Trò Chơi Hại Trẻ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Cách đây hơn 10 năm về trước, tuổi thơ của trẻ em thường gắn liền với những trò chơi dân gian như thả diều, đánh chuyền, đánh đáo, nhảy dây, kéo co, chơi bi, chơi đuổi bắt, trốn tìm, đá cầu, đá bóng... Đó là những trò chơi hết sức đơn sơ, mộc mạc nhưng mang đậm bản sắc dân tộc và thấm đượm truyền thống văn hoá Việt Nam.

Đồ chơi để thực hiện các trò chơi dân gian cũng hết sức đơn giản, chúng được làm bằng những vật liệu sẵn có từ tự nhiên do chính bàn tay trẻ em hoặc ông, bà, cha, mẹ tạo nên. Bởi thế, trò chơi dân gian luôn tạo cho trẻ thơ được vui chơi thoải mái trong sự đoàn kết, thân ái và hướng thiện.

Thế nhưng, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, những trò chơi và đồ chơi dân gian gắn liền với bản sắc dân tộc và truyền thống văn hóa Việt Nam đã đi vào quên lãng. Thay thế nó là những trò chơi hiện đại mang đậm tính thị trường, gắn liền với sự phát triển của kinh tế và hội nhập. Đó là những trò chơi điện tử, trò chơi cảm giác mạnh, trò chơi cá cược...

Tất cả những trò chơi này được thiết kế sẵn theo một quy luật riêng của nhà sản xuất hoặc người tổ chức chơi nên khi chơi trẻ em sẽ bị cuốn hút vào những tình tiết hấp dẫn của trò chơi do nhà sản xuất hoặc nhà tổ chức trò chơi tạo ra để phục vụ mục đích lợi nhuận của họ. Bởi thế, khó có thể biết được sức khỏe, sự phát triển tâm, sinh lý, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng xấu, tốt như thế nào?!

Không chỉ có vậy, ngày nay, trên thị trường còn bày bán tràn lan các loại đồ chơi "kỳ lạ" có xuất xứ từ Trung Quốc với rất nhiều hình thù và kiểu dáng khác nhau như: Những "siêu nhân" bằng nhựa tay ôm súng hoặc cầm kiếm, những "siêu nhân" di động vừa đi vừa kêu, vừa nhấp nháy đèn hoặc những thứ kinh dị như búp bê "ma" gắn chíp có tiếng cười quái đản, mặt nạ quỷ dữ nanh trắng nhọn lởm chởm hay các loại quái thú như rắn, trăn, khủng long... khiến nhiều trẻ nhỏ chơi xong, đêm nằm mơ cứ nhảy lên gào thét.

Gần đây còn có loại hạt nở, khi khô hạt nhỏ li ti, gặp nước chúng bung tròn to như hòn bi ve ngũ sắc, nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì cho vào mồm nghịch, hạt nở to tắc nghẽn đường hô hấp. Với những hình thức và kiểu cách kỳ quái, chắc chắn các loại đồ chơi trên sẽ có ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Không chỉ có vậy, bản thân chất liệu đồ chơi Trung Quốc cũng được phát hiện có những chất nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ như: Sơn, thủy ngân, chì…

Bên cạnh đó, ngày nay, các loại đồ chơi bạo lực nguy hiểm được bày bán tràn lan khắp nơi. Qua tìm hiểu thực tế tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chúng tôi đã thống kê được có đến hàng chục điểm bày bán đồ chơi trẻ em, trong đó có đồ chơi bạo lực nguy hiểm đã bị cấm.

Chủ yếu những loại đồ chơi bạo lực nguy hiểm nêu trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại đồ chơi này rất đa dạng về kiểu dáng, hấp dẫn về màu sắc và mẫu mã, giá cả lại hợp lý nên rất được ưa chuộng. Chỉ vài ba chục ngàn là người ta có thể dễ dàng mua được một bộ đồ chơi với đầy đủ súng, đạn, dao găm, côn, rìu hay một bộ đồ chơi với kiếm, cung, nỏ... hoặc xe ôtô với tên sĩ quan quân đội Sài Gòn ôm súng máy ngồi trên... Đồ chơi bạo lực thì tất nhiên trò chơi cũng được thực hiện một cách bạo lực.

Trước khi thực hiện bài viết này, tôi đã được chứng kiến rất nhiều cảnh trẻ em vác "súng" bắn nhau, vác "dao, kiếm" đánh nhau, thậm chí nhiều trẻ nhỏ còn vác "súng" gí vào đầu bố, mẹ, ông, bà hay vác "dao, kiếm" kề vào cổ bố, mẹ...

Cũng đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ vác súng bắn đạn nhựa bắn nhau chẳng may đạn bắn vào mắt phải nhập viện cấp cứu, có trường hợp một trẻ nhỏ cầm "kiếm" chém vào đầu trẻ nhỏ hàng xóm, trẻ nhỏ kia không có "kiếm" vớ được chiếc gậy gỗ chém lại vào đầu khiến trẻ ngất ngay tại chỗ...

Theo quy định của pháp luật thì những đồ chơi bạo lực nguy hiểm bị cấm gồm các đồ chơi có hình dạng giống như các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh...; súng nén hơi, nén lò xo, súng bắn đạn nhựa, đạn các loại, súng bắn phun nước, súng bắn phát quang hoặc bắn gây nổ; các loại bật lửa có hình dạng quả lựu đạn hoặc hình dạng súng ngắn; các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, rìu, cung, nỏ làm bằng gỗ, bằng tre, nhựa hoặc giấy nén...

Thế nhưng, cho đến nay, những loại đồ chơi như trên vẫn được bày bán tràn lan khắp nơi mà chưa hề được các cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt.

Như vậy, để con trẻ có một tuổi thơ trong sáng, vui tươi, lành mạnh và khoẻ khoắn làm tiền đề cho sự phát triển tâm sinh lý, sự hình thành và phát triển nhân cách trong tương lai, các bậc cha, mẹ phải tìm hiểu và lựa chọn cho con em mình những trò chơi, đồ chơi phù hợp có tác động tốt (kể cả tác động trực tiếp và gián tiếp) đến cuộc sống, thế giới trẻ thơ của trẻ

Từ khóa » Trò Chơi Trẻ Em Không Nên Chơi