Trị Sẹo Lồi - Suckhoe123
Có thể bạn quan tâm
Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi là vết sẹo mọc gồ lên, phát triển lớn hơn nhiều so với vết thương ban đầu gây ra sẹo. Đây là dạng tổn thương nguyên bào sợi (tăng sinh sợi), được đặc trưng bởi tình trạng tăng lắng đọng collagen, phát triển quá mức các tổ chức xơ sau tổn thương da và ảnh hưởng đến mô bình thường lân cận. Các tổ chức xơ phát triển không ngừng, thường gồ cao trên bề mặt da và lan rộng ra ngoài ranh giới sẹo. Sẹo lồi thường xuất hiện khoảng 3 tháng trở lên sau khi da bị chấn thương và một số sẽ tiếp tục phát triển to lên trong nhiều năm.
Các triệu chứng và đặc điểm của sẹo lồi
- Xuất hiện và phát triển chậm. Có thể mất từ 3 tháng đến 1 năm bạn mới nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của một vết sẹo. Sau đó phải mất vài tuần hoặc vài tháng để nó phát triển. Đôi khi vết sẹo sẽ tiếp tục phát triển từ từ trong nhiều năm.
- Bắt đầu là một vết sẹo gồ lên màu hồng, đỏ hoặc tím. Một vết sẹo lồi thường gồ lên trên bề mặt phẳng, và có xu hướng thẫm màu dần theo thời gian. Thường có màu tối hơn da cơ thể, với vùng đường viền sẫm màu hơn phần giữa vết sẹo.
- Vết sẹo cho cảm giác khác với vùng da xung quanh: một số có cảm giác mềm, nhão, số khác lại cứng và dai.
- Gây đau, ngứa và dễ kích ứng: Khi đang phát triển, một số vết sẹo lồi khi chạm vào thường thấy ngứa, đau và dễ kích ứng. Những triệu chứng này thường hết khi sẹo ngừng phát triển.
- Sẹo lồi có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên các vị trí phổ biến nhất bao gồm cổ, vai, ngực, lưng và tai, và có nhiều kích thước khác nhau.
Nguyên nhân gây sẹo lồi
Da bị tổn thương và hình thành sẹo là vì có vết rách da do tai nạn, có vết cắt da do phẫu thuật các loại, hoặc bị bỏng, mụn trứng cá, hay ở các vị trí xăm hình, đeo khuyên … Sau khi da bị tổn thương các tế bào thường cố gắng sửa chữa vết thương bằng cách hình thành một vết sẹo, tuy nhiên vết sẹo này trở thành sẹo lồi là do:
- Có cơ địa sẹo lồi, có tiền sử gia đình bị sẹo lồi, tức là do di truyền
- Vết thương bị nhiễm trùng làm kích thích tăng sinh tổ chức xơ sẹo gây nên sẹo lồi
- Vết thương bị căng hoặc chùng quá mức trong quá trình lành thương.
- Chế độ ăn uống sau khi bị chấn thương: ăn những thực phẩm làm tăng khả năng phát triển sẹo lồi
- Những người có làn da sẫm màu cũng có khả năng phát triển sẹo lồi nhiều hơn từ 15 đến 20%.
Các phương pháp điều trị sẹo lồi
Sẹo lồi là một trong những tình trạng khó điều trị thành công nhất. Chưa có phương pháp nào cho thấy đạt 100% hiệu quả. Hiện có rất nhiều cách, và tùy theo tình trạng mà bác sĩ có thể điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp các phương pháp với nhau, nhưng lưu ý rằng cho dù với biện pháp điều trị tối ưu thì tình trạng tái phát vẫn có thể xảy ra vài năm sau đó. Có nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi từ điều trị nội khoa, ngoại khoa đến các phương pháp vật lý, mỗi loại sẽ có những ưu và nhược điểm riêng và phù hợp với từng tình trạng sẹo lồi khác nhau. Dưới đây là các phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến:
Thuốc bôi hoặc dán tại chỗ
Sản phẩm silicone dùng để bôi hoặc dán tại chỗ
Có rất nhiều các sản phẩm silicone dùng để bôi và dán lên vết sẹo lồi có thể giảm kích thước và màu sắc của vết sẹo. Khi được bôi hoặc dán vào vết sẹo, silicone hoạt động bằng cách làm tăng nhiệt độ, giữ ẩm và gây áp lực oxy lên vết sẹo bị che khuất (oxy thấp) khiến vết sẹo bị mềm ra và phẳng đi. Người ta cũng cho rằng, silicon có thể khiến cơ thể co nhỏ lượng collagen dư thừa và sửa chữa các mạch máu bị vỡ là nguyên nhân khiến các vết sẹo trông có màu đỏ và bị sưng.
Các sản phẩm silicon dùng tại chỗ được bào chế ở dạng gel bôi và dạng miếng dán có một lớp gel silicone ở một mặt. Những sản phẩm này có thể dùng cho các vết sẹo vẫn còn hồng và đang lành, cũng như các vết sẹo lồi cũ. Những sản phẩm này an toàn cho mọi người ở mọi lứa tuổi và màu da.
Khi bôi hoặc dán một sản phẩm silicone lên vết sẹo thì bệnh nhân sẽ cần giữ lại chúng trong khoảng 12 giờ trở lên mỗi ngày. Nhiều người thấy được kết quả sau 2 đến 4 tháng mặc dù khoảng thời gian này sẽ khác nhau ở mỗi người. Các bác sĩ sẽ xác định khoảng thời gian bạn cần bôi hoặc dán cũng như thời gian tiếp tục điều trị dựa trên kích thước, vị trí vết sẹo và nguyên nhân gây vết thương trên da.
Tương tự như các các miếng dán silicon, bệnh nhân có thể sử dụng băng ép hoặc đồ nịt, đặc biệt là để ngăn ngừa sẹo bỏng. Tuy nhiên cần phải quấn băng ép trong suốt từ 6 đến 12 tháng, điều này rất khó khăn và khó chịu với nhiều bệnh nhân.
Băng keo Cordran
Loại băng này có chứa Flurandrenolide - một loại corticosteroid mạnh để sử dụng tại chỗ. Loại băng này thường được chỉ định dán trên sẹo lồi từ 12 – 20 giờ một ngày có thể giúp làm mềm và phẳng sẹo lồi. Ngoài ra Cordran cũng giúp sẹo hết ngứa.
Imiquimod 5%
Imiquimod5% đã cho kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị sẹo lồi sau khi cắt bỏ. Sản phẩm này ở dạng kem, gây sản xuất tại chỗ Interferon tại vị trí bôi thuốc. Nên bắt đầu bôi Imiquimod ngay sau khi cắt bỏ sẹo lồi và bôi hằng ngày liên tục trong 8 tuần. Trong một số nghiên cứu, hầu như tỉ lệ tái phát trong vòng một năm đều là 0%.
Phương pháp cột thắt
Cột thắt sẹo có thể được dùng cho những vết sẹo lồi có cuống ở những vị trí không thể cắt được hoặc bệnh nhân không cho cắt, ví dụ như ở tai. Bác sĩ sẽ cột chặt một loại chỉ khâu không tiêu quanh đáy sẹo và thay chỉ mỗi 1 – 2 tuần. Những cọng chỉ này ngày càng ăn sâu vào gốc sẹo và sẽ làm cho gốc sẹo bị rơi ra. Một số trường hợp cần dùng thêm thuốc giảm đau vài ngày sau khi thắt.
Tiêm Corticosteroid
Tiêm corticosteroid để phòng ngừa và điều trị sẹo lồi được coi là lựa chọn hàng đầu cho các bác sĩ. Corticosteroid sẽ ức chế viêm, tăng hiện tượng co mạch trong vết sẹo và giúp co nhỏ vết sẹo. Bệnh nhân thường được tiêm lặp lại vài lần cách nhau từ 3 – 4 tuần tùy theo diễn tiến của sẹo lồi và các tác dụng phụ sau tiêm có xảy ra hay không. Lưu ý khi tiêm cần tiêm đúng kỹ thuật, đâm kim và bơm thuốc vào đến tận lớp nhú bì, nơi tạo ra chất collagenase (những enzyme tiêu diệt collagen), do đó sẽ làm thoái hóa collagen. Không nên tiêm Corticosteroid vào mô dưới da vì có thể làm teo mất lớp mỡ bên dưới. Quy trình tiêm thường mất khoảng 15 phút và không cần gây mê. Các mũi tiêm đầu tiên thường sẽ làm dịu các triệu chứng và khiến sẹo lồi mềm hơn. Khoảng 50 -80% sẹo lồi sẽ co lại sau khi được tiêm, tuy nhiên nhiều vết sẹo có thể mọc lại trong vòng 5 năm sau tiêm. Do đó để đạt hiệu quả điều trị cao, các bác sĩ thường kết hợp tiêm với các phương pháp khác như đông lạnh bằng khí ni tơ lỏng hoặc dùng miếng dán dạng gel silicone.
Với các vết sẹo lồi nhỏ hơn thì tiêm corticosteroid hoàn toàn có thể xử lý hiệu quả. Nhưng với các vết lớn hơn, steroid sẽ được sử dụng để làm mềm mô sẹo, giảm số lượng cần phẫu thuật cắt bỏ, chuẩn bị vùng để cắt bỏ và có thể ngăn ngừa tái phát sau khi cắt bỏ.
Xạ trị ngoài
Xạ trị ngoài là phương pháp xạ trị liều thấp, sử dụng chùm ánh sáng hội tụ được gọi là tia X nông để phá hủy các tế bào sản xuất collagen và hạn chế sự phát triển của các tế bào mới. Những tia X chuyên dụng này sẽ không thâm nhập vào các lớp sâu của da, vì vậy không ảnh hưởng đến các mô lành khác. Xa trị là một quá trình không đau, tùy thuộc vào vị trí của sẹo lồi mà bạn có thể nằm hoặc ngồi trên bàn điều trị. Bác sĩ sẽ dùng một chiếc tạp dề chì để phủ lên vùng da xung quanh nhằm bảo vệ chúng khỏi bức xạ, sau đó đặt máy xạ trị trực tiếp lên sẹo lồi. Quá trình điều trị mất chưa đến 10 phút. Sau đó bác sĩ có thể băng sẹo lại để tránh nhiễm trùng và bảo vệ nó khỏi ánh nắng mặt trời. Tùy vào kích thước vết sẹo mà bác sĩ sẽ xác định liệu có cần thực hiện nhiều hơn 1 lần xạ trị hay không, và liệu có phải phẫu thuật cắt bỏ sẹo trước khi xạ trị hay không, cũng như nhận định kết quả của buổi xạ trị đầu tiên. Tác dụng phụ tạm thời có thể bị đỏ và đau tại vị trí điều trị.
Xạ trị ngoài có thể được sử dụng một mình để giảm kích cỡ vết sẹo, hoặc được sử dụng kết hợp sau khi phẫu thuật cắt bỏ, trong trường hợp này xạ trị thường được khuyên thực hiện trong vòng 24 đến 48 tiếng sau phẫu thuật để đạt kết quả tốt nhất.
Điều trị bằng laser
Các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên điều trị bằng laser để làm nhạt màu đỏ và tình trạng sậm màu ở vết sẹo cũng như làm phẳng vết sẹo.
Laser xung nhuộm màu (bước sóng 585-595nm)
Đây là liệu pháp hiệu quả để giảm màu đỏ và tình trạng đổi màu ở vết sẹo, ngay cả khi sẹo đã lành từ lâu. Bác sĩ sẽ chiếu chùm ánh sáng hội tụ cường độ cao vào vùng da bị sẹo, năng lượng phát ra từ tia laser sẽ tiêu hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, làm cho mạch máu trong mô sẹo co lại, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm mềm, ngưng phát triển và giảm dần kích thước cũng như độ dày của sẹo. Quá trình này cũng khiến vết sẹo sáng màu hơn vì các mạch máu chính là nguyên nhân khiến vết sẹo bị đỏ và đổi màu. Sau nhiều phiên điều trị, màu của vết sẹo có thể tệp dần với màu da xung quanh. Quá trình điều trị khá an toàn và gây ít tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể bị bầm nhẹ quanh vùng sẹo, tình trạng này sẽ mất dần trong một hoặc hai ngày.
Laser CO2 phân tách
Loại laser này sử dụng chùm ánh sáng năng lượng cao để tăng tốc quá trình tẩy da chết cũng như sửa chữa da và để loại bỏ các lớp da bên ngoài bị sẹo hoặc đổi màu. Thay vì tái tạo hoàn toàn bề mặt khu vực đang được điều trị, bằng cách phát ra các chùm tia laser hội tụ cực nhỏ tách đều nhau, laser CO2 phân tách chỉ tác động đến một phần bề mặt của da, để lại những vùng da lành khỏe mạnh, giúp quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn. Tùy vào kết cấu và kích thước của vết sẹo mà có thể cần thực hiện nhiều phiên. Bệnh nhân thường được lên kế hoạch thực hiện mỗi 6 đến 8 tuần.
Sau mỗi lần điều trị bằng laser bác sĩ đều sẽ băng vùng sẹo vào. Bệnh nhân có thể bị sưng, đỏ và ngứa tạm thời, tình trạng này sẽ giảm trong 5 – 7 ngày khi lớp da trên cùng bắt đầu bong tróc. Bệnh nhân thường được khuyên giữ ẩm và giữ sạch da trong quá trình lành thương để ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời bôi kem chống nắng cũng như hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mặc dù cũng mang lại hiệu quả nhưng laser CO2, khi được dùng một mình có tỉ lệ tái phát khá cao, 40-90%. Công dụng chủ yếu của nó là làm xẹp và giảm kích thước của vết sẹo lồi lớn để chúng có thể được điều trị bằng những biện pháp khác.
Ngoài hai loại laser trên, một số loại laser khác như Neodymium; Nd:YAG vv… cũng được ứng dụng trong điều trị sẹo lồi.
Phẫu thuật lạnh (Liệu pháp áp lạnh)
Phương pháp này sẽ làm đông lạnh vết sẹo lồi bằng khí ni tơ lỏng, hủy hoại tế bào và các mao mạch. Khi điều trị sẽ dẫn tới tình trạng thiếu oxy, làm mô sẹo bị họai tử, tróc ra và xẹp xuống. Liệu pháp áp lạnh có 3 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật áp hoặc phun khí ni tơ lỏng lên vết sẹo thường hiệu quả với các vết sẹo lồi nhỏ, còn kỹ thuật đông lạnh bên trong mô sẹo (intralesional cryotherapy) thường hiệu quả với các vết sẹo lồi lớn hơn. Ngoài việc điều trị riêng lẻ một mình, liệu pháp áp lạnh có thể được sử dụng trước khi tiêm steroid để làm mềm vết sẹo lồi cứng, khiến cho quá trình tiêm dễ dàng hơn và giúp phân tán thuốc corticosteroid tốt hơn.
- Kỹ thuật áp khí ni tơ lỏng: Sau khi làm sạch vết sẹo lồi bằng chất khử trùng, một đầu dò kim loại được gắn vào một bình chứa khí ni tơ lỏng tên là cryogun và được đặt trực tiếp lên bề mặt vết sẹo. Khí ni tơ lỏng được giải phóng ra theo cơ chế kích hoạt và chảy lên vết sẹo lồi cho đến khi băng bắt đầu hình thành lan ra rìa vết sẹo.
- Kỹ thuật phun khí ni tơ lỏng: Ni tơ lỏng được phun trực tiếp lên vết sẹo lồi để phủ hết bề mặt vết sẹo. Kỹ thuật này cho phép đóng băng mô sẹo lồi sâu hơn.
- Kỹ thuật đông lạnh bên trong mô sẹo: Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng một mũi kim gọi là Cryoshape hoặc một mũi khoan lớn giống như vậy chứa ni tơ lỏng ở đầu xung. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm chất ni tơ lỏng vào làm đông cứng sẹo lồi từ trong ra ngoài, sau đó xảy ra hiện tượng chết tế bào, dẫn đến các nguyên bào sợi được hấp thụ và xóa sạch trong quá trình này. Vì một số lý do mà phương pháp đông lạnh không gây hình thành sẹo lồi như các phương pháp gây tổn thương khác bao gồm cắt bỏ hoặc chiếu laser (nhiều bệnh nhân sau cắt bỏ sẹo hoặc laser gây tổn thương da và sẹo lồi lại mọc lên).
Sau một tuần được phẫu thuật lạnh, sẹo lồi sẽ xuất hiện tình trạng hoại tử và khô lại. Từ 2 – 8 tuần tiếp theo, lớp sẹo đã hoại tử sẽ bong ra và bắt đầu tái tạo lớp mô biểu bì. Liệu trình của phương pháp áp lạnh thường kéo dài từ 3 – 10 tuần tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Phẫu thuật cắt bỏ
Một trong những phương pháp dễ nhất và thường được áp dụng nhất để loại bỏ sẹo lồi là cắt bỏ rồi tiêm Corticosteroid. Hầu hết những sẹo lồi đã cắt đều cần phải thực hiện các biện pháp điều trị bổ sung như: Corticosteroid tiêm trong vết thương, băng ép, bôi gel Silicone, bôi kem Imiquimod hoặc tiêm Interferon.
Có hai kỹ thuật cắt bỏ sẹo lồi bao gồm: cắt bên trong viền vết sẹo và cắt bên ngoài viền vết sẹo. Cắt bên trong viền vết sẹo nghĩa là cắt bỏ phần sẹo lồi ở giữa - phần lắng đọng collagen nhiều nhất để lại các viền ngoài của vết sẹo, còn cắt bên ngoài viền là cắt bỏ toàn bộ vết sẹo lồi bao gồm cả viền của nó, kết quả sẽ để lại đường sẹo to hơn. Theo các bác sĩ, việc cắt ở bên trong và để lại phần rìa sẹo giống như để lại một "thanh nẹp” giúp giảm lực căng da và có thể giảm kích thích tổng hợp collagen, đồng thời ít ảnh hưởng đến mô lành lân cận hơn, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy, việc cắt bỏ không hết như này có liên quan đến tỉ lệ tái phát cao hơn, do đó nhiều người ủng hộ kỹ thuật cắt bỏ hoàn toàn vết sẹo.
Với những vết sẹo lồi nhỏ bác sĩ sẽ chỉ cần cắt bỏ vùng mô sẹo nhô lên, sau đó chỉ định tiêm thêm Corticosteroid để phá hủy cấu trúc tổ chức, làm teo giảm nó rồi khâu các mép da lại. Tuy nhiên với các vết sẹo có kích cỡ trung bình bác sĩ có thể cần áp dụng kỹ thuật chuyển vạt da lân cận, đồng thời kết hợp thêm các kỹ thuật xóa sẹo lồi khác để mang lại kết quả tốt nhất. Với những vết sẹo lồi kích thước quá lớn, bác sĩ có thể phải thực hiện kỹ thuật ghép da tự thân (hoặc dùng da nhân tạo). Vạt da khỏe mạnh sẽ được lấy ở vùng mông hoặc đùi, sau đó ghép vào vùng hở của vết sẹo vừa cắt, và khâu đóng lại.
Trong những trường hợp xác định vết sẹo sau khi cắt đi sẽ không thể khâu đóng được vì quá căng da, bác sĩ sẽ chèn vào bên dưới mô sẹo chất làm giãn da. Hiện tượng giãn da sẽ diễn ra dần dần, và cho phép cắt bỏ vết sẹo và khâu đóng lại trong khi không làm căng da (tình trạng căng và giãn da quá mức sau khi cắt cũng là nguy cơ lớn gây tái phát sẹo lồi).
Chăm sóc sau phẫu thuật: sau phẫu thuật cắt bỏ bác sĩ sẽ dùng băng vô trùng để băng lên vết thương. Nếu vùng phẫu thuật rộng bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc giảm đau đế quá trình phục hồi thoải mái hơn. Bệnh nhân sẽ được lên lịch hẹn tái khám sau 6 – 8 ngày để đánh giá tình trạng lành thương, cũng như có thể cần cắt chỉ. Sau 6 – 8 tuần, da sẽ lành lại, xuất hiện một vết sẹo mới, nhỏ hơn, phẳng và có màu sắc mờ dần tệp với màu da xung quanh. Quá trình lành thương hoàn toàn có thể mất khoảng 1 năm. Trong thời gian này bệnh nhân nên xắp xếp thăm khám để theo dõi và có thể cần điều trị bổ sung. Nếu cần các bác sĩ có thể tiêm corticosteroid nếu nhận thấy sẹo lồi hoặc sẹo phì đại hình thành sau phẫu thuật. Nếu bạn có tiền sử bị sẹo lồi, bác sĩ sẽ lên kế hoạch tiêm corticosteroid vào mô sẹo nhiều lần sau phẫu thuật nhằm ngăn ngừa tái phát. Ngoài ra các bác sĩ có thể đề nghị xạ trị ngoài để ngăn ngừa triệt để sẹo lồi hình thành. Liệu pháp này thường được thực hiện trong 24 đến 48 tiếng sau phẫu thuật để có kết quả tốt nhất.
Tìm hiểu thêm về:- Thông tin về bảng giá Trị Sẹo Lồi
- Hỏi đáp về Trị Sẹo Lồi
- Video Trị Sẹo Lồi của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Trị Sẹo Lồi
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viếtTừ khóa » ép Sẹo Lồi
-
Là Phẳng Sẹo Lồi Có An Toàn Và Hiệu Quả? | Vinmec
-
Các Phương Pháp Chữa Sẹo Lồi | Vinmec
-
Sẹo Lồi: Nguyên Nhân Và điều Trị
-
Điều Trị Sẹo Lồi Và Sẹo Phì đại
-
MIẾNG ÉP SẸO LỒI ECLAR PLASTER - HISAMITSU NHẬT BẢN
-
Miếng Dán ép Sẹo Lồi ECLAR PLASTER (HISAMITSU Nhật Bản)
-
Điểm Danh Những Phương Pháp Chữa Sẹo Lồi Hiệu Quả Và An Toàn
-
Mách Bạn Các Phương Pháp Chữa Sẹo Lồi Hiệu Quả Nhất
-
7 Cách Trị Sẹo Lồi Mới Hình Thành Làm Phẳng Sẹo Nhanh Chóng
-
Biện Pháp Khống Chế Sẹo Lồi
-
Những điều Cần Biết Về Sẹo Lồi Và Sẹo Phì đại
-
Như Thế Nào Là Sẹo Lồi? Cách điều Trị Sẹo Lồi
-
[MÁCH BẠN] Nên Dùng Miếng Dán Trị Sẹo Lồi Hay Kem Trị Sẹo?