Trí Tuệ Cảm Xúc Là Gì Và Cách Kiểm Soát Giúp Bạn Thăng Tiến Sự Nghiệp

Trí thông minh cảm xúc (EQ) hoặc khả năng thấu hiểu cảm xúc là một kỹ năng quan trọng, bất kể bạn đang công tác tại ngành nghề nào, ở cấp bậc nhân viên hay vị trí lãnh đạo. Trí tuệ cảm xúc không phải là bẩm sinh, bạn có thể rèn luyện chúng mỗi ngày. Và bằng cách đó, bạn có thể đạt được lợi thế hơn những đồng nghiệp khác bởi vì bạn hoàn toàn làm chủ được cảm xúc của mình, bạn có thể hợp tác cùng những người khó tính và giải quyết các vấn đề phức tạp.

Eric Lupton – CEO của Life Saver Pool Fence chia sẻ: “Thấu hiểu cảm xúc của mình, điều khiển chúng và hiểu cảm xúc của người khác có thể xem là giá trị cốt lõi nhất trong khi làm việc nhóm”. Trong một nghiên cứu được công bố trên tờ Journey of Vocational Behavior, Joseph C.Rode – Giáo sư ngành quản lý tại trường kinh doanh Farmer thuộc đại học Miami bang Ohio và các cộng sự của ông đã khám phá ra trí tuệ cảm xúc có sự liên kết đến mức thu nhập cao hơn và gia tăng mức độ hài lòng trong công việc.

EQ có khả năng thúc đẩy thành công trong sự nghiệp, đặc biệt là khi bạn cần nó để điều hòa các mối quan hệ tại nơi làm việc. Và không nhầm đâu, EQ chính là một trong số những kỹ năng công việc được dự đoán sẽ cực HOT vào năm 2022, khi các nhà tuyển dụng đang ngày càng tìm kiếm những ứng viên có sự linh hoạt và thích ứng tốt với mọi tình huống, vị trí và điều kiện làm việc.

Tầm quan trọng của EQ trong công việc

Trí tuệ cảm xúc là gì?

Lupton đưa ra nhận định trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận thức, quản lý và kiểm soát những cảm xúc của bạn, bao gồm sự đồng cảm với người khác. EQ quan trọng với bất kỳ mức độ quan hệ nào, từ cá nhân cho đến chuyên nghiệp.

Tương tự, Rode cũng nhấn mạnh trí tuệ cảm xúc là điểm giao thoa giữa cảm xúc và những gì tổng quan nhất về tinh thần. “EQ cũng có thể được hiểu rộng ra là khi một người chủ động suy nghĩ về cảm xúc hoặc dùng cảm xúc như là một thông tin quan trọng trong cách ứng xử tương tự với những thông tin khác, chẳng hạn như ý kiến, sự kiện”. Thật tuyệt vời khi bạn điều khiển được trí tuệ cảm xúc và các kỹ năng liên quan trong công việc của mình, bởi vì mỗi một nhân viên đều là một mắt xích vận hành quan trọng của doanh nghiệp.

Trí tuệ cảm xúc bao gồm khả năng sử dụng cảm xúc để gia tăng động lực và sự tập trung, nó cũng bao gồm khả năng tách rời khỏi những cảm xúc mạnh mẽ nhất thời khi cần thiết để tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ trước mắt. Chắc chắn bạn sẽ không muốn bị gắn mác là một người quá cảm tính khi lập kế hoạch mục tiêu và giao tiếp với cấp dưới của mình. Vì thế, bản thân người lãnh đạo phải đặc biệt lưu tâm đến những cảm xúc tiêu cực có thể nảy sinh tại nơi làm việc hoặc phản hồi lại chúng theo một cách tiêu cực.

Trí tuệ cảm xúc giúp bạn làm việc hiệu quả

Trí tuệ cảm xúc có mấy thành phần?

Theo giải thích từ Connelly Hayward, một chuyên gia đào tạo về trí tuệ cảm xúc, 5 thành phần phổ biến của EQ bao gồm:

  • Tự nhận thức: Là khả năng nhận biết, hiểu cảm xúc của bạn và những ảnh hưởng của cảm xúc đến bạn cũng như những người xung quanh.
  • Tự điều chỉnh: Là khả năng suy nghĩ trước khi hành động, biết tạm ngưng phán xét về một tình huống, con người hoặc trải nghiệm nào đó, biết chuyển hướng những tâm trạng tiêu cực.
  • Nhận thức xã hội: Có liên quan đến việc hiểu trạng thái cảm xúc của những người xung quanh bạn. Nhận thức xã hội cũng bao gồm nhận thức lời nói và hành động của bạn có tác động như thế nào đến người khác.
  • Sự điều chỉnh xã hội: Là khả năng ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Sự điều chỉnh xã hội liên quan đến việc biết khi nào phù hợp để ảnh hưởng đến tình trạng cảm xúc của người khác và khi nào thì không nên.
  • Động lực: Là niềm đam mê bạn dành cho công việc, nó vượt qua cả tiền bạc, sự công nhận hoặc thăng tiến.

Tại sao bạn nên quan tâm đến trí tuệ cảm xúc

Tại sao bạn nên quan tâm đến trí tuệ cảm xúc?

Có lẽ bạn sẽ tự hỏi tại sao trí tuệ cảm xúc trong công việc lại quan trọng và lý do nào để bạn cần nó? Theo cách mà Hayward chỉ ra, người lãnh đạo có ảnh hưởng và là người hướng dẫn một nhóm người có nền tảng khác nhau với các triển vọng và tính cách khác nhau. Điều này đòi hỏi một mức độ trí tuệ cảm xúc cao hơn để tạo ra môi trường làm việc tôn trọng, công bằng.

EQ cao rất cần thiết cho việc ra quyết định và kiểm soát căng thẳng. Một người lãnh đạo cần biết trạng thái cảm xúc của chính họ, cảm xúc của người khác và họ phải có khả năng sử dụng những thông tin có chọn lọc (hoặc bỏ qua nó) để đưa ra quyết định sáng suốt, có tính toán. Các nhà quản lý được rèn luyện EQ cao có thể giải quyết hiệu quả các tình huống căng thẳng và chuyển hướng vấn đề theo hướng tích cực hơn với một thái độ tỉnh táo và bình tĩnh.

Thấu hiểu xúc cảm là kỹ năng quan trọng

Làm thế nào để bạn có thể trở nên thông minh hơn về mặt cảm xúc?

Người lãnh đạo có thể thúc đẩy trí tuệ cảm xúc của họ bằng cách dành thời gian tìm hiểu về mọi người và tự nhận thức rõ hơn về cảm xúc của bản thân. Khi bạn tập chú ý hơn đến cảm xúc và phản ứng của bản thân với người xung quanh, bạn sẽ dễ trở nên đồng cảm hơn.

Nếu bạn nhận ra mình không nhanh nhạy trong việc điều khiển trí tuệ cảm xúc, đừng lo lắng, bạn hoàn toàn có thể cải thiện nó thông qua việc kiên nhẫn và thực hành. Hãy dành thời làm quen với mọi người xung quanh, tìm sự đồng cảm để cùng nhau đi qua một chặng đường dài là cách hiệu quả để bạn nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc. Hơn thế nữa, khi bạn nhìn vào người khác và thấy mình được phản ánh lại trong họ, bạn sẽ đối xử với họ theo cách nhẹ nhàng hơn.

Người có EQ cao làm việc hiệu quả hơn

Sử dụng trí tuệ cảm xúc như thế nào để giúp thăng tiến sự nghiệp?

Bên cạnh việc cải thiện các mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp, các kỹ năng trí tuệ cảm xúc còn dẫn bạn đến với một mức lương cao hơn mong đợi. Rode đã thực hiện một nghiên cứu và khám phá ra những người có trí tuệ cảm xúc cao thường có mức lương trung bình cao hơn những người không có.

Để đo lường trí thông minh cảm xúc, Rode và những đồng tác giả yêu cầu người tham gia giải quyết nhiều vấn đề có tính cảm xúc theo dạng câu trả lời đúng & sai, tương tự như một bài kiểm tra IQ. Những người tham gia được xem các hình ảnh khuôn mặt và yêu cầu xác định những cảm xúc biểu hiện cụ thể. Họ cũng được hóa thân trải nghiệm các kịch bản khác nhau và được yêu cầu xác định câu trả lời tốt nhất.

Theo nghiên cứu này, Rode đưa ra lập luận trí tuệ cảm xúc có thể có liên quan nhiều hơn đến thành công – tiền lương – ở một cấp độ tổ chức cao hơn, khi mà người lãnh đạo trở thành một phần tương đối quan trọng trong công việc của thành viên trong nhóm.

Nhưng mối liên kết giữa EQ cao và một mức thu nhập hấp dẫn là gì? Đặc tính này sẽ giúp bạn đọc vị chính xác các tình huống và thời gian phù hợp cho yêu cầu của bạn.

Phần khó nhất của việc nhận một khoản lương tốt hơn nằm ở chỗ cách bạn yêu cầu. EQ – được kết nối với một vỏ bọc thông minh – thứ trang bị cho bạn những công cụ giúp nhận biết thời khắc hoàn hảo để đề xuất, đề xuất như thế nào cho phù hợp với người nghe và bạn nên thương lượng như thế nào với những câu hỏi mà bạn nhận được.

Một điều quan trọng không kém nữa là những người có EQ cao thường nhận được mức lương tốt hơn bởi vì họ thực sự có xu hướng làm việc hiệu quả hơn. 90% người có thành tích cao trong công việc là những người sở hữu EQ cao, trong khi đó 80% người có thành tích thấp là người có EQ thấp.

Rõ ràng một điều, một người làm việc năng suất và có khả năng điều khiển một nhóm người kết hợp hiệu quả chắc chắn sẽ dẫn tới kết quả công việc cao. Người đó chắc chắn sẽ có sức ảnh hưởng tốt bởi vì ai ai cũng thích làm việc với họ.

Trí tuệ cảm xúc giúp bạn thăng tiến sự nghiệp

Bạn cần những ví dụ về phát triển EQ trong hiệu quả công việc?

Khi người lãnh đạo tuyên bố cần điều chỉnh hiệu suất làm việc của một thành viên, thành viên đó có thể trở nên phòng thủ hơn và phản ứng theo cách không phù hợp hoặc thô lỗ. Khi đó, người lãnh đạo không chỉ cần thỏa hiệp với cảm xúc của chính mình để xoa dịu cảm giác giận dữ và thất vọng, mà họ còn phải đảm bảo cấp dưới của mình hiểu những gì được yêu cầu. Khả năng đưa ra thông tin xấu mà không gây xung đột là một nghệ thuật và EQ chính là chìa khóa dẫn lối!

Một trường hợp khác khá phổ biến trong công việc cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn một ngôi sao bán hàng trong team và ánh hào quang của họ đôi khi nhấn chìm những thành viên còn lại, khiến những thành viên đó cảm thấy thua kém. Nhóm người này dễ sinh ra cảm xúc tiêu cực, kết bè phái, cô lập người giỏi,…

Cuối cùng, bạn và cả chúng tôi đều phải thừa nhận rằng những người có trí tuệ cảm xúc tốt có khả năng cải thiện bản thân và những người xung quanh họ. Đó có thể xem là một dạng năng lực tích cực, điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm ở nhân viên của mình. Như Daniel Goleman – Chuyên gia về EQ từng nói: “Nếu bạn không có khả năng tự ý thức, không kiểm soát nổi cảm xúc, không thể cảm thông và có được những mối quan hệ hiệu quả, thì dù bạn có thông minh đến đâu, bạn cũng không thể tiến xa được”.

Bạn có thấy bài viết hữu ích?

Submit Rating

Average rating 4.4 / 5. Vote count: 14

No votes so far! Be the first to rate this post.

Tags: cân bằng công việc cuộc sốngTrí tuệ cảm xúc

Từ khóa » Chỉ Số Trí Tuệ Xúc Cảm Là Gì