Triết Học Dạy Nghi Ngờ - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Con người đã luôn là một sinh vật biết hoài nghi. Ảnh: Axios |
Mấy năm trước, khi còn dạy chương trình “English for University” (Anh ngữ cho trường đại học) của một đại học lớn ở TP.HCM, tôi thấy một số sinh viên của mình có thói quen khá khó ưa. Lớp trình độ nâng cao của chương trình không chỉ nhằm cải thiện khả năng viết hay nói mà còn giúp họ mở rộng suy nghĩ phản biện cần thiết khi học đại học.
Một số sinh viên chắc thấy “yếu tố phản biện” của lớp quá khó, đến độ mỗi lần được yêu cầu bày tỏ ý kiến nhất định về một vấn đề xã hội, kèm lý do, ví dụ và (nếu có thể kiếm ra) bằng chứng, họ thường mở bài với 1-2 câu, đại khái là “vấn đề nào cũng có hai mặt của nó”, và trong bài, họ không dám đứng về một phía nào dứt khoát hết.
HOÀI NGHI ĐỂ HẠNH PHÚC
Cũng có lần, một bài phân tích ưu nhược điểm của vấn đề khá hay. Nhưng hầu hết các bài viết đều mở đầu kiểu “ba phải”, cho thấy sinh viên rất miễn cưỡng trong việc phát triển và lý giải ý kiến riêng.
Hôm nay có tin vui dành cho sinh viên cũ của tôi: có một loại triết học nổi tiếng với cả một lịch sử dài, có thể bào chữa cho sự do dự của họ. Gần đây tôi đọc lại bộ sưu tập “Cuộc đời các nhà triết học lỗi lạc” của Diogenes Laertius, kể lại tiểu sử và tóm tắt tư duy của hàng tá nhà tư tưởng đã sống, chết và cãi nhau ở Hi Lạp cổ cách đây hơn 2.000 năm.
Một trong những trường phái hết sức thú vị tác giả nói đến là một nhóm triết gia cá tính từng tạo ra cái gọi là “chủ nghĩa hoài nghi”. Tôi thấy nó cũng có liên quan đến cuộc sống ở Việt Nam ngày nay, không chỉ với mấy sinh viên “ba phải” tôi nhắc ở trên.
Giới triết học Hy Lạp cổ đa dạng đến khó hình dung: có đủ loại nhà tư tưởng với đủ các suy nghĩ, và đủ cách sống liên quan. Có triết gia sống ngoài đường trong một cái thùng để chứng minh sự cam chịu cuộc sống tối giản và sự kinh thường với con người ham vật chất, để khẳng định rằng sống tự do hạnh phúc hơn nhiều.
Mặt khác, có nhà triết học kiên trì học toán, suy nghiệm về những bí mật sâu kín của vũ trụ, về trật tự lý tưởng cho xã hội và cách con người có thể hiểu biết hoàn hảo về chúng.
Còn những triết gia theo chủ nghĩa hoài nghi có một luồng suy nghĩ khác: ý kiến của mấy trường phái khác, nhất là của các bạn đồng nghiệp có xu hướng tìm hiểu các “nguyên tắc tối thượng của cuộc đời”, có thể gây ấn tượng sâu sắc, nhưng thật sự đáng ngờ. Và nói chung, nghi ngờ đóng vai trò tích cực trong cuộc sống.
Giới triết học Hi Lạp cổ đa dạng đến khó hình dung: có đủ loại nhà tư tưởng với đủ các suy nghĩ, và đủ cách sống liên quan. Có triết gia sống ngoài đường trong một cái thùng để chứng minh sự cam chịu cuộc sống tối giản và sự khinh thường với con người ham vật chất, để khẳng định rằng sống tự do hạnh phúc hơn nhiều.
Mặt khác, có nhà triết học kiên trì học toán, suy nghiệm về những bí mật sâu kín của vũ trụ, về trật tự lý tưởng cho xã hội và cách con người có thể hiểu biết hoàn hảo về chúng.thú vị mà tác giả nói đến là một nhóm triết gia cá tính từng tạo ra cái gọi là “chủ nghĩa hoài nghi”.
Tôi thấy nó cũng có liên quan đến cuộc sống ở Việt Nam ngày nay, không chỉ với mấy sinh viên “ba phải” nhắc ở trên.
Một mặt, có thể nói có rất nhiều điều con người không thể nào biết chắc được, và thái độ “đứng đắn” với những điều đó quả là “bất khả tri”, trì hoãn sự phán xét, chỉ phát biểu dè dặt, đặc biệt với những điều người khác tưởng (hay giả vờ) họ biết chắc.
Mặt khác, nhà triết học đứng đắn phải phát triển một phương pháp nghiên cứu không chỉ tư duy lại một cách lý trí những điều người khác tin dựa trên lẽ thường, uy tín, tình cảm..., mà còn nhận ra chính những sự quá mức của lý trí.
Ông tổ trường phái ngờ vực này, tên là Pyrrho, từng nói: Lý trí có xu hướng tự mâu thuẫn. Vì vậy một triết gia đích thực có trách nhiệm vạch mặt những người hay giáo điều một cách lý trí.
Pyrrho: Nghi ngờ là để hạnh phúc.-Ảnh: partiallyexaminedlife.com |
Phương pháp hoài nghi trong trường hợp thứ nhất có kết quả là trì hoãn sự phán xét về nhiều điều có ý nghĩa lớn lao với người bình thường. Những đặc tính của thế giới xung quanh thực ra phụ thuộc vào góc nhìn (có thể thay đổi), năng lực của các cơ quan cảm giác (mang tính tương đối), cả tình trạng tâm sinh lý, vì vậy việc nghi ngờ về chúng rất chính đáng, ai khẳng định rằng ngoại giới về cơ bản là như thế này hay thế kia thì đối với triết học hoài nghi trong một ý nghĩa nào đó, đã là vội vàng quá đáng rồi.
Còn ai phán xét các khía cạnh con người của thế giới cũng có khả năng nói sai không kém. Để khẳng định một người đẹp, một kẻ tốt bụng, ngay cả một chiếc ghế hữu ích, rõ ràng ta phải phân biệt đẹp và xấu, tốt và không tốt, có ích và vô ích...
Vì những điều người bình thường tin dựa trên các khái niệm này nói chung phụ thuộc vào phong tục, luật pháp, giáo dục và các hệ thống tư tưởng có sẵn, những yếu tố này khác nhau từ xã hội này qua xã hội kia (ngay cả từ người nay qua người khác), thế thì những gì họ nói về đạo đức, thẩm mỹ... cũng là điều đáng đặt nghi vấn.
Thật thú vị là phương pháp của Pyrrho không hề có mục đích giúp sinh viên học đại học hiệu quả hay có kỹ năng lật ngược vấn đề để có cách giải quyết sáng tạo trong công việc. Việc cổ vũ học trò trì hoãn đưa ra phán xét có mục đích chính là giúp họ... sống hạnh phúc.
Ý tưởng then chốt của Pyrrho là một con người không vướng vào những tranh luận khốc liệt (và có vẻ người Hi Lạp cổ bất đồng ý kiến về đủ thứ, dù họ chưa có... Facebook) có thể sống thông minh hơn và bình an hơn người bình thường.
Thú vị không kém là phương pháp hoài nghi đủ rộng để bao gồm cả kiểu câu trả lời của học trò tôi ngày xưa: Vì theo chủ nghĩa hoài nghi, câu khẳng định nào cũng “bao hàm” câu phủ định và những điều ta có thể nghi vấn là vô hạn, có lẽ có rất ít câu hỏi ta có thể trả lời một cách tự tin, không xin lỗi trước vì có thể mắc sai lầm hay vội vàng quá đáng.
Chẳng lẽ sinh viên cũ của tôi theo trường phái triết học hoài nghi mà không nhận ra sao? Phải nói là tôi thấy giả thuyết này có gì đó rất đáng ngờ...
Chúng ta tua thêm một thiên niên kỷ rưỡi từ thời Hi Lạp cổ. Chủ nghĩa hoài nghi có vai trò quan trọng trong khoa học tự nhiên hiện tại và nếu ta muốn hiểu tại sao khoa học được coi là một dạng kiến thức đặc biệt đáng tin cậy, khác với những hiểu biết xuất phát từ những nguồn niềm tin khác như tôn giáo hay lẽ thường (common sense), thì ta phải chú ý đến “yếu tố hoài nghi” trong nó.
Khoa học bắt đầu từ sự hoài nghi.-Ảnh: PS Illustration |
KHOA HỌC BẮT ĐẦU TỪ HOÀI NGHI
Từ lúc khởi đầu vào thế kỷ 16, khoa học đã nỗ lực chống lại các kiểu khẳng định giáo điều, dẹp bỏ các biểu tượng tôn giáo thiêng liêng không có chức năng rõ ràng hoặc không có tác động cụ thể có thể quan sát trực tiếp được.
“Tình trạng cuối cùng” - quan niệm cho rằng mọi vật phát triển như chúng phát triển vì chúng đang hướng tới một trạng thái sau cùng: mầm gạo phát triển với “ý định” trở thành cây lúa chẳng hạn - từ lâu đã được coi là nguyên nhân định đoạt quá trình phát triển.
Nhưng khoa học duy lý thời kỳ đầu đã tìm cách xóa bỏ lời giải thích mang tính quyết định luận này. Tương tự, “Ý Chúa” và “Mệnh Trời” bị xóa bỏ khỏi đời sống xã hội.
Quan trọng không kém, trong 4-5 thế kỷ sau đó, phương pháp khoa học được định nghĩa bởi tiêu chuẩn chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hoài nghi. Lý thuyết khoa học từ thế kỷ 16 về sau không những dựa trên những khẳng định trên phạm vi rộng về ngoại giới, nó không những cần được kiểm tra dưới các điều kiện thực nghiệm nhất định, mà còn luôn có thể là đối tượng của sự nghi ngờ.
Một khi, và chỉ một khi nhà khoa học chứng minh đầy đủ lý thuyết của mình để bác bỏ nghi vấn, nó mới có hi vọng được chấp nhận là đúng sự thật trong cộng đồng người nghiên cứu, và trong dư luận.
Chúng ta bắt đầu nhận ra tại sao khoa học được coi là “chuẩn mực vàng”, dạng kiến thức đủ tin cậy để lấy làm “nền tri thức” cho tòa nhà chọc trời ta xây và chiếc máy bay đưa ta đi khắp thế giới. Một phần vì “yếu tố hoài nghi” có vai trò không khác gì một kháng thể trong cơ thể người - có khả năng loại trừ các nguồn chính của sự hiểu lầm: lối ngụy biện “có uy tín thì đúng”, thói vơ đũa cả nắm dựa trên kinh nghiệm cá nhân hay một “mẫu” sự thật quá nhỏ, và quan trọng nhất là việc đánh giá thế giới dựa trên tình cảm mù quáng hay lợi ích phiến diện.
Tác động của chủ nghĩa hoài nghi không dừng ở đó. Nó cũng rất dễ nhận ra trong quá trình hình thành xã hội và nền văn hóa hiện đại. Đó là vì thái độ hoài nghi với kiến thức thường dẫn đến cách nhìn “bất khả tri” về tín ngưỡng tôn giáo.
Ở châu Âu, “nhân sinh quan hoài nghi” khuyến khích một số người đặt nghi vấn chính đáng về vài điều được đại đa số người mặc nhiên thừa nhận từ muôn đời: Kinh Thánh (đáng tôn trọng đến đâu) liệu có phải là “lời dạy của Chúa” theo nghĩa đen hay chỉ là tập văn bản do con người có thể mắc sai lầm viết ra trong những điều kiện lịch sử nhất định? Tương tự: con người và thế giới nói chung có thật sự là “tác phẩm” do một Đấng Tối Cao tốt lành tạo ra, hay “giả thuyết” này mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của một thực thể không cần thiết?
Xin lưu ý ở đây: những câu hỏi này không mang tính trừu tượng như ta tưởng. Vì quyền lực của giới quân chủ châu Âu dựa trên khái niệm về Chúa của Công giáo truyền thống - theo đó các nhà quân chủ khắp lục địa được cho là đại diện của Chúa trên thế gian - chúng liên quan trực tiếp đến chính trị và trật tự xã hội. Việc nghi ngờ những sự khẳng định của đạo Thiên Chúa truyền thống về “tình trạng sau cùng” của vũ trụ trực tiếp dẫn đến một số câu hỏi lớn về chế độ phong kiến.
Ở phương Đông, tình trạng không khác mấy. Trong chế độ phong kiến, quyền thế của nhà vua dựa trên tư tưởng có tầm siêu hình về sự hài hòa và tôn ti của xã hội. Việc nghi vấn tư tưởng này đồng nghĩa với “tội khi quân”, tức động đến quyền lực của nhà vua, triều đình và cả chế độ quan liêu, cùng cách suy nghĩ theo kiểu “thần dân” có nghĩa vụ nhất định đối với giai cấp thống trị. Áp dụng “phương pháp nghi ngờ” vào những giáo điều làm nền tảng của xã hội là đã tạo ra điều kiện để đổi mới.
Bớt tranh luận, hạnh phúc hơn?-Ảnh: PS Illustration |
HOÀI NGHI TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
Nếu trong quá khứ, chủ nghĩa hoài nghi góp phần đáng kể trong quá trình tạo ra phương pháp khoa học hiện đại và trong việc thách thức tầng lớp quý tộc thống trị trong lịch sử, thì ngày nay nó còn là một “tài nguyên” trí thức quan trọng mà từng cá nhân có thể áp dụng để phản ứng với thế giới xung quanh một cách tỉnh táo hơn. Đó là vì chủ nghĩa hoài nghi không nhất thiết phải được coi là trường phái triết học, mà có thể chỉ đơn giản là lời nhắc ta không sống quá nhẹ dạ hay mê tín.
Chủ nghĩa hoài nghi cũng quan niệm rằng những điều người khác khẳng định, nhất là những đánh giá rộng với tác động lớn đến nhiều người, phải được đặt nghi vấn một cách bài bản. Hay nói cách khác: niềm tin cố định phải lâu lâu “đậu bài thi” mà lý trí và kinh nghiệm đề ra. Và nếu rớt thì chúng xứng đáng bị từ bỏ.
Nếu có người chào mời ta một kế hoạch kinh doanh quá hứa hẹn, gần như “bảo đảm chắc chắn” một tỉ suất lợi tức cao, thì phải hỏi lại người đó theo tinh thần chủ nghĩa hoài nghi: Kế hoạch kinh doanh này có đang đánh giá quá thấp những rủi ro? Nó có dựa trên những giả thuyết về điều kiện kinh tế quá lạc quan không? Nhà đầu tư có kế hoạch phòng bị bất ngờ nào không nếu dự báo lợi nhuận không thực hiện được? Nếu hàng chục ngàn người đầu tư vào tiền ảo mấy năm gần đây đặt nghi vấn kiểu này thì rất có thể họ không phải trắng tay như bây giờ.
Khi ta đối mặt với nhiều tình huống, đương đầu với các tổ chức đủ kiểu, một người muốn sống tự lập, giữ cuộc sống mình trong tầm kiểm soát, thay vì bất lực trước yêu cầu của những quyền lực ngoại giới lớn, phải đặt nghi vấn tương tự.
Lấy ví dụ là cách ta đối xử với nền y tế. Ở đây việc áp dụng phương pháp hoài nghi một cách thực tế không những có nghĩa là đặt câu hỏi mang tính phê phán về những thần dược người ta quảng cáo ầm ĩ trên mạng, mà (tiếc thay) ở Việt Nam còn có nghĩa là yêu cầu bác sĩ giải thích đầy đủ tại sao họ khuyên mình uống thuốc này, lựa chọn phương pháp điều trị nọ. Rõ ràng một số bác sĩ Việt Nam có xu hướng đề nghị bệnh nhân chọn những phương pháp chữa bệnh có lợi hơn cho bản thân họ, còn khả năng chữa bệnh thì mơ hồ hoặc tương đương phương pháp rẻ tiền hơn nhiều.
Một ví dụ khác là cách ta cư xử với truyền thông. Ai cũng biết mạng Internet đầy ắp những bài có rất nhiều sự khẳng định không chứng minh được, “mượn” ý kiến của kẻ khác không được tham chiếu hẳn hoi, ngay cả nhiều chuyện tầm phào mà người ta vẫn một mực cho là chứa nhiều thông tin có ích. Ta thực sự muốn có phương hướng trên ma trận thông tin này thì một lần nữa phải đặt nghi vấn rất theo tinh thần chủ nghĩa hoài nghi: Nguồn gốc thông tin từ đâu? Tác giả có thành kiến nào, và những thành kiến đó tác động thế nào đến góc nhìn và nội dung của bài viết? Tác giả nói về chủ đề với tư cách là chuyên gia hay chủ yếu đưa ra ý kiến tùy tiện? Tác giả có nói sót khía cạnh hay chi tiết nào của vấn đề không? Rõ ràng những “câu hỏi hoài nghi” này có thể làm giảm ảnh hưởng xấu và lớn đến cuộc sống của nhiều người.
Có thể liệt kê khá nhiều lĩnh vực xã hội nơi việc uống “thuốc đắng” của sự nghi ngờ có thể giúp “dã tật” nhiều loại hành động bất chính.
Lấy thí dụ khác có tầm vĩ mô: Không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới, công nghệ mới được đẩy mạnh như cách giải quyết duy nhất cho những vấn đề lớn ta phải đối phó. Nghi vấn chính đáng về những hậu quả của tiến bộ công nghệ nhanh chóng trong rất nhiều lĩnh vực, từ tác động tới sự phát triển tâm lý ở trẻ em đến phong cách làm việc ở người lớn, gần như bị gác qua một bên.
Sự khẳng định của giới ủng hộ công nghệ là nó đang cải thiện cuộc sống (thay vì thay đổi cuộc sống vì lợi ích của chính giới đó) gần như đã trở thành một loại giáo điều mới, nhan nhản khắp nơi (hoặc được đa số người mặc nhiên thừa nhận). Nó rất xứng đáng bị nghi ngờ một cách triệt để, để xây dựng những chính sách công hợp lý, và để quan điểm cá nhân không phải “nhắm mắt bịt tai”.
Ảnh: sloanreview.mit.edu |
Phương pháp hoài nghi khởi đầu từ một số triết gia độc đáo ở Hi Lạp cổ, đã “lang thang” khắp thế giới, giúp tạo ra những giá trị tri thức mới và phản biện những chế độ xã hội cũ. Nhưng trong một chừng mực nào đó, nó đã luôn là một phần quan trọng trong cuộc đời mỗi cá nhân. Bằng cách đặt nghi vấn - cho người khác và thậm chí cho bản thân mình - nó là một công cụ mạnh, có ích, có thể nói là một cái nghệ thuật có cái đẹp của riêng mình.
Hi vọng nó là thành phần của chương trình giáo dục toàn diện không làm sinh viên Việt Nam phát khiếp (hay nói vòng vo) quá nhiều sau này. ■
Từ khóa » Thuyết Hoài Nghi Là Gì
-
Phân Tích Nội Dung Chủ Nghĩa Hoài Nghi Trong Triết Học
-
Các Trường Phái Chủ Nghĩa Hoài Nghi Và Chủ Nghĩa Hoài Nghi Ngày Nay
-
Thuyết Hoài Nghi - Triết Học
-
Triết Học - CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI (Scepticism) - Facebook
-
Bàn Luận Về Sự Hoài Nghi Của Phái Hoài Nghi
-
Sự Hoài Nghi | Định Nghĩa, Triết Học, Ví Dụ, Lịch Sử Và Phê Bình
-
Hoài Nghi Và Chân Lý - Tạp Chí Tia Sáng
-
Pirone Và Chủ Nghĩa Hoài Nghi Cổ đại - Viện Triết Học
-
Hãy Hoài Nghi, Nhưng đừng Nghi Hoài | Vietcetera
-
Tại Sao Phải Hoài Nghi? - Công An Nhân Dân
-
Hoài Nghi Là Cha đẻ Của Phát Minh - BVU
-
ý Nghĩa Của Từ Làm Thế Nào để Trở Thành Một Người Hoài Nghi
-
Chủ Nghĩa Hoài Nghi Triệt để - Wikimedia Tiếng Việt