'Trong Bóng Người Xưa' Một Cảnh Giới đầy Hoa Gió (phần 1)

Đỗ Minh Tuấn -

Những người tình cũ, những bạn bè xưa, những người vô danh đã vĩnh viễn dưới mồ và những tiền nhân phủ bóng lên sông núi. Nhưng cái thế giới của bóng người xưa trong thơ Nhơn không phải là thế giới ma quái của liêu trai hay của phim kinh dị, mà đã có lúc trở thành một cảnh giới thi ca dịu lành thanh thản đầy gió, đầy hoa, nơi mọi lẽ đời mọi chân lý, lãng quên và bất hạnh chung sống trong một cõi từ bi khi thi nhân bừng ngộ chân lý Thiền trước một nụ cười hay một cánh hoa bất chợt...

Một chút hoài cổ, một chút ưu tư, một chút se bực dọc lòng trước những đổi thay của thế thái nhân tình, thơ Lê Thiếu Nhơn lắng đọng những cảm xúc suy tư và chiêm nghiệm của một người tình thủy chung, nhân hậu trong những chia xa và mất mát của tình yêu. Nhà thơ chống lại hư vô, chống lại lãng quên bằng mọi cách. Người xưa, gió xưa và những kỷ niệm xưa ám ảnh từng ngày sống của thi nhân, nhưng vĩnh viễn chẳng bao giờ trở lại. Nỗi tiếc nuối của M. Proust, kẻ miệt mài tìm lại thời gian đã mất thấm sâu từng câu chữ trong thơ anh. Nhà thơ như kẻ bị quá khứ hút hồn, trở nên dửng dưng chán ngán và bất lực trước đô thị của thời hiện tại, một thứ thùng rỗng kêu to hào nhoáng bên ngoài để ma mị che giấu hàng triệu kiếp người đau khổ. Cho nên thi nhân chẳng buồn đối thoại. Anh ngoái đầu về quá khứ đối thoại với những tiền nhân "râu tóc bạc phơ" về những nỗi đau văn hóa có tầm thời đại được nén lại, thấm sâu và cô đặc lại trong những ẩn dụ thi ca mang dáng dấp thơ xưa...

grdgdrgdf

"Trong bóng người xưa" - tập thơ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, NXB Văn Nghệ - Hội nhà văn TP HCM xuất bản.

Nhân tình áo giấy vẫn ngồi đâu đây

Khi thế kỷ 21 ưỡn ngực đứng vênh vang ngoài ngưỡng cửa, hàng tỷ người hân hoan chào đón, mở champagne, bắn pháo hoa, gửi thông điệp hy vọng tương lai, thì nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đón chào thế kỷ mới bằng cặp mắt dè dặt, bằng ngón tay gõ phím ngập ngừng và một tuyên ngôn hướng về quá khứ, lấy quá khứ làm thước đo giá trị của cuộc đời:

Gõ lên bàn phím bài thơ kỳ vọng thế kỷ 21Chiều càng xa càng nhớHương càng xa càng nồngGõ ngập ngừng từng ngón tay co rútThiên hạ lạ lùng hơn chúng ta tưởng tượngCuộc sống thế mới vui, mình sống thế mới buồn

Nhà thơ hiểu cái tâm thế ấy của mình không đem lại niềm vui. Nhưng những xích xiềng của quá khứ vẫn níu kéo anh hướng nhìn về những dòng sông muôn thuở, những ngọn núi trầm tư tự ngàn xưa, chứ không nhảy tưng tưng trong những niềm vui nông nổi như lối sống của lớp trẻ thời đại mới. Mỗi câu thơ bài thơ của Lê Thiếu Nhơn là một cái ngoái nhìn về quá khứ với bao nhiêu run rẩy, thăm dò và nuối tiếc của một tâm hồn nhạy cảm bị tổn thương trước cuộc sống ồn ào kệch cỡm của đô thị thời đổi mới hôm nay.

Thơ Lê Thiếu Nhơn là những mờ chồng giữa bao ảnh hình trong veo thiêng liêng bất tử của quá khứ trong những không gian giả trá và trần tục của đời sống hiện tại. Nhưng trong sự mờ chồng hỗn dung giằng xé đó, quá khứ bao giờ cũng quyến rũ, âm vang:

Lời dặn dò hoa rụng ngày xưaĐã thăm thẳm môi người đi khuấtMột cơn giông đề phòng cả buổi chiềuTôi ngồi nhớ những mùa mưa hành khất(Kỷ niệm chưa đem bán)Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yênNhớ xôn xao áo người qua phốĐi cho hết tiếng caVề cho đầy mâm cỗTa se lạnh ngọn gió thời yêu nhau...Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yênChỉ một màu hoa cũng thăm thẳm niềm riêng(Ngổn ngang một màu hoa)Hoa nở đầu cảnh nỗi vắng mùi hương

(Giấc mơ trời sáng)

Cái màu hoa "quá cảnh trần gian" của ngày xưa ấy lúc nào cũng ám ảnh đè nặng lên thơ Nhơn, thổi vào trong tâm hồn anh cái khát khao tìm lại thiên đường đã mất. Cỏ cây hoa lá hôm nay vẫn sinh sôi nảy nở, nhưng không còn hồn vía cũ, bông hoa chỉ còn là cái xác vì mùi hương đã vĩnh viễn ướp vùi trong những kỷ niệm xưa. Hiện tại chỉ là cái cớ để thức dậy những hình ảnh cũ, chỉ là chiếc gương soi tỏ bóng người xưa, kích thích trong thi nhân cái hứng khởi khai quật những nấm mồ ký ức. Trong khung cảnh đó, cái câu thơ Nhân tình áo giấy vẫn ngồi đâu đây gợi lên một cái nhìn tìm kiếm của nhà thơ hướng tới những hình nhân quá khứ. Và trong cái tâm thế tìm kiếm ấy, những vẻ đẹp quyến rũ của người xưa vẫn ký sinh rời rạc vào thân xác và dáng hình hiện tại để hiện về, để ám ảnh, để tái sinh. Nhà thơ thấy đường cong của người thiếu nữ năm xưa vẫn sống trong dáng hình những thiếu nữ hôm nay:

Người con gái trẻ dại tình duyên trướcChiều nay cười mơ ước cũ bình yênNhững đường cong còn nguyên trong bóng áoTreo phập phồng những khao khát đàn ông...

(Ảo giác không nguôi)

Ngày xưa Vua Tự Đức muốn đập vỡ gương ra để tìm hình bóng cũ, xếp tàn y lại để giành hương của người vợ yêu đã lìa đời. Nay Lê Thiếu Nhơn cũng đập vỡ những mảnh đời hiện tại ra để tìm kiếm người xưa, nhưng không tìm thấy những ảnh hình cụ thể, những mùi hương cụ thể, mà chỉ tìm thấy những đường nét thi ca, những đường cong thân thể gợi tình của thời dĩ vãng. Nhà thơ không như kẻ ngắm kỷ niệm và cổ vật trong bảo tàng ký ức, mà giống như người khảo cổ, đào bới mãi vào trong lòng thời gian, không gian và tâm tưởng để tìm kiếm dấu vết của ngày xưa, người xưa, dù chỉ là một mảnh gió, một mảnh trăng, một đường cong thân thể, một ngọn cỏ vu vơ... Nhà thơ chăm chút nâng niu từng mảnh vụn quá khứ ấy, xếp đặt chúng vào trong trí nhớ thi ca những gì của trời đất và tình người đã chia cho anh. Không trách móc, không níu gọi người tình quay trở lại, Lê Thiếu Nhơn không gây sự với tương lai dù biết tương lai đó đã thuộc về kẻ khác. Nhưng ta thấy rõ Lê Thiếu Nhơn đăm đăm nhìn vào quá khứ bằng cái nhìn canh giữ của một chiến binh văn hóa kiên cường, không cho những kỷ niệm thiêng liêng biến thành hàng hóa. Nhà thơ đau trước cảnh người đời rao bán những kỷ niệm thiêng liêng:

Từng kỷ niệm mang ra từng buổi chợKhuyến mãi gì để bảo hành niềm tin?

(Kỷ niệm chưa đem bán)

Chỉ với mấy câu thơ bâng quơ vậy thôi mà ta thấy hiện lên cái ý nguyện của một thi nhân muốn đem thi ca chống lại cái ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản vốn coi tất cả mọi thứ từ đất đai, đến thánh thần và những giấc mơ là hàng hóa có thể mua bán trao tay được. Trong nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ có nỗi đau của con người thời đại đồng tiền lên ngôi trộn với cái ý chí kiêu hùng của kẻ sĩ muốn giải cứu cả thế giới mộng mơ khỏi cạm bẫy tân kỳ của những con buôn.

Phải nghĩ về ngày xưa để sống

Cái nhìn đăm đăm vào cõi thời gian đã vụt mất trong thơ Lê Thiếu Nhơn không phải là cái nhìn của kẻ ngu trung canh giữ hồn xưa, mà là cái nhìn hoài cổ của con người hành động. Nó hé lộ một chiều kích văn hóa lớn - văn hóa ký ức đang bị mất dần đất sống trong thời đại hôm nay để nhường chỗ cho văn hóa lựa chọn hướng tới những gì chưa có đang có và sắp có ló dạng trong những mô hình, những tín hiệu của tương lai. Phải nghĩ về ngày xưa để sống - Đó là một tuyên ngôn văn hóa biểu lộ một cách rõ ràng và tự tin sự lựa chọn của nhà thơ.

Bảo vệ quá khứ không chỉ là canh giữ bảo tàng, mà phải bảo vệ tận gốc rễ văn hóa của nó là khả năng sống sót của ký ức trong thời đại hôm nay. Một câu hỏi lớn ám ảnh thi nhân: Một ngày áo ướt ai hay? Một làn sương mát, một thoáng rùng mình cũng cần được sẻ chia, được lưu giữ trong kỷ niệm của tha nhân. Đó là tâm thế của người đang yêu, cũng là tâm thế của người nhân hậu biết nâng niu từng mảnh vụn của cuộc đời. Ta thấy nhà thơ kiểm kê từng ngày sống, từng bước chân đi, từng chiếc ghế ngồi... để xem nó có còn có khả năng lưu dấu ấn trong trí nhớ người đời như thuở xưa không, hay chúng sẽ trôi qua trước những cặp mắt dửng dưng. Vì anh hiểu rằng sự thất bại của một ngày sống được đo bằng sự thờ ơ của đồng loại, sự thờ ơ khiến cho những giấc mơ của nhà thơ trở nên bơ vơ:

Một ngày tôi đi quaNhư tiếng hát Digan lầm lỡNhư bông hoa vẫn thênh thang đóGiữa muôn ngàn thờ ơBơ vơ một giấc mơBiết lấy gì chống đỡ...

(Một ngày vội vã)

Cái khao khát lưu giữ dấu vết trong kỷ niệm khiến nhà thơ ngoái tìm dấu vết của từng hành vi, từng khoảnh khắc, từng ngày sống:

Rời khỏi một chỗ ngồiBóng đen còn ở lạiBất giác cười chơi vơi

(Một ngày vội vã)

Một cái ngoái nhìn và một nụ cười thật bí hiểm, giống như một thứ thám tử triết học, thám tử thi ca luôn ngoái nhìn phía sau để khám phá những điều bí ẩn của tâm hồn và thời cuộc. Cái bóng sau lưng dường như là một ám ảnh thẳm sâu trong tâm thức nhà thơ:

Mỗi bàn chân bước quaCòn thương bóng mát ở lại bên đường

(Ngõ về nhạt nắng)

Nhà thơ ngoái nhìn lại bóng đen trên chiếc ghế vừa ngồi, ngoái nhìn lại bóng cây sau mỗi bước chân đi, giống như một người luôn ngoái lại phía sau để canh giữ bóng. Nhưng thương cái bóng cây là một tình thương rất lạ. Nó có vẻ giống như tình thương của nhà Phật, thương từ con chim cái kiến bằng tình thương của những kẻ đồng thân phận vì nhà Phật tin rằng những sinh vật kia là những mắt xích của Duyên, Nghiệp nối liền với số kiếp của ta trong vòng quay vĩnh cửu của luân hồi. Nhưng cái bóng mát kia đâu phải là kiếp sau hay kiếp trước của ta mà ta có thể thương? Tình thương ấy là một chiều kích mới của cảm xúc thi ca khởi phát từ sự hòa điệu cộng sinh của tâm hồn thi nhân vói muôn vật muôn loài, muôn hình tướng, từ vũ trụ mênh mang vô tận đến những gì mong manh hư ảo nhất. Bóng mát ấy chính là hiện thân của đời ta trong một khoảnh khắc của quá khứ dịu lành, là dấu vết của ta trong chuỗi mắt xích liên hoàn tạo nên tâm hồn và số phận, ta phải biết nâng niu...

Không chỉ ngoái nhìn bóng cây trên đường, bóng mình trên ghế, nhà thơ còn luôn ngoái nhìn những bóng người đã khuất, bóng những tiền nhân thấp thoáng sau sử sách, vì bóng người xưa có ẩn giấu một phép thiêng của văn hóa có thể tiếp thêm năng lượng sống cho anh trong cảnh ngộ bị đô thị ma mị bao vây. Giữa đô thị với những phố thị phi và phố văn chương, nhà thơ chỉ ngại gặp kẻ tầm thường đắc chí – Ánh mắt ấy kiêu hãnh quá trời ơi. Tâm hồn thơ Lê Thiếu Nhơn nhạy cảm đến lạ kỳ, một ánh mắt của kẻ đắc chí hôm nay có thể làm anh tổn thương, ngần ngại, nhưng một ánh mắt của người ngư dân vô danh đã khuất vẫn có phép lạ soi sáng cho anh. Nhà thơ không ngần ngại bật mí cho ta biết anh đã lấy ánh sáng và sinh lực từ một bóng ma, đó là người ngư dân vô danh mà đôi mắt đã khép lại nhiều đêm - Vẫn rọi sáng tôi ngọn đèn kỳ lạ ((Phía tối ngọn đèn). Quá khứ là nguồn sống, nguồn cảm hứng, nguồn thơ nên ta thấy cả tập thơ Trong bóng người xưa luôn phập phồng cái cảm giác lo âu sợ mất đi quá khứ. Nhà thơ luôn ngoái đầu nhìn về quá khứ để níu giữ, để canh chừng, để khao khát phục sinh những ảnh hình, những buồn vui say đắm và mơ mộng thở xưa:

Nghe dòng sông càng trôi càng sợ hãiNhững bãi bờ hẹp hòi cỏ dại cứ đong đưaTôi đứng ngóng cánh buồm vắng mấy mùa thu...Nghe dòng sông càng trôi càng cô độc...Tôi cúi đầu bước ngược chiêm bao...

(Có lẽ dòng sông trôi)

Trong thời đại ngày nay, người ta đang chuyển dần từ văn hóa ký ức sang văn hóa lựa chọn hướng về tương lai. Thông điệp của văn hóa hướng về tương lai là "Khi yêu đừng quay đầu lại" như tiêu đề của một bộ phim sắp ra đời, vì ngoái nhìn về quá khứ là sẽ gặp những bóng ma kinh dị. Nhưng Nhơn lại luôn quay đầu nhìn về quá khứ để tìm kiếm những bóng ma:

Ngỡ đi ngược cơn gióCó thể gặp mùa thu

(Ngụ ngôn bằng ngũ ngôn)

Ngổn ngang như màu hoa tháng ChạpXa vắng giật lùi câu hát ngẩn ngơSống một ngày nặng trĩu giấc mơNgười yêu trăng đứng bên kia ký ức

(Bóng nhỏ qua đêm)

Mỗi ngày sống của thi nhân không phải là một ngày tiến tới đích tương lai, mà là một ngày bước xa dần những chiêm bao cũ. Nói theo cách ví von của Nieztche, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn giống như kẻ bện thừng luôn bước lùi đi về tương lai. Và cái mới, cái hay của thơ Lê Thiếu Nhơn không phải là tâm trạng hoài cổ tràn ngập trong thơ phương Đông xưa, mà ở chỗ cái hoài cổ đó vừa mang trong nó cái tâm thức thiền sư vừa pha trộn hơi thở của thế thái nhân tình thời hiện tại, giống như pha nước vào trong lửa mà lửa không tàn lụi, pha thực vào cõi ảo làm cho những ký ức mơ hồ hư ảo càng trở nên quyến rũ, pha quên vào trong nhớ lại càng nhớ khôn nguôi.

(Còn tiếp)

Từ khóa » Hình Bóng Người Xưa Phim