Trẻ Mấy Tháng Mọc Răng? Thứ Tự, Dấu Hiệu Và Cách Chăm Sóc

MỤC LỤC BÀI VIẾT

 

 

 

  • Trẻ mấy tháng bắt đầu mọc răng?
  • 8 dấu hiệu bé mọc răng mà mẹ nên chú ý
  • Lịch mọc răng sữa và thứ tự mọc răng của trẻ
  • Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ
  • Trẻ mọc răng sớm hay muộn có ảnh hưởng gì không?
  • Cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn mọc răng
  • Khi nào mẹ cần liên hệ bác sĩ về việc bé mọc răng?
  • Một số câu hỏi thường gặp khi trẻ mọc răng

Bài viết có sự tham vấn y khoa từ Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh, chuyên ngành Nội nhi, Khám chữa bệnh trẻ em, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

Đón con chào đời và chăm sóc bé nhỏ chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, đặc biệt với các mẹ bỉm lần đầu nuôi con. Nhiều mẹ có thể luôn đặt sự chú ý lên các cột mốc phát triển đầu đời quan trọng của bé như: lật lăn, tập bò, biết đi, cười thành tiếng hoặc đơn giản là... thắc mắc trẻ mấy tháng mọc răng? Và trong bài viết dưới đây, Huggies sẽ chia sẻ những thắc mắc về thời gian khi nào bé mọc răng cũng như các dấu hiệu mọc răng, để mẹ nhà mình yên tâm chăm sóc bé, mẹ cùng đọc nhé!

>>Tham khảo: Các giai đoạn phát triển của trẻ từ 1 - 3 tuổi

Trẻ mấy tháng bắt đầu mọc răng?

Bé mấy tháng mọc răng? Mọc răng là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ, mang ý nghĩa đặc biệt trong việc chuyển đổi từ sữa mẹ hay sữa công thức sang quá trình nhai nuốt thức ăn đặc. Theo tiêu chuẩn thông thường, giai đoạn mọc răng ở trẻ sơ sinh bắt đầu từ 6 đến 8 tháng tuổi cho tới khi bé được khoảng 2 tuổi, với thứ tự mọc răng của bé như sau:

  • 6 tháng: con mọc những chiếc răng sữa đầu tiên.
  • 12 tháng: con mọc khoảng 6 chiếc răng.
  • 24 tháng: con mọc 20 chiếc răng.

Đặc biệt, nếu con mọc những chiếc răng đầu tiên khi:

  • 3, 4 hoặc 5 tháng: con đang mọc răng sớm.
  • 9 - 12 tháng: con mọc răng muộn.
trẻ mấy tháng mọc răng

 

Trẻ mọc những chiếc răng sữa bắt đầu ở tháng thứ 6 (Nguồn: Sưu tầm)

8 dấu hiệu bé mọc răng mà mẹ nên chú ý

Như đã đề cập phía trên, quy trình mọc răng của bé tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, mỗi em bé cũng sẽ có các dấu hiệu trẻ mọc răng khác nhau, có bé sẽ không có dấu hiệu nào, có bé sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Chảy dãi: Khi trẻ bắt đầu mọc răng, tuyến nước dãi có thể bị kích thích, khiến trẻ chảy nước dãi nhiều hơn. Từ khoảng 10 tuần tuổi đến 4 tháng tuổi, tình trạng này thường xuất hiện và có thể kéo dài cho đến khi các chiếc răng mọc đầy đủ.
  • Cằm và quanh miệng nổi ban: Khi bé chảy quá nhiều nước dãi, lượng nước này sẽ tiếp xúc với da mặt, miệng và đôi khi là cổ gây ra nổi mẩn.
  • Tụ máu nướu răng: Mẹ có thể thấy một khối u nhỏ hơi xanh bên dưới nướu (lợi) của bé. Đó có th là hiện tượng tụ máu nướu răng do răng chuẩn bị mọc. Đây là một hiện tượng bình thường và không có gì quá quan ngại, mẹ có thể chườm một miếng gạc lạnh hoặc lấy khăn lau nhẹ để giảm cơn đau cho con, và giúp máu tụ nhanh lành hơn.
  • Bé thường kéo tai hoặc xoa má, cằm: Mẹ biết không, nướu, tai và má có chung các đường dẫn thần kinh. Vì vậy, nếu bé kéo tai hoặc thường xuyên dụi tay vào các vùng má hoặc cằm, rất có thể bé cưng nhà mẹ đang chuẩn bị mọc răng.
  • Bé bị ho: Chảy nhiều nước dãi cũng sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu và hay bị ho sặc.
  • Bé khó ngủ: Cơn đau răng và đau lợi là nguyên nhân làm bé quấy khóc và khó ngủ.
  • Bé thích cắn: Một dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh mọc răng sớm là thói quen cắn. Khi răng bắt đầu chọc qua nướu, trẻ có thể cảm thấy khó chịu và dùng việc cắn để giảm áp lực. Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, cha mẹ nên chuẩn bị các đồ gặm nướu để giảm tổn thương cho lợi và đảm bảo vệ sinh.
  • Bé bị sốt mọc răng: Thời điểm xuất hiện chiếc răng đầu tiên cũng là thời điểm hệ miễn dịch ở bé thay đổi. Vì vậy, những tác nhân gây sốt sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé và gây bệnh. Ngoài ra, lợi bị sưng đỏ cũng có thể khiến bé bị sốt nhẹ. Nếu bé sốt cao và kéo dài thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

Thông thường, các biểu hiện mọc răng kể trên thường xuất hiện trước khi răng mọc khoảng 3 - 5 ngày và tự khỏi sau 3 - 7 ngày. Mẹ có thể quan sát bé kỹ càng trong thời điểm này để không bỏ lỡ thời điểm con mọc những chiếc răng xinh đầu tiên, cũng như chăm sóc bé một cách phù hợp mẹ nhé.

>>Tham khảo: Cách hạ sốt khi trẻ mọc răng

Dấu hiệu trẻ mọc răng và cách chăm sóc trẻ mọc răng

Các bé sẽ có những dấu hiệu mọc răng khác nhau nên mẹ cần chú ý để giúp bé dễ chịu hơn (Nguồn: Sưu tầm)

Lịch mọc răng sữa và thứ tự mọc răng của trẻ

Thứ tự mọc răng sữa của bé thường diễn ra theo các khoảng thời gian sau:

  • Từ 6 - 9 tháng: Bốn răng cửa giữa. Răng cửa hàm dưới thường mọc đầu tiên vào khoảng tháng thứ 6, khiến trẻ có thể cáu gắt, khó chịu và sốt nhẹ. Sau đó, răng cửa hàm trên sẽ mọc khi trẻ 8 tháng tuổi. Vì vậy, bé mọc răng nào trước thường là răng cửa hàm dưới, rồi đến răng cửa hàm trên.
  • Từ 7 - 10 tháng: Hai răng cửa trên. Trong khoảng từ 7 đến 10 tháng, hai răng cửa trên tiếp tục mọc. Hai răng cửa hàm dưới tiếp theo sẽ mọc khi bé khoảng 16 tháng tuổi.
  • Từ 12 - 14 tháng: Bốn răng hàm sữa. Sau khi răng cửa mọc đầy đủ, các răng hàm sẽ xuất hiện, đầu tiên là hai chiếc ở hàm trên, sau đó là hai chiếc ở hàm dưới. Lúc này, cần chú trọng bổ sung fluor và phòng ngừa bệnh răng miệng cho bé.
  • Từ 16 - 18 tháng: Bốn răng nanh sữa. Các răng nanh thường mọc khi trẻ được 16 - 18 tháng tuổi. Bé mọc răng nanh trước là hai răng nanh hàm trên, sau đó là hai răng nanh hàm dưới. Một số trẻ có thể phải đến 22 tháng mới mọc đầy đủ bốn chiếc răng nanh sữa..
  • Từ 20 - 30 tháng: Bốn răng hàm sữa cuối cùng. Vào khoảng tháng thứ 20, hai chiếc răng hàm cuối cùng sẽ mọc ở hàm dưới, tiếp theo là sự xuất hiện của hai răng hàm trên. Trẻ mọc răng hàm trên trước các răng hàm dưới trong giai đoạn này.

Về trình tự mọc răng của bé, mẹ có thể theo dõi theo lời dặn của bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh:

bac si

Có thể bé sẽ mọc răng đúng lịch hoặc xê xích 1 tý:

+ 5-8 tháng: 4 răng cửa giữa, thường răng hàm dưới mọc trước

+ 7-11 tháng: 4 răng cửa bên, ngược lại răng hàm trên sẽ mọc trước

+ 2-16 tháng: 4 răng hàm đầu tiên

+ 14-20 tháng: 4 răng nanh

+ 20-32 tháng: 4 răng hàm thứ 2

bac si

Trẻ mấy tháng mọc răng

Sơ đồ  lịch mọc răng của trẻ (Nguồn: Huggies)

Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ

Bé mọc răng sớm hay muộn sẽ vào một số yếu tố sau đây:

  • Di truyền: Gen di truyền của gia đình có thể ảnh hưởng đến thời điểm mọc răng của con. Nếu bố mẹ hoặc người thân mọc răng sớm thì con cũng có khả năng mọc răng sớm hơn các bạn cùng lứa khác.
  • Chế độ dinh dưỡng: Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến thời gian mọc răng ở trẻ em. Nếu chế độ ăn uống hợp lý, răng của con sẽ được mọc đúng thời điểm, ít khả năng bé bị chậm mọc răng.
  • Hàm lượng canxi và vitamin D trong cơ thể: Thời điểm con mọc răng cũng phụ thuộc rất lớn vào việc con có bị thiếu nguồn vitamin D, cũng như Canxi hay không (hàm lượng dưỡng chất trong sữa mẹ thấp, con sinh thiếu tháng, không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời,... ).

>> Tham khảo:

  • Cách bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Cách bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Cách bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh

Trẻ mọc răng sớm hay muộn có ảnh hưởng gì không?

Trẻ mọc răng sớm nhất là mấy tháng? Việc trẻ mọc răng sớm hoặc trẻ mọc răng muộn hơn so với các bé đồng trang lứa thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Độ tuổi mọc răng của trẻ có thể dao động khá rộng, từ 3 - 4 tháng tuổi cho đến khi trẻ 14 tháng tuổi, và một số trẻ có thể mọc răng ngoài khoảng thời gian này.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến thời điểm mọc răng thường là do di truyền hoặc các vấn đề thể chất. Mọc răng sớm không nhất thiết có nghĩa là trẻ sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, và mọc răng muộn cũng không phải lúc nào là dấu hiệu của sự phát triển bất thường.

Tuy nhiên, nếu bố mẹ lo lắng về dấu hiệu trẻ mọc răng sớm hoặc muộn, hoặc có câu hỏi về cách chăm sóc răng miệng cho bé, nên trao đổi với nha sĩ để được tư vấn cụ thể. Đồng thời, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng để giúp răng của trẻ mọc lên chắc khỏe và phát triển bình thường.

Cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng, con có thể có những biểu hiện khó chịu do nóng sốt, ngứa nướu, mẹ có thể thực hiện một số cách dưới đây chăm sóc bé khi mọc răng:

  • Cho con ngậm núm vú giả
  • Dùng bông, gạc mềm massage nhẹ nhàng vùng quanh nướu của bé
  • Vệ sinh, khử trùng đồ chơi của bé, vì trong giai đoạn này, bé rất dễ ngứa lợi và có xu hướng gặm đồ vật đó cho bớt ngứa
  • Sử dụng paracetamol (thuốc hạ sốt cho trẻ em) liều lượng như khi con bị sốt thông thường
  • Cho con ăn các thức ăn mềm, mát lạnh (trái cây, sữa chua, bánh mì,...) hoặc cho con nhai khăn lạnh (khăn mặt sạch, để ướt và làm mát trong tủ lạnh 15 phút)

Đặc biệt, theo Healthy children, trong giai đoạn này, nướu của bé rất nhạy cảm, có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công rất cao, mẹ cần chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con nhé. Bước đầu, mẹ có thể dùng khăn sạch để nhẹ nhàng để vệ sinh răng miệng cho con. Khi bé đã dần quen, mẹ có thể chuyển sang dùng bàn chải mềm cho bé.

>>Tham khảo: Hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh và trẻ tập đi đúng cách

trẻ mấy tháng mọc răng

 

Vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách rất quan trọng (Nguồn: Sưu tầm)

 

Khi nào mẹ cần liên hệ bác sĩ về việc bé mọc răng?

Bé mọc răng đi kèm các biểu hiện kể trên là bình thường. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý đưa bé thăm khám các bác sĩ chuyên khoa khi thấy các biểu hiện sau:

  • Tụ máu nướu răng lâu và không thuyên giảm dù đã dùng các biện pháp giảm sưng.
  • Sốt cao và tiêu chảy liên tục.
  • Bé kéo tai và má liên tục nhiều ngày.

Về việc mọc răng bất thường ở trẻ sơ sinh, mẹ có thể theo dõi theo lời dặn của bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh:

bac si

Bình thường trẻ sơ sinh chưa có răng, chiếc răng đầu tiên thường mọc vào khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên có trường hợp trẻ mới sinh ra đã có răng hoặc răng mọc sớm trong tháng đầu tiên sau sinh, được gọi là răng sơ sinh.

Đây là răng bất thường có thể đi kèm các dị tật khác. Chiếc răng này rất dễ bị mòn, ngả màu vàng nâu và sớm lung lay. Nó gây khó khăn cho trẻ khi bú mẹ, gây loét niêm mạc vùng dưới lưỡi hoặc môi, và nguy hiểm nhất là dễ rơi vào đường thở khi trẻ bú. Do đó, nếu thấy trẻ có những chiếc răng này đang lung lay, cần đưa trẻ đến phòng khám răng hàm mặt để nhổ bỏ nhé!

bac si

Một số câu hỏi thường gặp khi trẻ mọc răng

Bé sưng lợi bao lâu thì mọc răng?

Thông thường trước khi răng mọc lên trẻ sẽ bị sưng lợi, chảy nước miếng thường xuyên khoảng 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thấy nhiều đốm trắng nhú lên cùng lúc trên hàm có nghĩa là bé đang mọc nhiều răng cùng 1 lúc. Vậy nên thời gian sưng lợi có thể kéo dài hơn vài tháng.

Trẻ đi tướt mọc răng có sao không?

Trẻ đi tướt mọc răng là hiện tượng thường gặp và không gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không biết cách xử lý khi trẻ sốt và tướt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Nếu bé chỉ đơn giản là đi tướt mọc răng thì tình trạng này chỉ diễn ra 1- 2 ngày trước và sau khi mọc răng. Ngoài ra, tùy vào sức đề kháng của mỗi bé mà thời gian này có thể kéo dài hoặc ngắn hơn một vài ngày. Vậy nên, bố mẹ không cần cho trẻ uống thuốc, mà chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống một cách hợp lý và dinh dưỡng sẽ giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe.

Tuy nhiên, khi trẻ mọc răng kèm triệu chứng sốt và đi ngoài thì bố mẹ cần chú ý quan sát và theo dõi tình trạng của con. Nếu con có biểu hiện sốt cao, đi tướt nhiều, mùi khó chịu kèm nhầy/máu thì phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa.

Trẻ mọc răng bị đi ngoài, đi tướt trong bao lâu

Trẻ mọc răng thường bị đi ngoài hoặc đi tướt trong thời gian ngắn, thường kéo dài dưới 4 ngày. Một số dấu hiệu khác giúp phân biệt bé đi tướt mọc răng với tiêu chảy là khi bé mọc răng thường chảy nước dãi nhiều, hay gặm mút tay và ngậm cắn đồ vật. Trẻ mọc răng không bị mệt mỏi hay mất nước như khi bị tiêu chảy.

Tại sao trẻ 7 tháng chưa mọc răng?

Theo quy trình mọc răng của trẻ, trẻ 7 tháng tuổi chưa mọc răng cũng không phải là quá muộn. Một số bé có thể mọc hai chiếc răng cửa đầu tiên sớm, khoảng 4-5 tháng tuổi, trong khi những bé khác có thể bắt đầu mọc răng muộn hơn, vào khoảng 9-10 tháng tuổi hoặc thậm chí 11-12 tháng tuổi. Do đó, dù trẻ 7 tháng hay bé 1 tuổi chưa mọc răng, mẹ cũng không cần quá lo lắng nhé.

Trẻ mọc răng sốt bao lâu?

Trẻ sốt mọc răng trong bao lâu? Thông thường đây là hiện tượng sinh lý và sẽ tự hết sau khoảng 3-4 ngày khi răng nhú lên. Nguyên nhân gây sốt là do nướu răng bị rách và cọ xát, gây ngứa ngáy, khiến trẻ gặm nhấm đồ đạc hoặc tay chân, dẫn đến viêm nhiễm quanh nướu. Sốt là phản xạ tự nhiên của cơ thể để chống lại viêm nhiễm, và đây là cơ chế có lợi cho sự phục hồi của trẻ.

Tham khảo thêm:

  • Trẻ mấy tháng biết nói và những biểu hiện bé sắp biết nói
  • Trẻ mấy tháng biết bò và dấu hiệu bé sắp biết bò
  • Trẻ mấy tháng biết ngồi và cách giúp bé ngồi cứng cáp hơn
  • Trẻ mấy tháng biết đi và cách tập đi cho trẻ hiệu quả

Mọc răng là một cột mốc quan trọng của bé và dĩ nhiên, của cả mẹ nữa. Đây là giai đoạn con bắt đầu có thể sử dụng các thức ăn dặm, ăn mềm theo các phương pháp ăn dặm khác nhau. Hy vọng bài viết phía trên đã giải đáp được cho mẹ những lăn tăn về việc trẻ mấy tháng mọc răng. Đừng quên truy cập Góc chuyên gia Huggies để tìm hiểu thêm những vấn đề liên quan khác trong quá trình chăm sóc bé, mẹ nhé!

Nguồn tham khảo:

  • https://www.healthline.com/health/parenting/when-do-babies-start-teething
  • https://www.babycenter.com/health/teething-and-tooth-care/baby-teething-timeline_10355502

Từ khóa » Khi Nào Trẻ Em Mọc Răng Sữa