Trẻ ăn Vạ: Tìm Hiểu Nguyên Nhân Và Giải Pháp Xử Lý - ODPHUB
Có thể bạn quan tâm
Ở mỗi giai đoạn khủng hoảng của trẻ, điều khiến bố mẹ lo lắng nhất chính là mỗi khi trẻ ăn vạ. Trẻ có thể hậm hực với thái độ bướng bỉnh và chống đối mọi điều bố mẹ nói, thậm chí là khóc lóc, gào thét và tự làm đau bản thân.
Tất cả những hành vi tiêu cực này gọi chung là “ăn vạ” nhằm mục đích gây áp lực cho bố mẹ để đạt được điều mình muốn. Để điều chỉnh và xử lý khi trẻ ăn vạ, bố mẹ cần có những biện pháp phù hợp để có thể giúp trẻ bình tĩnh trở lại, cũng như nhận thức và sửa đổi được thái độ và hành vi của mình. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
1. Biểu hiện chung của trẻ hay ăn vạ
Bố mẹ có thể nhận biết khi nào trẻ bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3, đó chính là lúc trẻ hay khóc nhè ăn vạ.
Mỗi lứa tuổi, trẻ lại học thêm được các kỹ năng mới. Ý thức tự lập dần hình thành trong giai đoạn ưa khám phá nhất khiến cho trẻ có mong muốn mãnh liệt đó là tự mình làm mọi thứ giống như người lớn. Trẻ hiểu bản thân hơn một chút, đồng nghĩa với việc hay đòi hỏi hơn. Thế nhưng lúc này, khả năng ngôn ngữ của trẻ vẫn còn hạn chế, kỹ năng vận động của chưa đủ độ “chín” để trẻ có thể thực hiện mong muốn của mình một cách hoàn hảo. Mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng khiến cho trẻ dễ bị ức chế, từ đó mở ra la giai đoạn “địa ngục” đối với bố - khủng hoảng tâm lý.
Trẻ vốn đã dễ cáu kỉnh do không thể diễn đạt trọn vẹn mong muốn của mình tới bố mẹ, nên khi nhu cầu của trẻ bị từ chối, trẻ khóc ăn vạ và gào thét như một hình thức giải tỏa.
2. Nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ
Các chuyên gia cho rằng, khi trẻ 2 tuổi hay khóc ăn vạ (hoặc trẻ lớn hơn) và có các biểu hiện tiêu cực mà trong mắt của các phụ huynh và người lớn được đánh giá “hư đốn” thì rất có thể là do những nguyên nhân sau:
1. Ở lứa tuổi từ 1 đến 3, ý thức về cái tôi trong trẻ đang dần hình thành. Trong giai đoạn này, tốc độ phản ứng với ngôn ngữ giao tiếp của trẻ so với suy nghĩ và mong muốn cá nhân chưa song hành với nhau. Khả năng ngôn ngữ của trẻ dù đang dần phát triển nhưng vẫn còn rất hạn chế nên chưa thể diễn đạt trôi chảy và trọn vẹn mong muốn của mình tới người khác.
Trẻ thường xuyên ở trong trạng thái bị ức chế, không chỉ do hạn chế về kỹ năng ngôn ngữ, mà còn do người lớn hành động trái ý muốn của trẻ. Chính vì thế, trẻ ăn vạ để trút bỏ những cảm giác tiêu cực ra bên ngoài với những hành vi tiêu cực như gào thét, khóc lóc, phản kháng bố mẹ với thái độ ngang ngược, bướng bỉnh.
2. Nhiều trẻ sinh ra vốn đã có đặc điểm tính khí “dễ cáu kỉnh” và cần phương pháp nuôi dạy đặc biệt hơn những đứa trẻ có tính khí dễ hợp tác. Và những trẻ khó tính thường có cách thể hiện cảm xúc ra ngoài mạnh mẽ và dữ dội hơn.
3. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi đang ở trong giai đoạn ưa khám phá và học hỏi thêm về mọi điều xung quanh. Cách học của trẻ lúc này chủ yếu là quan sát và bắt chước hành động của người lớn. Chính vì thế nên cách nuôi dạy, cách bố mẹ và các thành viên trong gia đình đối xử với nhau có ảnh hưởng nhất định tới hành vi của con. Chẳng hạn như bố mẹ hay nổi nóng, cãi cọ và to tiếng,...sẽ vô tình định hướng cho trẻ cách cư xử tiêu cực, thiếu bình tĩnh.
Bố mẹ hãy chú ý thêm rằng, nếu trẻ ăn vạ với những hành động mang tính nghiêm trọng như tự làm đau bản thân, người khác và tình trạng có tần suất cao với xu hướng kéo dài quá mức thì bố mẹ cần tới gặp bác sĩ tâm lý để tham vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất để giúp trẻ.
3. Ảnh hưởng tiêu cực từ cơn ăn vạ của trẻ
Ở lứa tuổi dễ gặp khủng hoảng như 2 và 3 tuổi, trẻ rất có thể sẽ có hành vi ăn vạ với tần suất không thường xuyên và bố mẹ hoàn toàn có thể tự xử lý được. Thế nhưng, bố mẹ nên đặc biệt chú ý nếu trẻ thường xuyên ăn vạ và có những biểu hiện sau:
- Khả năng học tập giảm sút
- Mối quan hệ với những người xung quanh trở nên xấu đi
- Có hành động làm hại tới bản thân và mọi người xung quanh
- Gặp vấn đề về giấc ngủ
- Thường xuyên ném, đập phá đồ đạc
Những hành vi này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của bố mẹ. Điển hình nhất là bố mẹ dễ nổi nóng, mắng hoặc tệ hơn là đánh trẻ. Nếu không phải phản ứng theo kiểu bạo lực thì bố mẹ cũng dễ mất kiên nhẫn, “đầu hàng” và chiều theo mọi ý muốn của trẻ nhằm chấm dứt cơn ăn vạ quấy khóc của trẻ. Tuy nhiên, dù là cách nào đi nữa thì đều có hại và vô tình tạo cho trẻ thói quen ăn vạ nhiều hơn.
>>> Bố mẹ nên đọc thêm:
- Khủng hoảng tuổi lên 2 và những cách để bố mẹ cùng trẻ dễ dàng vượt qua
- Khủng hoảng tuổi lên 3: 9 cách đối phó bố mẹ nên thử
- Tâm lý trẻ 3 tuổi: Bí quyết xử lý khủng hoảng tuổi lên 3 cho cha mẹ
4. Bố mẹ nên làm gì khi trẻ ăn vạ?
Mỗi khi trẻ ăn vạ, bố mẹ thường cảm thấy khả năng kiên nhẫn của mình dường như đang bị thách thức. Thế nhưng, bố mẹ phải luôn nhớ một điều, đó chính là phải nắm vững lập trường và kiên định trước mọi cơn thịnh nộ, khóc lóc, la hét của con. Chỉ cần một lần bố mẹ nhượng bộ, trẻ sẽ hiểu rằng những hành vi tiêu cực của mình rất có hiệu quả, và trẻ sẽ tiếp tục lạm dụng “chiêu” này để đạt được những điều mình muốn trong tương lại.
Để có thể xử lý tình huống khi trẻ ăn vạ, bố mẹ có thể tham khảo 7 bí quyết sau đây:
4.1. Yêu cầu trẻ ngừng hành vi tiêu cực
Mỗi khi bố mẹ thấy trẻ có những biểu hiện tiêu cực như la lối, khóc thét, ném đồ hoặc tự làm đau mình, bố mẹ hãy bình tĩnh yêu cầu trẻ chấm dứt những hành vi đó. Sau đó, bố mẹ hãy từ từ tiến về phía con và ôm con thật chặt. Hãy trấn an trẻ và nhẹ nhàng nhắc nhở con một lần nữa rằng con nên chấm dứt hành vi này.
4.2. Thể hiện tình yêu thương với trẻ
Có nhiều trẻ ăn vạ khi bị bố mẹ từ chối đáp ứng nhu cầu, nhưng có một số trẻ lại ăn vạ chỉ vì muốn có được sự chú ý và sự thấu hiểu của bố mẹ. Đối với kiểu ăn vạ này, tốt nhất là bố mẹ nên dành cho trẻ sự tiếp xúc trực tiếp (da kề da) nhiều hơn như ôm con, nhẹ nhàng chạm vào con, và thể hiện tình yêu thương với con bằng cách nói yêu con. Nhờ vậy, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm, tự tin hơn và giảm dần những hành vi tiêu cực.
4.3. Giữ bình tĩnh tuyệt đối và không phản ứng tiêu cực lại với trẻ
Có lẽ bố mẹ đã nghe rất nhiều lần về việc giữ bình tĩnh trước mọi vấn đề của con, thế nhưng đây lại là điều mà phải bố mẹ nào cũng làm được.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ chưa có đủ kỹ năng giao tiếp và khả năng kiểm soát cảm xúc, thế nên trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác. Đó chính là lý do tại sao bố mẹ cần phải giữ bình tĩnh và không to tiếng với con, đặc biệt là khi con ăn vạ.
Bởi vì thái độ tiêu cực của bố mẹ sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn mà thôi. Và khi trẻ bị la mắng, thậm chí là đánh đòn, trẻ sẽ hiểu sai lệch rằng la hét chính là cách giao tiếp được chấp nhận trong những trường hợp này, và tệ hơn, đó là cứ là người lớn hơn thì có quyền nạt nộ người nhỏ hơn. Điều này giống như một liều thuốc độc đối với tâm lý trẻ. Khi trẻ bước vào xã hội với môi trường đa dạng lứa tuổi, trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi lối cư xử không đúng mực đó của bố mẹ, rồi vô tình trở thành kẻ bắt nạt người khác.
4.4. Kiềm chế cảm xúc và không nặng lời với trẻ
Vào thời điểm trẻ ăn vạ, bố mẹ không nên đánh trẻ, càng không nên mắng mỏ nặng lời hay so sánh trẻ với người khác. Bởi bản thân bố mẹ chắc hẳn ai cũng đã từng trải qua áp lực ganh đua với “con nhà người ta”, việc so sánh sẽ chẳng giúp trẻ hành động tiết chế hơn, mà còn làm con cảm thấy tự ti, mặc cảm. Tương tự với những lời mắng mỏ, đe dọa (“Nếu con không thôi khóc nhè thì ông ba bị sẽ bắt con đi đấy!”), trẻ sẽ dần hình thành nỗi sợ hãi vô hình mà bố mẹ không thể lường trước được hậu quả ảnh hưởng lên tâm lý của trẻ.
4.5. Cương quyết không nhượng bộ trước những đòi hỏi vô lý của trẻ
Bố mẹ không nên nhượng bộ khi con ăn vạ để đòi hỏi những điều không chính đáng (như mua đồ chơi, đòi đồ của người khác,...). Chỉ cần bố mẹ nhượng bộ một lần thì trẻ sẽ nhận ra rằng hành vi của mình rất hiệu quả và sẽ tiếp tục “phát huy” trong những lần vòi vĩnh sau này.
Thay vì nhượng bộ, bố mẹ nên trao đổi và giải thích về yêu cầu của con để con hiểu lý do vì sao bố mẹ từ chối. Bố mẹ cũng không nên “trao thưởng” cho trẻ dựa trên nhu cầu của con (nếu con làm việc nhà, học giỏi mới được mua món đồ con thích). Cơ chế tặng quà có điều kiện như vậy giống như một hình thức “hối lộ” và không có tác dụng dạy cho trẻ hiểu được ý nghĩa của sức lao động, trái lại, còn tiêm nhiễm vào đầu trẻ lối suy nghĩ thực dụng và lợi dụng nhu cầu của người khác.
4.6. Sử dụng kỷ luật lành mạnh
Thay vì sử dụng những hình phạt nghiêm trọng khiến trẻ sợ hãi, bố mẹ nên áp dụng những cách kỷ luật lành mạnh và tích cực hơn như phương pháp hệ quả để nâng cao nhận thức của trẻ.
Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng mọi hành vi của trẻ đều dẫn đến một kết quả khác. Nếu trẻ cư xử tốt thì trẻ có thể nhận được lời khen ngợi, nhưng nếu hành xử không đúng mực thì sẽ bị phạt, hoặc mất đi một số đặc quyền cụ thể. Ví dụ: nếu trẻ không chịu ăn thì trẻ sẽ bị đói; nếu trẻ làm đổ nước ra bàn thì sẽ phải tự lau thấm nước sau đó,...
Bên cạnh đó, những lời khen ngợi giúp điều chỉnh hành vi của trẻ rất hiệu quả. Trẻ sẽ trở nên tự tin hơn, và hiểu được những hành vi nào nên được phát huy. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải khen ngợi trẻ đúng cách, tránh lạm dụng lời khen không cần thiết.
Bằng những cách này, trẻ sẽ hiểu được mối quan hệ giữa hành vi và kết quả mà trẻ nhận được, từ đó trở nên có ý thức và trách nhiệm với mỗi hành động của mình.
4.7. Thống nhất về cách dạy con và đặt ra các quy tắc chung
Yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy con đó là tính thống nhất và đồng thuận giữa bố mẹ. Nếu chỉ có một trong hai người cứng rắn và người còn lại luôn cố gắng dỗ dành và chiều theo ý trẻ thì sẽ gây ra những hậu quả xấu:
- Trẻ bị hoang mang, phân vân và lẫn lộn về quy tắc sống.
- Cảm xúc dễ xáo trộn, không ổn định.
- Trẻ sẽ biết chọn ai về phe với mình mỗi khi ăn vạ để có lợi thế và đạt được điều mình muốn.
Chính vì vậy, bố mẹ cần phải nhất quán trong việc xử lý cũng như đưa ra hình thức phạt hợp lý với trẻ mỗi khi trẻ khóc ăn vạ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần kiên nhẫn dạy con kiểm soát cảm xúc cá nhân, và giúp trẻ nhận ra rằng việc ăn vạ sẽ chẳng có ích lợi gì cho trẻ cả.
Làm sao để tránh được việc trẻ ăn vạ về sau?
Trẻ hay khóc nhè ăn vạ có thể khiến nhiều bố mẹ rất mệt mỏi, thế nhưng thực chất, ăn vạ lại là một hành vi cho thấy trẻ đang phát triển tâm lý một cách bình thường và khỏe mạnh. Do đó, bố mẹ hãy thông cảm cho trẻ, bình tĩnh đón nhận hành vi này và kiên định trong việc định hướng lối cư xử tốt đẹp hơn cho trẻ.
Để tránh được việc trẻ ăn vạ và có những cảm xúc tiêu cực, bố mẹ có thể tham khảo các cách dưới đây:
1. Tạo cơ hội cho trẻ được tự lựa chọn và đưa ra quyết định
Bố mẹ có thể đưa ra nhiều lựa chọn cho trẻ nhưng vẫn đảm bảo nằm trong khuôn khổ bố mẹ chấp nhận được. Điều này giúp trẻ cảm nhận được quyền tự chủ, mà bố mẹ vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Ví dụ nếu con nhất quyết đòi ăn kem ngay sau khi ăn cơm. Bố mẹ có thể nói rằng: “Con có thể lựa chọn giữa việc ăn kem sau khi cùng mẹ dọn bát đũa, hoặc là mẹ con mình tắm xong rồi ăn cho thoải mái nhé?”.
2. Cho phép trẻ được tự làm điều trẻ muốn
Đôi khi trẻ muốn được tự mình mặc quần áo, được tự do ngâm mình tắm trong bồn nước để chơi với bạn vịt,... Bố mẹ chỉ cần đảm bảo sức khỏe của con vẫn đang trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện an toàn nhất cho con để con được thỏa chí thể hiện bản thân thì chắc chắn khả năng trẻ ăn vạ sẽ giảm xuống.
3. Đảm bảo duy trì, thống nhất rõ ràng các quy tắc giữa các thành viên trong gia đình và trẻ
Bố mẹ cần thống nhất rõ ràng những điều trẻ được phép hoặc không được phép làm với trẻ và cả các thành viên khác trong gia đình. Điều này khiến trẻ nhận thứ được giới hạn hành vi của mình, nhờ đó mà bố mẹ có thể tránh được những tình huống trẻ trở nên khó bảo, hay vòi vĩnh vô lý.
4. Để ngăn chặn và xử lý cơn ăn vạ của trẻ, bố mẹ nên:
- Thiết kế riêng một “góc bình tĩnh" dành riêng cho trẻ, để mỗi khi khi trẻ nổi giận, cáu gắt và ăn vạ thì yêu cầu trẻ phải đến đó ngồi cho tới khi tĩnh tâm trở lại.
- Nhắc nhở và trấn an để trẻ bình tĩnh.
- Nếu trẻ vẫn không giữ được bình tĩnh và có những hành vi tiêu cực như làm người khác đau, ném phá đồ đạc, la hét không chịu lắng nghe,... thì bố mẹ hãy đưa trẻ đến góc bình tĩnh. Lúc này, bố mẹ nên giữ một khoảng cách không quá gần nhưng đủ xa để trẻ hiểu rằng, bố mẹ đang kỷ luật và đòi hỏi ở trẻ một thái độ nghiêm túc, đồng thời bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh chứ không bỏ rơi trẻ.
- Điều quan trọng nhất khi trẻ ăn vạ là thái độ bình tĩnh của bố mẹ. Bố mẹ không nên la mắng, quát tháo hay nổi cơn giận dữ với trẻ. Chỉ cần bố mẹ thể hiện cho trẻ thấy thái độ không hài lòng và nhẹ nhàng yêu cầu trẻ chấm dứt việc ăn vạ là đủ.
- Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, bố mẹ hãy ôm trẻ vào lòng. Sau đó, hãy giải thích về cách cư xử và chỉ ra những điểm cần sửa đổi trong hành vi của con.
Việc trẻ ăn vạ sẽ không chỉ diễn ra một vài lần, và cũng không thể chấm dứt ngay lập tức sau khi bị bố mẹ xử lý. Thế nhưng việc ăn vạ của trẻ không chỉ xảy ra một lần và cũng không thể chấm dứt ngay sau một lần bố mẹ xử lý. Nhưng trình tự xử lý như trên có thể giúp trẻ hiểu hơn về cảm xúc của mình. Với sự trợ giúp của bố mẹ, trẻ cũng hoàn toàn có thể học cách bày tỏ mong muốn và nhu cầu của mình tốt hơn.
Từ khóa » Con 2 Tuổi ăn Vạ
-
Xử Lý Cơn Giận Dỗi, Tantrum, ăn Vạ Của Trẻ - POH
-
Trẻ 2 Tuổi Hay ăn Vạ: Từ Nguyên Nhân đến Cách Giải Quyết - Mẹ Bé AZ
-
Nên Kỷ Luật Trẻ 2 Tuổi Như Thế Nào để Bé Ngoan Hơn? - MarryBaby
-
Bé 2 Tuổi Mỗi Ngày 3 Bận Khóc ăn Vạ - VnExpress Đời Sống
-
Chiêu Trị Thói Hay ăn Vạ Của Bé - Mẹ Và Bé - Zing
-
Con Gào Khóc, ăn Vạ Không "thuốc Chữa", Chuyên Gia Mách Cho Mẹ ...
-
5 Việc Cha Mẹ Nên Làm Khi Trẻ 2 Tuổi Hay Cáu Gắt ăn Vạ | Bé Yêu
-
Làm Gì Khi Con ăn Vạ? - Sakura Montessori School
-
Trẻ ăn Vạ Và Cách Xử Lí Khi Trẻ ăn Vạ.
-
Bé Hay “ăn Vạ”, Mẹ Phải Làm Sao? - Bio-acimin
-
Cha Mẹ Cần Làm Gì Khi Trẻ 2 Tuổi Quấy Khóc Không Rõ Nguyên Nhân?
-
Mẹ Thông Minh Xử Lý Cơn ăn Vạ ở Con - VietNamNet
-
Bé 2 Tuổi Bướng Bỉnh, Hay ăn Vạ. Mách Mẹ Cách Dạy Con Ngoan ...