Trí Bát Nhã Ba La Mật - Thư Viện Hoa Sen
Có thể bạn quan tâm
TRÍ BÁT NHÃ BA LA MẬT
Mãn Tự
"Không an trụ mà an trụ" tuy có sáu chữ nhưng nghĩa của nó là toàn bộ tất cả Kinh Đại Thừa nằm trong sáu chữ đó. " Không an trụ là khai thị" "mà an trụ là ngộ nhập" và sau khi Ngộ nhập thì ngược lại " An trụ mà không an trụ" hay vô trụ "Trụ"
Ba La Mật là nguyên văn chữ Ấn độ, khi truyền sang Trung hoa các vị dịch kinh thời xưa không tìm đâu ra từ tương đương thay thế nên vẫn để nguyên văn. Tuy nhiên cho dù chữ Ấn hay Trung mà cho đến văn tự của toàn nhân loại có hợp lại nữa chăng cũng không tìm đâu ra từ tương đương để thay thế cho chữ. Ba La Mật Vì vậy muốn biết thật nghĩa Ba La Mật thì phải thâm nhập vào ngoài ra không còn con đường nào khác.
Vì có Trí Ba La Mật mà từ trong lòng giáo phái Bà La Môn (Hinđu) quyền lực bất khả xâm phạm thời bấy giờ mà Đức Như Lai Thế Tôn dựng lên một tôn giáo mà giờ này ta gọi là Đạo Phật bằng chính những vị Bà La Môn đó. Cũng bằng chính cái Trí Ba La Mật đó mà những bậc trí giả Trung Hoa tìm cầu học hỏi dù rằng nền văn minh của họ thời đó cũng không kém nền văn minh của Ấn độ.
Và hiện nay cũng bằng chính cái Trí Ba La Mật mà Đạo Phật vương ra khắp năm châu. Không có cái Trí Ba La Mật thì cũng không có tôn giáo tên là Đạo Phật như ngày nay, dù rằng trên nhiều phương diện thì cả hai chẳng có liên quan gì cho lắm.
Không Giác ngộ Trí Ba La Mật thì Thế Tôn ngài cũng không xuống núi và ngày nay chúng ta cũng không có tam tạng kinh, luật, luận để học hỏi. Cũng như nếu không có cái Trí Ba La Mật thì Lục Tổ Huệ Năng một tiều phu không biết chữ mà giảng Đạo - Kinh lưu loát. Nói chung những bậc trí giả từ xưa tới bây giờ điều bị Trí Ba La Mật nhiếp phục.
Trí Ba-la-mật không vì tu mà được nên khác với Trí do tu hành mà có như, từ giới sanh định, từ định sanh huệ. Tu theo giới định huệ thì giải thoát hết phiền não chướng bên trong, còn Trí Ba La Mật thì chẳng những dứt hết phiền não chướng mà ngay cả sở tri chướng cũng không còn vì vậy mới gọi là Giác ngộ.
Giải thoát giống như con chim sổ lồng được tự do bay trong bầu trời cao rộng, nó không còn bị trói buộc trong vòng luân hồi sanh tử, tử sanh, đã chặt đứt hết mọi phiền não bằng trí tuệ, đã qua được bên kia bờ.
Còn có Trí Ba La Mật thì gọi là Giác ngộ, Giác ngộ có nghĩa là thấy ra, giống như nhắm mắt mở mắt hay tỉnh dậy sau giấc chiêm bao. Khi Thấy ra rồi thì ta có thể cười to một cách thoải mái hay khóc lên một hồi cho thỏa thích. Vì sao? Vì “chính ta lừa gạt ta” hay tự chính ta làm ảo thuật rồi lại sống rồi ngay trong trò ảo thuật đó. Do lực ảo thuật biến hóa nó đưa ta đi, và đi đến đâu nó bắt ta sống ngay trong đó, qua trung gian của cảm thọ nó làm cho ta giống như khi thì sống trong giàu sang quyền lực. Khi thì sống trong ngu si tâm tối nghèo hèn, khi thì ở thượng giới hưởng thọ không biết bao nhiêu điều hoan lạc, khi thì lại ở cảnh giới xấu xa lãnh thọ không biết bao nhiêu cực hình đau khổ, khi thì làm người, khi thì làm thú vật, thay đổi - đổi thay, sanh tử - tử sanh xoay vần tiếp nối không đầu không đuôi. Giống như bánh xe lăn, khi đến khi đi, khi tan khi hợp diễn biến vô tận, và cũng do lực ảo thuật mà ta thấy như thật. Nhưng khi Giác ngộ thấy ra thì những gì ta trải qua hoàn toàn không thật từ nào đến giờ, ta chưa từng có đến đi qua lại, từ xưa không mất hiện tại không còn, không xưa không nay giống như câu chuyện mất đầu của Diễn nhã đạt Đa trong kinh Lăng nghiêm mà Thế Tôn thí dụ, vì nghĩ mình mất đầu nền phát cuồng mà chạy, nhưng cái đầu thì vẫn còn nguyên chưa hề mất.
Để có được cái trí này Đức Bổn Sư Thích Tôn phải tu hành trải qua bất khả tư nghì a tăng kì kiếp, trải qua vô lượng kiếp trong chủng loại các loài. Từ tu hành thông đạt vô lượng pháp môn, đã chứng đắc vô lượng môn tam muội, nói chung tất cả pháp thế gian cho đến xuất thế gian Ngài đều học đều tu đều thông đạt. Ngài thực hành Tứ vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả trong vô lượng thời gian, xả thí không biết bao nhiêu của cải, từ trong ra ngoài ngay cả đến sinh mạng cũng xả thí. Vì quyết tâm cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử trầm luân. Những hạnh nguyện khó làm mà Ngài đã trải qua thật không thể kể xiết như trong các bộ kinh đã diễn tả. Tất cả những hạnh nguyện Ngài thực hành đó để cầu cái Trí Ba La Mật tối thượng, vì không có Trí Ba La Mật thì không thể nào cứu vớt chúng sanh đặt ở bờ bên kia được.
Tuy nhiên dù trải qua bất khả tư nghì kiếp số tu hành, đã thực hành không biết bao nhiêu hạnh nguyện khó làm, đã thông đạt vô lượng pháp môn, đã chứng đắc vô lượng môn thần thông tam muội. Dù là như vậy nhưng cái Trí Ba La Mật vẫn không xuất hiện, cho đến một kiếp Đức Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai xuất hiện. Với tâm thành tôn kính cần cầu, Ngài trải tóc của Ngài lên đường để Đức Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai đi qua, nhờ vậy mà ngài Giác ngộ và được Đức Nhiên Đăng Thế Tôn thọ kí cho Ngài.
Chuyện Trí Ba La Mật xuất hiện và Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai thọ kí cho Ngài thì chỉ có hai Đức Thế Tôn biết với nhau, còn những người xung quanh thì không một ai hay biết gì hết nên gọi là Mật, là Tâm truyền Tâm vì không có một bài kinh hay một thời pháp nào hết nên gọi là bất lập văn tự.
Chúng ta học theo Ngài thành kính tôn Ngài là Bổn sư, vì Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường hay phương pháp để có được cái Trí Ba La Mật trong một đời mà không phải trải qua bất khả tư nghì kiếp cần cầu như Ngài. Cũng như loài người lần đầu tiên phát minh ra cái điện thoại có dây, rồi theo thời gian cải biến cho đến ngày nay là chiếc điện thoại cầm tay, bây giờ muốn sản xuất ra điện thoại thì không ai làm bằng kỹ thuật sơ khai mà người ta làm bằng kỹ thuật tiên tiến hiện đại bây giờ, dù mục đích của nó không thay đổi.
Cũng vậy từ khi Trí Ba La Mật xuất hiện và được Đức Thế Tôn Nhiên Đăng thọ kí cho đến hai ngàn sáu trăm năm trước Thế Tôn thị hiện thành Vô Thượng Bồ Đề Chánh Đẳng Chánh Giác, trong thời gian đó Ngài luôn cứu độ chúng sanh, với tất cả các phương tiện thiện xảo bằng hình thức này hay hình thức khác thiên hình vạn trạng theo dỏi muôn loài sinh linh chưa bao giờ ngừng nghỉ .
Do đại nguyện Từ, Bi, Hỉ, Xả xuất sinh ra đại phương tiện thiện xảo, ứng hợp với trình độ căn cơ của muôn loài, thuyết pháp cứu vớt chúng sanh ra khỏi mê lầm bể khổ.
Do Trí Ba La Mật nhậm vận tùy hành chuyển nên Thế Tôn mưa vô lượng pháp môn từ loài hữu tình sơ cơ cho đến Đại Bồ Tát ngồi đạo tràng sắp chứng Vô thượng bồ đề. Tuy có những Bồ Tát ngồi đạo tràng cho đến chúng sanh sơ cơ nhưng không phải ngài phân biệt như vậy, vì Trí Ba La Mật thấy bình đẳng chỉ tùy theo căn cơ thâm nhập vào sâu hay cạn nên có thứ hạng như vậy.
Trí Ba La Mật là phải tự chứng không thể nói ra được, không nói ra được không phải là giấu diếm sợ người khác biết hay học được mà vì nó lìa hết thảy sự nhận thức, ngôn ngữ diễn tả, vì nó lìa niệm nên không phải tâm, vì lìa tướng nên không phải sắc, vì không phải tâm không phải tướng nên không thể nói phô không thí dụ được. Vì Trí Ba La Mật như vậy nên Thế Tôn ngài nói rằng, tất cả kinh điển mà ta nói ra thì giống như ngón tay chỉ Mặt trăng, muốn thấy Mặt trăng thì phải biết bỏ ngón tay, hay: "Pháp còn phải bỏ huống chi là Phi pháp."
Bằng nhiều phương pháp Thế Tôn ngài chỉ cho chúng ta để thấy được chứng được Ba La Mật Trí nếu không sự thị hiện của Ngài sẽ không viên mãn. Bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật giảng thuyết về Ba La MậtTrí, đoạn mở đầu như thế này: “Xá Lợi Phất, Đại Bồ Tát muốn dùng Nhất Thiết Chủng Trí để biết tất cả pháp thì phải tu tập Bát Nhã Ba La Mật Đa.” Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch Thế Tôn Đại Bồ Tát muốn dùng nhất thiết chủng trí để biết tất cả các pháp thì phải thu tập Bát Nhã Ba La Mật như thế nào? Đức Thế Tôn dạy rằng: Này Xá Lợi Phất “Đại Bồ Tát dùng phương pháp không an trụ mà an trụ trong Bát Nhã Ba La Mật”
Đức Thế Tôn chỉ thẳng cho chúng ta rằng, phương pháp tu học để thấy để chứng Ba La Mật Trí mấu chốt ở chổ là: “Không an trụ mà an trụ”.
Ngài Xá Lợi Phất là đại đệ tử là người có trí tuệ bật nhất trong hàng đệ tử của Thế Tôn. Ngài đã Giác ngộ Chơn đế, đã chứng thiệt tế, thâm nhập pháp tánh thoát hẳn biển hữu lậu, đã lìa sự trói buộc của phiền não kiết sử, trụ chổ vô ngại tâm Ngài tịch tỉnh như hư không. Tuy nhiên khi nghe Thế Tôn dạy muốn tu học Trí Ba La Mật thì phải dùng phương pháp “Không an trụ mà an trụ” thì ngài khởi lên nghi ngờ. Chẳng những Ngài mà hầu hết các vị A La Hán đều cũng không nhận được vì sao? Vì từ lâu các Ngài đã an trụ nơi địa của các Ngài, bây giờ Thế Tôn lại dạy rằng “Không an trụ mà an trụ”. Thì chẳng khác nào tất cả công phu tu tập chứng đắc của các Ngài bỏ hết hay sao? Nhưng từ lâu Thế Tôn cũng tán dương khen ngợi thành quả của các Ngài mà? vì vậy các Ngài nghi ngờ Thế Tôn hí lộng ngôn từ chăng?
Tuy đã chứng vô ngã đắc quả vị A La Hán, đã dứt phiền não chướng đã bỏ gánh nặng thế gian, không còn sinh tử ràng buộc đã an trụ Chơn đế, nhưng với Ba La Mật Trí thì các ngài nhờ thần lực gia trì của Thế Tôn nên tin nhận nhưng không thâm nhập được, không tu học được và điều đó minh chứng qua lời bộc bạch của Ngài Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang “ Bạch Thế Tôn khi nghe kinh này con thấy không khó khăn tin hiểu thọ trì” với những vị A La Hán đã diệt phiền não chướng đã chứng vô ngại mà khi nghe thuyết giảng về Ba La Mật Trí còn như vậy thay, thì với những vị Tri thức Nhân gian còn nặng nợ gia đình còn trong vòng danh lợi, còn khoác lên mình nhiều bằng cắp, còn đủ phiền não Tham, Sân, Si thật ra cửa vào còn không có vậy lấy đâu ra sự hiểu biết để mà giảng giải?
Ba La Mật Trí là Vô sư Trí, là vô ngại Trí, là vô thượng thượng Trí, là Trí không làm ra, vì vậy một khi Giác ngộ thì sự nghi ngờ tuyệt đối không còn. Không còn nghi ngờ vì tưởng không thể đến, vì phân biệt không ra, vì thấy biết nên lìa trầm tư suy nghĩ vì không làm ra nên những cái làm ra xuất hiện trước nó thì điều có tì vết sơ hở. Vì vậy Thế Tôn tuyên bố rằng: "Tất cả người thế gian không một ai đứng trước Như Lai nói một câu mà không có sơ hở."
Cái trí của các vị Thánh Thanh văn A La Hán có là do văn, tư, tu. Do giới sanh định, do định sanh huệ, còn Ba La Mật Trí là thường hằng không làm ra không do tu tập mà có. Vì vậy từ cái trí do tu tập mà có nên khi nghe thuyết giảng về Vô ngại trí, Vô sư trí thì các Ngài không nhận được.
Với trí tuệ vô hạn của Thế Tôn, với phương tiện thiện xảo, với biện tài vô ngại là vậy, nhưng với Ba La Mật Trí vì tuyệt đường ngôn ngữ văn tự nên không thế nào chỉ thẳng ra được. Nói không chỉ thẳng không có nghĩa là không chỉ, mà chỉ thẳng sự thấy biết từ Ba La Mật Trí thì nó lại mâu thuẫn và nghịch lại với cái trí do tu mà có. Câu: “Không an trụ mà an trụ.” Với Ba La Mật Trí thì nó như vậy là như vậy hay “ Nó là nó” không có gì là nghịch là mâu thuẫn hết. Nhưng với cái trí do tu mà có, nó chỉ nhận có là có, không là không chớ nó không thể nhận không là có, có là không.
Vì từ ngữ có giới hạn nên cùng gọi chung là “ Trí” nhưng cái Trí do tu mà có chứng, có đắc đối với Trí Ba La Mật thì thiên sai vạn biệt không thể thí dụ, không thể so sánh vì không có một chút tương đương nào hết. Vì vậy mở đầu kinh BÁt Nhã Ba La Mật Đa Đức Thế Tôn chỉ dạy các vị A La Hán pháp môn bất nhị tức câu: “Không an trụ mà an trụ”. Nhưng các ngài không lãnh nhận được, nên Thế Tôn đành theo trình độ mà giảng giải chỉ một nữa mà thôi đó là: “ Không an trụ.” Hầu hết các bài trong Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa là những pháp các vị A La Hán đã tu đã học, đã chứng, đã đắc, đã an trú thì bây giờ Thế Tôn ngài dạy là: “Không an trụ” vì các pháp là Không là vô tự tánh.
Ba La Mật Trí không có gì tương ưng để so sánh nên chỉ dùng hư không để thí dụ nhưng hệ lụy ở chỗ là có những vị A La Hán không tiêu dung được hư không nên khi nghe dạy các pháp là không là vô tự tánh thì lại rơi vào không trơ, bài bác hết thảy các pháp thế gian nhân quả.
Khi chuyển được kinh, nhất là những bộ Kinh Đại Thừa Phương Quảng thì lời lời trong kinh là thậm thâm vi diệu pháp là lời của Phật, còn bị kinh chuyển thì lời lời trong kinh chỉ là chiếc lá trong tay để dỗ con nít khóc hay thậm chí nó là độc dược uống vào có thể làm mất mạng. Câu “ Không an trụ mà an trụ” nếu dùng lí luận phân tích giải thích để tìm ra thật nghĩa của nó thì ngàn đời chỉ tốn công vô ích vì càng lí luận phân tích thì càng mơ hồ càng lạc vào đám mây huyền hoặc, không lối ra.
Từ khi kinh Đại Thừa bắt đầu truyền vào Trung Hoa thì hàng mấy trăm năm những học giả uyên thâm thời bấy giờ cũng bị lạc vào đám mây huyền hoặc đó. Nếu không có Tổ Đạt Ma thì từ Thiền Tông cũng không có xuất hiện và câu “Không an trụ mà an trụ” chỉ là câu nói mơ hồ hay chỉ là hí lộng ngôn ngữ của người Ấn độ mà thôi.
Vậy Tổ Đạ Ma đã khai mở câu “ Không an trụ mà an trụ” như thế nào?:
- Nhị tổ Huệ Khả: "Bạch thầy tâm con không an nhờ thầy cứu giúp".
- Tổ Đạt Ma: "Đưa tâm ra đây ta an cho".
- Huệ Khả: "Bạch thầy: Tìm tâm không ra".
- Tổ Đạt Ma: "Vậy ta an tâm cho con rồi đó”.
Thì ngay đó tổ Huệ Khả liền Giác ngộ, vì sao tìm tâm không ra mà ấn chứng được an tâm, và nó tương quan như thế nào với câu “ Không an trụ mà an trụ” ? Tìm tâm không ra không có nghĩa là không thấy tâm mà là không thể nắm bắt một khúc hay một đoạn nào đó mà nói là tâm, vì dòng chảy luân lưu của tâm không có mở đầu cũng không có chấm hết, giống như nước trong biển không thể mút lên một chén mà nói rằng đây là toàn thể nước trong biển.
Dù Nhị Tổ thấy vậy nhưng không ngộ được vì ngài còn vướng vào mộ chữ “ Trụ” cho đến khi Tổ Đạt Ma ấn chứng ta đã an tâm cho ngươi rồi đó thì ngay tức khắc mọi sự nghi ngờ bất an tan biến hết và Ngài an trụ ở chổ “ Không an trụ”.
Chữ “ Trụ” theo nghĩa nhị nguyên là: nơi, chốn, dừng, ở, lưu lại… Nhưng chữ Trụ trong câu “ Không an trụ mà an trụ” thì không có cái nghĩa nào như vậy dù rằng chữ giống nhau. Để tránh sự nhận thức lầm lẫn của nhân gian nên trong kinh đôi khi phải dùng từ “Trụ vô trụ” để xóa đi phần nào lầm lẫn của của thế giới nhị nguyên, cũng như chữ Có - Không – Không – Có, thì hoàn toàn không có họ hàng bà con thân thuộc hay dây mơ rễ má cho đến một chút xíu - xíu nào tới chữ “ Tánh Không”.
“ Không an trụ mà an trụ” tuy có sáu chữ nhưng nghĩa của nó là toàn bộ tất cả Kinh Đại Thừa nằm trong sáu chữ đó. “ Không an trụ là khai thị” “mà an trụ là ngộ nhập” và sau khi Ngộ nhập thì ngược lại “An trụ mà không an trụ” hay vô trụ “Trụ”. Vì Ba La Mật Trí là như vậy nên trong Kinh Lăng Già Bồ Tát Đại Huệ vấn rằng: “ Mặt trời soi sáng khắp, chúng sanh thượng, trung, hạ. Như Lai soi thế gian khai thị lời chân thật tại sao chia nhiều thừa thuyết pháp chẳng nói thật.” Hay trong kinh Đại Bát Niết Bàn Ca Diếp Bồ Tát nghi Thế Tôn có “Mật ngữ” và Thế Tôn trả lời: "Ta xem tất cả chúng sanh như con một, như La Hầu La ta thuyết pháp với hai bàn tay mở rộng." Cho đến các vị Tổ Thiền Tông Trung Hoa sau này dù có vận dụng cách nào đi nữa thì cũng không thể dùng ngôn từ để diễn tả cảnh giới Trí Ba La Mật được, cho nên có những sự vấn đáp quái gở đôi khi lời lẽ không được thanh nhã cho lắm của câu trả lời không đâu vào đâu, giống như lấy râu ông kia cắm cằm bà nọ, hay ông nói gà bà nói vịt, nhưng đó là phương tiện tối ưu để giúp người cầu Giác ngộ được Giác ngộ.
Khi chưa Giác ngộ thì mỗi mỗi thứ đều là dơ bẩn, khổ đau đều là sinh diệt vô thường, đáng xa lánh đáng chán bỏ. Nhưng khi Giác ngộ thì mỗi mỗi thứ của thế gian thì lại thành quan minh là pháp thân Chân như, là Niết bàn là Cưc lạc, hay xanh xanh trúc biết là pháp thân, mơn mỡn hoa vàng chân Bát Nhã.
Ba La Mật Trí chiếu tất cả thế trí hữu vi, cho dù luận thuyết đó nó có kết cấu chặt chẽ liền lạc như thế nào đi nữa thì với Ba La Mật Trí nó giống như trò trẻ con mà thôi. Vì vậy những kinh giáo Vệ đà được tập thành gạn lọc qua nhiều đời của các vị trưởng thượng thông thái và nó ngự trị toàn thể người Ấn thời bấy giờ. Nhưng khi luận nghị với Thế Tôn thì từ thần quyền cho đến thế quyền đều bị nhiếp phục và xin làm đệ tử theo học với Thế Tôn.
Có một câu chuyện trong Kinh Đại Bát Niết Bàn nói lên Ba La Mật Trí chiếu phá tất cả thế trí như thế này: "Một ngày kia khi Thế Tôn và chư vị Tỳ Kheo du hành sắp đến ngôi làng nọ và ngôi làng đó có vị Trưởng giả vô cùng giàu có, vị Trưởng giả đó là học trò của các vị Trưởng thượng Bà La Môn, ông ta thường cung cấp vật chất tiền tài, nơi ăn, chốn ở cho các vị Trưởng lão khi ghé qua. Khi Thế tôn sắp đến vì sợ vị Trưởng giả bị thuyết phục mà theo Thế Tôn nên các vị Trưởng lão Bà La Môn hợp lại luận nghị quyết tâm tìm ra phương pháp đánh bại Thế Tôn để lấy lại danh tiếng vì đã bao lần thất bại trước luận nghị sắc bén của Thế Tôn.
Sau bao nhiêu ngày bàn thảo họ phát minh ra một cách chấp vấn vô cùng thâm hiểm, theo họ nghĩ thì không có một con đường nào đáp trả được mà chỉ nhục nhã cúi đầu nhận thua mà thôi. Vì người bị chấp vấn đó không thể nuốt vào cũng không thể nhã ra vì hai đầu đã bị chặn hết. Những vị Trưởng lão thông thái đó tự tin đến độ là không cần đến vị Trưởng lão trong giáo phái đi luận nghị mà chỉ cần vị Trưởng giả đó đi luận nghị với Thế Tôn cũng đủ rồi vì các Trưởng lão thông thái tin tưởng chắc chắn là với câu chấp vấn đó là bất khả bại.
Rồi Thế Tôn vào làng, vị Trưởng giả đi đến sau khi chào hỏi xong vị Trưởng giả đưa ra câu hỏi:
- "Thưa Thế Tôn ngài có phải là Nhất thiết trí không?
- "Phải ta là Nhất thiết trí" Thế Tôn đáp.
- “Thưa Thế Tôn ngài là Nhất thiết trí vậy Ngài có biết ảo thuật không?"
- Thưa Thế Tôn nếu Ngài biết ảo thuật thì Ngài là Đại ảo thuật gia, còn không biết ảo thuật thì Ngài không phải là Nhất thiết trí”
Khi hỏi xong vị Trưởng giả cười mỉm vì ông ta chắc chắn rằng Thế Tôn và chư vị Tỳ Kheo thu xếp khăn gói lên đường và sẽ không bao giờ xuất hiện nữa.
Với Ba La Mật Trí thì những câu hỏi chặn hai đầu đó chẳng là gì hết thì thế nào làm khó được Thế Tôn, với sự tỉnh lặng điềm nhiên Thế Tôn nói:
- "Ta xin hỏi Trưởng giả tùy Trưởng giả trả lời."
- "Xin vâng Thế Tôn." Trưởng giả đáp.
- "Ta nghe nói trong làng này có một người rất xấu xa tàn ác làm những việc phi nhân phi pháp nên ai cũng ghét Trưởng giả có biết người đó không?"
- "Dĩ nhiên là tôi biết vì người đó ở trong làng tôi mà." Trưởng giả đáp.
- Thế Tôn hỏi tiếp: "Ông biết người đó vậy ông có phải là người đó không?"
- "Thưa Thế Tôn tuy tôi biết người đó nhưng tôi không phải là người đó vì thân tôi và thân người đó khác nhau." Trưởng giả đáp.
- Đúng vậy Trưởng giả Thế Tôn nói: “Trưởng giả biết người đó mà Trưởng giả không phải người đó thì tại sao Trưởng giả không cho ta biết ảo thuật mà ta không phải là người ảo thuật…”
Khi nghe xong câu trả lời của Thế Tôn thì Trưởng giả sụp xuống quỳ lại và xin làm đệ tử tại gia. Ba La Mật Trí chiếu phá tất cả thế gian trí là như thế đó.
Sau khi làm đệ tử theo Thế Tôn tu học có nhiều vị Tỳ Kheo vẫn thắc mắc làm thế nào Thế Tôn trả lời dễ dàng những câu hỏi chấp vấn của các vị Trưởng lão thông thái Bà La Môn đã dày công suy nghĩ nghiên cứu, loại trừ, chận đứng tất cả những câu trả lời của đối phương? Có phải Thế Tôn khi rảnh rổi hay khi thiền định khởi lên trầm tư như thế này: "Nếu ta gặp câu hỏi câu chấp vấn như thế này, thì ta sẽ trả lời bằng cách này, hay nếu ta gặp câu hỏi như thế kia thì ta sẻ trả lời như thế kia?" Không phải như vậy-Thế Tôn đáp "Này chư vị Tỳ Kheo tất cả các thế trí dù với dạng nào hay hình thức nào thì đối với Ba La Mật Trí cũng giống như giọt sương ban mai trên cành lá sẽ tan biến mau chóng dưới sức nắng của ánh sáng mặt trời."
Cũng vậy khi được hỏi trong hàng Tỳ Kheo đệ tử Thế Tôn có những vị thông minh tuyệt đỉnh, có những vị thân thông thần kì, có những vị khổ hạnh tột cùng và nhiều nhiều vị có những hạnh tu khác nhau. Giả sử có sống hàng trăm hàng ngàn kiếp thực hành cũng không thể nào hàng phục hết được. Nhưng vì sau tất cả những vị đó chịu dưới sự dạy bảo của Ngài? Đúng vậy Thế Tôn đáp: "Dù có sống trăm hay ngàn kiếp cũng không thực hành hết những hạnh khó làm của chư vị tu sĩ, nhưng vì Ba La Mật Trí mà những vị tu sỉ đến đây chấp nhận tu học dưới sự dạy bảo của ta.
Vì vậy mở đầu Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Thế Tôn dạy ngài Xá Lợi Phất: “Đại Bồ Tát muốn dùng nhất thiết chủng trí để biết tất cả pháp thì phải tu học Bát Nhã Ba La Mật. Muốn tu học Trí Ba La Mật thì tu học bằng cách là “ Không an trụ mà an trụ”
Mãn Tự
Từ khóa » Thánh Trí Bát Nhã
-
TRÍ TUỆ BÁT NHÃ LÀ GÌ? - Ô-Hay.Vn
-
Trí Tuệ Bát Nhã Và Phật Tánh
-
Thánh Trí Bát Nhã Ba La Mật Thầy Thích Trí Huệ 2019
-
Bát-nhã – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bát Nhã Trí - Thầy Thích Trí Quảng Thuyết Giảng - YouTube
-
Siêu Trí Tuệ BÁT NHÃ Qua Học Thuyết TÁNH KHÔNG (Cực Hay ...
-
Bát Nhã Tâm Kinh (21 Biến) | TT. Thích Trí Thoát - YouTube
-
Áp Dụng Trí Tuệ Bát Nhã Trong đời Sống Hằng Ngày
-
Thần Chú Trong Bát Nhã Tâm Kinh - .vn
-
Bát-nhã Tâm Kinh Diễn Giải | Giác Ngộ Online
-
Diệu Dụng Của Bát Nhã | Giác Ngộ Online
-
Sắc - Không Trong Tâm Kinh Qua Trí Tuệ Bát Nhã - .vn
-
Bát Nhã Vô Tri Luận - Đạo Phật Ngày Nay