Trị đổ Mồ Hôi Tay Chân Như Thế Nào Và Câu Trả Lời Từ Bác Sĩ - YouMed

Nội dung bài viết

  • Nguyên nhân gây đổ mồ hôi tay chân
  • Cách trị đổ mồ hôi tay chân
  • Một số lưu ý khi điều trị đổ mồ hôi tay chân

Mồ hôi ra quá nhiều và thường xuyên khiến bạn không thoải mái. Đặc biệt là mồ hôi ở tay và chân khiến bạn khó khăn khi hoạt động và mất tự tin khi giao tiếp. Đừng quá lo lắng, bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô có thể giúp bạn tìm cách trị đổ mồ hôi tay chân hiệu quả. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu.

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi tay chân

Đổ mồ hôi ở tay chân là hiện tượng rất thường gặp trong đời sống. Tình trạng này có thể xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng. Ví dụ như khi tập thể dục thể thao, khi căng thẳng…

Ở một số người có hiện tượng bàn tay hoặc bàn chân lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi; kể cả khi không rơi vào những trạng thái kể trên.

Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý. Bệnh lý thường gặp là tăng tiết mồ hôi hay thuật ngữ y khoa là hyperhidrosis. Hiện nay trên thế giới, có khoảng 1-3% người mắc chứng bệnh này.

Hyperhidrosis có 2 loại:

  • Hyperhidrosis nguyên phát: mồ hôi tay chân ra nhiều nhưng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể.
  • Hyperhidrosis thứ phát: mồ hôi không chỉ ra nhiều ở tay chân mà còn ở toàn bộ cơ thể bởi một bệnh lý khác hoặc do thuốc.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể gây ra đổ mồ hôi tay chân, đó là:

  • Mang thai.
  • Tiểu đường.
  • Bệnh suy giáp.
  • Thời kỳ mãn kinh.
  • Người béo phì.
  • Bệnh Parkinson.
  • Bệnh viêm khớp.
  • Bệnh lymphoma.
  • Bệnh Gout.

Đa số hiện tượng đổ mồ hôi tay chân không phải là tình trạng nghiêm trọng, nhưng nó gây khó khăn trong sinh hoạt và giao tiếp.

Cách trị đổ mồ hôi tay chân

Hiện nay, có nhiều cách chữa bệnh đổ mồ hôi tay chân, từ dân gian đến ứng dụng y khoa.

1. Trị đổ mồ hôi tay chân tại nhà

  • Sử dụng các loại bột

Đây là biện pháp đơn giản, tiết kiệm giúp giảm đổ mồ hôi tay chân. Tuy không phải là cách trị bệnh đổ mồ hôi tay chân triệt để, song nó lại ít tốn kém và an toàn.

Chỉ cần thoa một ít bột lên tay chân, bạn sẽ cảm thấy da khô thoáng và mát mẻ hơn. Một số loại bột có thể sử dụng là:

+ Bột ngô (bắp).

+ Phấn rôm trẻ em.

+ Bột talc (lưu ý loại bột này có thể gây hại khi hít phải một lượng lớn một lúc).

Sử dụng bột ngô để khắc phục tình trạng đổ mồ hôi tay chân
Sử dụng bột ngô để khắc phục tình trạng đổ mồ hôi tay chân
  • Dùng khăn ướt chứa rượu

Đây là loại khăn dùng một lần, nó làm tay chân sạch hơn và khô thoáng hơn rất nhiều. Khăn này cũng khá tiện dụng, dùng bất kì lúc nào và ít tốn kém.

Tuy nhiên, với những người có làn da nhạy cảm, rượu trong khăn có thể làm khô da và gây ngứa.

  • Cách chữa theo dân gian

Trà

Trong trà có hoạt chất axit tannic có thể giúp làm khô tay, giảm độ ẩm. Do đó, sử dụng trà có thể trị mồ hôi tay hiệu quả.

Với cách này, bạn chỉ cần ngâm tay hoặc chân trong nước trà khoảng 30 phút mỗi ngày trước khi ngủ. Bạn có thể sử dụng trà xanh, trà túi lọc hoặc các trà khô đều được. Người bệnh nên thực hiện đều đặn để thấy hiệu quả.

Muối

Muối vừa có tính diệt khuẩn vừa có thể hút ẩm để khô da. Vì vậy muối khá hữu ích trong việc giảm mồ hôi ở tay, chân. Với cách này, bạn chỉ cần ngâm tay hoặc chân trong nước muối loãng mỗi ngày trong 15 phút.

Sử dụng muối cũng là cách trị đổ mồ hôi tay và chân
Sử dụng muối cũng là cách trị đổ mồ hôi tay và chân

Giấm táo

Giấm táo có tác dụng tẩy nhẹ, khử mùi hôi và làm khô da. Ngâm tay, chân với giấm táo đã được pha loãng với nước trong khoảng 5 phút mỗi ngày là được.

Lưu ý nếu cảm thấy da bị khô quá mức thì bạn nên ngừng lại một thời gian hoặc pha loãng giấm táo hơn nữa.

2. Cách chữa theo Tây y

  • Sử dụng thuốc

Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc trị đổ mồ hôi tay chân. Điển hình nhất trong nhóm này là thuốc kháng cholinergic. Thuốc sẽ tác động lên hệ thần kinh giao cảm ngăn tuyến mồ hôi bài tiết mồ hôi.

  • Điều trị bằng dòng điện cường độ thấp (iontophoresis)

Iontophoresis được sử dụng phổ biến nhất để điều trị tình trạng hyperhidrosis. Nó cũng được sự dụng để điều trị ra mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân.

Dòng điện thấp đi qua bàn tay, bàn chân để ngăn các tuyến mồ hôi tạm thời. Trong khi thực hiện, bạn có thể cảm thấy hơi ngứa ran nhưng sẽ không gây sốc vì dòng điện điều trị là dòng điện cường độ thấp, không đủ để gây sốc.

Ngoài ra iontophoresis cũng có thể được sử dụng để điều trị chấn thương do thể thao bằng cách đưa thuốc kháng viêm trực tiếp vào da.

  • Botox

Một lựa chọn điều trị khác đó là tiêm botox. Hiện nay, botox đã được FDA chấp thuận trong điều trị mồ hôi vùng nách. Một số bác sĩ cũng có thể sử dụng nó để điều trị tình trạng ra mồ hôi nhiều lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Botox hoạt động bằng cách ngăn chặn việc giải phóng tín hiệu kích hoạt các tuyến mồ hôi. Thông thường liệu trình tiêm botox cần phải được thực hiện vài lần. Hiệu quả đạt được sau mỗi liệu trình có thể kéo dài 1 năm.

Trị đổ mồ hôi tay chân bằng phương pháp tiêm botox
Trị đổ mồ hôi tay chân bằng phương pháp tiêm botox
  • Phẫu thuật

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng để điều trị. Có thể có một số loại phẫu thuật như:

+ Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi.

+ Phẫu thuật cắt hạch giao cảm.

Một số lưu ý khi điều trị đổ mồ hôi tay chân

Để việc điều trị tăng hiệu quả, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hạn chế sử dụng các loại kem dưỡng da tay và chân quá nhờn làm tình trạng đổ mồ hôi tồi tệ hơn.
  • Hạn chế đeo găng tay, cho tay vào túi áo hoặc túi quần. Nếu cần thiết bạn nên chọn loại không có ngón tay hoặc chất liệu mỏng, thoáng mát.
  • Hạn chế thức ăn cay, nhiều gia vị vì chúng khiến cơ thể nóng hơn, kích thích tiết mồ hôi nhiều hơn.
  • Giảm bớt đồ uống chứa caffein vì chất này có thể kích thích thần kinh khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi nhiều hơn.
  • Hạn chế uống rượu, bia vì nó làm giãn mạch máu, tăng nhiệt độ cơ thể.
  • Quản lý căng thẳng, stress bằng cách tham gia các hoạt động thể thao hoặc yoga.

Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về cách trị đổ mồ hôi tay chân hiệu quả. Khi thực hiện các phương pháp tại nhà hoặc theo dân gian mà không nhận thấy hiệu quả, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn và thay đổi phương pháp điều trị.

Từ khóa » Cách Chữa Bệnh đổ Mồ Hôi Tay Chân