Trật Khớp: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Phòng Tránh Và điều Trị

Trật khớp là một chấn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi do vận động không đúng cách trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao. Nếu không được điều trị kịp thời, chấn thương có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về trật khớp, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh và điều trị.

Tổng quan về khớp

Khớp là nơi liên kết các đầu xương để tạo thành một cấu trúc tổng thể, cho phép cơ thể chuyển động linh hoạt. Bình thường, người trưởng thành có khoảng 206 chiếc xương và khoảng 360 khớp xương. Tuy nhiên, số lượng chính xác có thể thay đổi theo từng người. Phân loại theo chức năng, khớp có 3 loại: Khớp bất động (như khớp giữa các xương sọ), khớp bán động (như khớp đốt sống), khớp động hay khớp hoạt dịch (phổ biến ở các chi).

Một khớp hoạt dịch bao gồm các thành phần:

  • Chỏm và ổ khớp là nơi các đầu xương dài nối với nhau
  • Các dây chằng là phương tiện giữ cho khớp chắc chắn
  • Bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp có nhiệm vụ nuôi sụn khớp và bôi trơn, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng khớp
  • Mạch nuôi khớp
cau tao cua khop
Khớp liên kết đầu xương giúp cơ thể có thể chuyển động linh hoạt

Trật khớp là gì?

Trật khớp hay sai khớp (tên tiếng Anh là Dislocation) là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng thường gặp nhất ở các khớp hoạt dịch.

Vị trí

Trật khớp thường xảy ra ở những vị trí trên cơ thể (1):

Banner BVĐK Tâm Anh Quận 8 content

1. Trật khớp vai

Khớp vai thuộc nhóm khớp lớn và là khớp có biên độ vận động lớn nhất, linh hoạt nhất của cơ thể, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chi trên. Cấu tạo khớp vai bao gồm chỏm cầu (đầu trên xương cánh tay) tiếp khớp với mặt khớp lõm (ổ chảo) của xương vai trong một bao xơ (bao khớp) chứa chất lỏng (dịch khớp). Đây là bộ phận thực hiện rất nhiều hoạt động từ nhẹ đến nặng nên dễ gặp tình trạng chấn thương.

Trật khớp vai là chấn thương vai phổ biến nhất, chiếm khoảng 50 – 60% tổng số các loại trật khớp, thường gặp ở nhóm người trẻ tuổi, gây đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động của khớp vai hoặc cả cánh tay.

Dấu hiệu thường gặp là hõm khớp rỗng, cần nắn trật và cố định vai bằng áo Desalt khoảng 3 – 4 tuần. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, chấn thương có thể dẫn đến các biến chứng như tầm vận của vai bị hạn chế, sai lệch khớp xương bả vai tái diễn, cứng khớp vai, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống.

trat sai khop vai
Trật khớp vai là chấn thương vai phổ biến nhất

2. Trật khớp cùng đòn

Khớp cùng đòn là một khớp bán động nối đầu ngoài xương đòn và mặt trong của mỏm cùng vai. Bao phủ toàn bộ diện khớp là sụn sợi. Bao khớp của khớp cùng đòn rất mỏng nhưng vẫn được giữ vững bởi ba hệ thống phức hợp dây chằng là dây chằng nón, dây chằng thang và dây chằng cùng đòn (là sự dày lên của bao khớp trước trên). Ngoài ra, các sợi của cơ delta và cơ thang hòa lẫn vào phần trên dây chằng cùng đòn góp phần làm tăng thêm độ vững của khớp. Người bị sai khớp cùng đòn có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Đau và hạn chế vận động khớp vai;
  • Bên vai chấn thương xệ xuống, đầu ngoài của xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai;
  • Dấu hiệu phím đàn: biểu hiện là có thể dễ dàng ấn xương đòn về vị trí ban đầu, nhưng ngay khi bỏ tay ra, đầu ngoài xương đòn lại nhô lên;
  • Phần vai chấn thương bị đau, sưng, bầm tím.

3. Trật khớp cổ tay

Có thể dựa vào một vài triệu chứng nổi bật sau đây để xác định trật khớp cổ tay: bàn tay bị lệch; không xoay cổ tay được; cầm nắm mọi vật rất gượng và cảm thấy khó chịu, thậm chí rất đau. Khi thấy cổ, bàn tay có hiện tượng trật khớp bạn nên đến gặp Bác sĩ ngay để được chẩn đoán, can thiệp, nắn chỉnh và cố định kịp thời.

banner subs ctch content

4. Trật khớp vùng bàn, ngón tay

Nếu vận động sai cách, các khớp vùng bàn tay có thế bị trật về phía trước, ra phía sau, hoăc sang hai bên, ra trước. Tổn thương này thường làm biến dạng rõ ràng bàn tay kèm theo tình trạng đau và sưng.Tổn thương còn có thể làm đứt nhiều dây chằng hỗ trợ. Khi nghi ngờ vị trí khớp bị sai lệch, bác sĩ thường chỉ định chụp Xquang bàn tay tư thế trước sau, bên và nghiêng để chẩn đoán.

5. Trật khớp háng

Trật khớp háng hầu hết là trật ra sau, làm ngắn chi, khép chân và xoay trong. Trật khớp háng thường được chẩn đoán bằng khám lâm sàng và Xquang thường quy. Bệnh nhân trật khớp háng cần được nắn trật càng sớm càng tốt, tối ưu là là trước 6 giờ đồng hồ bởi nếu chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Sau khi nắn trật, bệnh nhân cần được chụp lại CLVT để xem có gãy xương và các mảnh vỡ gãy có gây kẹt khớp không.

6. Trật khớp gối

trat khop goi
Trận khớp gối – một chấn thương nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách

Khớp gối thường bị trật ra phía sau do hậu quả từ một lực đập hướng về phía sau vào đầu gần xương chày khi gối gấp nhẹ. Hầu hết trật gối là do chấn thương nặng (ví dụ như tai nạn xe máy tốc độ cao), nhưng một số chấn thương nhẹ (như bước vào hố và xoắn khớp gối) đôi khi cũng có thể gây trật khớp gối gây ra nhiều biến chứng mạch máu và thần kinh, đặc biệt là ở bệnh nhân béo phì.

Trật khớp gối rất nguy hiểm bởi các cấu trúc hỗ trợ khớp gối như dây chằng có thể bị tổn thương làm mất vững khớp. Đây là nguyên nhân dẫn đến hỏng khớp cùng với nhiều biến chứng liên quan đến động mạch khoeo, thần kinh chày và mác sau này. Nếu không chẩn đoán được tổn thương động mạch, bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng thiếu máu chi, thậm chí có thể phải cắt cụt.

Vì vậy, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI) và chụp CLVT mạch. Hầu hết trật khớp gối đều biểu hiện lâm sàng khá rõ trước khi đến viện, tuy nhiên khớp có thể tự hết trật trong quá trình di chuyển, do đó, bác sĩ luôn nghi ngờ trật khớp nếu khám thấy khớp mất vững nặng.

7. Trật bánh chè

Trật bánh chè cũng là một chấn thương thường gặp nhung ít nghiêm trọng hơn so với trật khớp gối. Trật bánh chè thường gặp ở bệnh nhân nữ lứa tuổi dậy thì có bất thường khớp đùi chè mạn tính trước đó hoặc sau một chấn thương vùng gối. Trật bánh chè có biểu hiện lâm sàng khá rõ ràng. đó là hình ảnh bánh chè trật ra ngoài, bệnh nhân giữ khớp gối hơi gấp và thường đau nhiều xung quanh vị trí bánh chè. Bệnh nhân cần được nắn trật và cố định khớp gối, nếu bị tổn thương xương sụn hoặc mất vững bánh chè cần tới khám và điều trị bởi bác sĩ chấn thương chỉnh hình.

8. Trật khớp cổ chân

Trật khớp cổ chân còn gọi là trật mắt cá, thường xảy ra ở những vận động viên, có tiền sử bong gân mắt cá chân, béo phì hoặc những chấn thương cấp tính có lực đạp mạnh vào cổ chân. Triệu chứng thường gặp của loại chấn thương này là đau nhiều, sưng bầm tím cổ chân, không có khả năng tì đè, khó cử động cỏ chân, biến dạng khớp cổ chân. Khám và chẩn đoán tình trạng bằng lâm sàng và cận lâm sàng như Xquang, CLVT, MRI.

Để điều trị chấn thương này có thể dùng các biện pháp như: nắn trật nẹp, bó bột, di chuyển xương trở lại vị trí cũ và giảm đau. Một số trường hợp nặng phải phẫu thuật để đặt lại khớp và phục hồi các tổn thương kèm theo. Trật khớp gối có thể để lại các biến chứng như: cứng khớp, viêm khớp mắt cá gây đau mãn tính, nhiễm trùng khớp, gãy xương, …

trat co chan
Trật khớp cổ chân thường gặp ở vận động viên

9. Trật khớp bàn chân giữa (tổn thương Lisfranc)

Đây là một tổn thương thường gặp, cơ chế chấn thương là do chấn thương trực tiếp hoặc do lực xoắn vặn trên bàn chân gấp gan chân (ví dụ ngã tiếp xúc tư thế gấp gan chân). Trật khớp bàn chân giữa hay xảy ra ở các đối tượng như: cầu thủ bóng đá, người lái xe mô tô hay vận động viên cưỡi ngựa.

Chấn thương này rất khó phát hiện trên phim Xquang thường, nên cần đến phim cắt lớp vi tính. Các biến chứng có thể gặp trong dạng trật khớp này là hội chứng khoang bàn chân, đau mạn tính, tàn phế. Vì thế, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán và điều trị. Bệnh nhân thường sẽ phải mổ nắn trật, kết hợp xương do gãy kèm theo hoặc hàn khớp…

10. Trật khớp thái dương hàm

Đây là một loại trật khớp tự phát, thường xảy ra ở những người có tiền sử trật khớp. Mặc dù đôi khi trật khớp là do chấn thương, nhưng có thể chỉ do há miệng rộng, cắn mạnh (cắn một miếng sandwich lớn, bánh mỳ cứng), ngáp rộng, hoặc khi can thiệp nha khoa. Những người có nguy cơ bị trật khớp thái dương hàm thường có dây chằng vùng khớp thái dương hàm (TMJ) lỏng lẻo tự nhiên.

Triệu chứng của loại chấn thương này là bệnh nhân há rộng miệng và không thể ngậm lại được, có đau thứ phát xảy ra khi cố gắng ngậm miệng. Nếu đường giữa hàm dưới bị lệch sang một bên thì là trật khớp ở một bên. Thời gian trật khớp càng kéo dài thì nắn khớp càng khó khăn, và khả năng trật khớp trở lại càng cao.

11. Trật khớp khuỷu

Trật khớp khuỷu cũng rất thường gặp do chấn thương, phổ biến nhất là trong các chấn thương thể thao do chống tay có lực xoắn vặn. Một số trường hợp có thể gặp trong các môn đối kháng có lực tác động trực tiếp đến khuỷu. Trật khớp khuỷu do tai nạn giao thông ít gặp hơn, thường kèm theo tổn thương gãy xương hoặc trật khớp khác phối hợp.

Bệnh nhân trật khớp khuỷu cần đến gặp Bác sĩ càng sớm càng tốt để kịp thời nắn chỉnh khớp về vị trí giải phẫu và đeo nẹp hoặc bột cố định khoảng 3-4 tuần cho hồi phục dây chằng bao khớp xung quanh, tránh xảy ra biến chứng

dieu tri bang phuong phap nan chinh
Điều trị trật khớp khuỷu bằng phương pháp nắn chỉnh

Những đối tượng nào có nguy cơ bị trật khớp?

Trật khớp gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất ở người trẻ, người lao động và cũng có thể gặp cả ở phụ nữ có thai.

Mỗi lứa tuổi thường gặp một loại trật khớp phổ biến như trật khớp khuỷu hay gặp ở trẻ em trong khi trật khớp vai, khớp háng lại thường gặp ở người lớn. Ở người già, do quá trình thoái hóa, hạn chế vận động, hoặc không có khả năng phản xạ tự bảo vệ khi ngã nên cũng rất dễ bị trật khớp và thường kèm theo gãy xương.

Nguyên nhân gây trật khớp

Khoảng 80 – 90% các trường hợp trật khớp đến từ nguyên nhân chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong tập luyện các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đã, trượt ván… và cả các tai nạn trong học đường. Cơ chế chấn thương trật khớp thường là gián tiếp như lực chấn thương tác động lên cẳng chân, gối, đùi tạo nên lực đòn bẩy làm trật chỏm xương đùi ra khỏi ổ cối hoặc ngã chống tay có thể khiến bị trật khớp khuỷu hay khớp vai… Cơ chế trực tiếp tuy hiếm gặp nhưng thường dẫn tới bệnh cảnh nặng như trật khớp hở. (2)

Bên cạnh đó còn có các nhóm nguyên nhân gây trật khớp khác như: Trật khớp do bẩm sinh, do bệnh lý (như viêm xương khớp háng…), trật khớp vai do liệt cơ delta.

Các triệu chứng thường gặp khi bị sai khớp là gì?

Khi bị trật khớp, hầu như bệnh nhân rất dễ dàng nhận thấy các dấu hiệu sau:

  • Da tại vùng khớp bầm tím, sưng nề
  • Đau và cứng khớp
  • Giảm hoặc mất vận động ở khớp.
  • Hõm khớp bị rỗng: Đây là dấu hiệu đặc biệt của trật khớp tuy nhiên không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở một vài khớp như khớp vai hay khớp khuỷu. Nếu người bệnh đi khám muộn sẽ rất khó phát hiện do tình trạng phù nề sẽ tăng nhanh chóng sau chấn thương.
  • Biến dạng toàn chi: Nếu trật khớp vai thì tư thế cánh tay sẽ bị biến dạng hoặc không khép sát vào thân được. Nếu trật khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối có hiện tượng xoay vào trong, bàn chân bên trật gác lên cổ chân bên lành…
  • Dấu hiệu khớp gồ lên bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp.
  • Cử động đàn hồi hay còn gọi là dấu hiệu lò xo: Triệu chứng này chỉ xuất hiện trong trật khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác đồng thời bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Cho dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn sẽ bật trở lại tư thế trật.
  • Ngoài ra trật khớp có một số biến dạng đặc biệt sau:
    • Dấu hiệu vai vuông góc: thường thấy ở trật khớp vai.
    • Dấu hiệu “nhát rìu”: thường thấy trong trật khớp khuỷu ra sau (do mỏm khuỷu trồi ra sau làm cánh tay lõm vào, trông giống hình ảnh gốc cây bị rìu chặt dang dở).
    • Dấu hiệu “phím đàn dương cầm”: xuất hiện trong trật khớp vùng vai-đòn (do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật trở lại giống như ấn vào phím đàn dương cầm).
dau hieu trat khop
Bệnh nhân rất dễ dàng nhận thấy các dấu hiệu của trật khớp

Trật khớp khi nào cần gặp bác sĩ?

Sau chấn thương, nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu nào như trên hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

Điều trị tình trạng trật/sai khớp

1. Điều trị cấp cứu ban đầu

Trước tiên bệnh nhân trật khớp cần được xử lý, kiểm soát các tình trạng cấp cứu ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân như tình trạng sốc do đau, sốc mất máu do trật khớp hở kèm tổn thương mạch. Giảm đau ngay cho bệnh nhân bằng các thuốc giảm đau.

Nếu nghi ngờ trật khớp hở thì cần băng kín bằng gạc vô trùng, tiêm uốn ván và dùng kháng sinh phổ rộng (ví dụ cephalosporin thế hệ 2 phối hợp aminoglycosid) và sau đó là phẫu thuật để cắt lọc và làm sạch để tránh nhiễm trùng.

Hầu hết các trường hợp trật khớp mức độ vừa và nặng (đặc biệt khớp mất vững) cần bất động khớp bằng nẹp (nẹp bất động mềm để không gây chèn ép mạch và không làm cứng khớp) để giảm đau và tránh các tổn thương thứ phát như tổn thương mạch máu, thần kinh, mô mềm xung quanh do khớp mất vững.

2. Nắn chỉnh

Nắn kín (không cần rạch da bộc lộ khớp) thường được ưu tiên khi có thể. Trong trường hợp nắn kín thất bại thì cần phẫu thuật đặt lại khớp. Sau nắn trật thành công, bệnh nhân được khuyên nên:

  • Bất động khớp bằng nẹp bất động, bó bột hoặc dùng nạng ngăn ngừa tổn thương thứ phát.
  • Chườm đá lạnh và băng ép giúp giảm phù nề và giảm đau. Đá chườm cần được bọc bằng khăn hoặc túi nhựa và chườm càng sớm càng tốt (trong vòng 15-20 phút đầu) và chườm liên tục từ 24 – 48h sau nắn, có thể băng ép, nẹp cố định vị trí chấn thương.
  • Kê cao chi bị chấn thương trên mức tim trong 2 ngày đầu để máu về tim không gián đoạn giúp dẫn lưu máu tĩnh mạch tốt theo chiều trọng lực để hạn chế phù nề.
  • Sau 48 giờ, có thể dùng biện pháp chườm ấm (ví dụ, dùng tấm đệm sưởi ấm) trong 15 đến 20 phút để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục tổn thương nhanh hơn.

3. Cố định

Cố định khớp có tác dụng giảm đau và kích thích phục hồi nhanh, ngăn ngừa tổn thương thứ phát. Nên bất động trên và dưới khớp bị tổn thương (3). Các phương pháp bất động thường sử dụng là:

  • Bó bột: thường được sử dụng khi trật khớp kèm với gãy xương đơn giản hoặc các thương tích khác cần cố định trên một tuần. Nếu bác sĩ nghi ngờ bị phù nề chi sau khi bó bột thì cần rạch dọc bột và lớp đệm toàn bộ chiều dài phía trong và phía ngoài. Bệnh nhân được hướng dẫn khám lại khi đau nhiều, cảm thấy bột quá chặt, tê bì yếu chi sau bó bột..
  • Dùng nẹp: được sử dụng để bất động trật khớp vững sau khi nắn trật. Ngoài ra, nẹp bất động giúp giảm phù nề do đó ít khi dẫn tới hội chứng khoang sau nẹp. Một số loại trật khớp ở ngọn chi cần phải dùng nẹp cố định cho đến khi hết sưng nề.
  • Cố định bằng đai đeo phù hợp để hỗ trợ khớp trật và giới hạn vận động. Điều này rất hiệu quả trong trật khớp vai vì nếu bất động quá vững sẽ dẫn tới viêm dính khớp vai, vai đông cứng.

Bất động kéo dài (> 3-4 tuần ở người trẻ tuổi) có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm, teo cơ. Những biến chứng này có thể tiến triển nhanh và tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là ở người già. Vận động thụ động chi tổn thương trong vài ngày/tuần sau chấn thương sẽ giảm co rút phần mềm, teo cơ và tăng phục hồi chức năng chi.

Vì vậy, bệnh nhân được khuyên tập các bài tự tập trong quá trình cố định giúp cải thiện tầm vận động khớp, sức cơ, tăng cường độ vững của khớp tổn thương (ví dụ như vận động khuỷu, cổ tay và bàn tay nếu vai đang bất động) nhằm duy trì càng nhiều chức năng càng tốt, từ đó, ngăn ngừa trật khớp tái phát và giảm chức năng khớp về sau.

Đối với bất kì tổn thương hệ cơ xương khớp nào ở người già thì mục tiêu điều trị đều là rút ngắn thời gian bình phục để người bệnh quay về với sinh hoạt hàng ngày.

Biến chứng của trật khớp

Những biến chứng nghiêm trọng của trật khớp ít gặp nhưng có thể gây tàn phế, mất chức năng chi vĩnh viễn,thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Trật khớp, đặc biệt nếu không được nắn chỉnh kịp thời, có nguy cơ cao về tổn thương mạch máu và thần kinh hơn là gãy xương.Trật hở (có thể dẫn đến nhiễm trùng) và trật khớp gây tổn thương mạch máu làm giảm tưới máu mô và tổn thương thần kinh có nguy cơ biến chứng cao nhất. Trật khớp kín không kèm theo tổn thương mạch máu hoặc thần kinh, được nắn chỉnh sớm thì ít có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Các biến chứng cấp tính thường gặp là:

  • Gãy xương: Gãy xương có thể đi kèm trật khớp (chẳng hạn, trật khớp vai thường đi kèm gãy mấu chuyển lớn)
  • Chảy máu: Chảy máu đi kèm với cả các tổn thương mô mềm nghiêm trọng
  • Tổn thương mạch máu: Một số trường hợp trật khớp kín, đặc biệt là trật khớp gối hoặc khớp háng có thể gây thiếu máu cục bộ ở ngoại vi; tổn thương mạch máu có thể được thể hiện trên lâm sàng vài giờ sau chấn thương.
  • Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh có thể bị tổn thương do căng giãn khi trật khớp hoặc có thể bị đứt trong trật khớp hở
  • Nhiễm trùng: Bất kỳ tổn thương nào cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ cao thuộc về những bệnh nhân trật hở hoặc phải phẫu thuật. Nhiễm trùng cấp tính có thể dẫn đến viêm xương, rất khó chữa khỏi.Các biến chứng xa bao gồm:
  • Mất vững: Trật khớp có thể dẫn đến sự mất vững khớp. Sự mất vững có thể làm mất chức năng của khớp và tăng nguy cơ thoái hóa khớp
  • Cứng khớp và hạn chế vận động: Nếu khớp bị bất động quá lâu thì tình trạng cứng khớp sẽ xảy ra sớm hơn. Khớp gối, khuỷu tay, và khớp vai rất dễ bị cứng khớp sau chấn thương, đặc biệt ở người cao tuổi.
  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp xuất hiện chủ yếu khi mạch máu nuôi khớp bị tổn thương. Trật khớp háng bẩm sinh có thể dẫn đến hoại tử xương chỏm xương đùi. Trật khớp còn làm phá vỡ bề mặt chịu lực của khớp, lệch trục và mất vững khớp dẫn đến thoái hóa sụn khớp và thoái hóa khớp.

Trật khớp – mất bao lâu để phục hồi?

Mỗi trường hợp trật khớp đều có thời gian phục hồi khác nhau. Điều này phụ thuộc vào vị trí khớp trật, trật kín hay hở, các tổn thương phối hợp, thời gian được phát hiện và điều trị, thể trạng nền của người bệnh, chế độ tuân thủ điều trị và tập luyện. Phần lớn các trường hợp trật khớp cấp tính sau khi được nắn chỉnh và cố định người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn trong vài tuần. Đối với một số khớp, chẳng hạn như khớp háng, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất vài tháng hoặc vài năm, có thể phải phẫu thuật bổ sung.

Các biện pháp phòng tránh trật khớp

Có thể phòng tránh trật khớp bằng cách tập các thói quen đảm bảo an toàn khi sinh hoạt, luyện tập và làm việc.

1. Một vài thói quen chung trong sinh hoạt để phòng tránh trật khớp

  • Sử dụng tay vịn khi lên xuống cầu thang
  • Luôn có một bộ sơ cứu trong nhà và mang theo khi phải di chuyển, tập luyện nơi khác

Xem thêm: Cách sơ cứu khi bị trật khớp, bong gân

  • Sử dụng thảm chống trơn ở khu vực trơn trượt, ẩm ướt như phòng tắm, nhà vệ sinh
  • Không để các dây, chướng ngại vật tầm thấp trên nền nhà

2. Để giúp tránh cho trẻ ko bị trật khớp, các phụ huynh nên cân nhắc

  • Dạy trẻ các hành vi an toàn khi vui chơi
  • Theo dõi và giám sát trẻ khi cần thiết
  • Đảm bảo ngôi nhà được thiết kế an toàn cho trẻ nhỏ

3. Đối với người lớn để phòng tránh trật khớp, cần

  • Mặc đồ, quần áo bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể chất
  • Đảm bảo quy trình an toàn lao động
  • Chấp hành các quy định an toàn giao thông
  • Tránh đứng trên các vật dụng không chắc chắn

Dinh dưỡng giúp phục hồi tốt sau trật khớp

nhom thuc pham giup phuc hoi chan thuong o khop
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ 6 nhóm thực phẩm giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sau chấn thương trật khớp

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và khoa Cơ xương khớp – Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ Cơ xương khớp giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy, TS.BS Chế Đình Nghĩa, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng, TS.BS Văn Đức Minh Lý, ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, ThS.BS ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, BS.CKI Kim Thành Tri, BS.CKI Lê Thanh Vương… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm, hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet, máy đo bàn chân bẹt và in 3D lót đế giày chuyên dụng, Robot lượng giá sức mạnh Dây chằng khớp gối… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Trật khớp hay sai khớp là chấn thương rất thường gặp trong sinh hoạt, thể thao,… và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể. Các tổn thương ở khớp tuy không gây nguy hiểm đến tình mạng nhưng chúng sẽ khiến cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Thay đổi thói quen sinh hoạt và rèn luyện thể chất sẽ giúp phòng tránh được đáng kể các nguy cơ dẫn đến chấn thương.

Từ khóa » Kéo Nắn Trật Khớp Háng