Trĩ Khi Nào Cần Phẫu Thuật Và Các Phương Pháp Phẫu Thuật Trĩ

1. Tìm hiểu về bệnh trĩ và các mức độ bệnh

Trĩ là bệnh lý ở hậu môn, đặc trưng bởi tình trạng giãn nở quá mức ở các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn - trực tràng hình thành các búi trĩ. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như: đau rát hậu môn, ngứa hậu môn, sa búi trĩ, chảy máu,...

Trĩ là bệnh thường gặp gây nhiều đau đớn và bất tiện cho người bệnh

Trĩ là bệnh thường gặp gây nhiều đau đớn và bất tiện cho người bệnh

Bệnh trĩ được chia thành nhiều phân loại và mức độ bệnh để miêu tả chính xác tình trạng bệnh, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp như sau.

1.1. Bệnh trĩ nội

Trĩ nội hình thành là kết quả của sự sa giãn đám rối tĩnh mạch bên trong hậu môn, nằm trên đường lược. Theo tình trạng bệnh tương ứng với sự hình thành của đám rối tĩnh mạch, trĩ nội được phân thành các mức độ gồm:

Trĩ nội cấp độ 1

Khi đám rối tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng bắt đầu sa giãn, niêm mạc phồng lên trong lòng trực tràng. Người bệnh có thể chưa phát hiện được bệnh do triệu chứng không rõ ràng, chỉ thấy khi thăm khám trực tràng hoặc nội soi. Khi đi đại tiện, bệnh nhân cũng không thể rặn được búi trĩ ra ngoài.

Trĩ nội cấp độ 2

Khi đám rối tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng bị giãn nhiều hơn tạo thành các búi trĩ lớn và dài. Búi trĩ có thể bị sa ra ngoài hậu môn và tự co lại lên được.

 Trĩ nội cấp độ 3 đã sa ra ngoài hậu môn

Trĩ nội cấp độ 3 đã sa ra ngoài hậu môn

Trĩ nội cấp độ 3

Đây là cấp độ nặng khi búi trí dễ bị sa ra ngoài khi rặn nhẹ và không tự co lên được. Búi trĩ vẫn có thể bị đẩy vào trong được.

Trĩ nội cấp độ 4

Lúc này búi trĩ lớn ra hẳn ra ngoài, không thể đẩy lên được.

1.2. Bệnh trĩ ngoại

Vị trí hình thành trĩ ngoại là đám rối tĩnh mạch bên dưới đường lược bị suy giãn, chúng được lớp niêm mạc hoặc da rìa hậu môn che phủ. Bệnh nhân thường phát hiện bệnh trĩ ngoại sớm hơn trĩ nội do búi trĩ ngoại lòi ra khỏi ống hậu môn sớm và điều trị cũng dễ dàng hơn.

1.3. Bệnh trĩ hỗn hợp

Trĩ hỗn hợp là tình trạng trĩ nội kết hợp với trĩ ngoại, bệnh nhân hình thành búi trĩ ở cả trên và dưới đường lược.

1.4. Bệnh trĩ vòng

Trĩ vòng là bệnh xảy ra khi 3 búi trĩ liên tục chiếm toàn bộ vòng hậu môn, bệnh này hiếm gặp nhưng gây đau đớn và cần điều trị sớm.

2. Bác sĩ tư vấn: Trĩ khi nào cần phẫu thuật?

Nguyên tắc trong điều trị bệnh trĩ là triệt tiêu hoặc thu nhỏ kích thước các búi trĩ, giúp bệnh nhân không còn hoặc giảm triệu chứng bệnh như: ngứa rát hậu môn, đau hậu môn, chảy máu,... Bệnh trĩ càng nặng thì điều trị càng khó khăn, biến chứng nguy hiểm và khó khắc phục triệt để.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị trĩ hiệu quả

Phẫu thuật là phương pháp điều trị trĩ hiệu quả

Phẫu thuật là phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh trĩ, đặc biệt là giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn của bệnh. Vậy khi nào cần phẫu thuật trĩ?

Các chuyên gia cho biết, với bệnh nhân bị trĩ nội độ 2 trở xuống hoặc trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại thì có thể lựa chọn phẫu thuật hoặc phương pháp điều trị khác. Tùy theo khả năng đáp ứng điều trị mà bệnh nhân có thể giảm được kích thước búi trĩ và triệu chứng bệnh mà không cần phải can thiệp phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ được khuyến cáo dành cho các bệnh nhân bị trĩ độ 3 trở lên hoặc trường hợp đặc biệt như trĩ bị huyết khối, búi trĩ to, trĩ hỗn hợp kích thước lớn gây đau đớn chảy máu nhiều. Ngoài ra, phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị duy nhất có thể điều trị bệnh hoàn toàn, sau phẫu thuật bệnh nhân cần phục hồi chức năng hậu môn, điều trị duy trì ngăn chặn bệnh tái phát.

Bệnh trĩ có thể đi kèm với các bệnh lý hậu môn - trực tràng khác nên điều trị có thể khó khăn hơn như: viêm quanh hậu môn, rò hậu môn, polyp trực tràng, nứt kẽ hậu môn,...

3. Các phương pháp phẫu thuật trĩ phổ biến hiện nay

Dựa trên nhiều tiêu chí để lựa chọn phương pháp phẫu thuật bệnh trĩ như: sức khỏe, mức độ trĩ, điều kiện kinh tế, nhu cầu điều trị của người bệnh,... Các phương pháp phẫu thuật bệnh trĩ hiện áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

3.1. Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc trĩ

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm mạc búi trĩ, sau đó dùng niêm mạc trên kéo xuống khâu với da vùng hậu môn. Như vậy có thể loại bỏ búi trĩ, tuy nhiên phương pháp này gây đau đớn, dễ để lại biến chứng như: hẹp hậu môn, rò hậu môn, đại tiện không tự chủ,...

Hiện nay phương pháp cắt khoanh niêm mạc trĩ ít được dùng trong điều trị bệnh trĩ.

Phẫu thuật cắt từng búi trĩ hiện được áp dụng phổ biến

Phẫu thuật cắt từng búi trĩ hiện được áp dụng phổ biến

3.2. Phẫu thuật cắt từng búi trĩ

Với phương pháp này, búi trĩ được chia thành các nhóm nhỏ để cắt bỏ từng nhóm một để cắt bỏ dễ dàng hơn, giảm đau đớn cũng như biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh sau phẫu thuật cắt từng búi trĩ vẫn gặp nhiều đau đớn và cần thời gian hồi phục lâu.

3.3. Phẫu thuật cột động mạch trĩ

Bác sĩ sẽ dùng máy siêu âm để dò tìm động mạch trên búi trĩ, sau đó cột lại để giảm lưu thông máu đến búi trĩ, từ đó làm teo giảm búi trĩ. Phương pháp phẫu thuật này ít gây đau đớn, song thường ít áp dụng với trĩ nội do bệnh dễ tái phát.

3.4. Phẫu thuật Longo

Phẫu thuật này sẽ sử dụng máy có cơ chế hoạt động tương tự như máy khâu để khâu vòng quanh niêm mạc trĩ. Từ đó có thể giảm lưu thông máu đến búi trĩ, thu nhỏ kích thước trĩ nên ít gây đau đớn cho người bệnh. Phương pháp phẫu thuật Longo hiện được áp dụng điều trị tại nhiều bệnh viện, tuy nhiên chi phí còn cao.

3.5. Phẫu thuật HCPT

Phương pháp phẫu thuật này dùng nhiệt để làm đông mạch máu, sau đó dùng sóng điện cao tần để loại bỏ búi trĩ, tạo thành mô sẹo. Chi phí thực hiện phẫu thuật này cũng khá cao song ưu điểm là điều trị với phẫu thuật HCPT ít gây đau, an toàn ít biến chứng và có thể loại bỏ búi trĩ hoàn toàn.

Phẫu thuật HCPT là phương pháp mới trong điều trị trĩ

Phẫu thuật HCPT là phương pháp mới trong điều trị trĩ

Như vậy, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính với bệnh trĩ nhằm loại bỏ búi trĩ hoàn toàn, từ đó giảm đau, giảm biến chứng. Trĩ khi nào cần phẫu thuật và các phương pháp phẫu thuật điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng bệnh.

Nếu cần tư vấn điều trị chi tiết hơn về căn bệnh này, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Từ khóa » đi Phẫu Thuật Trĩ