Trở Lại 'làng ăn Mày' - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Chùa Diên Khánh to đẹp của người dân Quảng Thái - Ảnh: TÂM LÊ
Chúng tôi dễ dàng chạy xe giữa đường làng ven biển với hai bên san sát hàng quán. Phần lớn là nhà tầng và nhà mái bằng, có cả cây xăng lớn giữa thôn. Đó là làng Đồn Điền, xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), ngôi làng từng bị đồn thổi cả làng đóng cửa đi ăn xin.
Lời đồn lan truyền
Làng Đồn Điền là tên cũ, giờ tên gọi này chỉ dành cho ngôi đền làng. Xã Quảng Thái hiện có 12 thôn thì riêng làng Đồn Điền xưa chiếm tới 7 thôn ngày nay. Thôn 1 như trung tâm văn hóa của làng cũ, có đền thờ thành hoàng làng, di tích, điểm vui chơi, hội hè.
Những người dân có làn da mặn mòi gió biển mà chúng tôi gặp ở làng đều vui vẻ, hồn hậu. Bà Lê Thị Ruộng, 66 tuổi, ở thôn 2, thấy người lạ vẫn dừng lại giúp đỡ nhiệt tình: "Thấy ngó nghiêng thì biết ngay đang tìm đường mà" - bà Ruộng cười tươi nói.
Bà giới thiệu làng mình bằng những câu thơ ngọt ngào tự sáng tác: "Quê em đẹp tươi Điền Nông/ Hợp tác xã đổi mới say sưa tắm trong nắng vàng...". Bà Ruộng có hai con gái, cô út đang dạy học ở trường quốc tế tại Hà Nội, cô chị lấy chồng làng và làm nghề buôn bán. Bà có khiếu thơ ca, hay tự biên tự diễn những bài dân ca quê hương.
Chồng mất sớm, bà Ruộng sống một mình trong căn nhà nhỏ xinh có nhiều cây xanh. Bà không biết làng có người nào đi ăn xin, cũng không biết có gia đình nào trước đây ăn xin mà giờ đổi đời như chúng tôi dò hỏi. "Các cháu giờ đi học rồi đi làm ăn xa, đứa nào ở nhà thì làm công nhân, còn người lớn thì bán hàng rong. Chẳng thấy ai ăn xin" - bà Ruộng cho biết.
Ông Lê Đình Vy, trưởng thôn 1, thở dài nói: "Có nhiều thông tin viết không đúng về làng. Không biết họ lấy chuyện cả làng Đồn Điền đi ăn mày ở đâu mà kể hay như thật". Người ta đồn làng đóng cửa đi ăn xin hết, ăn xin về xây nhà lầu, đình làng còn thờ cả ông tổ nghề ăn xin, rồi tục lệ ba ngày tết cả làng đóng cửa đi xin ăn, rồi đến thôn trưởng cũng đi ăn xin để cả năm may mắn...
Ông Vy vừa cười vừa lắc đầu khi nhắc các chuyện người ta từng gán cho làng ông. Ông nói tôi qua gặp cụ từ đền làng sẽ rõ vì các cụ đều cao tuổi, hiểu chuyện làng.
Tôi thấy đời sống mọi mặt của người dân đã đổi thay nhiều.
Anh Uông Ngọc Tân
Cụ từ Uông Ngọc Dần phân định sự thật lời đồn sai về “làng ăn mày” - Ảnh: TÂM LÊ
Nỗi oan "làng ăn mày"
Cụ từ Uông Ngọc Dần đảm nhận chính nghi lễ bái tổ đền Đồn Điền, khi nghe gợi chuyện bị gọi "làng ăn xin" đã bức xúc: "Đình làng thờ hai vị quan phó sứ thành hoàng có công với nước với dân, khai khẩn đồn điền ổn định đời sống cho dân. Ngài được vua ban sắc phong vì có công lớn, vậy mà họ bảo chúng tôi thờ ông tổ nghề ăn xin".
Một cụ từ lấy tặng tôi một cuốn lịch sử đền của Nhà xuất bản Thông Tấn. Ban biên tập và cố vấn nội dung có tới 3 phó giáo sư, tiến sĩ. Nội dung cuốn lịch sử đền không có từ nào nhắc chuyện ăn mày, không nói thành hoàng làng là ông tổ nghề xin ăn. "Nói đi ăn mày là xúc phạm các vị tiền bối. Họ đều là quan văn quan võ triều đình, những bậc tài giỏi" - một cụ từ đền làng bất bình.
Năm 1473, Phó sứ Tô Văn Bảo và Phó sứ Uông Ngọc Châu theo lệnh vua Lê Thánh Tông đưa quân về khai khẩn miền đất duyên hải Quảng Xương, lập nên sở Đồn Điền. Điều này được áp dụng theo chính sách "ngụ binh ư nông" của nhà Lê, nghĩa là quân đội địa phương thời bình chuyển sang "nông binh".
Năm Khải Định thứ 9 (1924), vua phong sắc thôn Đồn Điền, tổng Thủ Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, thờ phụng thần quan đồn điền triều Lê Tô Chính Bảo tự là Chính Đạo. Ngoài ra, đền còn thờ một số vị có công khác và thờ Tứ vị Thánh nương.
Theo cụ Dần, lễ ăn tết lại vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch hằng năm để dân làng ghi nhớ công lao đánh đuổi giặc của thành hoàng Tô Chính Đạo. Tết Nguyên đán xưa, vì giặc đến mà binh lính phải ra trận, không được ăn tết. Sau khi thắng giặc trở về, tướng quân họ Tô đã làm lễ khao quân và cho lính của mình ăn tết lại. Từ đây, dân làng lấy ngày này ăn tết lại, có khi còn to hơn tết chung truyền thống.
Thế hệ trẻ vui tươi, no ấm của làng Đồn Điền (ảnh chụp lúc chưa có dịch) - Ảnh DUY CƯỜNG
Đổi thay vùng đất nghèo
Sự hiểu nhầm được truyền miệng từ ngày ngôi đền khởi công xây dựng. Cụ Uông Ngọc Dần kể: "Dân làng mời thầy địa lý xem thế đất. Ông chỉ hai ụ đất phán đây là cái bút, cái có quai cầm là nghiên mực. Rằng con cháu làng sẽ đỗ đạt khoa cử, sinh người hiền tài nên khuyên làng xây dựng đền ở đây. Nhưng làng còn có một thầy địa lý nữa do không được mời xem nên tức giận, một lần ông ra khu đất rồi phán: hai trụ kia là đòn gánh và cái bị, cả làng sau này sẽ đi ăn mày tứ xứ".
Cụ Dần cho biết tin xấu lan truyền, chính cụ và một cụ từ nữa ở đền phải vác đơn đi kiện. Cuối cùng, họ phải về tận làng xin lỗi công khai, nhưng tiếng "làng ăn mày" vẫn bay khắp miền.
Các cụ cao niên gặp nhau ở đền làng trò chuyện thời nghèo khó của làng đã qua rồi. Cụ Tô Ngọc Hân, 91 tuổi, vẫn rất minh mẫn kể lại thời khó khăn nhất là năm 1980, khi làng chịu cơn bão lớn. Ở làng biển, nhà chỉ là những túp lều mái lá, tường đắp bùn. Bão lớn giội xuống đã cuốn phăng tất cả. Nhiều người dân bị nước lũ cuốn trôi mất tích, người nào bám được vào khúc tre thì còn sống.
"Năm đó, nhiều người làng Đồn Điền đúng là phải đi xin ăn thật, vì nếu không sẽ chết vì đói. Nếu có cứu trợ như giờ thì chúng tôi cũng chẳng phải đi xin ăn đâu" - một cụ già kể.
Sau Đổi mới, đời sống người dân dần no ấm, ai cũng chăm chỉ làm ăn. Cây lúa không mọc trên cát được thì người dân đi làm thuê mua gạo, biển khó đánh bắt vì bãi ngang thì dân đổi nghề buôn bán, làm ăn xa.
Nhưng dù có khó khăn đến mấy, con cháu vẫn được đến trường vì đời cha ông đã chịu thiệt thòi. Đồn Điền là đất hiếu học, nhiều người đỗ đạt thành danh. Làng có hai dòng họ lớn là họ "Tô" và họ "Uông" đã lập từ đường riêng trong đền với nhiều người thành đạt, uy tín.
Trưởng thôn Lê Đình Vy cho biết: "Mỗi thôn có hơn 1.000 nhân khẩu, mỗi năm cả xã có khoảng 20 cháu thi đỗ đại học. Có nhà 3 cháu học đại học cùng lúc như gia đình em trai tôi".
Về kinh tế, nguồn thu nhập của người dân khá đa dạng, từ làm công nhân cho khu công nghiệp ở xã bên đến bán hàng rong ở khắp các tỉnh thành. "Nghề bán hàng rong này rất được" - ông Vy cho hay.
Gánh hàng rong gồm lịch treo tường, sách tử vi, mẹo vặt, kim chỉ, bật lửa, dao kéo... Chính vợ ông Vy là người nhập hàng đến các tỉnh cho người làng. Mẹ của trưởng thôn 6 Lê Ngọc Dũng cũng buôn bán trong Nam, sau tết vì dịch giã nên bà chưa vào vội.
Làng còn được hưởng lợi nhiều dự án kinh tế, trong đó có đường ven biển nối các khu kinh tế dọc đất nước vừa khánh thành. Nhiều người trẻ đã về quê làm kinh tế, mở resort ven biển, "Tôi thấy đời sống mọi mặt của người dân đã đổi thay nhiều" - anh Uông Ngọc Tân, cậu chủ trẻ của khu du lịch mới nổi của làng Đồn Điền, tự hào nói.
Tự nhận người "làng ăn mày"
"Thời nghèo khó, nhiều làng có một vài người đi ăn xin chứ không riêng gì Đồn Điền, nhưng không nơi nào bị mang tiếng cả làng ăn xin như làng tôi. Nhiều ăn mày ở tứ xứ lên thành phố, lúc bị bắt họ lại giả mạo khai báo rằng họ ở Quảng Xương, Thanh Hóa để được thả. Đây cũng là nguyên nhân làng luôn bị mang tiếng xấu ăn mày" - ông Lê Đình Vi, trưởng thôn 1, bức xúc.
Cậu học trò lớp 3 bán hàng rong: ‘Con đi bán chứ không đi ăn xin’TTO - Thấy cậu học trò nhỏ nhắn buôn bán dễ thương, nhiều người khách gọi tới cho tiền. Cậu bé không nhận, nói: 'Con cám ơn, con đi bán hàng chứ không đi ăn xin'.
Từ khóa » đi ăn Mày
-
ĐI ĂN MÀY | Phim Ngắn Siêu Hài Hước Sinh Viên Hay Nhất Gãy TV
-
Nhạc Chế Qua Dịch Đi Ăn Mày Mùa Dịch Thiếu Nợ Tè Le Cực Hay ...
-
đóng Cửa đi ăn Mày Là Gì? - Từ điển Thành Ngữ Tiếng Việt
-
Từ Điển - Từ đóng Cửa đi ăn Mày Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Bí Quyết Thành Công Của Gã ăn Mày - OSC Việt Nam
-
Ăn Xin – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đang Xem Mục Từ: Đóng Cửa đi ăn Mày - Từ điển Thành Ngữ Việt Nam
-
Sự Thật Về “làng ăn Mày” đóng Cửa đi ăn Xin Ngày Tết - Tiền Phong
-
Đi "ăn Mày" để Làm Từ Thiện - Bài Thi đạt Giải Ba Cuộc Thi Viết "Sáng ...
-
Lạ đời Combo Dụng Cụ ăn Xin được Rao Bán Với Giá Cao Không Tưởng
-
150+ Hình ảnh ăn Mày ăn Xin Hài Hước đẹp Cười (ảnh ăn Mày Cái ...
-
Top 14 đi ăn Mày
-
'Ăn Mày Mặt đen' Cầm đầu Gà, Xúc Xích Trừng Mắt ăn Xin - VTC News