Trẻ Biếng ăn Phải Làm Sao? 12 Cách Giúp Trẻ Hết Biếng ăn - Nutrihome
Có thể bạn quan tâm
Có rất nhiều lý do khiến trẻ biếng ăn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy trẻ biếng ăn phải làm sao, cách trị trẻ biếng ăn thế nào để giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện là mối quan tâm của nhiều bố mẹ.
Biếng ăn thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Khi bé biếng ăn, mỗi bữa ăn của trẻ và bố mẹ thường được ví như “cuộc chiến”. Bởi trẻ ngậm hoặc không nhai và nuốt hoặc phun thức ăn khi được cho ăn, mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút,… Lượng thức ăn con ăn vào không đủ khiến bố mẹ lo lắng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, để có thể cải thiện triệt để tình trạng biếng ăn ở trẻ, trước tiên bố mẹ cần hiểu các dấu hiệu và nguyên nhân nào khiến trẻ biếng ăn từ đó mới đưa ra giải pháp cụ thể, rõ ràng.
Trẻ biếng ăn phải làm sao?
5 dấu hiệu cảnh báo trẻ biếng ăn
Khi thấy trẻ không chịu ăn, điều đầu tiên nhiều bố mẹ nghĩ đến là bé yêu quá kén chọn thức ăn chứ không phải biếng ăn. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ban đầu trẻ biếng ăn bố mẹ không nên chủ quan.
Để sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời tình trạng biếng ăn ở trẻ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, gợi ý các bố mẹ một số dấu hiệu nhận biết biếng ăn dưới đây:
1. Chỉ số cân nặng, chiều cao không đạt chuẩn
Liên tiếp trong vòng 3 tháng, chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ gần như đứng yên tại chỗ, tăng rất ít thậm chí trẻ có thể bị sụt cân. Điều này cho thấy trẻ có thể đang mắc chứng biếng ăn, ăn không hấp thu.
Theo đó, để nhận biết sự thay đổi/ hoặc đứng yên của các chỉ số này, hàng tháng bố mẹ cần theo dõi bảng chuẩn phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ theo độ tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhé!
Cân nặng không tăng trong vòng 3 tháng là một trong những dấu hiệu biếng ăn ở trẻ
2. Trẻ chỉ ăn một vài loại thức ăn, không chịu ăn thử món mới
Mỗi bữa ăn trẻ chỉ ăn đúng một loại thực phẩm, ăn đúng món ăn mình thích ngoài ra không muốn thử hoặc ăn bất kỳ món mới nào. Đây cũng được xem là dấu hiệu biếng ăn ở trẻ bố mẹ cần lưu ý. Bởi trẻ con thường thích khám phá, “nếm trải” những điều mới lạ, và đương nhiên, các món ăn mới cũng không ngoại lệ vì chúng bao giờ cũng khá hấp dẫn và thơm ngon.
3. Bé “bất hợp tác” khi đến bữa, thời gian mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút
Thời gian ăn lâu hơn bình thường, mỗi bữa ăn của trẻ có thể kéo dài hơn 30 phút. Trong bữa, trẻ thường nhai thức ăn rất chậm, hoặc không nhai, ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt hoặc lấy tay che miệng, phun/nhè thức ăn ra ngoài khi được đút cho ăn…
Thời gian bữa ăn kéo dài trên 30 phút là đặc điểm thường gặp ở các trẻ biếng ăn
4. Lượng thức ăn mỗi ngày ít hơn những trẻ cùng độ tuổi
Tùy theo đội tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, khả năng hấp thu mà… lượng thức ăn ăn vào hàng ngày của mỗi trẻ không giống nhau. Tuy nhiên, nếu so sánh với những đứa trẻ cùng tuổi, lượng thức ăn, sữa trẻ nạp vào cơ thể hàng ngày khá ít và có chiều hướng ngày càng giảm, bố mẹ không nên chủ quan, bởi đây là một dấu hiệu cảnh báo trẻ biếng ăn.
5. Trẻ dễ mắc bệnh hơn
Khi một đứa trẻ biếng ăn, lười ăn cơ thể sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng và tăng cường/ nâng cao hệ thống miễn dịch. Do đó, trẻ rất dễ bị bệnh vặt (nhất là các bệnh về đường tiêu hóa và bệnh ở đường hô hấp) và tần suất đi khám bệnh/ hoặc nhập viện của trẻ nhiều hơn so với các bạn cùng tuổi.
Những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, lười ăn, ăn rất ít hoặc thậm chí bỏ ăn. Dưới đây là một số nguyên nhân gây biếng ăn phổ biến ở trẻ nhỏ mọi độ tuổi được chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo các bố mẹ:
1. Thực đơn các món ăn nhàm chán, ăn liên tục một món trong thời gian dài
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ từ chối, nói không với các bữa ăn hàng ngày. Thực đơn lặp đi lặp lại với vài loại thực phẩm và cách chế biến nhàm chán, không phù hợp với khẩu vị, sở thích sẽ không thể kích thích vị giác và cảm giác thèm ăn ở trẻ.
Bé biếng ăn thường có cảm giác khó chịu và không muốn ăn với hầu hết các loại thức ăn
2. Ăn bữa phụ quá no hoặc quá gần bữa chính
Các bữa ăn phụ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung thêm cho trẻ năng lượng và các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, góp phần giúp trẻ vận động khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bố mẹ cho trẻ ăn quá nhiều trong bữa ăn phụ thì phần năng lượng và thức ăn dư thừa sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ trong các bữa ăn chính hoặc có thể khiến trẻ bỏ bữa.
3. Trẻ bị táo bón kéo dài hoặc thường xuyên
Tình trạng táo bón cũng được xếp vào nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, bỏ ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Táo bón là tình trạng trẻ đi tiêu chỉ 1 – 3 lần trong một tuần, sự ứ đọng phân khiến bụng trẻ luôn “bị đầy”, căng chướng gây cho trẻ cảm giác khó chịu, không muốn ăn, ăn rất ít.
4. Chán ăn tâm thần hoặc các rối loạn ăn uống khác
Mặc dù tình trạng chán ăn tâm thần thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng vấn đề này cũng đã được các chuyên gia xác định có thể xảy ra ở những đứa trẻ dưới 6 tuổi. (1)
5. Nhạy cảm với thức ăn
Một số trẻ có thể mắc chứng nhạy cảm với thức ăn chẳng hạn như mắc bệnh celiac (một phản ứng với protein gluten, có trong lúa mì và lúa mạch) hoặc kém dung nạp với lactose khiến trẻ khó chịu, sôi bụng hoặc thậm chí đau, tiêu chảy sau khi ăn.
6. Bé bị thiếu vitamin và khoáng chất
Tình trạng thiếu hụt các chất khoáng vi lượng, đặc biệt là sắt và kẽm chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng biếng ăn chậm lớn ở trẻ. Biểu hiện của trẻ thiếu sắt là làn da hơi xanh, niêm mạc miệng, mắt nhợt nhạt. Trẻ lớn hơn có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ không chịu chơi, quấy khóc. Trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu kéo dài và thường biếng ăn, ăn không ngon, lâu ngày gây nên tình trạng chậm phát triển cả trí tuệ và thể chất.
Trong khi đó, kẽm chính là thành phần của các men tiêu hóa, do vậy, nếu thiếu nguyên tố vi lượng này sẽ khiến hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động không tốt và dẫn đến tình trạng biếng ăn. Bố mẹ có thể nhận biết trẻ thiếu kẽm nếu thấy bé chậm phát triển hoặc ăn không ngon miệng, tiêu chảy, rụng tóc, viêm da, rối loạn giấc ngủ,…
Để xác định trẻ có thiếu sắt hay kẽm không và thiếu nhiều hay ít, các bác sĩ dinh dưỡng cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, trẻ cần được xây dựng thực đơn hỗ trợ bổ sung sắt và kẽm thông qua thực phẩm.
Nutrihome là Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng cao cấp đầu tiên được đầu tư hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học hiện đại, máy phân tích thành phần cơ thể thế hệ mới nhất, máy xét nghiệm vi chất tiên tiến, máy siêu âm… giúp chẩn đoán nhanh, chính xác, góp phần quan trọng cho quá trình điều trị hiệu quả tình trạng thiếu vi chất ở trẻ.
7. Mắc bệnh lý tiềm ẩn khác
Một số vấn đề nhiễm vi khuẩn, virus, bệnh lý ở dạ dày, viêm thực quản, bệnh thận, gan hoặc các bệnh lý ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể cũng có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu trong người và chán, lười không muốn ăn.
Ngoài các nguyên nhân chính trên, bé biếng ăn (lười ăn) còn có thể vì một số nguyên nhân khác như do tính cách bé quá hiếu động, ham chơi mà quên cảm giác đói, lý do thay đổi môi trường sống cũng khiến trẻ biếng ăn trong một thời gian ngắn.
Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hướng dẫn cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả
Dù trẻ biếng ăn do nguyên nhân nào bố mẹ cũng không nên cố ép trẻ ăn. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch, bởi càng ép trẻ sẽ càng sợ ăn và tình trạng biếng ăn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Theo lời khuyên của chuyên gia, bố mẹ cần xử trí tình trạng này tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên.
Đối với các nguyên nhân do sở thích, về cách cho trẻ ăn uống sai phương pháp, bố mẹ có thể tự điều chỉnh để giúp trẻ cải thiện khả năng ăn của mình. Ngược lại, với những nguyên nhân bệnh lý, việc đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời là vô cùng cần thiết.
Dưới đây là một số cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả có thể giúp bố mẹ giải đáp thắc mắc trẻ biếng ăn phải làm sao hay làm gì khi trẻ biếng ăn.
1. Không ép ăn khi con không đói
Hãy để trẻ tự ăn và ăn theo tốc độ bình thường của bản thân, cần cố gắng không thúc ép trẻ ăn nhiều. Hãy xem giờ ăn của trẻ là “thời gian gắn kết gia đình” hơn là “thời gian áp lực cho bé ăn”, để việc ăn uống trở nên nhẹ nhàng cho cả bố mẹ và bé.
Điều bố mẹ cần làm là cung cấp nhiều thực phẩm đa dạng trong các bữa ăn với số lượng có thể kiểm soát được và để trẻ ăn theo ý thích.
2. Tạo cho trẻ thói quen ăn đúng bữa
Bố mẹ có thể lên lịch cụ thể để tạo cho trẻ thói quen ăn uống đúng bữa, đúng giờ. Nếu nhận được câu “Con không đói” từ trẻ, hãy khéo léo nhắc trẻ về việc nhà bếp sẽ không phục vụ sau giờ ăn. Tuy nhiên, cách này sẽ phù hợp hơn với những trẻ đã lớn, có nhận thức về giờ giấc và tính kỷ luật.
Bố mẹ nên sắp xếp các bữa ăn chính và phụ cách nhau 2-3 giờ, giữa các bữa ăn chỉ cho trẻ uống nước. Nên hạn chế việc cho trẻ ăn vặt và uống sữa thay nước trong ngày vì điều này sẽ làm bé “ngang dạ” và không có cảm giác thèm ăn khi đến bữa, đồng thời cũng dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn hay ngậm. Tối đa chỉ nên cho ăn vặt một lần mỗi ngày và sau khi đã ăn xong bữa chính. Đồng thời, hãy khuyến khích trẻ tăng cường các hoạt động thể chất sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Khi con không chịu ăn, bố mẹ thường hay cho con vừa ăn vừa chơi hoặc đi rong để cố ép con ăn hết khẩu phần, thời gian thường kéo dài. Điều này vừa làm thức ăn không còn ngon, vừa khiến bé thêm chán ăn và khiến khoảng cách giữa các bữa ăn của bé bị thu hẹp lại, bé còn chưa kịp cảm thấy đói đã phải ăn bữa tiếp theo.
Một bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa là 30 phút, nếu bé không ăn được nhiều cũng nên kết thúc và cố gắng cho bé ăn ở bữa kế tiếp hoặc tăng thêm bữa ăn cho bé.
Lên lịch ăn uống cụ thể để bé chủ động và có thói quen tham gia ăn cùng với các thành viên trong gia đình
Tránh phạt trẻ vì từ chối thức ăn, điều này có thể biến việc nếm thức ăn mới thành một điều tiêu cực. Thay vào đó, bố mẹ có thể đặt giới hạn thời gian khoảng 20 phút cho một bữa ăn. Nếu trẻ chưa ăn, hãy mang đi và không cung cấp đồ ăn nhẹ hoặc bữa ăn thay thế cho trẻ sau đó.
3. Trẻ biếng ăn phải làm sao? Giúp trẻ tiếp nhận các loại thực phẩm mới
Bố mẹ có thể tưởng tượng, việc ăn những món ăn mới đối với trẻ cũng giống khi bản thân bạn thử một món ăn khác lạ lần đầu tiên mà không biết mùi vị hay cảm giác trong miệng thế nào. Tất cả các loại thức ăn mới đều có hương vị và ấn tượng mạnh ngay từ lần đầu. Nếu trẻ có cảm giác không thích món ăn mới, khả năng cao sẽ từ chối chúng ở những bữa ăn tiếp theo.
Để có thể giúp trẻ tiếp nhận các loại thực phẩm và món ăn mới. Điều cần thiết là bố mẹ cần làm là cho phép trẻ có thể nếm thử, ngửi, liếm, chạm vào, trộn và nghiền thức ăn hoặc thậm chí bỏ thức ăn ra khỏi miệng một cách lịch sự. Đây là một cách thú vị để trẻ khám phá thực phẩm mà không có cảm giác áp lực phải thực sự ăn.
Chưa kể, việc có đầy đủ quyền lựa chọn trong ăn uống sẽ giúp trẻ đến gần hơn bước cuối cùng là dễ dàng chấp nhận nhiều loại thức ăn mới sau này. Một típ nhỏ cho bố mẹ là nên chia các loại thức ăn mới lạ vào chén, đĩa riêng để trẻ có thể khám phá mà không ảnh hưởng đến phần ăn bình thường yêu thích của trẻ.
Ngoài ra, thừa nhận sự dũng cảm của trẻ cũng là cách trị trẻ biếng ăn bởi nó kích thích sự tự tin, khả năng phiêu lưu và yêu thích sự khám phá của bé với các loại thức ăn, đặc biệt là những loại thực phẩm hơi khó ăn với đa số người như bông cải xanh.
>> Có thể mẹ quan tâm: 30 món ngon cho bé lười ăn, trẻ hết biếng ăn dễ làm cho mẹ
4. Tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn, không nên khiến trẻ bị căng thẳng
Không ai có thể ăn cùng một loại thức ăn trong thời gian kéo dài hoặc đơn giản là cảm thấy chán, không muốn ăn và trẻ em cũng vậy. Tuy nhiên, vấn đề này có thể khắc phục nếu bữa ăn là thời gian gia đình vui vẻ bên nhau. Bố mẹ có thể ngồi ăn với con bất cứ khi nào có thể và cho trẻ thấy mình thích món ăn đến mức nào.
Một cách khác để tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong giờ ăn là cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị – chế biến nguyên liệu và nấu nướng các món ăn cho bữa cơm ăn của gia đình.
5. Giảm sự phân tâm của trẻ khi ăn
Nhiều bậc phụ huynh thường sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính bảng hoặc đồ chơi để trẻ không quấy khóc trong khi ăn và thừa cơ hội đút cho trẻ ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, cách làm này có thể phản tác dụng, hình thành thói quen xấu cho trẻ cũng như khiến thời gian ăn uống trở nên kéo dài hơn.
Chuyên gia cho biết, các loại thiết bị điện tử và những thứ gây mất tập trung khác sẽ cản trở khả năng tự điều chỉnh sự thèm ăn của trẻ, khiến cho trẻ không cảm nhận được mùi vị trong món ăn và dễ dàng từ chối bữa ăn nếu không có thiết bị điện tử đi kèm.
Ngoài ra, việc ăn uống theo cách này sẽ làm cho trẻ dễ dàng lâm vào tình trạng ăn thiếu hoặc ăn quá mức bình thường. Do đó, bố mẹ cần chú ý không đặt đồ chơi trên bàn cũng như không cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, máy tính bảng… và kể cả bố mẹ cũng không nên sử dụng điện thoại khi ăn cùng trẻ.
Tránh việc ăn uống cùng với các loại thiết bị điện tử vì sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ về lâu dài
6. Đa dạng thực đơn với nhiều món mới và trình bày đẹp mắt
Cha mẹ hay băn khoăn với câu hỏi bé biếng ăn phải làm sao nhưng thực tế họ lại chỉ chế biến món ăn theo thói quen hoặc lặp đi lặp lại một thực đơn từ ngày này qua ngày khác. Đa dạng thực đơn đủ dinh dưỡng, nhiều món mới và trình bày đẹp mắt là cách giúp trẻ hết biếng ăn khá phổ biến, khiến trẻ thấy thích thú hơn trong giờ ăn vì sẽ được “khám phá” nhiều món ăn ngon và đẹp mắt.
Mẹ cần đa dạng bữa ăn cho trẻ, sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau từ thịt, cá, hải sản, trứng, nấm,… Ngoài ra, phụ huynh cũng nên chú ý đến khẩu vị của bé như thế nào, có những bé không thích ăn ngọt nhưng bố mẹ lại dùng quá nhiều các nguyên liệu có vị ngọt như bí đỏ, củ cải, cà rốt trong chế biến bữa ăn cho bé. Bố mẹ có thể lên danh sách các món ăn, cùng trẻ đưa ra một vài lựa chọn và cố gắng luân phiên thay đổi các món ăn thường xuyên, cho trẻ ăn những món mới cùng những món ăn mà trẻ đã biết và yêu thích.
Một điều đơn giản để tạo sự mới mẻ, hứng thú trong giờ ăn với trẻ nhỏ là bố mẹ có thể thay đổi hình dạng, kết cấu của thức ăn, tạo ra hình dáng khác biệt đối với trẻ hoặc kết hợp nhiều phương pháp nấu ăn khác nhau cho cùng một loại thực phẩm như hấp, nướng, luộc, xào….
Đối với những trẻ lớn hơn, bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn những thức ăn giống những thành viên còn lại trong gia đình. Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập, nhận được dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm và dễ dàng chấp nhận các mùi vị và thức ăn mới.
Đa dạng bữa ăn là cách để ba mẹ cải thiện tình trạng trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng
Tại hệ thống Dinh dưỡng Nutrihome, các kỹ sư tiết chế dinh dưỡng sẽ xây dựng thực đơn cá nhân hóa theo ngày, tuần, tháng dựa trên tình trạng dinh dưỡng, sở thích và thói quen ăn uống của bé.
>> Xem thêm: Cách nấu 8 món cháo cho trẻ biếng ăn giàu dinh dưỡng
7. Để trẻ chủ động khám phá thức ăn thay vì ép
Khi thấy trẻ biếng ăn, bố mẹ thường có tâm lý tìm đủ mọi cách để con ăn được nhiều như cho con xem hoạt hình, đi ăn rong và thậm chí là ép buộc, dọa nạt. Tuy nhiên, cách này khiến trẻ sợ hãi, nảy sinh sự chống đối và không muốn ăn.
Phụ huynh chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích con ăn. Nếu bé không muốn ăn và đã thấy no, bạn hãy tôn trọng quyết định của bé. Khi bé ăn ngoan, bố mẹ cũng nên khuyến khích và khen ngợi để bé có thêm sự hào hứng trong việc ăn uống.
Từ 7 – 9 tháng tuổi, cha mẹ có thể tập cho bé bốc ăn để tăng vận động của bàn tay. Khi bé tròn 1 tuổi trở lên, bạn nên tập cho bé cầm thìa để con tự khám phá bữa ăn. Cách này rèn cho bé tính tự lập cao.
Hãy để trẻ cùng bố mẹ tham gia vào việc đi mua thực phẩm, chuẩn bị, lên kế hoạch thực đơn, nấu ăn, phục vụ và dọn dẹp hàng ngày. Cách làm này rất hay, nhằm giúp trẻ chủ động và yêu thích việc ăn uống hơn. Việc cho con trẻ tham gia có thể khiến quá trình nấu ăn lâu hơn một chút, nhưng lợi ích đối với trẻ là rất lớn và điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Hãy thử đặt tất cả các nguyên liệu lên bàn, cùng thảo luận và để con tự chế biến bữa ăn. Điều này sẽ mang lại cho trẻ cảm giác độc lập và có thể kiểm soát việc ăn uống của mình. Bố mẹ có thể áp dụng thường xuyên cách này với các bữa ăn nhẹ và làm nhanh như bánh tacos, sữa chua, mì ống, món xào, bánh pizza tự làm và bánh su kem…
Để bé chủ động ăn uống là một trong những lời giải cho câu hỏi trẻ biếng ăn phải làm sao?
Ngoài ra, tùy theo độ tuổi, bố mẹ có thể phân công con làm những việc nho nhỏ trong bếp, cho bé cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn. Điều này sẽ giúp con hào hứng và thấy được vai trò quan trọng của mình trong việc tổ chức bữa cơm cho gia đình. Kết quả là con sẽ ăn ngon miệng hơn.
8. Cách giúp trẻ hết biếng ăn là chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa
Một số trẻ không muốn ăn chỉ vì khẩu phần ăn quá nhiều và quá sức đối với trẻ. Trẻ có thể dễ dàng cảm thấy ngán và từ chối thức ăn ngay khi nhìn thấy, đây cũng là điều dễ hiểu.
Bố mẹ nên quan sát và hãy cố gắng điều chỉnh, cắt giảm khẩu phần ăn phù hợp đối với độ tuổi, tình trạng sức khỏe của trẻ. Đôi khi có thể cắt giảm một nửa khẩu phần để trẻ dễ dàng chấp nhận món ăn hơn sau đó mới dần dần tăng lên. Trong một số trường hợp, cách làm này có thể kích thích trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
9. Khuyến khích trẻ vận động đầy đủ
Vận động là cách rất tốt để kích thích cơ thể trẻ phát triển về cân nặng, chiều cao và các cơ quan trong cơ thể một cách khỏe mạnh. Ngoài ra, việc tiêu tốn năng lượng khi vận động sẽ kích thích cảm giác đói bụng và vì vậy trẻ sẽ ăn được nhiều hơn, hệ tiêu hóa sẽ hoạt động tốt hơn.
Thường xuyên vận động là một trong những cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả
Bên cạnh đó, hoạt động thể chất còn giúp hỗ trợ các quá trình chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể trẻ được diễn ra nhanh chóng, các hệ cơ quan phát triển toàn diện, giúp trẻ hạn chế mắc các vấn đề về chậm phát triển cũng như các tình trạng sức khỏe khác.
10. Bổ sung các chất khoáng vi lượng bị thiếu hụt cũng là cách trị trẻ biếng ăn
Suy dinh dưỡng là một trong những vấn đề phổ biến nhất ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng không những được phản ánh qua tình trạng chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao mà còn có thể xuất hiện ở những trẻ thừa cân, béo phì do ăn nhiều thức ăn thừa năng lượng nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng vi lượng thiếu yếu.
Khi trẻ bị thiếu các khoáng chất và vitamin cần thiết cho các quá trình chuyển hóa như sắt, canxi, natri, clo, vitamin A, vitamin nhóm B, C hoặc vitamin D, các vấn đề bệnh lý tương ứng sẽ xuất hiện như thiếu máu, teo cơ, chậm phát triển xương, suy giảm miễn dịch… Điều này sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn và trẻ thường dễ dàng từ chối thức ăn.
Việc bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, khuyến khích trẻ hoạt động ngoài trời sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng vi lượng thiết yếu và cũng là cách giúp trẻ hết biếng ăn. Mẹ có thể tìm hiểu một số loại thực phẩm bổ sung, thuốc cho trẻ biếng ăn và cần tham khỏa ý kiến bác sĩ trước khi cho bé sử dụng.
11. Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa
Trong các trường hợp nghi ngờ trẻ biếng ăn bị suy dinh dưỡng, trẻ mắc các bệnh lý như nhiễm trùng không cải thiện, bố mẹ nên tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để trẻ được chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh lý (nếu có) kịp thời.
Một số tình trạng nhiễm trùng như viêm ruột, nhiễm siêu vi, tiêu chảy, trào ngược… có thể làm giảm khả năng ăn uống và sự phát triển của trẻ.
Khi trẻ biếng ăn chậm tăng cân kéo dài, bố mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa
12. Hãy kiên nhẫn, đừng nóng vội
Đây là điều rất quan trọng và không hề dễ dàng đối với các bậc bố mẹ trong việc chăm sóc – nuôi dưỡng và dạy dỗ. Sự kiên nhẫn sẽ giúp bố mẹ tìm ra được nguyên nhân cốt lõi khiến trẻ trở nên biếng ăn và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, khi bố mẹ kiên nhẫn cùng trẻ nấu ăn, hướng dẫn và ăn uống với trẻ thường xuyên, tình cảm gia đình sẽ trở nên tốt hơn. Đồng thời giúp trẻ vừa phát triển tốt về thể chất, vừa có sự hoàn thiện tâm lý và các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.
Dịch vụ khám dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn tại Nutrihome
Biếng ăn ở trẻ là tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nghiêm trọng nhất là sự mất cân bằng điện giải hoặc rối loạn nhịp tim gây tử vong. Ngoài ra, biếng ăn có thể gây ra tình trạng thiếu chất, thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm lớn còi xương, kém phát triển thể chất trí não, cơ thể suy nhược…
Để nhận biết chính xác trẻ có biếng ăn hay không từ đó có cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả, ngoài các dấu hiệu nêu trên, bố mẹ có thể đưa trẻ đi khám tại Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.
Tại đây, sau khi thăm khám lâm sàng, tùy theo tình trạng sức khỏe các bác sĩ có thể chỉ định trẻ thực hiện các xét nghiệm như: xét nghiệm vi chất, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân… Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán, giải pháp điều trị hiệu quả, xây dựng khẩu phần và thực đơn phù hợp với nhu cầu của trẻ, hướng dẫn bố mẹ cách lựa chọn thực phẩm và phương pháp chế biến món ăn đơn giản, giúp bé ăn ngon và ăn nhiều góp phần cải thiện tình trạng trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng và giúp bố mẹ tìm ra cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả, trẻ phát triển toàn diện.
Trên là những thông tin cơ bản về tình trạng biếng ăn ở trẻ, hướng dẫn 12 cách trị trẻ biếng ăn từ chuyên gia nhằm giải đáp thắc mắc trẻ biếng ăn phải làm sao của hầu hết các bố mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên điều quan trọng các bố mẹ cần ghi nhớ là, có rất nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ cũng như các giải pháp can thiệp khác nhau. Do đó bố mẹ cần quan sát, theo dõi trẻ để phát hiện sớm nguyên nhân và hết sức kiên nhẫn trong việc áp dụng các cách giúp trẻ hết biếng ăn để đạt hiệu quả tối ưu.
5/5 - (1 bình chọn)Từ khóa » Cách Trị Trẻ 1 Tuổi Biếng ăn
-
Trẻ 1 Tuổi Biếng ăn Phải Làm Sao? Mách Mẹ 5 Cách Hiệu Quả
-
Làm Sao để Trẻ 1 đến 2 Tuổi Hết Biếng ăn? - Bio-acimin
-
Vì Sao Trẻ Dưới 1 Tuổi Biếng ăn Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả?
-
Trẻ 1 Tuổi Lười ăn Phải Làm Sao? - Eva
-
Phân Biệt Biếng ăn Sinh Lý - Biếng ăn Bệnh Lý | Vinmec
-
Trẻ Biếng ăn Phải Làm Sao? Nguyên Nhân Và 9 Cách Lấy Lại Khẩu Vị ...
-
Trẻ 1 Tuổi Biếng ăn Phải Làm Sao? - NutriBaby
-
Trẻ Biếng ăn Phải Làm Sao? Mách Mẹ 6 Cách Giúp Trẻ Hết Biếng ăn
-
Thực đơn Cho Trẻ 1 Tuổi Biếng ăn Mẹ Cần Tham Khảo
-
Mách Mẹ 10 Cách Trị Biếng Ăn Hiệu Quả Cho Trẻ 2-3 Tuổi
-
Trẻ 1 Tuổi Biếng ăn Nên Bổ Sung Gì để Con ăn Ngon Hơn?
-
Mẹo Nhỏ Giúp Mẹ Cải Thiện Trẻ Dưới 1 Tuổi Biếng ăn - BioAmicus
-
Nguyên Tắc điều Trị Cho Trẻ Biếng ăn Dưới 1 Tuổi
-
30 Thực đơn Cho Trẻ 1 Tuổi Biếng ăn Khiến Con"khuất Phục" - Fitobimbi