TRẦU ƠI - NHÀ BÁO TỰ DO CÔNG GIÁO

Bài đã đăng Báo Xuân 2016 Tuần báo Trẻ

TrauOiLúc bảy tám tuổi tôi ở chung với bà ngoại. Ngoại tôi miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Buổi trưa ngủ dậy, cũng thấy bà ngoại ngồi trên bộ ván ngựa nhai trầu. Thỉnh thoảng, ngoại kêu tôi lấy một lá trầu, một miếng cau bỏ vô cối quết sẳn cho ngoại, ngoại đang mắc nấu cơm canh, không rảnh tay ăn. Nói là quết chớ có phải quết gì đâu. Lấy lá trầu cuốn với miếng cau nhét vô cái cối nhỏ bằng đồng, lấy cái cây nhỏ hơn chiếc đũa, dài khoảng một tấc,  một đầu dẹp dẹp bằng đồng mà dầm dầm vô miếng trầu cho đến khi cau trầu cùng nát bét ra mới thôi.

Tôi cứ đi theo hỏi: “Trầu ngon không ngoại?”. Ngoại nói: “Không ngon”. “Không ngon sao ngoại ăn?” – Tôi hỏi tiếp. “Ăn cho đỡ buồn miệng” – Ngoại nói. “Sao buồn miệng mà phải ăn trầu? Ngoại ăn cái khác đi. Ăn trầu nhổ cốt trầu đỏ lòm thấy ghê” – Tôi nói. Ngoại cười nói: “Có gì đâu mà ghê. Trầu sạch mà”. “Ăn trầu nó có mùi gì?”. “Thì nó cay cay, đắng đắng, nồng nồng, ngọt ngọt”. “Vậy con ăn một miếng” – Tôi vừa nói vừa giơ tay ra thò vào ô trầu chực bốc lá trầu ra. “Không được”, bà ngoại giơ tay cản lại, “Không biết ăn làm phỏng vôi của ngoại, ngoại ăn bị phỏng miệng”. “Vôi có phải là lửa đâu mà phỏng” – Tôi cãi lại.

Bà ngoại đứng dậy, bưng cái ô trầu đem giấu. Tôi nhìn theo, định bụng lúc nào bà để hở tôi sẽ ăn cắp một miếng ăn coi trầu nó ra làm sao mà bà ngoại cứ làm như là đồ quý. Nhưng được một lúc sau tôi lo đi chơi chuyện khác nên quên mất, không ăn cắp trầu ăn thử nữa.

Bà ngoại nói hồi xưa đám cưới nhà trai phải bưng mâm cho nhà gái một mâm đầy lá trầu xếp thành vòng tròn trên mâm, một mâm là buồng cau trái nào trái nấy thiệt tròn, không lớn quá cũng không nhỏ quá. Nhà gái mới chia ra mỗi phần vài lá trầu, một trái cau, gói vô giấy hồng điều có viết chữ “song hỉ” nhũ vàng, đem biếu từng nhà họ hàng, lối xóm, coi như một cách thông báo cho mọi người biết “cháu nó vu quy”.

Ngày Ba mươi Tết, ngoại tôi mặc cái áo túi ngắn tay màu trắng bên trong, ngoài mặc quần Mỹ A đen bóng, áo bà ba mới màu nâu. Ngoại chải đầu, độn thêm cục tóc giả rồi bới thành cục tròn lớn phía sau gáy. Ngoại đốt đèn, thắp nhang lên hết các bàn thờ trong nhà, rồi bưng ô trầu ra ngồi bên bàn nước giữa nhà ngồi têm trầu nhai bỏm bẻm chờ đón giao thừa. Ngoại cứ vừa nhai trầu vừa dặn đi dặn lại: “Mấy đứa nhỏ ở trong nhà, không được qua nhà hàng xóm lúc này, chờ nhà người ta xông đất rồi mai mới được qua, qua bây giờ có chuyện gì người ta đổ thừa mình xui xẻo đó”.

Nhà nào trong xóm khá giả một chút thì đốt đèn măng-xông treo giữa nhà, hắt ánh sáng rực ra ngoài sân. Bọn con nít được mặc quần áo mới, hí hửng chạy ra chạy vô, hết ngó nghiêng lên cái bàn nhỏ đặt dưới thờ đang bày biện bánh trái, cỗ bàn rồi lại ngó ra cửa, chổ đang treo dây pháo đỏ hồng chờ đúng giao thừa, pháo nổ là được bưng mâm cỗ xuống ăn.

Mấy ngày Tết, ngày nào ngoại cũng dậy sớm, không biết ngoại dậy từ lúc nào, tôi thức dậy đã thấy nhang trên bàn thờ khói bay nghi ngút, thơm nồng mùi trầm, ngoại mặc quần áo mới ngồi nhai trầu ở cái bàn giữa nhà rồi. Vừa nhai vừa cất giọng nói đều đều, chậm rãi: “Năm nay mưa sớm, thời tiết tốt, khoai chắc trúng mùa”, “Đứa nào xuống bếp nấu mâm cơm đem lên cúng rước ông bà. Bữa nay mùng Một, có đứa nào chúc Tết bà ngoại hông? Từ từ sắp hàng chúc Tết đi, rồi ngoại lì xì cho”, “Cơm nấu rồi, ăn xong mới được đi chơi, đừng có ra ngoài mua đồ ăn bậy bạ ăn vô đau bụng, ngày Tết hổng có đi nhà thương được đâu, xui lắm đó. Tiền đó để dành qua Tết ngoại dẫn đi sắm đồ, muốn mua cái gì thì mua”, “Ngày mai hết Tết rồi, thiệt là lẹ. Vợ chồng thằng Diễn (cha tôi) tính ngày nào mở cửa khai trương tiệm chụp hình?”…

Sau này, khi tôi lớn, bà ngoại tôi đã không còn, tôi sang nhà “ngoại người khác” bên hàng xóm xin trầu ăn. Nghe nói ăn trầu thơm miệng chắc răng nên cũng “làm thử” cho biết. Người già thích nói chuyện mà con cháu đi suốt ngày, không ai có thời gian nói chuyện với bà. Nghe tôi xin trầu, “ngoại người ta” bèn “truyền thụ bí kíp”: “Trầu xanh đậm, lá dày mùi rất nồng, khó ăn. Trầu lá vàng cũng không được, nó kém vị. Trầu ngon là loại lá mỏng vừa phải, nhìn vào thấy mướt mắt, còn nguyên lá, không lớn, không nhỏ, màu xanh nhẹ hơi ngã chút vàng mới được. Cau trái lớn vừa phải, ruột trắng trong, xẻ ra dẻo dẻo nhai mới ngọt. Ruột cau trắng đục, có gân đỏ đỏ là cau chát. Vôi ăn trầu là loại vôi riêng, được chắt lọc thiệt mịn, pha với một chút màu hồng, chỉ để ăn trầu, không phải vôi nào cũng lấy ăn trầu được đâu, phỏng miệng chết”.

Ở trong Nam, ăn trầu phải để cái ống nhổ cạnh chổ ngồi, nhai xong nhổ bã trầu vô đó, không nhổ ra đất làm mất vệ sinh. Ngày xưa, người ta làm ống nhổ bằng đồng, phía dưới là cái bầu tròn hơi dẹp dẹp cuống, cổ ống nhổ thắt nhỏ lại, miệng loe rộng ra để nhổ bã trầu không rớt ra ngoài. Sau này, tôi thấy có loại ống nhổ bằng sứ trắng vẽ hoa văn màu xanh lam. Nhưng kiểu đồ sứ này không được thông dụng vì nó dễ bị rớt bể, và phải thường xuyên kỳ cọ mỗi ngày, nếu không thì nó bị bã trầu bám nhìn ghê lắm.

Tôi cũng bắt chước lấy một lá trầu, vuốt vuốt cho phẳng, lấy cái chìa vôi bôi một lớp mỏng vôi hồng lên mặt có gân nổi của lá trầu, cuộn vào một miếng cau trắng bằng ngón tay út rồi bỏ vào miệng nhai. Ban đầu, vị trầu hơi cay cay, nồng nồng, nhai một lúc thấy ngòn ngọt, say say, nhổ ra bã trầu màu đỏ nâu. Cảm giác hai má nóng bừng bừng lên, tim đập nhanh, chân bước thấp bước cao đường, tự hỏi đường đất hôm nay sao mấp mô dợn sóng kỳ lạ. Nhai thêm lá nữa, bước đi xiêu vẹo ngã nghiêng, tim đập đùng đùng như trống múa lân, nhịp thở dồn dập, thấy một thành hai, cả người nóng bừng như vừa uống xong xị đế. À! Thì ra say trầu là vậy. Nhưng không thử làm sao biết cảm giác say trầu?

Chổ này phải nói cho rõ, thử trầu thì được, chớ đừng vì tò mò muốn biết cảm giác như thế nào mà đi thử… thuốc lắc là xong đời.

Cô Tấm ngày xưa, không rõ têm trầu cánh phượng kiểu gì, trầu đẹp ra làm sao, trầu gì cau gì đặc biệt đến cỡ nào, mà trong miếng trầu có “điện”, làm cho hoàng tử trẻ tuổi vừa nhìn thấy đã bị “điện giật” một phát, thần trí đảo điên, chết mê chết mệt vì miếng trầu của nàng, đến nỗi sau này đến quán nước bà lão nghèo, vừa nhìn thấy miếng trầu đã hỏi ngay câu: “Trầu này ai têm?” còn bụng thì nghĩ “Sao giống trầu của vợ mình têm quá vậy cà”.

Người nào ăn trầu cũng đều có cái ô đựng trầu. Ô trầu giống như cái thau nhôm nhỏ sâu lòng, có ba chân ở dưới để ô đứng vững. Bên trong lòng ô cất trầu, cau, vôi, dao, có cái nắp nhôm đậy lại. Cái nắp nhôm này hơi lõm xuống nên khi nào ăn thì lấy ra một ít trầu cau vừa đủ ăn, bình vôi bày lên cái nắp nhôm. Tôi nhớ cái ô trầu cũ xì ngã màu bằng nhôm bề rộng khoảng hơn gang tay của ngoại. Cái ống ngoái trầu bằng chiếc vỏ đạn đồng bự hơn ngón chân cái cao khoảng bốn phân, cái cây ngoái trầu bằng đồng, cái ống vôi nhỏ bầu tròn cổ thắt bằng sứ trắng đựng vôi hồng, cây têm vôi cũng bằng đồng, cây dao xếp Con Chó (có hình con chó trên cán dao, xuất xứ từ Pháp) để bổ cau của bà ngoại tôi, giờ đã là những hình ảnh chỉ còn trong ký ức ấu thơ. “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ – Bà huyện Thanh Quan).

Việt Nam bi giờ, lớp người già như ngoại tôi suốt ngày chậm chạp đi ra đi vào rồi ngồi trên bộ ván ngựa ngoái trầu, giờ gần như đã “theo ông bà ông vải” ngồi núp sau nải chuối hết rồi. Người được coi là già trên 60 tuổi như mẹ tôi không ăn trầu, lớp trẻ hơn lại càng không. Bây giờ người ta nhai kẹo cao sư cho tiện lợi, sạch sẽ, khỏi phải mất công tìm chổ nhổ bã trầu. Trầu cau chỉ còn là nghi thức cho có trong ngày cưới theo tục lệ cổ truyền, mấy ai quan tâm đến chuyện mang từng trái cau, lá trầu gói trong giấy hồng điều đem biếu, có biếu cũng không ai ăn. Cũng không thấy những cô gái quê sáng sáng gánh từng gánh trầu xanh đi chợ trong sương sớm. Hình ảnh những bà cụ già ngồi ngoái trầu, ăn trầu là một phong tục tập quán, một nét đẹp văn hóa gắn liền với làng quê Việt Nam, cũng giống như hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình… hình ảnh đặc trưng biểu tượng của thanh bình, yên ả.

Thời trước, trai gái yêu nhau không dám “nói thẳng nói thật”, bèn mượn trầu mượn cau nói xa nói gần: “Nhà em có một giàn giầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng/ Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài, nhớ giầu không thôn nào?” (Tương tư – Nguyễn Bính). Cau liên phòng là loại cau ngon, có lá bẹ, ra trái quanh năm. Bây giờ không biết khi yêu nhau, người ta có còn “khoe trầu”, “khoe cau” nhà mình ra như vậy nữa hay không? Hay là “khoe của” theo kiểu khác: Nhà anh có cái ô tô/ Nhà em thì có cái ô (dù) ông già (em)/ Mai kia dù có bao giờ/ Anh gây tai nạn ông già em che?

Trầu nay không còn phổ biến, mà bài ca về bà ngoại với cau trầu vẫn còn mãi, vẫn cứ hay, vẫn làm say đắm lòng người. Chiều cuối tuần ngồi một mình nghe ông hoàng đĩa nhựa Tấn Tài ca bài “Vườn cau quê ngoại”, dứt câu hết bài rồi mà còn làm cho người nghe muốn rớt xuống theo: “Ai dầu xa xứ bao lâu/ Đừng quên bóng ngoại trồng trầu, ươm cau/ Con cò cất cánh bay mau/ Nhìn theo mà nhớ đường vào quê hương”.

Lại bất giác cao hứng ngân nga lời ca vọng cổ: “Trời mưa ướt lá trầu xanh/ Ướt em em chịu, ướt anh em buồn”.

Tạ Phong Tần

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Cày Xong Bỏm Bẻm Nhai Trầu