Trong 3 Năm Tới Việt Nam Vay Hơn 2 Triệu Tỉ đồng, Phải Trả Nợ 1,1 ...

Trong 3 năm tới Việt Nam vay hơn 2 triệu tỉ đồng, phải trả nợ 1,1 triệu tỉ - Ảnh 1.

Quản lý hiệu quả tài chính, có giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước đảm bảo an toàn nợ công - Ảnh: TL

Phó thủ tướng Lê Văn Khái vừa ký ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022 - 2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.

Mục tiêu đặt ra là để đảm bảo mục tiêu huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách, bao gồm thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước.

Do đó, theo quyết định của Thủ tướng, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2024 tối đa khoảng 2 triệu tỉ đồng. Trong đó vay cho ngân sách trung ương là 1,9 triệu tỉ đồng, vay về cho vay lại là 117.000 tỉ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ trong giai đoạn này là trên 1,1 triệu tỉ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp là 971.000 tỉ đồng, trả nợ với các khoản cho vay lại khoảng 145.000 tỉ đồng.

Riêng trong năm 2022, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa là 673.546 tỉ đồng. Bao gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương là 646.849 tỉ đồng, vay về cho vay lại là 26.697 tỉ đồng.

Nguồn vay sẽ huy động linh hoạt từ các công cụ như phát hành trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ.

Vay thông qua vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài hoặc khi cần thiết vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng trong năm nay, Chính phủ dự kiến trả nợ là 335.815 tỉ đồng, gồm trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 tỉ đồng và trả nợ của các dự án cho vay lại là 35.966 tỉ đồng.

Thủ tướng yêu cầu cần chủ động bố trí nguồn để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Đối với các khoản bảo lãnh Chính phủ của cả giai đoạn, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh đã được phê duyệt.

Đối với các địa phương, Thủ tướng cũng yêu cầu khống chế mức bội chi và nợ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, với mức bội chi cho giai đoạn này là 0,3% GDP hằng năm.

Riêng trong năm 2022, địa phương vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn trong nước là khoảng 28.637 tỉ đồng. Trả nợ chính quyền địa phương là 6.111 tỉ đồng.

Thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ với các khoản vay

Để thực hiện hiệu quả quản lý nợ công, kế hoạch vay và trả nợ, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tiếp tục có giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Thực hiện phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương 2022, đảm bảo bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và dự toán hằng năm từ 2022 để thanh toán đầy đủ, đúng nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh của các dự án thực hiện theo hình thức BT, không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia và uy tín Chính phủ.

Nghiêm túc thực thi các cam kết, tránh tình trạng phối hợp không hiệu quả, không hết trách nhiệm dẫn tới việc chậm trả nợ.

Đại biểu tranh luận nới trần nợ công lên 51%, đề nghị thận trọng Đại biểu tranh luận nới trần nợ công lên 51%, đề nghị thận trọng

TTO - Một số đại biểu Quốc hội đề nghị nới trần nợ công để có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, song có ý kiến tranh luận lo ngại tăng trần nợ công sẽ ảnh hưởng an toàn nợ quốc gia.

Từ khóa » Nợ Chính Phủ Của Việt Nam