Trong Bộ Phim điện ảnh “Tặng Bạn Một đóa Hoa Nhỏ Màu đỏ” Có ...

Hai gia đình chống chọi với căn bệnh ung thư, hai quỹ đạo cuộc sống. Bộ phim mang đến một câu chuyện thực tế đầy ấm áp, suy xét và nhìn thẳng vào vấn đề sau cùng mà mỗi con người bình thường đều phải đối mặt – cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, điều duy nhất ta có thể làm là yêu và trân trọng.

(Cảnh báo có spoil)

[1]

1. “Xin chào, có muốn xem khối u trong não tôi không?”

Nhất Hàng trong không khác gì so với những cậu bé 18 tuổi đang trong thời kì trưởng thành bình thường khác. Trừ một điểm, đầu cậu có khối u.

Lúc phẫu thuật, bác sĩ bảo cậu nghĩ đến gì cũng được. Thứ cậu nghĩ đến không khác gì nhữngcậu bé 18 tuổi đang trong thời kì trưởng thành bình thường khác: những nơi xa xôi đẹp đẽ và những cô gái xinh đẹp. Tuy đã điều trị khỏi nhưng lúc nào Nhất Hàng cũng nhắc nhở người khác và chính bản thân, cậu là một bệnh nhân ung thư. Thấy mẹ cậu cò kè mặc cả, cậu đùa rằng bà đang làm lãng phí cuộc đời cậu; bảo cậu tự giới thiệu, cậu hỏi người ta có muốn xem khối u trong não mình không. Bởi vì ung thư như quả bom hẹn giờ không thể gỡ, chẳng ai biết được nó sẽ nổ lúc nào. Đối mặt với nỗi sợ có thể biến mất bất cứ lúc nào, Nhất Hàng lựa chọn tỏ ra lạnh lùng: với cuộc sống, cậu giả vờ phớt lời; với mọi người, cậu giả vờ không để ý. Phớt lờ cuộc sống, cậu sẽ không phải sợ sẽ biến mất nữa. Huống chi cuộc sống từ nhỏ tới lớn của cậu rất nhạt nhẽo: lúc đi nhà trẻ chưa bao giờ nhận được hoa đỏ, từ tiểu học đến trung học chưa bao giờ được nhận phần thưởng, vậy thì có gì để lưu luyến chứ. Không để ý ai, sẽ không có quan hệ gì với họ, trước lúc mất sẽ không có tổn thương, đau đớn, đấu tranh. Đến cả với ba mẹ, hở một tí cậu cũng cau có.

Gì mà chiến thắng bệnh tật, gì mà tạo ra kì tích, bọn họ chỉ là một đám ngốc bị “nhiệt huyết học” tẩy não, hăng máu phô trương bản thân mà thôi.

Khối u trong cơ thể có thể cắt bỏ, nhưng khi u trong tâm trí thì sao?

2. “Thằng nhóc nhà tôi cuối cùng cũng trưởng thành rồi”.

Ông trời vẫn thiên vị cậu, cho cậu gặp một cô bé xinh đẹp, đặc biệt còn rất chủ động: giúp cậu quay phim tài liệu, mời cậu đi ăn xiêng nướng, đưa cậu đến công viên dã sinh, biết cậu thích thế giới bên ngoài bèn tìm người chuyên nghiệp cùng cậu chia sẻ, đưa cậu đi khám phá khắp nơi trong thành phố.

Còn cậu, miệng thì nói nhạt nhẽo, nhưng lại lặng lẽ dõi theo weibo của cô, biết Trương đại sư là do cô mời tới vẫn phải chọc một phen; đơn giản chỉ vì cậu muốn thể hiện sự “đặc biệt” của mình hay muốn trở nên “đặc biệt” hơn trước mặt cô. Thậm chí cậu còn như một thiếu nữ, ngồi sau xe đạp điện để người ta chở về nhà, trước khi đi ngủ nằm đọc đi đọc lại lịch sử trò chuyện, ngắm ảnh của người ta, hồi tưởng lại những chuyện vào ban ngày. Đôi tay xấu hổ lại bất an, thái độ đá viên đá dưới ngọn đèn đường, cứ thế, bức tường băng trong lòng cậu thiếu niên dần tan chảy hoàn toàn.

Cậu dần hiểu được, niềm vui của người bình thường là gì, tương lai dường như cũng không còn xa xôi như trước nữa.

3. “Làm người, được sống là tinh, khí, thần”.

*Dân gian Trung Quốc có câu “Thiên hữu tam bảo nhật nguyệt tinh, nhân hữu tam bảo tinh khí thần” (Tự nhiên có ba thứ quý là mặt trời, mặt trăng và các vì sao; con người có thứ quý là tinh, khí và thần) (tham khảo ở Tĩnh Tâm Lăng – Gppeace).

Khi phát hiện mọi sự cố gắng của mình đều uổng phí, bạn sẽ như thế nào? Oán trách ông trời không buông tha mình? Đẩy những người mình yêu thương ra xa? Đây toàn là những điều thường tình của con người mà thôi.

Nhất Hàng rất may mắn. Gặp được ông chủ tiệm tóc giả nhiệt tình tốt bụng, và cả cô bé xinh đẹp chủ động. Ông chủ tiệm tóc giả dùng kinh nghiệm bản thân kể cho cậu rằng: “Làm người, được sống là tinh, khí, thần”; cô bé xinh đẹp giúp cậu bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của riêng mình, mở mắt ngắm nhìn thế giới xung quanh: không ai sống dễ dàng cả, mọi người đều phải chiến đấu với cuộc sống.

Cuối cùng cuộc đời cậu thiếu niên cũng có được một lần chủ động: chủ động tỏ tình với cô bé ấy, chủ động quyết định đi đến phương xa.

4. “Cậu bị bệnh rất khổ sở, nhưng người xung quanh còn khổ sở hơn”.

Nhiều người diễn tả rằng: “Nếu đã bệnh bẩm sinh thì tôi không chữa trị nữa, để dành tiền cho ba mẹ dưỡng lão, sớm ch.ết sớm đầu thai”.

Vì để kiếm tiền, cuối tuần nào ba cậu cũng đi lái xe, vì để tiết kiệm tiền, tan làm xong ngày nào mẹ cậu cũng đi ngắt rau; họ hàng thân thích dốc túi hỗ trợ cho bệnh tình của Hàng Hàng, đến nỗi không tiếc bán nhà bán xe. Rốt cuộc là cậu có tài cán gì, cuộc đời cậu vốn đã không có giá trị, tại sao lại làm liên lụy đến người thân, bạn bè, lãng phí công sức của biết bao nhiêu người như thế? Tôi là một người trưởng thành, tôi kiếm tiền bằng cách của bản thân, làm chuyện bản thân muốn làm, vậy cũng sai sao?

Nhưng rồi bạn sẽ hiểu ra rằng, cơ thể của bạn không chỉ là của riêng bạn, mà còn là của gia đình bạn.

Khi tôi học tập và làm việc ở nước ngoài, ba mẹ giục tôi mau về nước định cư mua nhà, có một hôm, trong lúc vội vã, tôi nói: “Tiền của mình ba mẹ cứ để dành cho bản thân đi. Mua nhà, đầu tư gì cũng được, không mua nổi nhà Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến thì mua nhà ở thành phố cấp hai cấp ba, ba mẹ muốn nghỉ ngơi dưỡng lão ở chỗ nào thì mua chỗ đó; còn phần con, ba mẹ không cần lo lắng, không cần để cho con đồng nào đâu. Cuộc sống là của ba mẹ mà”. Không ngờ ba tôi nghe xong liền cúp máy, sau đó tôi nghe mẹ kể, tối đó ông tức giận mãi thôi.

Cha mẹ cả ngày lo lắng, tăng ca làm thêm kiếm tiền là vì kéo dài cuộc sống cho bạn, để gia đình 3 người có thể vui vẻ bên nhau. Bạn tự chà đạp cuộc sống của bản thân, chẳng phải là đang bất ngờ bóp chết hy vọng của họ sao.

Tôi từng gặp những bệnh nhân giai đoạn cuối từ bỏ trị liệu, tận dụng những khoảnh khắc cuối cùng để làm những việc mình muốn làm, nắm chắc từng giây từng phút để tận hưởng, trải nghiệm, trao đi và nhận lấy yêu thương. Ba mẹ của họ sau khi khuyên nhủ và bàn bạc, cuối cùng cũng ủng hộ họ. Người một nhà, có chuyện gì, giải quyết với nhau được thì tốt, đến trong niềm vui, ra đi trong thanh thản.

5. “Nếu có một ngày con không còn nữa, ba mẹ sẽ sống thế nào?”.

Vi Nhất Hàng cuối cùng cũng biến thành Mã Tiểu Viễn.

Những gì Vi Nhất Hàng trải qua, Mã Tiểu Viễn cũng trải qua trong thời thơ ấu của mình, nên đối với sự lạnh lùng, từ chối, vô cớ gây sự, chán nản ủ rũ của cậu, cô mới có thể không so đo tốt xấu, sắp xếp giúp đỡ cậu tiến đến ánh mặt trời. Người được yêu thương sẽ biết cách yêu thương người khác phải không nào? Cuối cùng cậu cũng đã hiểu được sự kiên trì của ông chủ tiệm tóc giả, cũng học được cách quan tâm một người bố lạ mất con, học được cách thể hiện tình yêu, sự đồng hành bằng hành động.

Vi Nhất Hàng cuối cùng cũng biến thành ba mẹ mình.

6. “Tặng cậu một đóa hoa nhỏ màu đỏ”.

Tặng cậu một đóa hoa nhỏ màu đỏ, khen thưởng cho lần đầu tiên tích cực chủ động trong đời cậu.

Tặng cậu một đóa hoa nhỏ màu đỏ, nếu chúng ta lạc mất nhau, trong đám đông, cậu hãy giơ tay lên, tớ sẽ nhìn thấy cậu.

Cừu là một loài động vật rất hòa đồng, nếu không vẽ lên chúng sẽ không biết được con nào là của ai.

“Trong thế giới song song, một phiên bản khác của cậu và tớ đang sống một cuộc sống khác. Chúng ta có thể từng bước học tập, yêu đương, kết hôn, sinh con; bà nội mỗi ngày đều có thể đón cháu; ba và con gái có thể cùng nhau nếm đồ ăn, chơi vòng quay ngựa gỗ”.

Thế giới song song, là cậu, là tớ, là hàng ngàn hàng vạn phiên bản của chúng ta. Những người bình thường chúng ta đang sống một cuộc sống mà những người đang cận kề cái chết không thể nào có được.

[2]

Tôi vừa mới coi xong lúc chiều, cũng không tính là ngẫm lại thấy bất ngờ, mà chỉ là những chi tiết mà tôi chú ý thôi.

1. Trong bữa cơm của các bệnh nhân, Vi Nhất Hàng nhặt được bức ảnh Ngô Hiểu Muội chụp cùng người yêu rơi ra từ ví tiền của ông, không thấy rõ mặt người yêu của ông, nhưng có thể thấy rõ chiếc đầu trọc đặc trưng cho việc phải cạo tóc để chống chọi với căn bệnh ung thư, Ngô Hiểu Muội mặc một chiếc áo sơ mi có hình trái tim cầu vồng. Ở cuối phim, trong thế giới song song, người hàng ngày đưa cơm cho Ngô Hiểu Muội thích biểu diễn tương thanh chỉ xuất hiện 2 cánh tay.

Có lẽ Ngô Hiểu Muội và người yêu đều thuộc cộng đồng LGBT+.

Ngô Hiểu Muội nói: Tôi ra ngoài bao nhiêu năm, đã đến lúc quay về phụng dưỡng cha mẹ rồi.

Thật ra chuyện này rất bất đắc dĩ, tựa như người vì ông chống lại cả thế giới ngày ấy đã không còn nữa, dù tình yêu của người ấy vẫn lưu lại nơi đáy lòng, nhưng vì người ấy đã mất, ông đã quá mệt mỏi khi phải một mình kiên trì biết bao năm, trong thế giới gốc ông còn có rất nhiều sứ mệnh và nhiệm vụ phải thực hiện.

Tôi nghĩ Ngô Hiểu Muội không hề từ bỏ, chỉ là cha mẹ đang đợi ông, đợi ông rất lâu rồi.

2. Vì để trả lời câu hỏi “Nếu có một ngày con không còn nữa, mẹ và ba sẽ sống thế nào” của con trai, ba mẹ của Vi Nhất Hàng đã đặc biệt quay lại video. Có một đoạn khi đi qua đèn giao thông, ba của Vi Nhất Hàng nói: “Quay đèn tín hiệu trước đi, khi nào đèn xanh rồi hãy quay chúng tôi”.

Đèn xanh sáng lên, camera chuyển sang ba mẹ Vi Nhất Hàng, mẹ đang nắm lấy tay ba, đi qua con đường băng qua phía đối diện, bên cạnh chật kín những người cùng qua đường, từ lúc trong camera chỉ có hai người họ cho đến khi họ trộn lẫn vào trong đám đông, nếu không dõi theo thật kĩ sẽ không nhận ra họ nữa.

Lúc Vi Nhất Hàng quay video phỏng vấn có nói: “Mỗi người trong chúng ta đều không phải những hòn đảo cô độc”. Có lẽ ai cũng là hòn đảo cô độc, hoặc cũng có thể ai cũng có sợi dây liên kết với thế giới bên ngoài, tôi cũng không rõ nữa. Nhưng cũng giống như khi qua đường, dù ta đến từ đâu, đi về đâu, chỉ cần bước xuống phố, đợi trước đèn tín hiệu, cuối cùng rồi cũng sẽ hòa mình vào biển người, giống như mỗi người khác, sống hết đời người trong dòng người đến rồi đi. Sự cô đơn, niềm vui, nỗi buồn trên con đường này, cùng ngọn đèn liều mình phát sáng hy vọng được nhìn thấy, cuối cùng rồi cũng sẽ trở thành một tọa độ mờ nhạt trong chiều thời gian.

Nếu kết quả đã định sẵn là mờ nhạt, vậy hãy để bản thân tận hưởng quá trình thoải mái nhất.

[3]

Chi tiết mà tôi ấn tượng nhất, ngẫm lại thấy bất ngờ nhất là:

Trên đường Mã Tiểu Viễn và Vi Nhất Hàng ngồi xe lửa đi Thanh Hải, Vi Nhất Hàng nhìn thấy một đàn cừu trên thảo nguyên, nhưng trên mỗi con cừu có in những màu khác nhau. Khi hỏi người dân tộc Tạng “Sao lại in màu khác nhau lên những chú cừu”, người dân tộc Tạng nói: “Cừu là một loại động vật rất hòa đồng, nếu không dùng màu sắc phân biệt chúng, sẽ không phân biệt được con nào là của ai”. Đây là một mật hiệu, cũng là vấn đề mà Mã Tiểu Viễn và Vi Nhất Hàng không ngừng tranh luận ở cảnh trước, tại sao bệnh nhân ung thư phải vờ như người bình thường, bệnh nhân ung thư có thể giống người bình thường sao? Liệu họ có thể hòa vào cuộc sống của người bình thường mà không bị phân biệt đối xử? Rất nhiều chi tiết trong bộ phim đều chứng minh, bệnh nhân ung thư sẽ rụng tóc, phẫu thuật xong đầu sẽ trọc nhưng họ luôn cố gắng sống như người bình thường. Họ kéo nhau đến tiệm tóc giả của Ngô Hiểu Muội, đội tóc giả, cổ vũ lẫn nhau, không muốn mình bị nhìn với ánh mắt khác biệt.

Ở cuối phim, trên người tất cả chú cừu được được in một bông hoa nhỏ, cùng nhau chạy băng băng trên thảo nguyên, không còn biết chú cừu nào là của ai nữa. Cảnh trước hô ứng với cảnh sau, mơ hồ thể hiện rằng, bệnh nhân ung thư cũng có thể tỏa sáng như ánh mặt trời, tràn đầy hy vọng với tương lai, hòa nhập với người bình thường, có được quyền mưu cầu hạnh phúc như chúng ta.

[4]

Có một người phụ nữ ăn xin bế con đến gõ cửa xe xin tiền, mẹ của Vi Nhất Hàng khi ấy đang rất đau đớn vì bệnh tình của con trai, bà hạ cửa xe xuống, vừa nói với người phụ nữ ăn xin rằng: “Con cô có mắc bệnh không? Tại sao cô không tự dùng sức của mình để kiếm sống?”, vừa móc tờ 100 tệ đưa cho người phụ nữ ấy. Mẹ của Vi Nhất Hàng trong phim đến cả đi mua thức ăn cũng phải cò kè mặc cả, vì tiếc 5 tệ đỗ xe mà kì kèo không ngừng, thế nhưng vào khoảnh khắc ấy, bà lại cho người phụ nữ ăn xin 100 tệ.

[5]

– Sau khi Vi Nhất Hàng cãi nhau với ba mẹ và chạy ra ngoài, ba đến tiệm tóc giả đón cậu, lúc ba cậu nói chuyện, trên cửa sổ ở bối cảnh phía sau có ghi chữ “bình an”, kết hợp với cuộc nói chuyện trên bàn ăn của hai cha con, thật sự rất lấy nước mắt.

– Khi ba của cô bé xuất hiện ở đầu phim bón cơm cho con, cô bé kể rằng các y tá nói ông không ăn cơm, ông nói dối với con rằng mình đã ăn thịt bò kho tàu ở bên ngoài rồi, cuối cùng cô bé ấy qua đời, người ba ngồi ở ngoài cổng bệnh viện nhớ về con gái. Sau đó ông được tặng một hộp cơm thịt bò kho tàu, trên đó kí tên: “con gái”.

– Ánh đèn lam lục (khi Mã Tiểu Viễn và Vi Nhất Hàng) “đi khám phá” trong hầm đông gió có ý nghĩa như đi ngắm cực quang, đoạn Mã đưa Vi đi khám phá chợ, công trường và nhiều nơi khác lãng mạn quá đi mất.

– Vi Nhất Hàng và Mã Tiểu Viễn đi nhảy quảng trường, trải nghiệm cuộc sống của người già, trong video ba mẹ Vi Nhất Hàng gửi cho con trai cũng có đoạn đi nhảy quảng trường. Tôi thật sự rất thích đoạn video ba mẹ gửi cho Vi Nhất Hàng.

– Trong video ba mẹ gửi cho con trai có xuất hiện cảnh trong bộ phim “Cút ngay! U Quân”*, bộ phim đó cũng là do đạo diễn này quay.

*Cút ngay! U Quân: Bộ phim do Hàn Duyên chỉ đạo diễn xuất, kể về cuộc đời của một cô gái bị ung thư máu.

– Bệnh đau bao tử của người bố không biết thế nào… Tôi nghĩ không phải ông ấy không đi khám, mà là không dám khám, lỡ như bệnh tình xấu đi thì phải tiêu tiền dùng để chữa bệnh cho con.

Tạm thời tôi chỉ viết được nhiêu đây, muốn đi xem lại vài lần nữa quá, mọi người đều diễn rất tốt, làm khán giả vừa cười vừa khóc, cuộc sống có nhiều điều không mong muốn, nhưng chúng ta vẫn phải sống thật tốt!

Post Views: 1,780

Từ khóa » Gửi Cho Bạn Một Bông Hoa Nhỏ Màu đỏ