Trồng Cây Không Chỉ để Gây Rừng...

Những người con cụ Rê giữa cánh rừng của gia đình
Những người con cụ Rê giữa cánh rừng của gia đình

Xanh lại những cánh rừng pơ mu, sa mu

Cánh rừng pơ mu của ông Vừ Vả Chống (55 tuổi, bản Huồi Đun), nằm ngay cạnh tuyến đường từ Huồi Tụ đi xã Na Loi, Keng Đu. Từ xa, nom cánh rừng như một chiếc ô xanh khổng lồ nổi bật bên cạnh những dãy núi trọc lóc, nham nhở. Cánh rừng quý giá này, là cả một kì tích của ông Chống. Khoát tay vào khoảng không trước mặt, ông Chống kể: Ngày xưa, vùng đất này bạt ngàn sa mu và pơ mu. Nhưng khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, đã bị đốn hạ rất nhiều. Chứng kiến những cây rừng ngã xuống, tôi đau xót lắm, cứ ấp ủ giấc mơ phải trồng lại rừng.

Thế rồi, ước mơ ấy đã đeo đuổi ông Chống suốt cả thời niên thiếu. Nhưng cũng phải đến năm 2000, Vừ Vả Chống mới có cơ hội thực hiện ý nguyện. Sau khi xuất ngũ, chàng trai trẻ làm đơn xin nhận 10ha để trồng rừng ở xã Huồi Tụ; rồi phải bán cả đàn bò để lấy tiền rong ruổi khắp nơi tìm mua giống cây pơ mu. Nhưng chẳng ai đồng tình ông Chống, kể cả người thân. Cái lý được mọi người đưa ra là: Bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư nhưng biết bao giờ mới thu lại vốn?

Chỉ vào những gốc cây pơ mu hai người ôm mới xuể, ông Chống vui vẻ: Giai đoạn đầu, do chưa hiểu cách trồng nên cây chết nhiều. Thêm nữa, phần vì nhiều người không hưởng ứng nên tôi băn khoăn. Nay, 10 ha ấy đã được phủ kín bằng pơ mu rồi. Cả một góc rừng đã xanh lại rồi.

Ông Vừ Vả Chống bên cây pơ mu cổ thụ
Ông Vừ Vả Chống bên cây pơ mu cổ thụ

Để “trụ” lại với đam mê, ông Chống trồng chè Tuyết Shan, bo bo xen lẫn vào những dãy pơ mu. Ngoài ra, ông còn làm trang trại chăn nuôi với hàng chục con bò, lợn đen. Đến nay, thu nhập từ cây chè, bo bo mang lại cho ông Chống gần 100 triệu đồng mỗi năm. Còn cánh rừng pơ mu, sa mu có khoảng 8.000 cây, có những cây đường kính đã gần nửa mét.

Ông Chống cười hào sảng: Nhiều người hỏi mua và trả giá 3 triệu đồng mỗi cây đấy. Nhưng mình không bán đâu, phải giữ lại cho con cháu, cho đời sau để lớp trẻ hiểu vốn quý của rừng chứ.

Cách đó nhiều dãy núi, có một cụ ông đã từng sở hữu hàng chục ha rừng pơ mu, sa mu ở xã Tây Sơn. Ấy là cánh rừng hơn 25 tuổi của cụ Vừ Pà Rê, ở bản Huồi Giảng 3. Cụ Rê qua đời, 5 người con của cụ đã nối nghiệp, chăm sóc và thực hiện giấc mơ dang dở của bố, là nhân giống, phủ kín những đồi núi trọc bằng pơ mu, sa mu.

Hơn 30 năm trước, những cánh rừng pơ mu hàng trăm tuổi ở Tây Sơn và nhiều nơi khác của huyện Kỳ Sơn bị đốn hạ, vận chuyển về xuôi. Thế rồi, những nuối tiếc, xót xa của người con bản Mông nơi rẻo cao đã ăn sâu vào tâm khảm cụ Rê; trở thành niềm day dứt, thành động lực, quyết tâm để cụ Rê phục hồi lại rừng pơ mu.

Năm 1996, cụ Rê bắt đầu vào nơi những cánh rừng pơ mu đã bị đốn hạ, tìm cây con về trồng trên những quả đồi ở gần bản. Rồi cụ rủ thêm các con cùng đi. Khi đã nhặt hết cây con, cụ Rê còn tìm tòi, học cách nhân giống bằng hạt. Cứ như vậy, trong khoảng 3 năm, bố con cụ Rê đã trồng được hơn 31 ha. Đến nay, cả mấy người con cụ Rê đã trồng tổng cộng 48 ha cây pơ mu.

Tôi băn khoăn vì rừng trồng nhưng lại rất dày, ông Vừ Giống Phử, người con thứ 5 của cụ Rê, kể rằng: Do ngày xưa sợ cây trồng xong sẽ chết, nên bố tôi yêu cầu phải trồng dày, lỡ cây này chết thì còn có cây kia. Tuy nhiên, sau khi trồng xong, do hợp với thổ nhưỡng, lại được chăm sóc tốt nên tỷ lệ sống sót rất cao. Cũng vì thế mà rừng cây khá dày.

Về Kỳ Sơn hôm nay, ngoài những cánh rừng tràm, xoan đâu, lát… còn là những cánh rừng pơ mu, sa mu xanh tốt. Từ những người tiên phong như bố con cụ Rê, đến nay nhiều người Mông ở xã Tây Sơn đã mang những giống pơ mu, sa mu phủ kín đồi núi trọc. Toàn xã hiện đã có 99 ha rừng pơ mu, sa mu. Còn ở xã Huồi Tụ, đã có hơn 30 hộ học tập mô hình của Vừ Vả Chống với hơn 8 ha.

Du khách tham quan rừng trồng sa mu, pơ mu ở xã Huồi Tụ
Du khách tham quan rừng trồng sa mu, pơ mu ở xã Huồi Tụ

Du lịch từ rừng

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An hào hứng: Du lịch ở vùng cao nói chung và vùng có đồng bào người Mông sinh sống nói riêng có tiềm năng rất lớn. Du lịch rất có triển vọng, những mô hình du lịch hiện nay không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên

Lời ông Cường đã khẳng định cho một hướng đi mới mẻ, nhưng hiệu quả nhiều mặt, đối với bà con người Mông nơi miền biên viễn xứ Nghệ. Đó là làm du lịch từ rừng. Cùng với khí hậu mát mẻ, có những vùng như Huồi Tụ, Mường Lống… được ví như “Sa Pa xứ Nghệ”, có nhiều bản làng còn giữ được mái nhà thâm nâu thời gian của gỗ pơ mu, sa mu; thì những cánh rừng pơ mu, sa mu… bạt ngàn đang là điểm dừng chân trong nhiều tuor du lịch trải nghiệm của du khách gần xa.

Nhận thấy cánh rừng pơ mu có nhiều tiềm năng du lịch, ông Vừ Vả Chống đã có ý định táo bạo, là xây dựng mô hình du lịch sinh thái. Ông Chống không giấu giếm: Nhà mình mới bắt tay làm du lịch thôi, còn sơ sài lắm nên vừa làm vừa học hỏi đã.

Nói rồi ông Chống chỉ tay lên phía đỉnh núi, nơi ông chừa lại một khoảnh đất trống với nhiều dự định. Ở trên đó, ông vừa thuê máy móc làm mặt bằng để xây một khu nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ, bãi đậu xe, sân bóng đá, bóng chuyền…

Kể về dự định xa hơn, ông Chống nói: Mình nhất quyết không bán rừng mà còn có dự định nhân rộng, để những dãy núi đã bị cạo trọc như hiện nay được phủ kín bởi sa mu, pơ mu như ngày xưa.

Một cây pơ mu cổ thụ có đường kính hơn 40cm trong rừng của cụ Vừ Pà Rê
Một cây pơ mu cổ thụ có đường kính hơn 40cm trong rừng của cụ Vừ Pà Rê

Còn mấy người con cụ Rê, cũng đang rục rịch cho những dự định làm du lịch sinh thái dưới cánh rừng pơ mu, sa mu của gia đình mình. Hiện con đường dẫn lên cánh rừng đã được ông Phử cho máy xúc san mặt bằng, để các phương tiện dễ dàng lên tới đỉnh. Anh em nhà ông Phử còn đóng những dãy ghế dài, xích đu để người tham quan nghỉ ngơi. Thời gian gần đây, cánh rừng đã trở thành điểm check-in nổi tiếng, thu hút nhiều người đến tham quan dù vẫn chưa được đầu tư nhiều.

Anh em ông Phử dự định, sắp tới sẽ đầu tư thêm nhiều hạng mục như các bậc tam cấp, nhà vệ sinh, các chòi nghỉ dưỡng… để bắt đầu phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp dịp hè sắp tới. Tôi tin lời ông Phử, tin những người Mông nơi rẻo cao xứ Nghệ: Người Mông mình lâu nay không quen làm cái này đâu (làm du lịch sinh thái). Không biết buôn bán, làm dịch vụ. Nhưng rồi cũng phải thay đổi, phải học thôi. Làm du lịch, ngoài có thêm thu nhập còn là cách để giữ rừng, quảng bá những giá trị từ rừng đến mọi người và muôn đời sau.

Những cánh đồng bạc tỉ trên cao nguyên trắng Bắc Hà

Từ khóa » Trồng Cây Pơ Mu