Triệu Chứng Ngất Xỉu, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị - Hello Doctor

Triệu chứng ngất xỉu, nguyên nhân và cách chữa trị

Chào bác sĩ, cháu tên là Hân. Bạn cháu thời gian gần đây thường hay bị ngất xỉu. Cháu rất lo cho bạn cháu, bác sĩ có thể giải thích giúp cháu về triệu chứng này và biện pháp khắc phục được không ạ. Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời:

Chào cháu Hân, trước tiên cảm ơn cháu đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Ngất xỉu là một triệu chứng rất dễ thấy trong cuộc sống và có nhiều nguyên nhân gây ra nó. Để khắc phục tình trạng ngất xỉu, cần giải quyết nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Một vài thông tin dưới đây sẽ hữu ích cho cháu.

1. Ngất xỉu là gì?

2. Biểu hiện của ngất xỉu

3. Nguyên nhân gây ra ngất xỉu

4. Phải làm gì khi có người ngất xỉu

===

Tham vấn thông tin, tư vấn và hẹn khám bệnh:

✍ Bác sĩ Nguyễn Tường Vũ

✍ Bác sĩ Lê Thành Nhân

===

1. Ngất xỉu là gì?

Ngất xỉu là tình trạng rơi vào trạng thái mất ý thức trong một khoảng thời gian ngắn vì não bộ không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết. Thông thường ngất sẽ kéo dài từ vài giây đến vài phút.

Trước khi ngất đôi khi bạn sẽ có cảm giác lâng lâng, chóng mặt, yếu, hoặc buồn nôn. Một số người lại nhận thấy rằng tiếng ồn xung quanh từ từ giảm đi, hoặc có thể mô tả mọi thứ xung quanh "tối đen" hoặc "trắng xóa". Thường ngất sẽ mất vài phút để hồi phục hoàn toàn. Nếu ngất không phải nguyên nhân do do bệnh tật, bạn có thể không cần điều trị.

Ngất xỉu thường không đáng lo ngại, nhưng trong một số trường hợp có thể là triệu chứng của các tình trạng y tế nghiêm trọng. Nếu trước đó bạn không có tiền sử ngất và trong tháng vừa qua bạn bị ngất nhiều lần, bạn nên đi khám bác sĩ.

2. Biểu hiện của ngất xỉu

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngất xỉu, một số hoặc tất cả các triệu chứng này có thể xuất hiện trước hoặc trong suốt quá trình ngất:

  • Chóng mặt
  • Yếu
  • Vã mồ hôi
  • Mắt nhìn mờ, nhìn thấy các điểm đốm sáng
  • Đau đầu
  • Cảm giác căn phòng đang xoay vòng
  • Ù tai
  • Buồn nôn, nôn
  • Xanh xao
  • Cảm giác châm chích như kiến bò hoặc tê ngón tay và quanh vùng môi
  • Da tái
  • Khó thở
  • Mất khả năng tự chủ (tiểu tiện hay đại tiện)

Các loại ngất

Có nhiều loại ngất xỉu, nhưng thường được chia làm ba loại ngất phổ biến như sau:

  • Ngất do thần kinh phế vị có thể được kích hoạt bởi chấn thương cảm xúc, căng thẳng, nhìn thấy máu, hoặc đứng lâu trong một thời gian dài.
  • Ngất do xoang cảnh xảy ra khi động mạch cảnh ở cổ bị co thắt, thường là sau khi xoay đầu sang một bên hoặc mặc áo có cổ quá chặt.
  • Ngất tình huống xảy ra do tăng áp lực trong khi ho, đi tiểu, đi cầu, hoặc có các tình trạng bệnh dạ dày-ruột.

3. Nguyên nhân gây ra triệu chứng ngất xỉu

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của ngất xỉu không rõ ràng. Ngất xỉu có thể được kích hoạt bởi một số yếu tố, bao gồm:

  • Sợ hãi hoặc các tổn thương về cảm xúc khác
  • Đau dữ dội
  • Tụt giảm huyết áp đột ngột
  • Lượng đường trong máu thấp do tiểu đường hoặc nhịn đói lâu ngày
  • Thở quá nhanh (thở nhanh, nông)
  • Mất nước
  • Đứng quá lâu ở một tư thế
  • Đứng lên quá nhanh
  • Tập thể dục trong môi trường nóng bức
  • Ho nhiều
  • Tăng áp lực khi đi cầu
  • Động kinh
  • Sử dụng ma túy hoặc rượu

Các loại thuốc có tác dụng giảm huyết áp cũng sẽ làm tăng nguy cơ ngất xỉu. Chúng bao gồm một số loại thuốc để điều trị cao huyết áp, dị ứng, trầm cảm, và lo lắng.

Nếu như xoay đầu sang một bên khiến bạn ngất, có thể do xương tại vùng cổ đang chèn ép vào mạch máu của bạn.

Bạn sẽ có nhiều khả năng ngất nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Bệnh đái tháo đường
  • Bệnh tim
  • Chứng xơ vữa động mạch
  • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
  • Lo lắng hoặc hoảng loạn
  • Bệnh phổi mãn tính (như khí phế thũng)

4. Phải làm gì khi có người ngất xỉu

Khi có người đột nhiên ngất gần bạn, bạn có thể giúp họ tăng lưu lượng máu chảy đến não bằng cách nâng hai chân cao hơn mức tim. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bệnh nhân ngồi với tư thế đầu ép chặt vào 2 đầu gối.

Cách xử lý khi thấy có người bị ngất xỉu

Nới lỏng cổ áo, dây thắt lưng, hoặc quần áo chặt khác. Giữ bệnh nhân nằm hoặc ngồi ít nhất 10 đến 15 phút. Tốt nhất là nơi mát mẻ, yên tĩnh. Uống nước lạnh cũng có thể giúp họ hồi phục.

Nếu bệnh nhân không thở, hãy gọi ngay cấp cứu.

Khi nào ngất xỉu là trường hợp cấp cứu?

Bạn nên gọi ngay cấp cứu nếu ai đó đã ngất và:

  • Không thở
  • Không phục hồi ý thức trong vòng vài phút
  • Té ngã và bị thương hoặc đang chảy máu
  • Mang thai
  • Đái tháo đường
  • Không có tiền sử ngất xỉu và trên 50 tuổi
  • Nhịp tim bất thường
  • Phàn nàn về đau ngực hoặc nặng ngực
  • Bị co giật hoặc bị thương ở lưỡi
  • Mất khả năng kiểm soát đại tiện hoặc tiểu tiện
  • Khó khăn khi nói hoặc nhìn
  • Lú lẫn hoặc mất phương hướng
  • không thể cử động chân tay của họ

Làm theo hướng dẫn của nhân viên cấp cứu. Bạn có thể cần phải thực hiện hồi sức tim phổi cho người bị ngất trong khi chờ đội cứu hộ giúp đỡ.

Cháu Hân thân mến, trên đây là những thông tin hữu ích cho cháu về triệu chứng ngất xỉu. Khi thấy bạn cháu ngất xỉu, hãy áp dụng một số biện pháp mà chúng tôi đưa ra. Nếu bạn cháu thường xuyên ngất xỉu, hãy khuyên bạn cháu đi khám để được điều trị bệnh. Nếu cháu cần giúp đỡ, hãy gọi cho Hello Doctor chúng tôi theo số điện thoại: 1900 1246 để đặt lịch khám, chúng tôi luôn sẵn lòng được hỗ trợ cho cháu.

Cảm ơn cháu đã quan tâm!

Nếu bạn cần hỗ trợ hay có câu hỏi cần gửi tới bác sĩ Hello Doctor vui lòng gửi thông tin tại đây.

Từ khóa » Hiện Tượng Hay Bị Ngất Xỉu