Trở Ngại Ngăn EU Mở Rộng Cửa Với Ukraine - VnExpress

Đầu năm 2014, phong trào biểu tình nổ ra ở Ukraine để phản đối xu hướng thân Nga của tổng thống Viktor Yanukovych, sau khi ông từ chối ký một thỏa thuận lớn với Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc biểu tình đó, người dân Ukraine đã vẫy cờ EU, như lời tuyên bố muốn xích lại gần với phương Tây.

8 năm sau, khi đối mặt với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Ukraine một lần nữa thể hiện mong muốn này, khi nộp đơn yêu cầu sớm được gia nhập EU. Moldova và Gruzia, hai nước láng giềng Ukraine, cũng đưa ra yêu cầu tương tự, với mong muốn tìm kiếm sự bảo vệ từ liên minh 27 thành viên.

"Liên minh châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn khi có chúng tôi", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc họp trực tuyến với Nghị viện châu Âu tuần này. "Hãy chứng minh rằng các bạn sẽ sát cánh và không bỏ rơi chúng tôi".

Theo giới chuyên gia, trở thành thành viên EU có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột. Tư cách thành viên EU có thể hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự vì các nước EU bị ràng buộc bằng hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước "đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình".

Hơn nữa, gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ukraine và giúp Kiev có thêm những lợi ích bổ sung khác như tự do đi lại trong toàn khối và một loạt những đặc quyền được cấp riêng cho công dân EU.

EU đang nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Chỉ trong vài tuần, khối đã hành động như một cường quốc quân sự, khi chuyển hàng triệu euro hàng viện trợ và vũ khí cho Ukraine. Các nước thành viên cũng đang tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn từ Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vỗ tay sau bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels hôm 1/3. Ảnh: AP.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (áo xanh) vỗ tay sau bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Brussels hôm 1/3. Ảnh: AP.

Nhưng một điều mà EU khó có thể làm là đẩy nhanh quá trình gia nhập, bẻ cong các quy tắc để cho phép Ukraine và các nước khác nhanh chóng trở thành thành viên liên minh.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 24/2, Ukraine vẫn chưa sẵn sàng bắt đầu đàm phán gia nhập EU. Báo cáo mới nhất của liên minh về tiến trình cải cách của Kiev, được công bố vào tháng 12/2020, chỉ ra nước này vẫn chưa giải quyết được tình trạng tham nhũng và các vấn đề về pháp quyền, bất chấp những nỗ lực cải thiện thể chế, đặc biệt là tòa án.

Mở rộng liên minh nhanh chóng chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với EU. Trong nhiều thập kỷ, họ đã do dự về việc hướng đông, khi vấp phải nhiều vấn đề sau khi kết nạp một số quốc gia từng thuộc Liên Xô, bởi không phải tất cả trong số họ đều đáp ứng đủ yêu cầu về quản trị và chống tham nhũng mà khối đề ra.

Các lãnh đạo EU cũng lưu ý rằng nỗ lực hướng đông của khối, giống như NATO, sẽ phạm vào "lằn ranh đỏ" mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra.

"Chính sách nửa vời với Đông Âu được những người theo chủ nghĩa thực tế ở các nước EU giải thích là cách không làm phật lòng Nga, tránh gây bất ổn", Rosa Balfour, giám đốc Viện nghiên cứu Carnegie ở Brussels, Bỉ, nói.

Nhưng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine dường như đã phá hỏng mối quan hệ giữa Moskva và phương Tây. Phương Tây nhanh chóng lên tiếng phản đối chiến dịch của Nga, đồng thời tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay với Moskva.

Dù EU đã tích cực hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột này, khả năng khối cho phép Ukraine, Gruzia và Moldova trở thành thành viên ngay trong thời gian tới là điều gần như không thể, theo nhiều quan chức và nhà ngoại giao ở Brussels.

Ngay cả ý tưởng trao cho họ tư cách ứng viên dường như cũng là một bước đi quá xa với EU. Liên minh châu Âu thành lập vào những năm 1950 với 6 thành viên và tới nay có 27 thành viên. Một số người cho rằng số thành viên này là quá lớn để liên minh có thể duy trì bản sắc và bộ nguyên tắc thống nhất. EU đã nhiều lần thẳng với các thành viên như Hungary và Ba Lan trong duy trì các tiêu chí của mình.

"Với tư cách Liên minh châu Âu, chúng tôi phải hành động phù hợp với từng thời điểm. Nó rất khó khăn, bởi chúng tôi biết luôn có những quan điểm khác nhau ở châu Âu", Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói sau lời kêu gọi nhanh chóng kết nạp của Tổng thống Ukraine. "Hội đồng sẽ phải xem xét nghiêm túc yêu cầu đã được đưa ra. Chúng tôi sẽ phải đưa ra những lựa chọn phù hợp một cách thuyết phục và rõ ràng".

Gia nhập EU là một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức. Để được trao tư cách ứng cử viên, một quốc gia phải tuân thủ "tiêu chí Copenhagen", bộ tiêu chuẩn liên quan tới dân chủ và nền kinh tế.

Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình khó khăn này. Có 35 chương trong chính sách đàm phán gia nhập, mỗi chương liên quan tới một lĩnh vực chính sách, trong đó các nước ứng viên được yêu cầu thực hiện những thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn của EU.

Việc thực hiện mỗi lĩnh vực chính sách có thể kéo dài trong nhiều năm. Bất kỳ tiến độ nào đều được đánh giá liên tục dựa trên các tiêu chuẩn đối với tòa án và hệ thống tư pháp của nước ứng viên, cũng như chất lượng của các thể chế dân chủ. Chúng bao gồm các vấn đề pháp quyền như thẩm phán độc lập, loại bỏ tham nhũng và bảo vệ nền báo chí tự do.

Một số thành viên EU hiện tại, như Hungary, Ba Lan, Bulgaria hay Romania, vẫn chưa hoàn thành một trong số những tiêu chuẩn khắt khe đó.

EU hiện có 5 quốc gia trong danh sách ứng viên, gồm Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hồ sơ của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đóng băng và khó có khả năng tiếp tục hoàn thiện, nhưng những nước còn lại đang trải qua nhiều năm đàm phán và cải cách.

EU từ lâu đã rất tích cực với Ukraine, một phần do Quan hệ Đối tác hướng Đông với các nước từng thuộc Liên Xô, trong đó có Gruzia, Moldova, Armenia, Azerbaijan và Belarus. Brussels đã nới các hạn chế thị thực cho người Ukraine và cung cấp lượng lớn viện trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật, cũng như tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên.

Nhưng tư cách thành viên liên minh là một vấn đề khác. Cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker hồi tháng 3/2016 từng nói cần ít nhất 20-25 năm để Ukraine có thể gia nhập EU và NATO.

Giới chuyên gia cho rằng khi tư cách thành viên đầy đủ chưa khả thi với Ukraine trong tương lai gần, Brussels cần có hành động thiết thực nào đó đối với Kiev và hai nước láng giềng.

"EU có nhiều không gian để thể hiện một hành động mạnh mẽ nào đó với Ukraine mà không phải đưa ra những lời hứa hẹn hão huyền", Balfour nói. "Lời hứa giúp gia nhập nhanh chóng sẽ là một trong những điều hão huyền như vậy".

Thanh Tâm (Theo NY Times)

  • Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu
  • Lý do NATO từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraine
  • Hỗ trợ vũ khí cho Ukraine - con dao hai lưỡi với phương Tây
  • Vì sao Ukraine muốn nhanh chóng gia nhập EU?

Từ khóa » Eu Từ Chối Ukraine