Triển Vọng Từ Hai Giống Ngô Lai CP A88 Và CP 333 - Báo Yên Bái

Những năm qua, việc phát triển cây ngô trên đất đồi dốc đã được nông dân Văn Chấn chú trọng, diện tích ngô đồi của huyện hiện nay hơn 2.000 ha. Tuy nhiên, do địa hình dốc nên việc trồng ngô hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, cây giống. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc, huyện còn chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực phối hợp với các công ty giống cây trồng đưa vào thử nghiệm nhiều loại giống mới khác nhau để bổ sung vào cơ cấu giống trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện đưa vào trồng thử nghiệm hai giống ngô mới là CP A88 và CP 333 trên diện tích 0,5ha, đất dốc 10% tại thôn Đèo Ách, xã Cát Thịnh.

Đây là 2 giống ngô lai của Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam được đưa vào trồng khảo nghiệm trong vụ đông xuân năm nay. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, do đầu vụ thời tiết rét đậm, rét hại và hạn hán kéo dài nên thời gian sinh trưởng của cả hai giống ngô trình diễn đều dài hơn so với quy trình từ 10 đến 15 ngày.

Giống ngô CP 333 có thời gian sinh trưởng 105 ngày, có khả năng chịu hạn tốt, độ đồng đều cao, bắp lớn, hạt đóng đầy, thích nghi rộng trên các loại đất (đất đồi, soi bãi, ruộng). Giống ngô CP A88 có thời gian sinh trưởng 115 ngày, cây khoẻ, không đổ ngã, bắp lớn, lõi nhỏ, hạt đá, màu đẹp, lá bi kín. Sau khi đưa vào trình diễn cho thấy cả hai giống ngô trên đều cho năng suất trên 82tạ/ha, cao hơn giống đối chứng LVN 99 là 14,4 tạ/ha; đều có khả năng chịu hạn và thích ứng với khí hậu của địa phương.

Là một trong 6 hộ tham gia trồng thử nghiệm hai giống ngô này, gia đình anh Tạ Văn Huy, thôn Đèo Ách được hỗ trợ 5 kg giống và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Qua hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, anh Huy cho biết: “Giống ngô này thích hợp với đồi đất dốc, thu nhập cho 1.000m2 cao hơn giống LVN99 1 triệu đồng, vụ tới, gia đình tôi sẽ đưa giống ngô này vào trồng tiếp”.

Bà Hoàng Thị Nghiêm, thôn 2, xã Cát Thịnh cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 8kg giống trồng thử nghiệm, qua thời gian chăm sóc và thu hoạch tôi thấy hai giống ngô này thích hợp với mật độ trồng dày vì góc lá hẹp, thời gian sinh trưởng ngắn hơn LVN99 từ 6-8 ngày. Khi ngô đã chín, thân và lá vẫn còn xanh, có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc…”.

Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình thử nghiệm giống ngô lai trên đất dốc, CP A88, CP 333 có ưu điểm vượt trội hơn các giống ngô khác đang được triển khai tại địa phương như: phát triển mạnh, tỷ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn; trỗ cờ phun râu tập trung, lá ngô đứng, ngọn, thân cây to, dẻo; bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh, khả năng chống hạn và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá; độ đồng đều cao, hạt mẩy, hạt có mầu vàng cam dạng đá, lõi ngô nhỏ, vỏ bi kín nên hạn chế được sâu bệnh hại.

Ông Nguyễn Tiến Lâm -Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn cho biết: “Đây đều là những giống ngô có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn. Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho huyện có thể đưa vào bổ sung cơ cấu giống”.

Từ những đánh giá trên, ngành nông nghiệp huyện Văn Chấn đề xuất với Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam tiếp tục hỗ trợ giống, mở rộng các mô hình trình diễn nhằm khảo nghiệm các giống ngô này tại nhiều địa phương khác với điều kiện thổ nhưỡng cũng như quá trình thâm canh khác nhau. Từ đó, có cơ sở khuyến cáo nhân dân mở rộng sản xuất; huyện Văn Chấn báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có định hướng đưa hai giống ngô trên vào trồng ở diện rộng trong các vụ tiếp theo nhằm đánh giá chính xác hiệu quả của giống mới.

H.D

Từ khóa » Giống Bắp 333