“Tròn, Vuông, Tam Giác” Và ý Nghĩa Của Hình Học Trong Thiết Kế

Thành công của một sản phẩm thiết kế đồ họa dựa vào rất nhiều yếu tố như ý tưởng, bảng màu, thông điệp… Và bước đầu tiên để tạo ra một hình ảnh tốt chính là hiểu được ý nghĩa của hình học trong thiết kế, sau đó kết hợp chúng để truyền tải câu chuyện của bạn. Trong bài viết này, Arena sẽ cung cấp cho bạn những hình học cơ bản có mặt trong mọi ấn phẩm thiết kế đồ họa và chức năng chính của chúng.

Mọi vật thể xung quanh chúng ta đều mang một hình dáng nhất định và chúng đại diện cho những ý nghĩa khác nhau tạo nên thế giới muôn màu muôn vẻ. Những nghệ sĩ đầu tiên đã học vẽ bằng cách ghép nối hoặc cắt nhỏ các hình học cơ bản. Nhờ vào ý nghĩa đa dạng trong nó, hình học mang tính xây dựng và kể chuyện rất cao, nó là công cụ giúp các Designer giao tiếp với khách hàng và người xem.

Nguồn: 99design

Đôi khi người ta gọi nó là ngôn ngữ hình học hay tâm lý hình học. Hiểu về ý nghĩa của chúng sẽ giúp các Designer truyền tải câu chuyện và cảm xúc thông qua sản phẩm của mình. Ngược lại, việc sử dụng các hình học một cách bừa bãi sẽ tạo ra những thông điệp phức tạp, sai lệch mục tiêu ban đầu.

Cách phân loại hình học

Dưới góc độ hình học, mọi sự vật đều là sự kết hợp giữa các hình cơ bản nên việc thống kế số lượng của chúng kèm với ý nghĩa là quá trình không bao giờ có hồi kết. Đầu tiên, chúng ta cần phải phân loại các hình dáng có cùng ý nghĩa hoặc bề ngoài vào cùng một nhóm. Dưới đây là một số cách phân loại hình học mà bạn có thể tham khảo

Nguồn: 99design

Cơ bản và phức tạp: Các hình học cơ bản thường thấy là hình vuông, hình tam giác, hình tròn bao gồm dạng 2D và 3D của chúng. Còn hình học phức tạp có hình dáng lớn hơn được tạo ra từ các hình cơ bản.

Hữu cơ và vô cơ: Hình dạng hữu cơ xuất phát từ thế giới tự nhiên như hình dáng của một cành cây hay sườn đồi. Chúng có độ cong nhiều hơn và ít đối xứng hơn các hình dạng vô cơ với những đường nét thẳng và cứng từ các máy móc nhân tạo và tòa nhà.

Trừu tượng và cụ thể: Những hình dạng trừu tượng được cấu tạo từ các hình học cơ bản hoặc phức tạp. Chúng thường được sử dụng như một biểu tượng. Chẳng hạn như thiết kế hình người tạo nên bởi các hình tròn, tam giác, chữ nhật được dùng để phân biệt nhà vệ sinh nam hay nữ ở nơi công cộng. Loại hình dáng được sử dụng tùy thuộc vào ngữ cảnh và văn hóa của từng đất nước.

Nguồn: 99design

Ý nghĩa của các hình học cơ bản

Có lẽ bạn cũng sẽ có một mối quan tâm như đa số Designer là nếu như mọi thứ đều được tạo nên bởi hình học thì làm sao chúng ta biết được đâu là sản phẩm của sự kết hợp các hình học và đâu là hình học nguyên bản.

Trong các bản vẽ đơn giản, các hình dạng thường được xác định bởi đường viền hoặc màu sắc. Còn trong thực tế, chúng được xác định bởi ánh sáng và bóng tối. Những yếu tố tưởng chừng không liên quan gì đến nhau vẫn có thể tạo nên một hình dạng thống nhất. Minh chứng rõ ràng nhất là các văn bản, các chữ cái tách biệt đứng cạnh nhau tạo nên từ ngữ, nhờ vào việc ghép các câu từ và căn chỉnh sẽ tạo ra một văn bản hoàn chỉnh với nhiều đoạn văn hình dạng ô vuông, chữ nhật.

Đó là ví dụ cho cách thức mà một hình dáng có thể được tạo ra. Sau đây, chúng ta sẽ cùng khám phá ý nghĩa của từng hình học.

Hình vuông

Nếu nói mọi hình học là các khối độc lập tạo nên mọi vật thể trên thế giới thì hình vuông chính là “khối” theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Hình vuông biểu hiện cho tính ổn định, bất di bất dịch, khiến người ta liên tưởng đến những tòa nhà chọc trời và các căn nhà cao tầng. Các công trình nhà ở và nơi làm việc thường được cấu trúc bởi những ô vuông để đảm bảo độ vững chắc. Tính chất này được áp dụng vào cả nhân tướng học, những ai có vai vuông vức sẽ tạo nên thần thái mạnh mẽ, oai phong với tính cách điềm tĩnh, đáng tin và nghiêm khắc.

Nguồn: 99design

Ý nghĩa của hình vuông:

  • Ổn định
  • Cứng rắn
  • Có sức nặng
  • độ tin cậy
  • Sức mạnh
  • Sự nghiêm túc

Hình tròn

Hình tròn đối lập với hình vuông: những đường tròn biểu hiện cho sự dịch chuyển liên tục. Chúng khiến ta liên tưởng đến bánh xe hay những quả bóng đang nảy. Nếu hình vuông vững chắc như những viên gạch thì hình tròn nhẹ bẫng và thường đem lại cảm giác thân thiện. Từ đó, hình tròn tạo nên cảm giác vui tươi, tinh nghịch thường thấy trong các thiết kế hướng đến trẻ em. Mặt khác, hình tròn không có điểm bắt đầu và kết thúc cũng tượng trưng cho sự vĩnh cửu, các chu kỳ tuần hoàn như chu trình mọc và lặn của mặt trời.

Nguồn: 99design

Ý nghĩa của hình tròn:

  • Nhẹ nhàng
  • Hạnh phúc
  • Trong sáng
  • Dịch chuyển
  • Vĩnh cửu

Hình tam giác

Mặc dù không phải là hình dạng duy nhất có các đường thẳng và điểm nút nhưng các cạnh hình tam giác tạo nên cảm giác sắc bén hơn hẳn hình vuông và khiến chúng ta liên tưởng tới các mũi nhọn. Hình tam giác biểu tượng cho sự nguy hiểm. Bên cạnh đó nó còn mang tính định hướng, chẳng hạn như hình ảnh mũi tên hay công trình Kim tự tháp được thiết kế ngụ ý hướng tới thiên đường. Tùy thuộc vào một số nền văn hóa và tôn giáo, tam giác đôi khi có thể biểu trưng cho tín ngưỡng.

Nguồn: 99design

Ý nghĩa của hình tam giác:

  • Sắc bén
  • Nguy hiểm
  • Định hướng
  • Tôn giáo

Xem thêm các bài viết:

  • Thắp đam mê, rinh quà về nhân dịp Arena Đống Đa thay đổi diện mạo
  • Tọa đàm: Trường học hay Trường đời cùng sinh viên trường Đại học Đại Nam
  • 6 cách cắt giảm chuyển động không cần thiết trong làm phim hoạt hình
  • Nâng tầm nghệ thuật thiết kế Typography: Khi con chữ kể câu chuyện thương hiệu của mình
  • 6 bí quyết trở thành Designer sáng giá trong ngành Sáng tạo
  • Arena Đống Đa – Diện mạo mới, năng lượng mới

Ý nghĩa của các hình dạng hữu cơ

Các hình dạng hữu cơ có nhiều điểm tương đồng với hình tròn bởi chúng đều được tạo nên bởi những đường cong uốn lượn. Sự gắn liền với thiên nhiên đã tạo nên tính biểu tượng cho sự nhẹ nhàng và an lành. Nhưng các hình dạng hữu cơ có xu hướng kém ổn định hơn hình tròn, mỗi đường cong đều có sự riêng biệt mà không hề có tổ chức hay tính đối xứng. Vì thế, hình hữu cơ mang lại cảm giác tự do và mong manh.

Nguồn: 99design

Ý nghĩa của hình dạng hữu cơ:

  • Tự do
  • Tự nhiên
  • Bay bổng
  • Mong manh
  • Khó đoán

Các hình dạng trừu tượng

Hình dạng trừu tượng đại diện cho các biểu tượng được tạo nên bởi hình ảnh và các hiểu biết về ngữ cảnh và các nền văn hóa để tạo nên các tầng ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, trong một số nền văn hóa, thánh giá tượng trưng cho bốn mùa, còn trong Công giáo, nó tượng trưng cho hình ảnh Chúa bị đóng đinh.

Tương tự như thế, trong cuộc sống hàng hàng, biểu tượng bánh hamburger với ba đường thẳng song song dùng để biểu thị cho thực đơn. Nhưng những người chưa từng tiếp xúc với công nghệ cũng như món ăn đó sẽ không thể nào hiểu được điều đó. Từ đây, ta thấy việc sử dụng các hình dạng trừu tượng phải gắn liền với hiểu biết về văn hóa, bạn nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu loại hình dạng này thật kỹ trước khi sử dụng vào thiết kế của mình.

Nguồn: 99design

Truyền tải thông điệp thông qua hình học như thế nào?

Hãy nhìn vào hình vẽ dưới đây, có gì đặc biệt trong việc sử dụng đường nét khi thiết kế nhân vật này? Designer đã không dùng hoàn toàn hình tam giác mà sử dụng các đường cạnh chéo sắc nét của nó để cấu tạo nên nhân vật. Bạn có thể hiểu được ý nghĩa của từng hình dáng cơ bản nhưng làm sao để kết hợp nó trong một thiết kế toàn diện là điều chưa bao giờ là dễ dàng.

Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy tham khảo tác phẩm của các Designer nổi tiếng để học hỏi cách sử dụng hình dạng sao cho đặc sắc. Nguồn: 99design

Trừ khi bạn theo đuổi chủ nghĩa tối giản hoàn toàn, thiết kế của bạn phải được kết hợp bởi nhiều hình dạng khác nhau cùng một lúc. Nếu bạn đang muốn đi theo một ý nghĩa lớn của hình tròn, hãy đảm bảo nó được ưu tiên hơn trong thiết kế của mình. Kết hợp đa dạng các đường tròn một cách khéo léo sẽ giúp bạn nhấn mạnh ý nghĩa của nó hơn các hình dạng khác có trong thiết kế.

Nguồn: 99design

Ý nghĩa của các hình dáng chỉ được truyền tải tốt nhất khi thiết kế của bạn đủ tốt để gợi ra cảm giác cho khách hàng, chứ không phải bởi những lời diễn giải. Bạn phải giữ cho các hình dạng độc lập không bị quá tải và tách rời khỏi bố cục tổng thể. Chỉ cần sử dụng vừa đủ các hình dạng và chăm chút hơn trong việc sắp đặt các chi tiết, thiết kế của bạn sẽ thăng hoa ngay thôi!

Hình học mang tính quyết định trong thiết kế

Các hình dạng cơ bản có sức mạnh tuyệt vời trong mọi thiết kế. Nó tạo nên vẻ đẹp toàn diện cho bản vẽ và truyền tải thông điệp mà bạn cài cắm. Hiểu hết ý nghĩa của chúng chỉ mới là bước khởi đầu trong việc kể chuyện bằng hình ảnh một cách tinh tế và hiệu quả. Để thuần thục việc sử dụng hình học hay bất kỳ kỹ năng nào trong thiết kế, bạn cũng cần bỏ nhiều thời gian và công sức để luyện tập. Vì thế hãy kiên trì tìm hiểu thêm các kiến thức cũng như bắt tay vào thiết kế để đánh thức tiềm năng thật sự trong bạn ngay hôm nay.

Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn.Kỳ I: Graphic Design (Thiết kế Đồ hoạ)Kỳ II: Web & Digital Design (Thiết kế Web & Ứng dụng Kỹ thuật số)Kỳ III: Filmmaking & Game Design (Làm phim KTS & Thiết kế Game)Kỳ IV: 3D Animation (Hoạt hình 3D)Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/Đăng ký tư vấn chương trình học tại : https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/

Lan Hương Nguồn tham khảo: DribbleDịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia

Từ khóa » Nhân Vật Hình Tam Giác