màu hay hạt bột màu).

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Tham khảo màu sơn dầu của các hãng nổi tiếng 3 hãng sản xuất sơn dầu cho hoạ sĩ nổi tiếng nhất thế giới là Lefranc & Bourgeois (Pháp, từ 1720), Winsor & Newton (Anh, từ 1832), và Talens (Hà Lan, từ 1899).

Ở Nhật có hãng Holbein (từ 1946) cũng rất nổi tiếng vì làm màu xịn.

Phổ màu sơn dầu Extra-Fine Lefranc & Bourgeois sản xuất dành cho các hoạ sĩ chuyên nghiệp có 120 màu. Xem tại đây, trong đó không hề có magenta và cyan.

Phổ màu sơn dầu Rembrandt do Talens sản xuất dành cho các hoạ sĩ chuyên nghiệp có 120 màu. Xem tại đây, cũng không hề có magenta và cyan.

Phổ màu sơn dầu Artists’ Oil Colours của Winsor & Newton sản xuất dành cho các hoạ sĩ chuyên nghiệp có 120 màu. Xem tại đây, trong đó chỉ có 2 màu magenta nhưng không có màu cyan.

Hãng Holbein của Nhật sản xuất 169 màu, xem tại đây, trong đó chỉ có 1 màu magenta sáng (light magenta) tựa như hồng cánh sen, và cũng không có cyan.

Thực tại này nói lên điều gì? Nó cho thấy bảng hòa sắc theo đó các hãng nổi tiếng nói trên sản xuất màu bán cho hoạ sĩ là bảng RYB chứ không phải bảng CMYK.

PHÓ ĐỨC TÙNG

Anh Đăng

Đúng là Itten viết sách năm 22, nhưng ông sống tới năm 67, và sách của ông được tái bản tới ngày nay. Vì thế em mới nói là ông chắc chắn biết đến hệ màu CMYK. Việc các nhà sản xuất màu vẫn làm hệ RYB mà không làm CM chứng tỏ là người ta vẫn có thể dùng tốt hệ màu này. Em vẫn chưa rõ tại sao trong công nghệ in, nhuộm lại chuyển sang hệ CMYK mà không dùng RYB, trong khi quy luật pha màu của RYB cũng rõ ràng, có thể công nghệ hóa, và lại pha được nhiều loại màu hơn.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

“Đúng là Itten viết sách năm 22, nhưng ông sống tới năm 67, và sách của ông được tái bản tới ngày nay. Vì thế em mới nói là ông chắc chắn biết đến hệ màu CMYK.” (Phó Đức Tùng)

Tôi nhắc lại là khi Itten viết quyển sách về lý thuyết hòa sắc của mình vào năm 1922, ông không tài nào mà biết được hệ CMYK, vì hệ CMYK 12 năm sau mới ra đời.

Sau năm 1934, có thể Itten biết về hệ CMYK, nhưng lý thuyết màu của Itten dựa trên quan sát tự nhiên. Ông cho rằng con người cảm nhận màu sắc không chỉ bằng thị giác, mà còn bằng tâm lý, và cảm xúc. Vì thế hiển nhiên là ông dựa trên mô hìng RYB vì đỏ, vàng và lam là 3 trong 4 màu sơ cấp (đỏ, vàng, lam và lục) mà con người cảm nhận về mặt tâm lý. 

Theo lý thuyết đối lập màu sắc hiện đại (opponent color process), hệ thống thị giác của con người tiếp nhận thông tin về màu sắc qua 3 cone cells (gọi là Long cone, hay red cone), sóng trung (Medium cone hay green cone) và sóng ngắn (Short cone hay blue cone) (Xem mục 3 trong cmt của tôi lúc 18:02 Sunday, 21. 4. 2013). 3 cones này có những phần chồng lên nhau về bước sóng ánh sáng mà chúng thu nhận. Vì thế hế thống thị giác của con người thiên về so sánh sự khác nhau giữa phản ứng của các cone cells hơn là phản ứng riêng rẽ của từng cone cell. Lý thuyết đối lập màu sắc khẳng định rằng có 3 kênh màu đối lập (><): đỏ >< lục, lam >< vàng, đen >< trắng (kênh tiêu sắc, tức không màu, vì trắng và đen không phải là màu trong ánh sáng). Kênh này chỉ ghi nhận độ sáng tối.

407c7417cf628133470cf30ac37ccc4aa9600c31

6 màu sơ cấp trong lý thuyết quá trình đối lập màu sắc

Các màu đối lập không bao giờ được cảm nhận cùng nhau. Khi nhìn ranh giới giữa hai màu đỏ và lục (cùng tone) đặt cạnh nhau, ta thấy ranh giới này nhấp nháy, mà ta gọi là màu “đánh nhau”. Khi ta nhìn vào một hình vuông có màu là một trong 6 màu sơ cấp nói trên, ví dụ màu đỏ, rồi sau đó nhìn sang một mặt phẳng trắng, ta thấy xuất hiến một hình vuông có màu đối lập (hay màu bù) với nó, trong trường hợp này là màu lục.

Như vậy nếu ta nhất định muốn xác định đâu là mà sơ cấp thì cho đến nay định nghĩa trên của lý thuyết màu đối lập là định nghĩa khả dĩ nhất về mặt khoa học, cho dù cũng có người nghi ngờ nó và đã đưa ra một số phản thí dụ.

Tóm lại, theo lý thuyết đối lập màu sắc thì đối với thị giác và tâm lý con người 4 mầu sơ cấp là đỏ, vàng, lục và lam, không kể trắng và đen. 3 màu sơ cấp trong bảng RYB nằm trong 4 màu sơ cấp đó.

(Đó cũng chính là 6 màu cơ bản mà Leonardo Da Vinci đã đề xuất cách đây 6 thế kỷ. Các bạn đã thấy Leonardo thiên tài như thế nào chưa?)

Kết luận: Bảng RYB phù hợp với cảm thụ màu sắc của con người. Bây giờ các bạn hiểu tại sao hoạ sĩ vô hình chung đều dùng bảng RYB khi pha màu rồi chứ. Dùng bảng CMYK để pha màu khi vẽ là phản tự nhiên. 

Người ta dùng mô hình CMYK  trong in ấn vì lý do tiện lợi trong kỹ thuật mà tôi đã giải thích trong cmt trước. Trong in ấn màu đặc biệt là in màu kỹ thuật số việc dùng mô hình CMYK cho phép đổi chính xác nhất từ hệ thống màu quang học red-green-blue (RGB) của màn hình, phim chụp, v.v. (đừng nhầm với RYB của hoạ sĩ) sang hệ CMYK của mực in

THỦY

Hơ, tưởng đề tài khô khan, thế mà càng đọc càng thấy thú vị.

@ Anh Đăng,

– Tôi vừa nhòm qua các hãng màu nổi tiếng của anh, tên màu giống nhau (ví dụ màu mà anh chọn làm đại diện là red cadmium chẳng hạn) mà chẳng màu nào giống nhau (màu sẫm, màu nhạt, màu hơi xỉn,.v.v.). Tôi cố tìm cái gọi là đỏ cờ thực sự theo tài liệu in ra dạy các cháu cũng khó, nên tôi đoán có khi vì vậy mà họ không theo quy chuẩn CMYK được chăng 🙂

Tôi có cô cháu nhỏ học vẽ cô Quỳnh Mây nên có biết sơ sơ. Cô Mây hiền, vui tính, không phô trương, không thích tranh chấp, yêu và rất vì trẻ con. Tôi nghĩ cô ấy soi vụ “đỏ cờ” và “đỏ hồng” chẳng qua là vì muốn tranh luận kĩ, hiểu kĩ để dạy bọn trẻ cho đúng chứ không hề “cứng nhắc” và “cương quyết khẳng định chỉ có bảng CMYK mới chuẩn”.

Trong hộp màu mà cô ấy yêu cầu học sinh nên có: bao gồm ít nhất 12 màu do cô kê ra trong đó có đủ vàng, đỏ cờ, cam, đỏ hồng, lá cây, cobalt,.v.v. Cô ấy nói tập cho trẻ pha màu để tránh thói quen chỉ dùng màu pha sẵn, và hiểu được cách phối màu. Cháu tôi kể là cô có nói trên lí thuyết thì 3 màu đỏ, vàng, lam là 3 màu cơ bản. Nhưng hôm học pha màu, cháu tôi không có màu đỏ hồng (hồng đậm) nên dải pha màu giữa đỏ cờ và lam của cháu tôi trông xỉn và bẩn hơn giải pha màu giữa đỏ hồng và lam của các bạn khác. Chắc vì thế mà cô ấy chọn màu đỏ hồng (cô ấy còn gọi nó là đỏ điều) thay vì chọn đỏ cờ. Cô ấy cho các cháu tập phối 2 màu, rồi 3 màu, rồi 5 màu với nhau.

Cái màu Cyan mà anh nói ấy, tôi thấy cô ấy chọn màu lam cobalt giống như anh đề xuất, vậy tôi đoán màu đỏ hồng của cô ấy chính là màu đỏ hồng ngọc mà anh đã đề ra:

“Do đó cách dạy trẻ con để chúng pha màu dễ đẹp nhất đó là nhân đôi số màu cơ bản của bảng RYB lên, cụ thể là: 

– 2 đỏ: đỏ hồng ngọc và đỏ cadmium 

– 2 vàng: vàng chanh và vàng cadmium trung 

– 2 lam: lam cobalt và ultramarine hay lam Hoggar 

– 1 trắng 

– 1 đen”

Vậy về thực chất tôi đoán 2 người là giống nhau, chỉ khác nhau cách gọi và như vậy màu đỏ cờ là cách gọi không chuẩn chăng và bản in ba màu cơ bản thì màu đỏ cờ chỉ là tương đối?

Tôi cũng để ý thêm mấy thắc mắc này: – trong màu vẽ chứ không phải chỉ trong màu in ấn, từ hồng đậm (đỏ hồng) kết hợp với vàng ra được đỏ cờ mà từ đỏ cờ kết hợp với màu khác thì không thể ra được hồng đậm nhỉ? – Ngoài ra các hệ thống anh kể ra về in ấn (tức là về hóa chất) ngày càng hiện đại như: CMYKOG, CMYKBGP toàn có màu magenta (hồng đậm) mà chẳng thấy màu đỏ cờ đâu nhỉ?

Vậy tôi nghĩ RYB ở đây nên hiểu R không phải chỉ là màu đỏ cờ mà chỉ là đỏ thôi, và RYB là một cách gọi khá rộng vì màu cho họa sĩ do các hãng sản xuất là không giống nhau nên nó chung chung. Tôi nghĩ đó là lí do bảng màu họa sĩ khác in ấn vì màu không quy chuẩn như in ấn (kể cả màu cùng tên gọi), và cũng có thể là cách gọi khác nhau nữa. Ví dụ như Cyan, Cobalt hay Lam (ở Việt Nam) 🙂

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Chào anh/chị Thủy,

1) Phổ màu làm từ pigments bán cho hoạ sĩ rất rộng, trên 100 màu. Riêng đỏ cadmium cũng có vài sắc độ.

Mục đích nhân đôi 3 màu cơ bản trong bảng RYB như tôi đã nói là để (trẻ em) pha được màu thứ cấp đẹp nhất. Vì thế, ít nhất nên có 2 sắc cho mỗi màu cơ bản, một sắc nghiêng về phía nóng, một sắc nghiêng về phía lạnh.

Phổ màu ánh sáng là phổ liên tục trong đó màu từ từ chuyển từ vùng đỏ sang vùng da cam, vùng vàng, vùng lam, vùng tím. Bước sóng ánh sáng của các vùng đó như sau

Đỏ        khoảng 700 – 635 nanometers Da cam             635 – 590 Vàng                590 – 560 Lục                  560 – 490 Lam                 490 – 450 Tím                  450 – 400

Ngoài các bước sóng trên là vùng ánh sáng mắt người không nhìn thấy được (tia hồng ngoại có bước sóng dài hơn bước sóng vùng đỏ, tia tử ngoại có bước sóng ngắn hơn vùng tím)

Trong mỗi vùng, màu chuyển sắc độ đậm nhạt, nóng lạnh. Vì thế trong đỏ có đỏ hồng ngọc, đỏ thần sa, đỏ Venice, đỏ cadmium, đỏ cadmium cam, v.v. Cái tên chỉ có ý nghĩa tương đối. Magenta là màu nằm trong vùng giữa tím và đỏ tía, nhưng magenta là màu không có trong phổ ánh sáng tự nhiên. Cyan hay da trời là màu nằm giữa vùng lục và lam, gần với sắc sáng của màu sapphire blue, turquoise blue hay manganese blue hơn là colbalt blue. Trong vàng cũng có vàng ochre, vàng Ấn Độ, vàng chanh, vàng cadmium đậm, trung, nhạt, vàng Naples v.v.

colorwheel.jpg

Khi Isaac Newton chiếu chồng lên nhau hai đầu đỏ và tím của phổ ánh sáng nhìn thấy, ông thu được màu magenta.

2) Các trao đổi với Quỳnh Mây chủ yếu để làm sáng tỏ 3 vấn đề:

– Thế nào là màu sơ cấp (cơ bản) và có thực là có màu cơ bản không?

– Mô hình RGB, RYB và CMYK là cái gì?

– Hoạ sĩ có nên cố gắng dùng màu chất lượng tốt nhất mà mình có thể mua được không hay màu nào cũng đẹp?

Nếu anh/chị chịu khó đọc kỹ bài chủ tất cả các cmt của tôi trong bài này tôi chắc anh/chị sẽ hiểu. Tôi cố gắng trả lời kỹ và cô đọng trong phạm vi hiểu biết và khả năng của mình để bạn có thể đọc, hiểu, ngẫm nghĩ và tự rút ra kết luận cho mình. Tôi cho rằng lựa chọn dựa trên hiểu biết của chính mình bao giờ cũng là lựa chọn tốt nhất.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Theo luật trừ màu, magenta (hồng tím) trộn với vàng chanh thì cho màu đỏ vermillion hay đỏ cờ. Còn magenta trộn với màu cyan (da trời) thì cho màu lam (blue).

Bạn nào tò mò muốn xem kết quả, xin mời click vào 2 links dưới đây: Magenta + vàng chanh = ?

red Magenta + cyan =?

blue

Trong hai mẫu thử trên, vết màu ngoài cùng bên phải (sau dấu vạch thẳng đứng) –  đỏ (tube) (link thứ nhất) và lam (tube) (link thứ hai) – là màu gốc từ tube bóp ra. Như các bạn thấy màu pha trộn xỉn và đục hơn màu gốc. Màu blue pha trộn còn tạm chấp nhận được, chứ màu pha trộn từ magenta và vàng so với đỏ vermillion thật quá xa vời. Trên thực tế từ màu magenta và vàng không thể pha được màu đỏ vermillion (đỏ cờ) rực rỡ như màu gốc.

Để làm 2 mẫu thử trên, tôi đã dùng các màu sơn dầu cho hoạ sĩ chuyên nghiệp của hãng Winsor & Newton.

GIANGGIANG

Anh Đăng.

Tôi đã xem cái màu Magenta của anh Đăng. Anh chưa thấy màu magenta thật sự trong in ấn và không hiểu màu đỏ hồng (hồng đậm) trong màu vẽ là màu gì sao? Có lẽ anh nên hỏi một họa sĩ ngành in hoặc vào nhà in hỏi in 100% magenta thì ra màu gì nhé. Cái màu anh post may ra hơi na ná in 20-30% Magenta thôi.

Còn trong màu vẽ: Cái màu anh post chỉ có thể gọi là hồng nhạt chứ ai gọi là hồng đậm hay là đỏ hồng hả anh? Anh xem ảnh cậu bé ngồi cạnh giá vẽ của Quỳnh Mây ấy. Có thể do ánh sáng và góc chụp nên màu hơi bạc và hơi đục 1 chút, nhưng phải đậm như vậy mới gọi là hồng đậm chứ.

Màu Cyan của anh cũng chỉ hơi na ná 30% cyan trong in ấn thôi và cũng khác xa màu lam trong hội họa. Màu của anh vừa nhạt, vừa đùng đục, lại vừa bàng bạc như có trắng vậy thì làm thế quái nào pha ra được màu mẫu ở tube của anh hả.

Để cuối tuần, hoặc sang tuần, có thời gian rảnh, tôi làm cho anh xem vậy.

À tiện thể nhắc lại câu anh nói để thấy thực hành và thực tế là khác nhau. Anh nói: “Khẳng định thực tế luôn mạnh hơn lý thuyết là một trong những khẳng định nực cười mà tôi từng được nghe. Leonardo Da Vinci từng nói: “Người chỉ thích thực hành không có lý thuyết cũng giống như thủy thủ trên một con tàu không bánh lái, không la bàn, không bao giờ biết mình sẽ bơi đi đâu.”

Các lý thuyết thường bắt nguồn từ thực tế và nhiều lí thuyết chết yểu vì không có thực tế đó anh. Tôi lấy vụ Galileo là để nhấn mạnh cái phi thực tế đàn áp cái thực tế. Tôi ngờ rằng nếu thực tế rành rành khác với lí thuyết của anh, anh sẽ chọn lí thuyết?

@ Phó Đức Tùng: Tôi là một họa sĩ làm cho nhà in. CMYK hiển thị trên màn hình máy là không chuẩn với in ra vì màn hình máy tính là ánh sáng, bản in là hóa chất. Họa sĩ căn chỉnh tại nhà in cần có kinh nghiệm và dựa trên thông số màu. Vậy nên màu CMYK hiển thị trên máy tính chỉ mang tính tương đối, màu chuẩn là màu của sản phẩm.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

 @gianggiang:

1) Tất cả thảo luận của tôi và Quỳnh Mây ở đây chỉ liên quan đến pha màu vẽ trong hội hoạ. Vì thế nên tôi mới nói tới sự khác nhau giữa mô hình pha màu của hoạ sĩ và mô hình CMYK dùng trong in ấn. gianggiang đọc kỹ lại các bài viết và cmt của tôi về đề tài này nhé để khỏi lạc đề. Tôi vẫn nói CMYK là mô hình áp dụng cho in màu, chứ không phải cho màu vẽ của hoạ sĩ. Tôi đã từng kiểm tra các bản in màu thử của nhà in tại Nhật nên tôi hiểu in theo mô hình CMYK thông dụng như thế nào. Các máy in phun và laser cũng dùng 4 màu CMYK, kể cả cái máy in tôi đang dùng tại nhà hiện nay.

Nhưng màu vẽ không phải là mực inHoạ sĩ vẽ bằng sơn dầu, acrylic, màu nước, màu bột chứ không vẽ bằng mực in (trừ những hoạ sĩ làm đồ họa dùng mực in màu) [2]. Âm bản của mô hình CMYK chính là bảng hoà sắc cộng màu của ánh sáng. Xem ở link này. Như thế có nghĩa là dùng CMYK trong in ấn rất tiện trong việc convert (hoán đổi) màu từ mô hình cộng màu RGB trên màn hình, phim màu sang mực in. Trong khi đó âm bản của mô hình hoà sắc của hoạ sĩ có màu cyan không có trong dương bản, nhưng lại thiếu màu đỏ và da cam trong dương bản.

wheel Trong hình ở link này tôi đã làm mấy mẫu thử như sau:

mixing

(a): trộn magenta, vàng, và cyan của màu sơn dầu. Theo mô hình CMYK của mực in, trên lý thuyết, tôi phải thu được màu đen, nhưng thực tế tôi thu được là màu xám. Lý do, như tôi đã giải thích, là vì màu vẽ được làm từ các sắc tố (color pigment). Chúng bị “bẩn” khi trộn với nhau.[3]

Trong khi đó, kết quả (b) thu được bằng trộn 3 màu đỏ, vàng và lam từ mô hình pha màu của hoạ sĩ cũng cho màu xám, nhưng màu xám này gần với màu đen hơn nhiều.

Các hình (c) – (e) là kết quả pha màu từ 3 màu sơ cấp đỏ, vàng và lam theo bảng pha màu của hoạ sĩ:

(c) đỏ + vàng = da cam, (d) vàng + lam = lục, (e): đỏ  + lam = tím.

Các màu thứ cấp thu được da cam, lục, tím tuy không được như màu tube, song đều khá đẹp. Trong khi đó, dùng 3 màu vẽ magenta, vàng, và cyan làm màu sơ cấp để pha theo bảng CMYK thì có thể thu được màu lục thứ cấp khá đẹp, màu lam tạm được, nhưng không thể nào thu được cam màu đỏ, da cam, và lam rực rỡ.

Đó là lý do vì sao 6 thế kỷ đã qua mà hoạ sĩ vẫn dùng bảng pha màu với 3 màu cơ bản là đỏ vàng và lam, mà không chấp nhận mô hình CMYK. Như tôi đã nói, pha màu vẽ là dựa vào kinh nghiệm của hoạ sĩ vì mỗi loại màu (sơn dầu, acrylic, màu nước, gouache, v.v.) trên mỗi chất liệu (canvas, gỗ, kim loại, lụa, giấy, v.v.) lại cho một kết quả khác.

Như đã nói trong cmt trước, các màu tôi dùng để làm các mẫu này là màu sơn dầu cho hoạ sĩ của hãng Winsor & Newton, một trong các hãng sản xuất màu vẽ nổi tiếng nhất thế giới. Màu magenta tôi dùng là màu này. Màu cyan là màu Turquoise blue.

2) Tôi trích câu nói của Leonardo là để minh hoạ rằng lý  thuyết là quan trọng cho cả thực tế lẫn thực hành. Thực tế và thực hành cần có lý thuyết làm cơ sở. Khoa học được xây dựng từ thực tế tựa như một ngôi nhà được xây nên từ các viên gạch. Nhưng một tập hợp các thực tế lộn xộn thì cũng tựa như một đống gạch chứ không phải là một ngôi nhà. Mô hình CMYK dùng trong in ấn cũng được hình thành từ các lý thuyết về hòa sắc bắt đầu từ t.k. thứ XVIII. Tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về đề tài này trong một bài viết riêng, mà tôi nghĩ cũng sẽ có ích cho gianggiang – một hoạ sĩ làm việc trong ngành in.

3) Tôi đã nói là Galilei rút ra kết luận về trái đất quay dựa trên lý thuyết về hệ quy chiếu của ông. Thực vậy, nếu lấy hệ quy chiếu là trái đất thì trái đất có thể được coi là đứng yên trong khi mọi tinh tú quay xung quanh nó. Còn nếu lấy hệ quy chiếu là mặt trời thì trái đất quanh xung quanh trục của nó và quay quanh mặt trời. Vì thế Galilei nói lý thuyết của ông không mâu thuẫn với Kinh thánh, nhưng Giáo hội không chịu. gianggiang đã nhầm lẫn khi dẫn Galilei để minh hoạ cho việc thực tế mạnh hơn lý thuyết. giangiang cần nêu thí dụ khác thuyết phục hơn.

Galileo_facing_the_Roman_Inquisition

Galileo Galilei (1564 – 1642) “được” toà dị giáo (Inquisition)“triệu tập làm việc” vì dám có tư tưởng chống đối giáo hộikhi cho rằng trái đất quay.Tranh của Cristiano Banti vẽ năm 1857.

LÊ PHƯƠNG

Gửi anh Đăng, bạn Mây và các bạn,

Tôi phải công nhận các bạn có 1 kiến thức rất rộng về màu sắc và khá sâu về chất liệu. Để hiểu ngay thì chưa, mặc dù bản thân tôi cũng qua trường lớp sách vở thực hành nói chung đủ cả, chắc phải CtrlC rồi từ từ nghiên cứu may ra mới lĩnh hội được, sợ nhất mình bị ngộ chữ mà thôi.

Nhân tiện mạch bài của anh Đăng và chị Mây, tôi xin có một ý “hơi dở người” là như thế này, anh chị và các bạn xem liệu ta có thể làm được không? Đó là trong công việc liên quan đến màu sắc, khi phải thông tin trao đổi với nhau nhưng lại phát sinh cái khó cái cản trở ở chỗ vốn từ Tiếng Việt có hạn nếu không nói là rất ít. Nói đến đây chắc anh chị và các bạn hiểu ra rồi phải không.

Thật vậy, trong kho tiếng Việt vài màu được định danh rõ như đen nâu đỏ cam vàng lục lam chàm tím và trắng, một số màu có tên từ việc ghép 2 màu pha trộn, hoặc một vài màu có tên riêng như xám, ngà, tía, lá cây,… và cũng chỉ có thế, những màu trung tính, màu có tông lạ thì chịu chết chẳng biết gọi là gì. Thỉnh thoảng có vài màu dân gian cũng linh động đặt ra tên từ việc ghép với tên một màu tự nhiên để dễ hình dung. Ví như: Nâu đất sét, nâu cánh gián, Đỏ bọc đô (rượu), đỏ tía hay đỏ mào gà, vàng chanh, vàng nghệ, vàng đất, xanh lá mạ, xanh đọt chuối, xanh đít chai, tím Huế, hồng cánh sen…nhưng thực ra cũng chẳng ăn thua gì.

So với bọn Tây thì khác, cứ xem bảng màu mà màu nào cũng có tên gọi riêng, đọc phát hình dung ngay, bốc phét nếu pha có khi cũng 1 chín 1 mười.

Vậy liệu chúng ta có thể xây dựng được 1 bảng tên các màu hay không, chuyển tông, sắc độ … dưới hình thức hệ thống các màu có tên sẵn và đặt tên mới cho những màu chưa có. Chỉ cần độ 256 màu là cũng quá thành công cho những việc đơn giản ví dụ như giúp chị Mây dạy học trò chẳng hạn. VÀ một số ngành như Kiến trúc, nội thất thế cũng tạm đủ. Dĩ nhiên trong hội họa hay nhiếp ảnh nhà nghề thì chẳng ăn thua gì.

Vì ý nghĩ dở người nên hết sức băn khoăn.

Cuối cùng chúc toàn thể anh chị các bạn 1 kỳ nghỉ 5 ngày vui khỏe nhé!

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

@ Lê Phương:

Lê Phương nói đúng, tiếng Việt còn thiếu rất nhiều thuật ngữ chuyên môn. Một trong những khó khăn là sự câu nệ chấp nhặt của người Việt. Người Việt khó chấp nhận thuật ngữ nước ngoài. Người Nhật rất thoáng trong việc đó. Họ Nhật hoá rất nhiều từ tiếng Anh cho nên họ không có khó khăn gì trong thuật ngữ của họ cả.

Màu sơn dầu xuất hiện từ phương Tây. Các tên màu có xuất xứ lâu đời và được xác định rõ ràng. Khi nói nâu Sienna người ta hiểu ngay đó là nâu làm từ đất ở vùng Sienna (Ý) và có màu như thế nào. Khi nói Venetian red (đỏ venice), Naples yellow (vàng Naples), các hoạ sĩ sơn dầu hiểu ngay bạn đang nói tới màu gì. Magenta cũng vậy. Bạn biết vì sao nó có tên là magenta không? Vì nó được phát hiện vào năm 1859, trùng với trận đánh ở Magenta giữa quân của Napoleon III và quân Áo. Lúc đầu tên nó là fuchsine (tên loài hoa Fuchsia có màu magenta). Tuy được phát hiện từ rất lâu nhưng nó không bền. Mãi tới đầu t.k. XX người ta mới tổng hợp được magenta bền, và sau khi A. Murray đề xuất mô hình CMYK vào năm 1934, magenta mới được dùng như màu sơ cấp trong in ấn. Tuy nhiên công nghệ in màu CMYK chỉ thực sự phát triển từ năm 1980 nhờ các công ty Hoa Kỳ.

Ta không thể thay magenta bằng bất cứ cái tên Việt Nam nào như tím hoa cà, hồng tím, hay hồng cánh sen hay gì gì đó, vì magenta là tên màu quốc tế rồi [tương tự như nốt La (A) giữa phím piano trong âm nhạc (trên nốt Đô (C) ở giữa phím piano) đã được xác định phải có tần số 440 Hz.]

Cả màu gọi là “đỏ cờ” cũng vậy. Tên của đỏ này là vermilion. Đó là màu đỏ nguyên được làm từ tinh thể cinnabar (sulfide thủy ngân), còn gọi là đỏ thần sa. Nó là màu đỏ đã được xác định [4].  Còn cái tên đỏ cờ rất không xác định. Màu cờ mỗi nước đỏ một kiểu. Có cờ đỏ như máu, có cờ đỏ ngả da cam. Trong tiếng Việt cờ đỏ đôi khi lại còn được gọi là cờ hồng (Một vùng trời đất trong tay, dẫu chưa trọn vẹn đã bay cờ hồng). Dạy trẻ như thế thì tôi e các cháu sẽ vô cùng ngơ ngác.

QUỲNH MÂY

Chào tất cả các anh chị và các bạn,

Sau khoảng chục ngày không vào Soi, tôi không ngờ đề tài này lại có nhiều trao đổi như vậy. Cảm ơn tất cả các bạn đã quan tâm, đồng thời xin lỗi vì tôi đã bỏ rơi chính đề tài của mình trong 1 thời gian khá dài.

Mong các bạn thông cảm vì:

Thứ nhất: máy tính của tôi có vấn đề ngay từ trước khi tôi khởi đầu cuộc trao đổi này, sau đó nó đã hỏng hẳn (hiện vẫn đang phải sửa chữa). Tôi đã và đang phải dùng nhờ máy tính nên chỉ làm được những việc cấp thiết nhất.

Thứ 2: tôi một mình chăm lo cho 2 con trai vừa nhỏ vừa nghịch ngợm, cộng thêm đứng lớp, lo cho CLB, làm sách, triển lãm,.v.v. Thời gian cho bản thân là vô cùng hiếm hoi.

Tiện đọc trao đổi giữa bạn gianggiang và anh Đăng, tôi post lên đây 1 chút thông tin về màu và pha màu của học sinh và của tôi:

– Tôi đã dùng các loại sơn dầu khác nhau nhưng do sở thích cá nhân mà tôi thích dùng màu Georgian của Daler-Roney, Anh.

Tôi xin post pha màu sơn dầu của tôi ở đây (pha trên palet). Trong đó màu lam tôi dùng Cobalt Blue, đỏ hồng là Rose Madder, đỏ còn lại là Cadmium Red.

– Vì rất nhiều lí do khác nhau từ phía phụ huynh và học sinh – ví dụ như chi phí họa phẩm cao, màu sơn dầu phức tạp với các hóa chất để pha, để tẩy rửa vừa mùi vừa độc hại,.v.v. và điều chủ yếu là hầu hết phụ huynh coi việc cho con đi học là một cuộc chơi, giúp con mở mang tâm hồn, kích thích sáng tạo chứ không nghĩ con sau này sẽ theo nghiệp hội họa (mặc dù có vài phụ huynh học sinh của tôi là họa sĩ) nên các học sinh của tôi sử dụng màu Gouache hoặc Acrylic chứ không dùng sơn dầu . Tôi xin post pha màu của Gouache ở đây và của Acrylic ở đây (pha trên giấy).

Thật ra comment của tôi vốn chỉ bắt nguồn từ thắc mắc của các cháu về cái màu đỏ cờ của bản in màu cơ bản bán trên thị trường và thực tế màu học sinh của tôi pha ra bị xỉn thôi

Tuần trước, lớp học của tôi có cả phụ huynh tham gia pha. Các bạn ấy thử cả đỏ hồng và đỏ cờ, và màu đỏ cờ với lam vẫn cho ra các màu xỉn nên họ lại chuyển sang pha màu đỏ hồng với lam. Chuyện rất buồn cười là tuy ở lớp này các học sinh hơi nhỏ nhưng vì có đông phụ huynh tham gia hỗ trợ con bằng cách học cùng nên tôi vẫn phân tích về ánh sáng và hóa chất. Kết quả: Phụ huynh bảo cô ơi, chúng em thấy phức tạp quá, khó nhớ quá, chóng hết cả mặt. Thôi cô cứ dạy đơn giản thôi,…

Trao đổi là để lấy thông tin. Đọc qua các trao đổi tôi đã có những thông tin cần thiết, cộng thêm điều kiện sống quá bận rộn nên về phía cá nhân tôi, tôi xin dừng trao đổi vấn đề này ở đây. Mong các bạn chuyển sang đọc về sách và triển lãm của các cháu bé và ủng hộ.

Chân thành cảm ơn Soi cùng tất cả các anh chị và các bạn.

—————————-

Chú giải:

[1] Màu hạng sinh viên (student grade oil paints) chứa ít chất màu (color pigments) hơn màu cho hoạ sĩ (artist grade oil paints). Vì thế màu sinh viên kém đục và có độ nhuộm thấp hơn. Các chất độn thay thế chất màu cũng khiến màu hạng sinh viên không mịn và dẻo bằng màu cho hoạ sĩ. Trang painting.about.com  khuyên rằng nếu lấn cấn về giá thành thì thà vẽ tranh cỡ nhỏ bằng màu cho hoạ sĩ còn hơn vẽ tranh cỡ to bằng màu hạng sinh viên. Theo hãng hoạ phẩm Deovir tại Manila (Philippines), sơn dầu sản xuất tại Trung Quốc còn chứa nhiều chất độn hơn sơn dầu hạng sinh viên, khiến các đặc tính của chất màu cũng bị thay đổi.

[2]  Kích thước hạt màu trong sơn dầu (nghiền bằng máy) có thể lớn tới 10 – 40 micron, còn trong mực in: khoảng 1 – 2  micron. Màng film sơn dầu dày ít nhất gấp 10 lần màng film của mực in. Đa số màu sơn dầu là màu đục, trong khi đa số mực in là màu  trong.

[3] “Bẩn” hay “không tuyệt đối tinh khiết” ở đây phải được hiểu theo nghĩa màu được làm từ các hạt màu có kích thước nhất định, trộn với dầu tạo màng. Ánh sáng chiếu vào màu vừa đi qua (màu trong), lại vừa phản xạ lại từ các hạt màu (màu đục). Vì không có màu nào tuyệt đối đục hay tuyệt đối trong, hai quá trình này kết hợp với nhau khiến sự pha trộn màu vẽ bao gồm cả trừ màu lẫn một phần cộng màụ. Kết quả là màu được tạo bởi pha trộn 3 màu sơ cấp đỏ + vàng + lam không bao giờ đen, mà chỉ xám vì vẫn có một ít ánh sáng phản xạ lại.

[4] Không có đỏ vermillion thì chỉ có đành chịu vì không thể pha được nó từ bất cứ 2 màu nào khác.

Các bài trong series này:

Nền móng của tranh sơn dầu

Màu trắng của sơn dầu

Trao đổi về pha mầu vẽ

Bí mật của màu sắc

Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Chất kết dính và dung môi của sơn dầu

Một giáo trình dạy nhiều cái sai

Hội họa sơn dầu: thịnh và suy

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
  • Pinterest
  • LinkedIn
  • Tumblr
Like Loading...

Related

Tags: hòa sắc, kỹ thuật sơn dầu

This entry was posted on 04/05/2013 at 11:36 am and is filed under hội họa, Khoa học. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

Từ khóa » Cách Pha Màu Xanh Teal