Trẻ Sinh Non Thường Gặp Vấn đề Gì Trước Và Sau Khi Xuất Viện?

1. Thế nào là trẻ sinh non?

Trẻ sinh non là trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi hoặc trước 259 ngày tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối của mẹ, trong khi thai kỳ bình thường thường kéo dài 37 – 41 tuần.

2. Nguyên nhân sinh non?

Có rất nhiều nguyên nhân gây sinh non bởi các ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể mẹ và bé trong suốt thai kì, trong đó, các nguyên nhân sinh non phải kể đến như:

  • Mẹ bị chảy máu từ âm đạo.
  • Mẹ có những bất thường của tử cung, cổ tử cung.
  • Thai kỳ sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn.
  • Mẹ bị nhiễm trùng tử cung hoặc cơ quan khác của cơ thể.
  • Mẹ gặp các sang chấn tâm lý.

3. Trẻ sinh non thường có vấn đề gì sau sinh?

Trẻ sinh càng non tháng thì càng nhẹ cân, càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Ở trẻ bình thường, khi còn trong tử cung mẹ, các cơ quan sẽ phát triển bình thường cho đến 41 tuần tuổi thai. Trong khi đó, trẻ sinh non không có đủ thời gian để phát triển hoàn chỉnh như trẻ đủ tháng bình thường nên các vấn đề về sức khỏe mà bé thường gặp là:

  • Điều hòa thân nhiệt: việc dự trữ năng lượng kém cộng thêm lớp mỡ dưới da ít, nên khả năng ổn định thân nhiệt ở trẻ sinh non khá kém, dễ bị mất nhiệt, hoặc tăng thân nhiệt. Do vậy, sau sinh một số trẻ cần được giữ ấm bằng chăn hoặc nằm lồng ấp.
  • Vấn đề về hô hấp: sinh non khiến phổi và phế nang của trẻ không đủ thời gian để hoàn thiện về cấu trúc và chức năng nên sẽ gặp rất nhiều vấn đề về hô hấp sau sinh: thở yếu không hiệu quả, ngưng thở, khả năng trao đổi khí kém hiệu quả. Hội chứng suy hô hấp cấp do thiếu surfactant là bệnh hay gặp ở trẻ sinh non, đặc biệt ở trẻ sinh cực non (sinh ra trước 28 tuần). Surfactant là chất hoạt động bề mặt giúp phế nang luôn mở để dễ dàng trao đổi khí. Khi trẻ sinh càng non, nếu không được điều trị kịp thời, chất surfactant sẽ càng ít gây xẹp phế nang và suy hô hấp nặng. Các bác sĩ cần cho trẻ thở NCPAP sớm, nếu quá nặng, trẻ cần thở máy và điều trị surfactant thay thế khi có chỉ định.
  • Vấn đề về tim: ống động mạch tồn tại trong thời kỳ bào thai và sẽ đóng sau khi trẻ sinh ra. Ở một số trẻ non tháng, ống động mạch này không đóng gây rối loạn huyết động học, nếu trở nặng, phải điều trị. Huyết áp thấp hay còn gọi là hạ huyết áp hệ thống cũng thường gặp ở trẻ sinh cực non, nhất là những trẻ có nhiều biến chứng nặng hoặc phải thở bằng máy.
  • Nhiễm trùng huyết: Trẻ sinh càng non tháng càng dễ nhiễm trùng do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Hiện tại, chưa có biện pháp nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn nhiễm trùng huyết và là một trong những căn bệnh có nguy cơ tử vong khá cao. Do vậy, nhân viên y tế phải luôn tuân thủ các biện pháp để phòng ngừa và theo dõi sát tình trạng và điều trị kháng sinh kịp thời nếu trẻ không may nhiễm trùng huyết.
  • Vấn đề về tiêu hóa: bú yếu hoặc chưa có phản xạ bú, ọc sữa, tiêu chảy, tiêu máu,viêm ruột là những biểu hiện thường thấy nếu trẻ sinh non gặp vấn đề về tiêu hóa. Trong số đó, chứng viêm ruột hoại tử là biến chứng nặng cần lưu ý ở trẻ sinh non. Khi ruột viêm nặng có thể gây hoại tử ruột và phải điều trị nội khoa, nặng hơn có thể cần phẫu thuật.
  • Xuất huyết não và nhuyễn hóa chất trắng quanh não thất: nguy cơ xuất huyết não trong thời gian đầu sau sinh ở trẻ sinh son là khá cao. Nếu nhẹ, trẻ có thể tự hồi phục, nhưng nếu nặng thì có thể để lại di chứng về sau. Do vậy, thông thường trẻ sinh non cần được siêu âm não để tầm soát ngay sau sinh. Siêu âm não còn giúp phát hiện chứng nhuyễn hóa chất trắng quanh các não thất. Các tổn thương này có thể để lại di chứng về sau như rối loạn vận động hoặc bại não.
  • Tăng hay hạ đường huyết: do khả năng chuyển hóa, hấp thu và dự trữ của cơ thể trẻ kém nên trẻ rất dễ bị hạ đường huyết sau sinh.
  • Vàng da: vì khả năng đào thải bilirubin khá kém nên trẻ sinh non có nguy cơ vàng da sau sinh cao nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Đặc biệt, vàng da nặng có thể gây tổn thương não và các cơ quan khác.

4. Điều trị trẻ sinh non như thế nào?

Tùy thuộc vào tuổi thai, cân nặng và vấn đề sức khỏe sau sinh mà các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ có hướng điều trị thích hợp với từng trẻ. Trẻ có thể cần chăm sóc tại khoa hồi sức sơ sinh hoặc đơn vị chăm sóc đặc biệt sơ sinh với các chăm sóc tích cực như:

  • Thở máy.
  • Thở áp lực dương qua mũi (NCPAP), thở oxy.
  • Bơm Surfactant vào phổi, surfactant là chất giúp duy trì phế nang mở để giúp trao đổi khí của phổi tốt hơn.
  • Nuôi ăn bằng ống thông dạ dày.
  • Nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch.
  • Dùng thuốc hỗ trợ và điều trị các biến chứng của sinh non.
  • Phẫu thuật khi có các vấn đề liên quan đến bệnh lý ngoại khoa.
  • Chiếu đèn điều trị vàng da.

5. Di chứng lâu dài của trẻ sinh non?

Việc phải “ra đời sớm hơn dự định” khiến trẻ sinh non dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe về sau. Trẻ sinh càng non tháng càng nhiều nguy cơ di chứng kéo dài, cụ thể:

  • Bại não: là một rối loạn về não làm cho trẻ khó kiểm soát vận động và thăng bằng. Co cứng, rối loạn phản xạ là những biểu hiện thường thấy. Do vậy, cần phải theo dõi kết hợp tập vật lý trị liệu vận động sau khi xuất viện
  • Vấn đề về thị giác: Nếu trẻ sinh cực non hoặc thở oxy kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh võng mạc là rất cao, ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ về sau. Do vậy, trẻ sinh non nên được khám mắt theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời những vấn đề về thị lực nếu có.
  • Vấn đề phát triển trí não: Trẻ sinh non khi lớn lên nếu không được chăm sóc tốt sẽ gặp nhiều vấn đề về tư duy, học hành hoặc ghi nhớ. Tăng động, giảm chú ý, học hành kém, khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội không tốt là những biểu hiện thường thấy. Chính vì vậy, cần chú ý và theo dõi nhằm phát hiện kịp thời để có biện pháp can thiệp điều trị thích hợp.
  • Chậm phát triển: trẻ sinh non thường có xu hướng thấp và nhẹ cân hơn so với trẻ đủ tháng bình thường.

Do vậy, ba mẹ cần theo dõi kỹ bé con của mình nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có phương án điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các di chứng ảnh hưởng về sau.

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Sinh Non 37 Tuần