Trẻ Muốn Nói Gì Với Cha Mẹ? - Tuổi Trẻ Online

Trẻ muốn nói gì với cha mẹ? - Ảnh 1.

Những điều mà đôi khi vì cuộc sống bận rộn, cha mẹ chưa thực sự lưu tâm.

Thiên Hương (14 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Trầm cảm vì mẹ đọc trộm nhật ký

Con đã bị sốc, thậm chí trầm cảm suốt một thời gian vì bị mẹ đọc trộm nhật ký. Trong đó con viết là có tình cảm với một bạn nam lớp bên và tụi con có đi uống trà sữa chung với nhóm bạn được hai lần. Con thấy bạn hình như cũng có tình cảm với mình.

Chuyện này con không nói với ai cả và chỉ ghi vào nhật ký. Vậy mà mẹ lén đọc. Rồi mẹ nói với ba và hai người kêu con ra phòng khách ngồi "nói chuyện", yêu cầu phải chấm dứt mối quan hệ. Ba nói rằng con như vậy là không ngoan. Ba mẹ đầu tư cho con học hành chứ không phải "nứt mắt ra đã yêu đương". Ba là tiến sĩ, giảng viên đại học, nên kỳ vọng vào con rất nhiều.

Từ đó, ba tịch thu điện thoại, mỗi ngày đều đưa đón con đi học, không cho ra ngoài. Khi con buồn và khóc vì ba mẹ nặng lời, ba mẹ càng gay gắt hơn cho rằng con chống đối. Con nghĩ mẹ không có quyền xem điện thoại và nhật ký của con. Còn chuyện con thích bạn kia, thực sự không có kinh khủng như ba mẹ nghĩ. Nếu ba mẹ hỏi thăm một cách nhẹ nhàng vui vẻ, con sẵn sàng kể cho ba mẹ nghe mọi chuyện.

L.V.L. (18 tuổi, Tiền Giang):

Chỉ mong có một điểm tựa

Mẹ mất rồi, cha đang làm trên Sài Gòn, còn con thì ở nhà người thân gần trường. Thời gian con gặp cha chỉ là những buổi cuối tuần ngắn ngủi trên bàn cơm. Mỗi lúc nói chuyện thì cha hay hỏi con về chuyện trường lớp, tiền nong, cơm ăn áo mặc. Còn con thì ít khi bắt chuyện vì hơi thiếu tự tin, bao giờ có gì quan trọng mới nói trước.

Thật sự con chỉ mong muốn cha có thể thay đổi cách quan tâm con mà thôi. Những ngày cuối tuần ít ỏi là không đủ, những cuộc điện thoại vội vàng cũng không thấm vào đâu. Con xem đó như một sự thiếu thốn, nhất là năm nay con đang học lớp 12, chịu nhiều áp lực, chỉ mong có một điểm tựa, là cha. Vốn dĩ con đã mất đi tình yêu thương của mẹ nhưng giờ đây cha cũng không thật sự được gần con "24/7" như bao người.

Với con, có lẽ đây là một sự khiếm khuyết tình thương nghiêm trọng khó bù đắp. Với con, những đồng tiền cha làm ra rồi mang về cho con đâu đáng quý bằng những câu nói, cử chỉ yêu thương mà mẹ đã từng cho con. Con mong rằng cha có thể giảm bớt công việc trên Sài Gòn và về đây sống cùng con nhiều hơn nữa.

C.H.H.Đ. (10 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Khi nào mẹ cũng bận

Con mong mẹ dành thời gian cho con nhiều hơn. Khi nào mẹ cũng bận. Mẹ có hai chiếc điện thoại, lúc nào cũng gọi điện, nhắn tin liên tục, chỉ khi nào ngồi ăn cơm mẹ mới bớt nhắn tin. Nếu không gọi điện và nhắn tin thì mẹ lại ngồi viết bài trên laptop.

Con có rất nhiều chuyện muốn kể và muốn hỏi mẹ, nghe mẹ kể này kể nọ nhưng khi kiếm mẹ thì hầu như lúc nào mẹ cũng đang bận gì đó, nên con lại thôi không dám làm phiền. Đến lúc mẹ hơi rảnh thì con lại quên mất định hỏi gì. Con rất thích được nói chuyện với mẹ nên thường tranh thủ những lúc ăn cơm, hoặc khi mẹ nấu cơm con phụ rửa rau, đập trứng để nói. Con rất mong mẹ dành thời gian nói chuyện với con nhiều hơn.

Đỗ Bùi Ngọc Thương (THPT Đào Sơn Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Có khoảng thời gian con bất ổn

Khi lớn, con nhận ra bố mẹ dù có yêu thương mình đến đâu cũng không thể hiểu mình hết được, có những vấn đề chỉ riêng cá nhân mới giải quyết được mà thôi. Có khoảng thời gian tâm lý của con gặp bất ổn. Khi bế tắc, con có thử tâm sự với mẹ. Nhưng dường như mẹ không thể chia sẻ, thậm chí để lại một số lời nói không hay làm con rất buồn.

Con nghĩ, khác biệt giữa hai thế hệ là không thể tránh khỏi. Bố mẹ từng trải qua thời gian khó, còn con hiện sống trong sung túc, hạnh phúc nên lại thường quan tâm tới một số vấn đề cá nhân - những thứ mà bố mẹ có thể coi không quan trọng.

Chẳng hạn, bây giờ học sinh thường thích làm đẹp, thích điệu nhưng bố mẹ vẫn thường dặn: quan trọng là cốt lõi bên trong, không phải bên ngoài. Nhiều lúc con muốn làm đẹp hay mua mỹ phẩm, mẹ lại nói ra nói vào khiến đôi khi bất đồng từ đó mà ra.

Con cũng là người tương đối tự ti về ngoại hình của mình nên nhiều lúc khá tủi thân. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, con không thể yêu cầu bố mẹ hiểu và thông cảm cho con mọi thứ bởi có không ít vấn đề con cũng không hiểu hết bố mẹ. Dẫu vậy, hiện giờ con vẫn thấy may mắn khi có được một gia đình đầy đủ và hạnh phúc. Và con thường tự nhủ, con sẽ mở rộng lòng hơn với cả nhà, không khép kín như trước đây.

T.N.D. (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Thời gian sum họp thật ngắn ngủi

giaoluu

Cần những buổi dã ngoại, vui chơi cùng nhau để gắn bó và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống của mỗi người trong gia đình - Ảnh minh họa: T.T.D.

Chắc cũng lâu rồi cả nhà mình không có một bữa ăn đàng hoàng cùng nhau. Học trường chuyên, con thường "ngập mình" trong bài vở, những giờ tăng tiết, những buổi học thêm, chưa kể những dự án riêng cho mình. Ba mẹ thì bận việc, nhỏ út cũng bắt đầu học nhiều hơn. Thời gian cả nhà sum họp bên nhau thật ngắn ngủi quá ba mẹ nhỉ, đến độ những bài văn bàn về tình cảm gia đình, hình ảnh hiện lên trong đầu con là một bữa ăn chung, nhưng dường như vẫn khó quá.

Con từng nói với mẹ là một bữa ăn chung cả nhà ý nghĩa và quan trọng như thế nào, mẹ chỉ cười rồi gật đầu. Con cũng từng nói với ba có thể dẫn cả nhà ra ngoài ăn một bữa cuối tuần, ba chỉ hứa và bị cuốn đi bởi những buổi họp hay những cuộc gặp đối tác đột xuất. Nhẩm tính, thời gian con dành cho những cửa hàng thức ăn nhanh có khi gấp ba lần những buổi nhà mình ăn cơm cùng nhau.

Quản con quá chặt, cha mẹ đúng hay sai? Quản con quá chặt, cha mẹ đúng hay sai?

TTO - Sợ con ra ngoài một mình đụng phải xe cộ, gặp phải người xấu, chúng ta thường quản con thật chặt; sợ con nhiễm bệnh, chúng ta lại ngăn con tiếp xúc với đất đai, cây cỏ hay động vật... Chúng ta làm đúng hay sai?

Từ khóa » điều Muốn Nói Với Mẹ