Trẻ Sơ Sinh Bị Sốt: Mẹ Cần Xử Trí Như Thế Nào?

Nội dung bài viết

  • Làm sao để biết trẻ sơ sinh bị sốt?
  • Trẻ sơ sinh bị sốt, mẹ làm gì để trẻ thoải mái hơn?
  • Trường hợp nào cần được đến khám bác sĩ?
  • Trường hợp nào cần đưa trẻ đến cấp cứu tại bệnh viện?
  • Sốt cao co giật ở trẻ sơ sinh?
  • Trẻ đang bị sốt hay chỉ đang say nắng?
  • Những điều then chốt cần biết khi trẻ sơ sinh bị sốt

Trẻ sơ sinh là một trong những đối tượng dễ nhiễm trùng và sốt. Mặc dù nhiều bậc cha mẹ đã có nhiều kinh nghiệm khi trẻ sốt. Tuy nhiên, một số cha mẹ lại gặp vấn đề trong việc phân biệt trẻ đang quấy khóc bình thường hay đây là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề gì đó nghiêm trọng với trẻ. Ở bài viết này Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ đề cập đến khi nào trẻ cần đi khám, và khi nào trẻ cần đưa đến bệnh viện cấp cứu khẩn cho trường hợp trẻ sơ sinh bị sốt. Mẹ hãy tham khảo nhé!  

Làm sao để biết trẻ sơ sinh bị sốt?

Một số người mẹ cảm thấy trẻ sốt là khi sờ vào cơ thể trẻ và thấy nóng hơn so với bình thường. Thực tế, đây không phải là một phương pháp để khẳng định rằng trẻ có đang sốt hay không. Mà đây chỉ là dấu hiệu nghi ngờ. Vì thế, ngay khi mẹ nghi ngờ trẻ sốt, cách tốt nhất là đo nhiệt đo thân nhiệt cho trẻ bằng dụng cụ nhiệt kế.

Để đo nhiệt độ cho trẻ, có nhiều vị trí đo, như hậu môn, miệng, tai, dưới nách, và một số vị trí khác. Tuy nhiên, theo Học viện Nhi khoa Hoa kỳ (AAP) khuyên rằng chỉ nên sử dụng dụng cụ đo nhiệt kế điện tử cho trẻ. Trong khi đó, những loại nhiệt kế thủy ngân không nên sử dụng. Bởi vì trẻ rất hay cử động, thay đổi tư thế đột ngột, làm tăng nguy cơ làm bể nhiệt kế. Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân rất dễ bị ngộ độc.

Ngoài ra, mẹ nên sử dụng loại nhiệt kế đo ở trực tràng. Bởi vì đây là vị trí cung cấp nhiệt độ chính xác nhất. Ngoài ra, mẹ cũng sẽ dễ dàng đo hơn so với những vị trí khác.1

Xem thêm: 4 sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt

Mẹ thường hay lo lắng không biết nhận biết bé bị sốt như thế nào
Mẹ thường hay lo lắng không biết nhận biết bé bị sốt như thế nào

Cách đo nhiệt độ ở trực tràng1

Trước khi đo nhiệt độ ở trực tràng, đầu tiên nhiệt kế nên được lau và làm sạch. Để đảm bảo, hãy rửa nhiệt kế với xà bông và nước hoặc sử dụng cồn để lau. Sau đó, đặt em bé dưới nệm phẳng và co 2 chân lên về phía ngực. Sử dụng đầu kim loại nhiệt kế và đặt vào vị trí lỗ hậu môn – trực tràng. Giữ tư thế trong khoảng 2 phút hoặc cho đế khi mẹ nghe tiếng “bíp”. Cuối cùng, đưa nhiệt kế ra và đọc kết quả hiển thị.

Khi nhiệt độ trực tràng từ 38°C trở lên, điều này có nghĩa rằng bé đang sốt. Ở hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh đang sốt là một dấu hiệu quan trọng cho thấy rằng cơ thể của trẻ đang bị nhiễm trùng ở một cơ quan nào đó.

Sốt là một phản ứng bảo vệ cơ thể để chống lại vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, khi sốt cao, sẽ làm cho trẻ khó chịu. Đặc biệt là trẻ sơ sinh và nhỏ tuổi, sốt cao có thể làm cho trẻ co giật.

Nhiệt kế đo ở trực tràng là vị trí đo nhiệt độ chính xác và an toàn nhất
Nhiệt kế đo ở trực tràng là vị trí đo nhiệt độ chính xác và an toàn nhất

Các bệnh lý có thể liên quan đến sốt ở trẻ sơ sinh1

  • Viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ sơ sinh.
  • Viêm tai, viêm màng não ở trẻ.
  • Nhiễm trùng đường ruột, tiết niệu.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Một số loại bệnh khác do nhiễm vi rút.

Sốt có thể gây ra mất nước, đặc biệt có kèm theo nôn ói, hoặc tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt trẻ sơ sinh mất nước rất nhanh, và đủ để gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một trong số các biểu hiện cho thấy trẻ có dấu hiệu mất nước mà mẹ có thể quan sát là:

  • Trẻ khóc ít nước mắt hoặc không có nước mắt.
  • Miệng khô, và rất háo nước.
  • Tiểu ít hơn bình thường.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mất nước, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi và bác sĩ sẽ bổ sung lượng nước hợp lý tùy mức độ mất nước của trẻ.

Trẻ sơ sinh bị sốt, mẹ làm gì để trẻ thoải mái hơn?

Nếu có thể, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ. Tùy vào từng tình trạng mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp cho bé. Các bác sĩ sẽ hỏi tuổi và cân nặng hiện tại của trẻ để đưa ra liệu lượng phù hợp và an toàn.

Cho trẻ uống bổ sung nước, và quan sát các dấu hiệu nghi ngờ trẻ mất nước.

Ngoài ra mẹ có thể:

  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm với 5 chiếc khăn: 2 chiếc để ở nách, 2 chiếc ở bẹn, và 1 khăn lau toàn thân.
  • Không nên cho trẻ mặc nhiều lớp áo. Bởi vì điều này khiến cho da trẻ không thể thoát nhiệt ra ngoài và càng làm cho tình trạng tệ hơn. Hãy cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
Lau mát cho trẻ khi sốt
Lau mát cho trẻ khi sốt

Luôn luôn kiểm tra thân nhiệt cho trẻ khi đã áp dụng các biện pháp trên. Trường hợp trẻ đang bú sữa mẹ, hãy cố gắng để cho trẻ bú thường xuyên hơn để phòng ngừa mất nước. Kiểm tra nhiệt độ phòng, có thể sử dụng một chiếc quạt gió hoặc máy điều nhiệt khi nhiệt độ phòng quá hầm và nóng.1

Trường hợp nào cần được đến khám bác sĩ?

Một đứa trẻ bị bệnh thường sẽ không cần quá lo lắng khi trẻ khỏe mạnh đủ tháng. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần đưa đến khám bác sĩ khi có các dấu hiệu sau đây:1 2

  • Chán ăn, bỏ bú: Khi đứa trẻ từ chối ăn nhiều lần, ăn rất ít hơn so với thường ngày. Đặc biệt trẻ sơ sinh bỏ bú, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Nếu mẹ thấy trẻ ngủ nhiều hơn, khó đánh thức hơn thường ngày. Nhìn trẻ không còn lanh như mọi ngày mà thường xuyên ngủ. Mẹ cần đưa trẻ khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.
  • Đặc biệt, trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi, khi phát hiện trẻ có sốt. Cần đưa bé đến trung tâm y tế để theo dõi và thăm khám ngay lập tức mà không cần chờ đợi thêm thời gian ở nhà.
Trẻ sơ sinh bỏ bú, cần đưa trẻ đến khám bác sỹ càng sớm càng tốt
Trẻ sơ sinh bỏ bú, cần đưa trẻ đến khám bác sỹ càng sớm càng tốt

Trong một số trường hợp như mẹ không thể nhận biết được bé sốt, hay bên cạnh các triệu chứng sốt, mẹ hãy để ý thêm một số biểu hiện bất thường sau và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức:1 2

  • Trẻ bị tiêu chảy: Khi trẻ tiêu phân lỏng trên 3 lần một ngày.
  • Nôn vọt: Trường hợp trẻ nôn vọt sau khi cho ăn, hoặc không giữ được thức ăn trong 8 giờ.
  • Táo bón: Thông thường táo bón ở trẻ sơ sinh thường gặp khi trẻ đến tuổi ăn dặm.
  • Cảm cúm: Liên hệ gặp bác sĩ khi trẻ nghẹt mũi, chảy nước mũi kéo dài. Hoặc đau tai, ho kéo dài.
  • Phát ban: Hãy gặp bác sĩ khi chỗ phát ban có dấu hiệu nhiễm trùng với biểu hiện sưng, nóng, đỏ. Hoặc phát ban không rõ nguyên nhân đặc biệt có kèm theo sốt.
  • Đau mắt, tiết dịch ở mắt: Nếu một trong 2 bên mắt bị đỏ hoặc chảy dịch, đóng ghèn nhiều, hãy liên hệ bác sĩ.

Cần lưu ý rằng, trẻ sơ sinh là đối tượng vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng bất thường nào (kéo dài) có hoặc không liên quan sốt, ba mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ, hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám và đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.

Trường hợp nào cần đưa trẻ đến cấp cứu tại bệnh viện?

Như đã đề cập ở trên, cần đưa trẻ sơ sinh đi khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Trong một số trường hợp, chẳng may những tai nạn hay chấn thương bất ngờ xảy ra; hoặc tình trạng của trẻ có chuyển biến đột ngột. Ba mẹ cần lưu ý một số tình trạng sau đây và đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức:2

  • Chảy máu ở bất kỳ vị trí nào không ngừng được.
  • Ngộ độc thực phẩm ở trẻ, hay ngộ độc thuốc.
  • Co giật.
  • Thở nhanh, khò khè, tím tái.
  • Bất kỳ thay đổi nào về ý thức, nôn mửa nhiều lần sau khi bị va đập đầu.
  • Bị vết cắt lớn trên cơ thể hoặc bị phỏng, hít phải khí độc.
  • Da xanh, môi tím tái.
  • Chấn thương ở miệng và mặt.
  • Rớt xuống sông, ao hồ, đuối nước.

Sốt cao co giật ở trẻ sơ sinh?

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có co giật do sốt. Tình trạng này còn được gọi là sốt cao co giật.

Đa số trường hợp, trẻ sẽ lên cơn co giật dưới 5 phút, thông thường kéo dài chưa đến một phút. Trẻ có biểu hiện cơ thể co cứng, co giật, đảo mắt, và tỉnh sau khi ra cơn. 

Sốt cao co giật ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nặng. Do đó, mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm y tế để khám và xử trí kịp thời.

Tình trạng trẻ sốt cao co giật
Tình trạng trẻ sốt cao co giật

Xem thêm: Sốt co giật: Cách nhận biết và xử trí cho trẻ

Trẻ đang bị sốt hay chỉ đang say nắng?

Trong một số ít trường hợp, sốt có thể bị nhầm lẫn với say nắng. Đặc biệt khi trẻ đang ở môi trường có nhiệt độ rất nóng. Hoặc đang mùa thời tiết nóng ẩm, trẻ có thể dễ bị say nắng. Điều này không gây ra bởi bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào.

Thay vào đó, thân nhiệt trẻ tăng là do hậu quả của sức nóng môi trường xung quanh trẻ. Nhiệt độ của trẻ có thể tăng cao đến 40 độ và cần phải được hạ xuống nhanh chóng.

Các biện pháp làm mát cho trẻ bao gồm:

  • Lau mát.
  • Sử dụng quạt để hơ gần trẻ.
  • Bế trẻ đến khu vực mát mẻ, thoáng khí hơn.

Say nắng cũng được coi là một trường hợp khẩn cấp. Vì vậy ngay sau khi hạ nhiệt cho trẻ, mẹ vẫn nên đưa trẻ đi khám.

Những điều then chốt cần biết khi trẻ sơ sinh bị sốt

Sốt ở trẻ sơ sinh tùy làm cho mẹ cảm thấy lo sợ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi trẻ thật chặt chẽ, và tìm đến bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, ở những trẻ dưới 3 tháng tuổi, khi sốt, cần đưa trẻ đến bệnh viên thăm khám càng sớm càng tốt mà không cần ở nhà chờ đợi thêm.

Trên thực tế, không ai có thể cảm nhận rõ sự thay đổi rất nhỏ của con từ ngày này qua ngày khác bằng người mẹ. Vì thế, ngay khi mẹ thấy có sự bất thường ở trẻ so với bình thường như: bỏ bú, không linh hoạt như thường ngày, khó đánh thức,… Cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.

Trên đây là những thông tin về tình trạng trẻ sơ sinh bị sốt. Hi vọng đã cung cấp cho quý phụ huynh những thông tin cần thiết và bổ ích. Từ đó biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con em mình.

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bị Sốt