Trồng Bắp Biến đổi Gen: Năng Suất Cao Nhưng Nông Dân Vẫn E Ngại

In bài Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trồng bắp biến đổi gen: Năng suất cao nhưng nông dân vẫn e ngại
Cán bộ kỹ thuật Công ty Syngenta Việt Nam kiểm tra hiệu quả trồng bắp BĐG tại cánh đồng xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).
Cán bộ kỹ thuật Công ty Syngenta Việt Nam kiểm tra hiệu quả trồng bắp BĐG tại cánh đồng xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).

BR-VT là một trong 6 tỉnh, thành trong cả nước gồm Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk và Đồng Tháp được chọn khảo nghiệm trồng các loại giống bắp biến đổi gen (BĐG). Hiện toàn tỉnh có hơn 100ha diện tích trồng loại bắp này, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Đức. Theo đánh giá của các hộ nông dân, bắp BĐG có nhiều ưu điểm đặc biệt như kháng sâu bệnh, kháng cỏ, giảm chi phí và cho năng suất cao.

Gia đình ông Trần Kim Tuyến (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) được Công ty Syngenta Việt Nam hỗ trợ giống bắp BĐG NK66 Bt/GT để trồng thử nghiệm trên 3,7 ha từ năm 2014. Theo ông Tuyến, với giống bắp BĐG này, ông hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu, trong khi các giống bắp thường, phải phun khoảng 4 cữ thuốc trừ sâu. Do không có sâu gây hại nên trái bắp đều hạt, năng suất cao. “Nhờ vậy, mỗi vụ tôi tiết kiệm được khoảng 30-40% chi phí thuốc BVTV, công lao động. Với giá bắp từ 5.000-6.000 đồng/kg, năng suất 7-8 tấn/ha, tôi thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Đây là vụ thứ 4 tôi trồng loại bắp này”, ông Tuyến cho biết.

Thấy được hiệu quả của giống bắp BĐG, vụ Đông Xuân 2016, ông Nguyễn Văn Hiển (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cũng đã trồng thử nghiệm 4 sào giống bắp NK66 Bt/GT. Kết quả cho thấy ưu điểm của giống mới này hạn chế được sâu bệnh từ lúc nảy mầm đến ngày thu hoạch. “Tôi rất mừng vì có thể giảm được chi phí thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà không lo về sâu bệnh so với giống bắp lai thường trước đây. Vụ Hè Thu, tôi đã chuyển sang trồng hơn 1,2ha giống bắp mới này”, ông Hiển cho biết.

Tuy mang lại hiệu quả nhưng thời gian qua, giống bắp BĐG vẫn chưa được nhiều nông dân đưa vào sản xuất. Ông Bùi Lê Phi, nhân viên Công ty Syngenta Việt Nam phụ trách thị trường BR-VT cho biết, từ năm 2015 đến nay, bắp giống BĐG bán tại BR-VT chỉ vào khoảng 2 tấn. Theo ông Phi, bà con nông dân vẫn e ngại trồng bắp BĐG khi tiêu thụ sẽ gặp khó khăn, nên chưa dám mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, công ty cũng giải thích cặn kẽ và cam kết sẽ phối hợp với các cơ sở thu mua bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.

Ông Phi cho biết thêm, ngoài những giống đã được công nhận, hiện công ty đang tiến hành trồng khảo nghiệm các giống bắp lai bằng công nghệ xử lý khác nhau nhằm chọn ra giống tốt và giải pháp tối ưu nhất để chuyển giao cho nông dân. Tại BR-VT, Syngenta đang khảo nghiệm cả trăm giống bắp lai để lựa chọn ra được 70 giống cho vụ kế tiếp và tiếp tục chọn lựa 30 giống cho vụ sau, cuối cùng chỉ còn lại 1 hoặc 2 giống cho giai đoạn này. Toàn bộ quá trình tuyển chọn hạt giống mất khoảng 4 năm mới có thể đưa được 1 giống ra thị trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mô hình khảo nghiệm bước đầu cho thấy, bắp BĐG hạn chế được việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đối với những vùng trồng trọt dễ bị sâu bệnh, loại cây này là một lực chọn tối ưu. Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp một số công ty khảo nghiệm diện rộng một số giống bắp BĐG, từ đó đánh giá rủi ro đa dạng sinh học và môi trường, trước khi quyết định cho trồng đại trà hay khôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam Hiện phải nhập khẩu hơn 4 triệu tấn bắp để sản xuất thức ăn chăn nuôi và chủ yếu là nhập bắp BĐG. Do đó, nếu các cuộc khảo nghiệm thành công, các giống bắp BĐG không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và môi trường sẽ là điều kiện tốt để nông dân mở rộng diện tích trồng, góp phần giảm áp lực nhập khẩu.

Bài, ảnh: NGÔ THANH (Nguồn: baobariavungtau.com.vn)

© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU Đơn vị chủ quản: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ghi rõ nguồn "www.baria-vungtau.gov.vn" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Từ khóa » Giống Bắp Lai Biến đổi Gen